Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí – Các dạng bài tập làm văn lớp 9

Đang tải...

Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí

VI – NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỂ TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÍ

Những điều cần lưu ý

– Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí là bài nghị luận bàn về một tư tưởng, đạo lí có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống con người. Các tư tưởng, đạo lí đó thường được đúc kết trong những câu tục ngữ, danh ngôn, ngụ ngôn, khẩu hiệu, khái niệm. Ví dụ : Học đi đôi với hành ; có chí thì nên ; khiêm tốn ; khoan dung ; nhân ái ; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.:. Những tư tưởng đạo lí ấy thường được nhắc đến trong đời sống, song, hiểu cho rõ, cho sâu, đánh giá đúng ý nghĩa của chúng là một yêu cầu cần thiết đối với con người. Đứng về phương diện làm văn, biết trình bày ý kiến của mình về một vấn đề tư tưởng, đạo lí là một mục tiêu dạy học. Chúng ta khi học xong chương trình phải biết nêu và giải quyết một số vấn đề tư tưởng và đạo lí thông thường.

– Bài nghị luận về một tư tương, đạo lí có phần giống với bài nghị luận xã hội, sau khi phân tích sự việc, hiện tượng, người viết có thể rút ra những tư tưởng và đạo lí đời sống. Nhưng nó khác về xuất phát điểm và lập luận.

+ Về xuất phát điểm : Bài văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống xuất phát từ sự thực đời sống mà nêu ra tư tưởng, bày tỏ thái độ. Bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí, trái lại xuất phát từ tư tưởng đạo lí, sau khi được giải thích, phân tích, thì vận dụng các sự việc, thực tế của đời sống để chứng minh, nhằm trở lại khẳng định (hay phủ định) một tư tưởng nào đó.

+ Đây là nghị luận nghiêng về tư tưởng, khái niệm, lí lẽ. Các phép lập luận giải thích, phân tích, chứng minh, tổng hợp thường được sử dụng nhiều.

1. Ghi nhớ

– Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí và bàn về tư tưởng, văn hoá, đạo đức, lối sống… của con người.

– Yêu cầu nội dung của bài nghị luận này là phải làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích… để chỉ ra chỗ đúng (hay chỗ sai) của một tư tưởng nào đó, nhằm khẳng định tư tưởng của người viết.

– Bài viết phải có bô’cục ba phần ; có luận điểm đúng đắn, sáng tỏ, lời văn chính xác, sinh động.

2. Bài tập

Bài số 18. Cho văn bản sau :

“Không phải tất cả mọi người hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng đắc lực đều thường quên trách nhiệm giáo dục gia đình và quên duy trì một tập quán phát triển gia phong. Ngày nay, một số không ít những bậc cha mẹ sớm có ý thức trách nhiệm của mình đối với vấn đề giáo dục con cái, để con cái trở nên những người hữu dụng, đáng đề cao.

Trong những cuộc tiếp xúc tình cờ gần đây, tôi được biết một nữ bác sĩ đầy tài năng của bệnh viện phụ sản Từ Dũ là Trưởng khoa Phẫu thuật “sản khó” Mai Thị Công Danh chưa đầy 40 tuổi. Mặc dù rất bận rộn, với công tác thường gấp gáp, không giờ giấc do nghiệp vụ phẫu thuật, lại còn đảm nhận công việc điều trị – thường bị chiếm rất nhiều thời giờ nên lắm khi tới hơn 21 giờ đêm mới được rảnh tay lo chuyện gia đình, bà vẫn lo dạy dỗ con cái học hành tiến bộ. Chính bà cũng nêu gương cho con cái thấy rõ : cho dù đã là bác sĩ, bà vẫn học thêm ngoại ngữ, lấy bằng cao cấp về Anh văn và Nhật ngữ, cùng bằng Tiến sĩ Khoa học Việt Nam.

Một nữ bác sĩ khác, chuyên khoa điều trị về phổi và hô hấp trên tầng 8 Bệnh viện Chợ Rẫy là Nguyễn Thị Lệ cũng là người rất tận tâm trong việc giáo dục con cái, tận dụng thời gian ngay cả khi đang khám bệnh, điều trị cho bệnh nhân…

Đọc tới đây, chúng ta có thể nghĩ rằng : bài viết này có phần đề cao cá nhân những người có học thức, có địa vị cao. Trong xã hội ta đầy rẫy những người nhận giữ chức vụ cao, lại giàu có nữa, nhưng lại tắc trách trong công việc gia đình thì những trường hợp điển hình như trên phải được đề cao. Nếu mỗi người làm cha, làm mẹ đều tận tâm như vậy thì xã hội ta có nhiều may mắn biết mấy để vươn mình lên trong thịnh vượng và giảm thiểu những tội ác, những sai lầm của giới trẻ “con ông, cháu cha”.

Ở đây tôi cũng cần ghi lại tấm gương của một gia đình đã thành công trong việc duy trì nền nếp gia phong, giáo dục thành đạt con cái trở thành những con người hữu dụng cho xã hội và đất nước. Gia đình này cho rằng : “Gia đình chẳng những là căn bản của xã hội, quốc gia, mà còn là pháo đài và bệ phóng”. Đây là một tư tưởng mới mẻ, tôi tin rằng bạn đọc cần biết, qua một bài báo của Thảo Sương, đăng trong trang Cha mẹ và con cái của báo Phụ nữ, ngày 14-12-1994 mà tôi trích lại sau đây :

“Trước khi kể về mình, cô giáo Trần Bạch Diệp – Trường Hà Huy Tập 2, quận Bình Thạnh – đã nhắc đến ba mẹ cô với một tấm lòng biết ơn chân thành., Cô Bạch Diệp là chị cả của một đàn em tám đứa. Nhà tuy nhỏ, anh em đông, nhưng giữa anh em không hề xảy ra chuyện bất hoà nào khiến cha mẹ phải buồn lòng. Bởi vì họ đã được thấm nhuần một nguyên tắc giáo dục của ba mẹ ngay từ khi còn bé là “trên kính, dưới nhường”.

Bây giờ, các con của cô Bạch Diệp khôn lớn, để làm gương, về “lòng biết ơn”, sau một ngày đứng lớp, dầu mệt mỏi, cồ vẫn sang nhà ngoại để săn sóc cha mẹ. Cha cô bị liệt giường mấy năm nay… Mấy chị em thay phiên đút cơm, tắm rửa, dọn giường cho cha. Ngoài ra, cô còn cắt cử hai đứa con, thay phiên nhau chăm sóc ông ngoại.

Từ cách giáo dục của gia đình đã trở thành nền nếp, khuôn phép, cô Bạch Diệp rút ra cho mình một kinh nghiệm giáo, dục con : Bổn phận của cha mẹ là quan tâm, chăm sóc con, dạy dỗ con bằng tất cả lòng yêu thương, nhưng cương quyết, chú trọng giáo dục lòng hiếu thảo, đạo đức… Và tất nhiên, để dạy con tốt, cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực vì “khẩu giáo” mà thiếu “thân giáo” thì các con sẽ không bao giờ “tâm phục”.

Vợ chồng cô Bạch Diệp có đến bảy người con… Với đàn con đông đúc, nhưng kinh tế gia đình chỉ trông cậy vào đồng lương nhà giáo của cô và thầy nên gia đình cô đã rất điêu đứng trong những năm đầu giải phóng. Thầy phải bỏ nghề dạy học để chuyển sang làm đủ nghề : sửa ống nước, điện… và chạy cả xe ôm. Những lúc rảnh rỗi, thầy lại làm bạn với sách đèn để đủ điều kiện sẽ thi vào Đại học Luật.

Cô Bạch Diệp thì cùng các con làm thêm các công việc như : may áo, đan nón. Nhà không có điện, các con của cô phải làm việc trong ánh sáng mù mờ của ngọn đèn dầu leo lét ; ăn uống thì thiếu thốn và kham khổ. Nhiều người thấy gia đình cô cực khổ mà có đến sáu cô con gái, ngoài hai đứa còn nhỏ thì mấy đứa kia đứa nào cũng xinh xắn. Họ khuyên cô nên mở quán cà phê mà bận, không phải thuê người, vốn lại chẳng phải là nhiều. Lời là cái chắc !

Với tinh thần tôn trọng các con, và với nguyên tắc sống của gia đình : khi có việc lớn thì toàn thể thành viên trong gia đình cùng bàn bạc, giải quyết. Cô đã đưa vấn đề trên ra thảo luận trong gia đình.

Thấy các con không đồng ý và còn biết phân tích lợi hại, thầy và cô mừng lắm. Sau đó, các con cô đã chung một lòng, không than vãn, gây gổ, chấp nhận cực khổ, tự giác đóng góp sức lao động cho cuộc sống chung. Chồng cô luôn động viên các con : “Chúng ta nghèo tiền bạc, nhưng các con cố gắng học. Bằng kiến thức và trí tuệ, các con rồi đây sẽ có một cuộc sống đầy đủ hơn”.

Đến hôm nay, niềm tin ấy đã trở thành sự thật. Con gái lớn của cô Diệp – em Minh Thư đã tốt nghiệp bác sĩ loại giỏi, được đi du học ở Pháp và đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng I. Con gái kế là y sĩ chuyên khoa mắt, công tác ở bệnh viện Gò Vấp. Con gái thứ tư thi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, kĩ sư xây dựng, hiện công tác tại Viện thiết kế miền Nam. Con trai duy nhất của chị vừa tốt nghiệp ở Tân Tây Lan và hiện là kiểm soát viên không lưu tại phi trường Tân Sơn Nhất. Các con khác thì ngoài một cháu đang học Đại học Y Dược năm thứ ba, những người còn lại đang học phổ thông trung học.

Từ kinh nghiệm gia đình của mình, cô mạnh dạn khẳng định : “Tổ ấm gia đình là một pháo đài vững chắc để mỗi cá nhân được an toàn trước mọi cám dỗ của xã hội và đây cũng chính là bệ phóng tốt nhất để cá nhân có thể vươn ra ngoài xã hội, hoà nhập và làm lợi cho xã hội”.

(Theo Phạm Gôn Sơn, Nền nếp gia phong, 1999)

a) Hãy chọn cách đặt đầu đề đúng và hay nhất cho văn bản trên cơ sở gợi ý sau :

A – Tổ ấm gia đình.

B – Nên nếp gia đình.

C – “Pháo đài” và “Bệ phóng”.

D – Đi lên, thành đạt trong gian khổ.

E – Hãy quan tâm đến gia đình và giáo dục cơn cái.

b) Vấn đề văn bản nghị luận trên nêu ra có thuộc vấn đề tư tưởng, đạo lí không ? Đó là vấn đề gì ?

c) Để làm rõ vấn đề tư tưởng, đạo lí trên, người viết đã dùng những luận điểm như thế nào ? Dẫn chứng, lí lẽ ra sao ? Có thuyết phục người nghe không ?

d) Tuy là vấn đề về tư tưởng, đạo lí, nhưng người viết đã kết hợp nghệ thuật như thế nào để hấp dẫn người nghe.

e) Viết một đoạn văn (hoặc bài văn ngắn) bàn về văn bản trên và nêu suy nghĩ của mình về vấn đề gia đình riêng.

Bài số 19. Nhà giáo Trần Thị Ngọc Hồng đã viết một câu chuyện như sau :

“Mẹ Tú mua về cho ông nội một cái tay bằng nhựa, cái nắm đấm bằng dạ để ông tự gãi và đấm lưng. Mẹ nghĩ, người già thường nhức mỏi và hay bị dị ứng thời tiết.

Ông thích lắm, nói :

– Ừ, tiện thật !

Nhưng một thời gian ngắn sau, Tú thấy ông không dùng nó nữa. Trưa ông gọi Tú đến, bảo :

– Cháu gãi lưng giùm ông nội nhé !

Nó mải chơi nên thoái thác.

– Nhưng ông có cái tay nhựa gãi lưng rồi cơ mà !

Ông im lặng, buồn buồn.

Tối, ông than mỏi, kêu Tú :

– Cháu đấm bóp giùm ông nội nhé !

– Nhưng ông có cái nắm đấm dạ rồi !

Ông buồn buồn, im lặng.

Hôm sau, mẹ đem cất cái tay nhựa và cái nắm đấm dạ đi. Gọi Tú lại, mẹ bảo :

– Mỗi trưa, con đến hỏi ông nội có muốn gãi lưng không thì con gãi lưng cho ông. Tối, nhớ đấm bóp cho ông nghẹn !

Tú tròn mắt nhìn mẹ, nó hỏi :

– Vậy cái tay nhựa và cái nắm đấm bằng dạ mẹ mua về cho ông để làm gì ?

Mẹ ôm Tú vào lòng nói :

– Những thứ đồ nhựa, đồ dạ ấy không có hơi người, lạnh lẽo lắm !

Tú ngẫm nghĩ một lúc, rồi vụt chạy khỏi tay mẹ, vào với ông :

– Ông ơi ! Ông ngứa đi, để Tú gãi cho ông. Ngứa râu trước ông nhé. Gãi râu thích hơn gãi lưng.

Ông nội cười khà khà, gãi gãi tay lên mái tóc xanh mướt của Tú.

(Giải Ba cuộc thi viết truyện ngắn giáo dục đạo đức cho thiếu niên và nhi đồng, NXB Giáo dục, 2002)

a) Chủ đề câu chuyện trên là gì ? Em có thể đặt nhan đề cho truyện giúp tác giả được không ? Chủ đề câu chuyện có nằm trong vấn đề tư tưởng, đạo lí không ?

b) Em hãy viết một đoạn văn nghị luận từ 12 đến 15 câu bàn về vấn đề tư tưởng, đạo lí mà câu chuyện trên đã nêu ra ?

Bài số 20. Hãy viết một bài nghị luận ngắn bàn về vấn đề : “Thời gian là vàng”. (Sau khi đã làm bài Luyện tập trong phần Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí – SGK Ngữ văn 9, tập hai).

Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí

>> Xem đáp án và gợi ý làm bài tại đây

TẢI VỀ FILE

>> Xem thêm :

+ Cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí – Các dạng bài tập làm văn lớp 9

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận