Chuyên đề Truyện thơ nôm Trung Đại – Ngữ Văn 9: Khái quát về Nguyễn Du và Truyện Kiều

Đang tải...

KHÁI QUÁT VỀ NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Về tác giả Nguyễn Du

– Thân thế: Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình có truyền thống về học hành, văn chương và truyền thống khoa bảng. Dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền có nhiều người học hành đỗ đạt, nổi tiếng hay chữ và làm quan. Dòng họ này lại định cư ở vùng đất nổi tiếng về văn hoá, thi thư (vùng đất dưới chân núi Hồng Lĩnh). Mẹ của nhà thơ lại vốn là người Kinh Bắc – mảnh đất có truyền thống văn hoá lâu đời. Điều này góp phần hun đúc nên tài năng văn chương và học vấn của Nguyễn Du.

– Cuộc đời: Nguyễn Du sống trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động lớn (cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX). Cuộc đời ông trải qua nhiều bước thăng trầm. Tuổi trẻ của Nguyễn Du được sống trong cảnh sung túc, yên ổn nhưng cuộc sống đó không kéo dài. Ông sớm mồ côi cha (năm 10 tuổi), mẹ (năm 13 tuổi). Việc học hành, thi cử của Nguyễn Du không được suôn sẻ (ông chỉ đỗ Tam trường). Đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Du phải bôn ba lưu lạc nhiều nơi, từng trải qua cuộc sống nghèo khổ. Ông đã chứng kiến sự sụp đổ của nhiều tập đoàn phong kiến: chúa Nguyễn, chúa Trịnh, nhà Lê, nhà Tây Sơn. Cuối đời, ông ra làm quan với nhà Nguyễn, được hai lần cử đi sứ Trung Hoa. Vì vậy, kinh nghiệm sống của nhà thơ hết sức phong phú.

– Sự nghiệp văn học: Nguyễn Du sáng tác nhiều thể loại, nhưng đặc biệt thành công và nổi danh ở hai thể loại là truyện thơ Nôm (Truyện Kiều) và thơ chữ Hán (254 bài trong ba tập: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục). Tác phẩm của Nguyễn Du thể hiện cái nhìn hiện thực và nhân đạo, sự chiêm nghiệm về cuộc đời rất sâu sắc.

2. Về Truyện Kiều

Nguồn gốc cốt truyện: Nguyễn Du kế thừa cốt truyện từ cuốn tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của một tác giả Trung Quốc (không rõ lai lịch) có tên hiệu là Thanh Tâm Tài Nhân. Bản thân Kim Vân Kiều truyện lại kế thừa cốt truyện từ các tác phẩm truyện, kí của các tác giả Trung Quốc trước đó. Hiện tượng vay mượn cốt truyện, môtip,… là một hiện tượng phổ biến của văn học trung đại toàn thế giới. Tuy nhiên, Nguyễn Du không rập khuôn hoàn toàn nguyên tác. Ông đã thay đổi tình tiết, diễn biến, tính cách nhân vật,… qua đó thay đổi chủ đề, cảm hứng sáng tác. Ông cũng sử dụng loại hình tự sự dân tộc là truyện thơ Nôm lục bát để tạo nên một kiệt tác cho vãn học dân tộc.

– Nội dung: Truyện Kiều tái hiện chân thực hiện thực xã hội phong kiến trong giai đoạn suy tàn với tất cả những mặt tiêu cực của nó (quan tham lại nhũng cấu kết với bọn lưu manh áp bức dân lành, đồng tiền lên ngôi,…) Tác phẩm cũng thể hiện sự cảm thương, bênh vực những số phận bất hạnh; lên án bọn cường quyền, lun manh chà đạp nhân phẩm con người; ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp thể chất và tinh thần của con người; cổ vũ cho những xu hướng tiến bộ của xã hội (giải phóng tình cảm, giải phóng tài năng).

– Nghệ thuật: Tác phẩm hội tụ nhiều thành tựu của văn học dân tộc, đặc biệt là về ngôn ngữ và thể loại. Ngôn ngữ văn học dân tộc đến Truyện Kiều đã đạt đến mức độ hoàn thiện, tinh tế, đủ khả năng thể hiện được những vấn đề của đời sống và con người. Thể loại truyện thơ Nôm đến Truyện Kiều cũng đã đến đỉnh cao về nhiều phương diện: thể thơ lục bát, nghệ thuật khắc hoạ tính cách và miêu tả tâm lí nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình,…

Với những thành công đó, Truyện Kiều được đánh giá là “tập đại thành”, kiệt tác số một của văn học trung đại Việt Nam.

II – LUYỆN TẬP

1. Nêu những điểm chính về cuộc đời và con người Nguyễn Du có ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của ông.

2. Nêu những đóng góp chính của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

Tham khảo:  Chuyên đề Truyện thơ nôm Trung Đại – Ngữ Văn 9

Gợi ý

1. Thông tin vể tác giả Nguyễn Du khá phong phú (từ tên gọi, xuất thân, quê quán, cuộc đời, thời đại, tính cách, tư tưởng,…), tuy nhiên cần chọn lọc những yếu tố, sự kiện có ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của ông. Muốn vậy, cần nắm rõ sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du cần đến những điều kiện gì, các mặt nào có thể ảnh hưởng, chẳng hạn:

– Tư tưởng, tình cảm, cá tính,… của nhà thơ.

– Sự trải nghiệm, kinh nghiệm của nhà thơ.

– Tài năng văn chương, chữ nghĩa của nhà thơ.

2. Thực chất đây là câu hỏi về giá trị của Truyện Kiều. HS có thể trình bày đóng góp (tức cái có giá trị, cái mới, cái độc đáo, tiến bộ,…) của Nguyễn Du trong Truyện Kiều theo mô hình cơ bản: đóng góp về nội dung (giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo,…), đóng góp về nghệ thuật (về ngôn ngữ, về thể loại,…). Cũng có thể trình bày dưới dạng liệt kê các đóng góp cụ thể về tư tưởng, thể loại, ngôn ngữ,…

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận