Nghị luận xã hội về tương quan nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần trong cuộc sống – Ngữ văn 12

Đang tải...

nhu cầu vật chất và tinh thần trong cuộc sống

Đề bài

Ngạn ngữ Ả Rập có câu: “Nếu tôi có hai cái bánh mì thì tôi sẽ bán đi một cái để mua hoa hồng, bởi vì tâm hồn tôi cũng cần ăn uống”.

Anh (chị) hay viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của mình về câu ngạn ngữ trên.

Hướng dẫn làm bài:

Bánh mìhoa hồng là hai từ quan trọng trong câu ngạn ngữ nêu trong đề bài. Nếu bánh mì chỉ những sản phẩm vật chất thì hoa hồng chỉ những giá trị tinh thần. Từ đó, có thể hiểu, đề bài yêu cầu người viết trình bày quan điểm của mình về tương quan giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần trong cuộc sống của con người.

Bài viết có thế triển khai các ý chính sau:

– Trong câu ngạn ngữ này, người Ả Rập dùng hai hình ảnh bánh mì và hoa hồng để chỉ những giá trị khác nhau trong đòi sống. Bánh mì vốn là thứ lương thực nuôi sống con người về thể xác, trong câu này được dùng để chỉ toàn bộ các sản phẩm mà con người tạo ra để đáp ứng những nhu cầu về vật chất. Hoa hồng là biểu hiện của cái đẹp, ở đây được dùng để nói về những gì đáp ứng nhu cầu tinh thần của con ngưòi. Như vậy, hai hình ảnh trong câu ngạn ngữ đã thể hiện đầy đủ những gì mà con người cần được thoả mãn để không ngừng nâng cao đòi sống của mình.

– Con người sống trước hết cần phải ăn, mặc, ở, đi lại, sản xuất… Muốn tồn tại, con người phải cần đến những sản phẩm vật chất như lương thực, thực phẩm, thuốc men, áo quần, nhà cửa, máy móc, xe cộ và biết bao nhiêu phương tiện khác nữa. Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu vật chất ngày càng nâng cao. Từ ăn no, mặc ấm, nâng lên thành ăn ngon, mặc đẹp. Từ nhà tranh vách nứa, tiến đến tường xây, mái ngói, bê tông cốt thép. Có vẻ như những đòi hỏi về vật chất của con người thời hiện đại là không có điểm dừng. Mọi nhu cầu dù cao sang đến đâu đều dần dần được đáp ứng. Trong xã hội văn minh, không ai nghi ngờ về tính hợp lí của những đòi hỏi về hưởng thụ vật chất của con người.

– Nhưng bên cạnh thể xác, con người còn có tâm hồn. Tâm hồn cũng cần được chăm sóc, nuôi dưỡng bằng các sản phẩm tinh thần. Các loại hình nghệ thuật mà con người không ngừng tạo ra chính là nguồn sống vô tận của tâm hồn. Những điệu nhạc, lời ca, những bài thơ, bức tranh, pho tượng, bộ phim… đều được sáng tạo nên để đáp ứng niềm khao khát thưởng thức cái đẹp của con người.

– Trong câu ngạn ngữ này, người Ả Rập đã xác định rất rõ tương quan giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Chỉ cần có hai cái bánh mì đã sẵn sàng bán đi một cái để mua hoa hồng, nghĩa là không đợi đến dư thừa về vật chất, no đầy về thể xác mới nghĩ đến tâm hồn. Đây là một tư tưởng hết sức đúng đắn. Nó đối lập vói quan niệm lệch lạc đề cao vật chất mà xem nhẹ đòi sống tinh thần.

– Ngày nay, khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão. Của cải vật chất được làm ra hết sức dồi dào. Các phương tiện sống vô cùng phong phú. Đã có những dấu hiệu cho thấy, nhiều người sùng bái vật chất, chăm sóc quá đáng phần thể xác, dẫn đến “bỏ đói” tâm hồn. Thực tế đó càng chứng tỏ sự minh triết, đúng đắn trong quan niệm sống của người Ả Rập.

(Lưu ý: Để có sức thuyết phục cao, bài viết cần kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng. Bài học rút ra cho bản thân phải gần gũi, thiết thực.)

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận