Kỹ Năng Phân Tích Hiệu Quả Biểu Đạt Của Biện Pháp Tu Từ

Đang tải...

Bài viết cung cấp cách viết bài phân tích hiệu quả biểu đạt của biện pháp tu từ trong đoạn thơ, đoạn văn giúp các bạn học sinh rèn luyện tốt kỹ năng nghị luận văn học.

RÈN LUYỆN KỸ NĂNG LÀM BÀI PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ BIỂU ĐẠT

CỦA BIỆN PHÁP TU TỪ TRONG ĐOẠN THƠ, ĐOẠN VĂN

A. Cách làm chung

1. Mở đoạn

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, câu thơ, đoạn thơ (câu văn, đoạn văn) cần phân tích tác dụng của biện pháp tu từ. (Nghĩa là trả lời cho câu hỏi: Câu thơ, đoạn thơ (câu văn, đoạn văn) đó nằm trong văn bản nào, của tác giả nào?)

– Giới thiệu, gọi tên các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ, đoạn thơ (câu văn, đoạn văn).

– Nêu cảm nhận chung.

Ví dụ: Cảm nhận của em về cái hay trong cách sử dụng các biện pháp tu từ ở hai câu đầu bài Cảnh khuya.

Tham khảo:

Cách 1: Trong hai câu đầu của bài “Cảnh khuya”, tác giả Hồ Chí Minh đã sử dụng biện pháp so sánh và điệp ngữ thật đặc sắc và ý nghĩa.

Cách 2: Trong văn bản “Cảnh khuya”, tác giả Hồ Chí Minh đã sử dụng các biện pháp so sánh, điệp ngữ đặc sắc, giàu ý nghĩa ở hai câu đầu.

Cách 3: Trong văn bản “Cảnh khuya”, tác giả Hồ Chí Minh đã sử dụng các biện pháp so sánh, điệp ngữ đặc sắc, giàu ý nghĩa để miêu tả vẻ đẹp bức tranh cảnh khuya núi rừng Việt Bắc ở hai câu đầu.

2. Thân đoạn: Gồm các bước:

a. Bước 1: Chỉ ra biểu hiện cụ thể của phép tu từ. Nghĩa là chỉ rõ, biện pháp tu từ đó đó được tác giả sử dụng như thế nào trong câu thơ, đoạn thơ.

Chẳng hạn:

          + Nếu là so sánh thì so sánh cái gì với nhau?

          + Nếu là ẩn dụ thì phải chỉ ra được hình ảnh ẩn dụ là hình ảnh nào?

          + Nếu là nhân hóa thì cái gì được nhân hóa?

          + Nếu là điệp từ thì phải chỉ ra là điệp từ nào? Điệp bao nhiêu lần?

Ví dụ: Với đề trên

– So sánh: Tiếng suối – tiếng hát

– Điệp từ “lồng”

b. Bước 2: Nêu rõ tác dụng của các biện pháp nghệ thuật đó

* Dựa vào đặc điểm của các biện pháp tu từ để nêu tác dụng

Chẳng hạn:

+ Nếu là so sánh, thì phải chỉ rõ

          Giá trị gợi hình: Hình ảnh so sánh giúp người đọc có sự hình dung như thế nào?

          Giá trị gợi cảm: Từ hình ảnh so sánh, người viết đã bày tỏ thái độ và tình cảm gì?

+ Nếu là nhân hóa:

          Làm cho sự vật vô tri, vô giác bỗng trở nên gần gũi, quen thuộc, sống động, có hồn, có cảm xúc

          Thể hiện tình cảm của người viết một cách sâu sắc và tế nhị

+ Nếu là điệp từ: nhấn mạnh, làm nổi bật sự vật, tính chất, đặc điểm của sự vật.

Lưu ý: nếu đoạn văn, đoạn thơ sư dụng nhiều biện pháp nghệ thuật thì:

+ Lần lượt chỉ ra và phân tích hiệu quả thẩm mĩ của từng biện pháp

+ Khái quát hiệu quả chung của các biện pháp nghệ thuật đó trong toàn đoạn

Ví dụ: Đối với đề trên, có thể chỉ ra tác dụng của các biện pháp nghệ thuật như sau:

+ Biện pháp so sánh: Tiếng suối như tiếng hát

Cách so sánh này giúp ta hình dung được: âm thanh tiếng suối từ xa vọng lại êm ái, trong trẻo, ngọt ngào như tiếng hát của con người.

 Đọc câu thơ, người đọc như cảm nhận được, tiếng suối vô hồn, lạnh lẽo bỗng trở nên sống động, có hồn.

 So sánh kết hợp với nghệ thuật lấy động tả tĩnh làm nổi bật sự yên tĩnh, vẻ đẹp tĩnh lặng của đêm trăng rừng. Tiếng suối được ví như tiếng hát cho thấy con người là trung tâm của bức tranh thiên nhiên. Không gian chìm trong yên tĩnh mà vẫn mang hơi ấm của con người, vẫn ấm tiếng người, tiếng hát. Làm cho cảnh núi rừng đêm khuya mà xiết bao gần gũi, yêu thương, đêm chiến khu mà bình yên quá đỗi.

=> Như vậy, chỉ bằng biện pháp so sánh ở câu thơ đầu, Hồ Chí Minh đã gợi vẻ đẹp đêm trăng rừng Việt Bắc qua ấn tượng âm thanh.

+Điệp từ: Từ lồng được nhắc lại 3 lần trong một câu thơ

 Giúp ta hình dung: ánh trăng lồng vào cổ thụ, bóng cổ thụ lồng vào những bông hoa hay ánh trăng lồng vào cổ thụ, bóng cổ thụ in hình xuống mặt đất như những bông hoa xinh xắn tạo nên bức tranh trăng lung linh, huyền ảo.

Điệp từ “lồng” có tác dụng làm cho cảnh vật đan lồng vào nhau tạo nên bức tranh nhiều tầng lớp, đường nét, hình khối lung linh ánh sáng. Nét đậm là dáng hình cổ thụ trên cao lấp lánh ánh sáng, nét nhạt là bóng cây là lung linh xao động trên mặt đất.

Điệp từ “lồng” còn có tác dụng, làm cho ba vật thể (Trăng, cổ thụ, hoa) vốn dĩ cách xa nhau đan cài quấn quýt, hoà quyện vào nhau, soi sáng cho nhau rất hữu tình.

Lưu ý: nếu người đưa ra đoạn văn, đoạn thơ là một nhân vật trong tác phẩm thì sau khi phân tích xong tác dụng, phải chỉ ra tình cảm của người đó trước khi đánh giá tác giả.

c. Bước 3: Đánh giá tác giả: tài năng và tấm lòng.

Ví dụ: Với đề trên

– Tài năng: Các biện pháp tu từ đó góp phần tạo nên bức tranh trăng đêm rừng Việt bắc rất đẹp, nên thơ, lung linh ánh sáng.

– Tấm lòng: Qua đó cho thấy tâm hồn nhà thơ- tâm hồn thi sĩ nhạy cảm với cái đẹp và có tình yêu thiên nhiên say đắm.

3. Kết đoạn: Nêu cảm nghĩ của em về biện pháp tu từ được sử dụng.

>> Xem thêm: Kỹ Năng Viết Đoạn Văn Nghị Luận Đạt Điểm Tuyệt Đối

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận