Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí – Ngữ văn 12

Đang tải...

Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

     1. Cách làm một bài văn nghị luận xã hội bàn về một tư tưởng, đạo lí

      – Giới thiệu, giải thích tư tưởng, đạo lí cần nghị luận.

      – Phân tích các mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề nghị luận.

      – Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động từ tư tưởng, đạo lí đó.      

      2. Đề tài và các thao tác lập luận trong kiểu bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

      – Đề tài nghị luận : vô cùng phong phú, bao gồm các vấn đề về nhận thức (như lí tưởng, mục đích sống,…), về tâm hồn, tính cách (lòng yêu nước, lòng nhân ái, tính trung thực, thói ích kỉ,…), về các quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, cách ứng xử, hành động của mỗi người trong cuộc sống,…

     – Các thao tác lập luận cơ bản thường được sử dụng : giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận.

II – HƯỚNG DẪN TÌM HlỂU BÀI

     Về câu hỏi sau của nhà thơ Tố Hữu :

       Ôi ! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn ?

(Một khúc ca)

     a) Tìm hiểu đề, xác định yêu cầu của bài viết

     – Nội dung nghị luận :

     + Trong câu thơ trên, nhà thơ Tố Hữu nêu lên vấn đề “sống đẹp”.

     + “Sống đẹp” là chuẩn mực cao nhất trong nhân cách con người, là sống có ích cho xã hội, hoà nhập với cộng đồng, thực hiện được những ước mơ, khát vọng của bản thân,…

     + Như vậy, để “sống đẹp”, chúng ta cần xác định lí tưởng sống đúng đắn, cao đẹp ; rèn luyện nhân cách ; phát triển trí tuệ, đạo đức bằng cách học tập, trau dồi tu dưỡng bản thân ;…

     Chú ý : Bài viết có thể chia làm nhiều luận điểm, mỗi luận điểm gồm nội dung bàn luận và phần liên hệ bản thân.   

     – Các thao tác lập luận chủ yếu :

     + Giải thích : khái niệm “sống đẹp”.

     + Phân tích : những biểu hiện của “sống đẹp”, tại sao cần phải “sống đẹp”.

     + Chứng minh, bình luận : những tấm gương “sống đẹp” trong cuộc sống, đánh giá những hành động, việc làm thể hiện cách “sống đẹp”,…

      – Dẫn chứng : chủ yếu lấy từ đời sống thực tế, có thể lấy ví dụ trong văn học

nhưng cần chú ý để tránh lạc sang nghị luận văn học.

      b) Lập dàn ý

      – Mở bài : giới thiệu vấn đề và nêu luận đề (trích nguyên văn câu thơ của Tố Hữu).

      – Thân bài :

      + Giải thích khái niệm “sống đẹp”.

      + Phân tích và nêu dẫn chứng về những tấm gương “sống đẹp”.

      + Bình luận : với thanh niên, học sinh, thế nào là “sống đẹp” ; phê phán những quan niệm và lối sống trái với chuẩn mực của lối sống “đẹp”.

       – Kết bài : Khẳng định ý nghĩa của vấn đề “sống đẹp”.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

  1. a) Vấn đề mà G. Nê-ru đưa ra nghị luân trong văn bản đã dẫn là phẩm chất văn hoá trong nhân cách của mỗi con người.

      Căn cứ vào nội dung cơ bản và một số từ ngữ then chốt, ta có thể đặt tên cho văn bản : “Thế nào là con người có văn hoá ?”, “Một trí tuệ có văn hoá”,…

        b) Để nghị luận, tác giả đã sử dụng các thao tác lập luận :

        – Giải thích (đoạn 1): “Văn hoá nghĩa là… có hạn chế về trí tuệ và văn hoá”;

        – Phân tích (đoạn 2) : “Một trí tuệ có văn hoá,… đối với bất cứ vấn đề gì” ;

        – Bình luận (đoạn 3): “Đến đây, tôi sẽ để các bạn… cho những gì tươi đẹp”.

        c) Cách diễn đạt trong văn bản rất sinh động.

        Khi giải thích, tác giả đưa ra nhiều câu hỏi có tính chất gợi mở (rồi lại tự trả lời), câu nọ nối câu kia nhằm thu hút sự chú ý của người đọc.

        Khi phân tích và bình luận, tác giả như trực tiếp đối thoại với người đọc. Điều đó tạo không khí gần gũi, thân mật, bình đẳng giữa người viết với người đọc (cần lưu ý đến vị trí xã hội của tác giả và bạn đọc của ông).

Phần cuối, tác giả viện dẫn một đoạn thơ vừa tóm lược các luận điểm của bài viết vừa tạo ấn tượng nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người.

         2. Về câu nói của nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi : “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không  có phương hướng thì không có cuộc sống”.

      – Giải thích : “lí tưởng” là gì ? “cuộc sống” là gì ? •

      – Mối quan hệ giữa “lí tưởng” với “cuộc sống” : không có lí tưởng thì không có sự sống ; vai trò của lí tưởng đối với ý nghĩa của cuộc sống.

      – Suy nghĩ của bản thân về vai trò của lí tưởng đối với cuộc sống :

      + Lí tưởng là ngọn đèn soi đường chỉ lối, hướng con người đến một đích nhất định.

      + Lí tưởng là động lực thúc đẩy con người vượt qua khó khăn trở ngại để đạt được mục đích.

      – Khái quát ý nghĩa câu nói của nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi.

      – Khẳng định vai trò của lí tưởng đối với đời sống mỗi con người và rút ra bài học nhận thức và hành động của bản thân.

XEM THÊM : Khái quát văn học Việt Nam từ cách mạng tháng tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX tại đây

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận