Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ “Lượm” của Tố Hữu

Đang tải...

Bài văn hay lớp 7

Bài làm:

                Một ngày cuối năm 1947, nhà thơ Tố Hữu có chuyến công tác đến tỉnh Thừa Thiên Huế. Hôm ấy đến đồn Mang Cá, ông thấy không khí chiến đấu của anh em rất sôi nổi nên rất vui mừng. Sau khi báo cáo tình hình cửa đồn, các đồng chí chỉ huy đồn mời nhà thơ đi tham quan tình hình xung quanh. Bất chợt, ông nhìn thấy một chú bé chừng hơn 10 tuổi trông rất lanh lẹ và hoạt bát đang lúi húi xem xét những bao thư trong túi xắc. Tố Hữu nhìn chú bé rất chăm chú. Dầu vậy, ông cũng không biết rằng chú bé này rồi sẽ bất tử trong những vần thơ của mình.

                Cậu bé ấy có dáng người loắt choắt nhưng đôi chân cứ thoăn thoắt chạy đi chạy lại hỏi han những người xung quanh điều gì đó. Bên hông chú, chiếc xắc nhỏ xinh cứ lắc lắc đập đập tung tẩy. Đôi mắt cậu mở to, trong sáng, hồn nhiên rất hợp với chiếc ca lô xinh xắn đội lệch trên đầu. Nhà thơ Tố Hữu hỏi một đồng chí cùng đi về chú bé ấy thì được trả lời:

                – Báo cáo hai đồng chí, đó là em Lượm, liên lạc viên xuất sắc nhất của đồn hiện nay. Có lẽ em đang hỏi để đưa thư cho mọi người.

                Nhà thơ Tố Hữu vui vẻ lại gần chú bé Lượm hỏi chuyện:

                – Thế cháu mấy tuổi rồi?

                – Dạ cháu 12 tuổi ạ!

                – Đi liên lạc cháu thấy thế nào?

                – Dạ vui lắm chú ạ! Mọi người ai ai cũng vui vẻ, hăng hái. Ở đồn Mang Cá, cháu còn thích hơn ở nhà nữa cơ!

                – Nếu thành Huế ai ai cũng như cháu thì thằng Pháp sẽ nhanh chóng bại trận trong một ngày không xa.

                Nhà thơ chưa kịp hỏi chuyện thêm thì Lượm đã cất tiếng chào để tiếp tục đi làm nhiệm vụ.

                Bẵng đi một vài tháng, một hôm nhà thơ Tố Hữu đang làm việc ở cơ quan thì có một đồng chí trong ban chỉ huy ở đồn Mang Cá xin được vào báo cáo. Sau khi làm việc xong, nhân được gặp người quen, Tố Hữu và đồng chí ở đồn Mang Cá ngồi hàn huyên nói chuyện. Nghe hỏi đến tình hình anh em trong đồn, đồng chí ở đồn Mang Cá chợt trầm xuông, ngậm ngùi:

                – Anh có nhớ chú bé Lượm liên lạc không? Cháu bé mà anh rất thích ấy… Cháu đã hi sinh rồi!

                Tố Hữu sững người.

                – Hôm ấy, như mọi ngày Lượm nhận công văn của đồn triển khai công tác bố phòng đến những vùng ngoại ô. Em tức tốc đi ngay. Không ngờ trên đường đi, em gặp ngay một ổ phục kích của quân thù. Em vội lánh chạy nhưng không kịp, giặc đã bắn theo tới tấp. Lượm hy sinh. Khi chúng tôi nhận được tin rồi cùng dân làng chạy tới thì thấy người em đã lạnh, riêng làn môi vẫn còn mỉm một nụ cười. Một tay chú giữ chiếc ca lô, tay kia bám chặt một bông lúa sữa. Cách đó không xa, dưới lòng mương, những mảnh vụn của tờ điện khẩn ướt sũng…

                Đồng chí ấy vừa kể xong thì oà khóc. Nhà thơ Tố Hữu nghẹn lời.

                Sau ngày hôm ấy, bài thơ “Lượm” được ra đời và nhanh chóng lan truyền rộng rãi trong các đội thiếu niên nhi đồng. Bài thơ cất lên nhắc nhở chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Nhất là phải sống sao cho xứng đáng với những anh hùng thiếu niên, các anh ấy tuy nhỏ tuổi nhưng dũng cảm vô cùng. Và nếu không có chiến tranh thì các anh các chị cũng hạnh phúc như chúng ta bây giờ.

Xem thêm đề văn: Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ  tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...