Kiến thức chuyên đề Dấu câu – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

CÁC PHÉP TU TỪ

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỀ

          1. Dấu chấm lửng

          Dấu chấm lửng, còn gọi là dấu lửng hay dấu ba chấm, là dấu có ba chấm đặt nối tiếp nhau theo hàng ngang. Dấu chấm lửng có các tác dụng sau :

          – Phản ánh trạng thái của hiện thực như khoảng cách về không gian, thời gian, âm thanh kéo dài, đứt quãng v.v… Ví dụ : ù… ù…ù… Tầm một lượt. (Võ Huy Tâm)

          – Biểu thị lời nói bị đứt quãng vì xúc động. Ví dụ : – Cô Nga… (Thạch Lam)

          – Biểu thị lời nói không tiện nói ra. Ví dụ : Ô hay, có điều gì bố con trong nhà bảo nhau chứ sao lại... (Đào Vũ)

          – Để chỉ ra rằng người nói chưa nói hết, đặc biệt khi nêu ví dụ, liệt kê. Ví dụ : Ngoài ra, biển còn nhiều thứ cá nổi tiếng như cá đé, cá nhụ, cá nục, cá song và nhiều tôm, sò… (Trúc Mai)

          – Biểu thị chỗ ngắt dài giọng với ý châm biếm, hài hước (biểu thị chỗ giãn nhịp điệu câu văn chuẩn bị cho sự xuất hiện từ ngữ có nội dung bất ngờ, hài hước, châm biếm). Ví dụ : Té va công sự chỉ là công… toi. (Tu Mỡ)

          – Để chỉ rằng lời nói trực tiếp bị lược bớt một số câu. Trường hợp này, dấu chấm lửng thường đặt trong dấu ngoăc đơn () hoặc dấu ngoặc vuông [ ].

          2. Dấu chấm phẩy

          Dấu chấm phẩy là dấu câu gồm một dấu chấm ở trên, một dấu phẩy ở dưới. Dấu chấm phẩy có các tác dụng sau :

          a) Đánh dấu ranh giới các vế của câu ghép có cấu tạo phức tạp, cụ thể :

          – Khi các vế có cấu tạo đối xứng nhau về nghĩa và hình thức. Ví dụ : Chị Thuận nấu cơm cho anh em ăn, làm người chị nuôi tần tảo ; chị chăm sóc anh em ốm và bị thương, làm người hộ lí dịu dàng. (Nguyễn Trung Thành)

          – Khi các vế có tác dụng bổ sung cho nhau. Ví dụ : Sáng tạo là vấn đề rất quan trọng ; không sáng tạo không làm cách mạng được. (Lê Duẩn)

          b) Đánh dấu các yếu tố trong chuỗi liệt kê có cấu tạo phức tạp. Ví dụ : Phải thực hiện bằng được chủ trương hoàn chỉnh các hệ thống thủy nông : đẩy mạnh tốc độ cơ giới hoá nông nghiệp ; đẩy mạnh cái tạo giống gia súc và cây trồng nhằm thực hiện thâm canh trên toàn bộ diện tích trồng trọt. (Báo Nhân Dân)

          3. Dấu gạch ngang

          Dấu gạch ngang là dấu dưới dạng một nét gạch ngang ; có tác dụng :

          a) Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu. Ví dụ : Chồng chị – anh Nguyễn Văn Dậu – tuy mới 26 tuổi nhưng đã học nghê làm ruộng đến mười bẩy năm. (Ngô Tất Tố)

          b) Đặt đầu dòng để đánh dấu lời nói trực tiếp. Ví dụ :

          – Sắp đến chưa ? – Người đàn bà chợt hỏi.

          – Sắp. (Kim Lân)

          c) Đặt đầu những bộ phận liệt kê, mỗi bộ phận được trình bày thành một dòng riêng. Ví dụ :

          Nhiệm vụ của chúng ta ỉà :

          – Phát triển sản xuất.

          – Phát triển văn hoá.

          – Ủng hộ cách mạng của các nước anh em.

          d) Đặt giữa hai (hoặc nhiều) tên riêng, các con số để chỉ sự liên danh. Ví dụ :

          Hội tụ về Hà Nội còn có các tuyến đường sắt quan trọng : Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng.

          Cần lưu ý : Để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu, ngoài dấu gạch ngang còn có dấu ngoặc đơn và dấu phẩy. Ví dụ :

          – Học trò của ông, từ người làm quan to đến người bình thường, khi có dịp tới thăm thầy cũ, ai cũng giữ lễ. (Phan Huy Chú)

          – Tên Tuân kể lại cho tôi nghe cái chết của Hiên một cách thành thực (có trời mà biết được tại sao hắn lại tỏ ra thành thực như vậy ?) (Nguyễn Thiều Nam)

          Sự khác nhau giữ dấu ngoặc đơn và dấu gạch ngang trong trường hợp này nhiều khi không rõ ; nó được sử dụng theo thói quen của mỗi cá nhân. Tuy vậy, thông thường, khi bộ phận chú thích có quan hệ rõ ràng với một từ, cụm từ trước nó, người ta hay dùng dấu gạch ngang, khi bộ phận chú thích có quan hệ với cả câu, người ta dùng dấu ngoặc đơn.

          Dấu gạch ngang khác với dấu gạch nối. Dấu gạch nối dùng để nối các tiếng trong một từ. Ví dụ : Anh-xtanh, Lô-mô-nô-xốp v.v…

          Thông thường dấu gạch nối ngắn hơn dấu gạch ngang ; khoảng cách giữa dấu gạch nối với các con chữ cũng nhỏ hơn so với dấu gạch ngang.

          So sánh : Chuyến bay Hà Nội – Mát-xcơ-va

 

 
 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận