Kể chuyện : Kể chuyện đã nghe, đã đọc – Tiếng Việt 4

Đang tải...

A – Mục tiêu bài học

       – Rèn kĩ năng nói: Kể được câu chuyện đã nghe, đã đọc nói về người có nghị lực có ý chí vươn lên. Hiểu được ý nghĩa của truyện.

       – Rèn kĩ năng nghe: Nghe bạn kể biết nhận xét lời kể của bạn.

B – Tìm hiểu nội dung (Hướng dẫn kể chuyện)

       Đề bài: Hãy kể một câu chuyện mà em đã được nghe hoặc được đọc về một người có nghị lực.

Bài tham khảo

Câu chuyện Que diêm tự cháy

       Cách đây gần hai thế kỉ, loài người đã chế tạo được mấy loại công cụ làm ra lửa, rất cần cho đời sống hàng ngày. Chúng ta đã biết người nguyên thủy từng đập đá lấy lửa, từng truyền giữ lửa như báu vật. Và thực tế thần lửa luôn luôn được mọi người tôn thờ. Đến xã hội văn minh, người ta không phải đập đá lấy lửa theo kiểu thô sơ nữa mà chế tạo ra diêm và các loại bật lửa. Bật lửa hiện đại nhất ngày nay là bật lửa ga. Còn diêm thì cách đây hai thế kỉ vẫn còn rất lôi thôi, phiền phức. Có loại phải nhúng vào axít mạnh, lại có loại phải lấy kìm kẹp nát mới ra lửa. Phiền phức thế nên lúc đi xa người ta thường ngại mang theo.

       Hồi ấy có bốn sinh viên chơi với nhau rất thân, mỗi người một nết; Xô-li-a mê làm thí nghiệm hóa học, Gi-rê-vi thích đọc truyện, Gi-rin-sơ khó tính mà tốt bụng, Cam-mê-ra chăm học và cũng mê môn hóa học.

       Một buổi đi cắm trại, họ mang theo thức ăn sống, định sẽ nấu cho nóng sốt. Nhưng họ quên mang theo diêm, đành phải nhịn đói trở về. Bốn người rất bực mình. Gi-rin-sơ bèn bảo hai ông bạn say mê môn hóa học:

       – Các cậu đọc bao nhiêu sách, làm bao nhiêu là thí nghiệm. Vậy mà chẳng chế ra được lửa thì đọc sách, làm thí nghiệm để làm gì?

       Xô-li-a mỉm cười: 

       – Chế ra lửa thì khó gì! Chỉ cần cậu kiếm cho mình một căn phòng yên tĩnh.

       Gi-rin-sơ mừng rỡ nói: “Chế được ra lửa mới cần! Chứ một căn phòng để mình bảo bà cô mình giúp cho”.

       Từ ngày có căn phòng, Xô-li-a ngày đêm miệt mài với mấy quyển sách và mấy lọ hóa chất. Anh vùi đầu vào nghiên cứu. Một hôm anh chợt nhớ ra có lần thầy giáo đã làm thí nghiệm một vài thứ thuốc nổ do ông tự chế lấy. Anh nghĩ: đã tóe lửa ra thì có thể đốt cháy một chất dễ bắt lửa. Mày mò mãi, anh mới chế được phốt pho. Thế rồi một hôm trong phòng anh bỗng có tiếng nổ, mọi người vội chạy vào thì thấy phòng đầy khói, Xô-li-a từ màn khói dầy đặc bước ra hớn hở nói với Gi-rin-sơ:

       – Tớ đã tìm ra diêm tự cháy được rồi.

       Gi-rin-sơ lại mừng rỡ: “Thế thì tốt quá, nhưng xin nhà phát minh đừng có gây ra tiếng nổ nữa nhé!”

        Xô-li-a gật đầu nói:

       – Nhưng mà từ tìm ra đến làm ra, còn cả khoảng thời gian nữa đấy.

       Sau đó, anh lại tiếp tục vùi đầu vào nghiên cứu. Anh lấy phốt pho bôi một vệt dài trên tường tiếp đến anh lấy cây rễ khô, đầu tẩm diêm sinh, nhúng vào dung dịch ka-li-clo-rát, rồi quệt mạnh lên vệt phốt pho trên tường. Đầu que diêm bùng cháy. Anh sung sướng quá, mải mê ngắm nhìn đến nỗi đánh rơi cả thuốc vào cối thuốc nổ để trên sàn nhà. Thế là một tiếng “sét” nổ vang. Khi mọi người kéo đến thì căn phòng đã tan hoang. Mùi hóa chất nồng nặc. Anh bị thương, máu đỏ lòm, quần áo thì rách tươm. Gi-rin-sơ sợ quá bèn gọi bác sĩ đến cấp cứu, anh ái ngại hỏi bạn:

       – Thôi, sau này chắc cậu thôi chứ? Coi như thành công rồi mà! Xô-li-a chìa hai bàn tay quấn bông băng ra và nói: “Thôi thế nào được. Đó mới là biết cách làm, đâu đã coi là thành công được. Khỏi tay mình lại tiếp tục”.

       Ít lâu sau, Xô-li-a đến gặp giáo sư nói về phát minh của mình. Giáo sư chưa tin. Anh làm lại thí nghiệm cho giáo sư xem. Nhìn que diêm tự cháy trên bàn tay nhà phát minh, giáo sư cảm động ôm lấy Xô-li-a khen ngợi:

       – Anh thật là một học trò giỏi, dũng cảm.

       Sau đó, trong lúc Xô-li-a chạy vạy để xin nhà nước Pháp cấp bằng phát minh thì anh bạn hóa học tồi tệ của anh là Cam-mê-ra đã ăn cắp phát minh của anh chuồn sang Đức bán cho một nhà kĩ nghệ ở Béc-lanh. Biết có lợi lớn, tên này bèn xin cấp bằng phát minh trước cả Xô-li-a.

       Nhìn bao diêm Đức tràn ngập thị trường Pháp, Xô-li-a nói với Gi-rin-sơ:

       – Dù sao thì tớ cũng là người đầu tiên chế ra diêm tự cháy, còn lời lãi đối với tớ không quan trọng lắm.

       Ý nghĩa của câu chuyện: Câu chuyện mà tớ vừa kể cho các bạn nghe nhằm đề cao những người làm công việc nghiên cứu, phát minh khoa học chân chính. Dù chỉ là một que diêm bình thường, con đường tìm ra nó cũng đòi hỏi biết bao ý chí và nghị lực phải không các bạn.       

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận