Hướng dẫn Viết bài làm văn số 6: văn thuyết minh văn học – Ngữ văn 10

Đang tải...

VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 6: VĂN THUYẾT MINH VĂN HỌC

I- ĐỀ BÀI THAM KHẢO

Viết một bài văn thuyết minh để giới thiệu về:

1.Một tác phẩm văn học.

2.Một tác giả văn học.

3.Một thể loại văn học.

Hoặc kết hợp thuyết minh về một tác giả, tác phẩm:

4.Trương Hán Siêu và Phú sông Bạch Đằng.

5.Nguyễn Du và Truyện Kiều.

II- HƯỚNG DẪN

1.Tìm hiểu đề

-Đề bài yêu cầu tạo lập kiểu văn bản nào? (thuyết minh)

-Tương ứng với kiểu văn bản ấy, sử dụng phương thức biểu đạt nào là chủ yếu?

-Đối tượng biểu đạt là gì? Nội dung cần biểu đạt ra sao?

-Để thực hiện yêu cầu của đề bài, cần chuẩn bị những tri thức và kĩ năng gì?

2.Lập dàn ý

a.Mở bài: Mở bài theo kiểu trực tiếp hay gián tiếp? Xác định những nội dung cần biểu đạt trong phần mở bài tuỳ theo từng cách. Giới thiệu về đề tài, chủ đề của bài văn. Giới thiệu khái quát về đối tượng thuyết minh.

b.Thân bài:

Triển khai nội dung cần biểu đạt (nêu luận điểm và lần lượt thuyết minh về các luận điểm đó).

c.Kết bài: Đưa ra nhận định, đánh giá tổng quát về đối tượng thuyết minh.

Chú ý: Để bài văn thuyết minh vừa chuẩn xác lại vừa hấp dẫn, cần:

-Đọc, nghe, quan sát, tham khảo, sưu tầm tài liệu về những lĩnh vực liên quan đến bài làm để lựa chọn những nguồn tri thức không chỉ chính xác, phong phú, sâu sắc mà còn mới lạ, đặc sắc và lí thú.

-Tìm đọc những bài thuyết minh hay, hấp dẫn để học tập cách tạo nên sự lôi cuốn của một quá trình trình bày, giới thiệu.

-Vận dụng các phương pháp thuyết minh sao cho linh hoạt, tránh sự nhàm chán.

3.Gợi ý cho từng đề bài

Các đề bài ở bài viết số 6 này đều đưa ra yêu cầu tạo lập văn bản thuyết minh. Trong bài viết của mình, các em có thể sử dụng nhiều phương thức biểu đạt khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là phương thức thuyết minh.

a.Đề 1. Cần tập trung làm rõ các ý sau:

Mở bài:

-Tác phẩm mà anh (chị) định chọn để thuyết minh là tác phẩm nào? Của ai?

-Nêu khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó.

Thân bài:

-Nêu hoàn cảnh ra đời tác phẩm (nếu hoàn cảnh ra đời có liên quan mật thiết đến việc thuyết minh nội dung tác phẩm).

-Giới thiệu thể loại và đặc trưng thể loại của tác phẩm (thường chỉ áp dụng với những thể loại mới lạ hoặc những thể loại văn học cổ có khoảng cách đối với việc nhận thức của con người hôm nay).

-Giới thiệu về đề tài của tác phẩm (ví dụ về hình tượng sông Bạch Đằng, về cuộc đời tài mệnh của Tiểu Thanh,…)

-Thuyết minh về các mặt nội dung của tác phẩm (nội dung hiện thực, nội dung nhân đạo, các nội dung trữ tình khác,…)

-Thuyết minh về giá trị nghệ thuật của tác phẩm (về bút pháp, về từ ngữ, về giọng điệu, kết cấu, về các biện pháp tu từ, về âm luật, niêm đối,…).

Kết bài:

-Khái quát lại các giá trị của tác phẩm.

-Đánh giá về vị trí của tác phẩm trong đời sống và trong lịch sử văn học của dân tộc và nhân loại.

b.Đề 2.

Mở bài:

-Tác giả mà chúng ta cần giới thiệu là ai?

-Đánh giá vai trò, vị trí của tác giả đó trong lịch sử văn học (khái quát).

Thân bài: Lần lượt triển khai thuyết minh về:

-Năm sinh, năm mất, tên tự, tên hiệu, bút danh,…

-Quê quán, gia đình, dòng họ (chú ý truyền thống văn hoá hoặc những nét riêng có ảnh hưởng đến văn nghiệp của tác giả đó).

-Cuộc đời (tuổi thơ, thời niên thiếu,… đã trôi qua như thế nào? Đã gặp phải những khó khăn gì và đã vượt qua ra sao? Cuộc sống lúc trưởng thành có những điểm gì đặc biệt?,…)

-Sự nghiệp văn học:

+ Những sáng tác chính.

+ Nội dung của các sáng tác hướng đến những vấn đề gì? Đã đạt được những giá trị ra sao?

+ Thành tựu nghệ thuật có những nét gì nổi bật? (chú ý những nét riêng về phong cách cá nhân).

Kết bài: Khẳng định lại những đóng góp và chỗ đứng của tác giả đó trong đời sống văn học quá khứ và đương thời.

Chú ý: Trong một số trường hợp, nếu cần thuyết minh ngắn gọn, có thể đưa mục năm sinh, năm mất, quê quán,… lên phần trên để làm phần Mở bài.

c.Đề 4. Cần tập trung làm rõ các ý sau:

-Trình bày về cuộc đời của tác giả Trương Hán Siêu (năm sinh, năm mất, quê quán, cuộc đời,…).

-Thuyết minh về đề tài của tác phẩm (sông Bạch Đằng và cảm hứng thi ca đã có trong lịch sử về dòng sông này).

-Thuyết minh về đặc điểm của thể loại mà nhà văn sử dụng.

-Giá trị nội dung của bài phú.

-Giá trị nghệ thuật của bài phú.

d. Đề 5

-Trình bày về cuộc đời của tác giả Nguyễn Du (xem bố cục ở đề 2).

-Thuyết minh về Truyện Kiều.

+ Giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác, mối quan hệ giao lưu văn hoá, văn học của Truyện Kiều với văn học Trung Hoa.

+ Giới thiệu ba phần của Truyện Kiều.

+ Tóm tắt truyện.

+ Trình bày những giá trị nhiều mặt của Truyện Kiều (giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, các giá trị về nghệ thuật như: nghệ thuật tả người, tả cảnh, miêu tả nội tâm, nghệ thuật kể chuyện,…)

-Kết luận: Đánh giá tầm vóc của Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Tham khảo bài văn thuyết minh sau:

Về một thể loại (Trường ca)

Những bản trường ca vĩ đại trên thế giới đều đánh dấu những giai đoạn lớn, những bước ngoặt của lịch sử. Trường ca I-li-át hơn một vạn rưỡi câu, trường ca Ô-đi-xê hơn một vạn câu của Hô-me-rơ phản ánh thời cổ đại anh hùng của Hi Lạp, trường ca Riêm-kê của Cam-pu-chia dài hơn một vạn câu đánh giá thời đại rực rỡ nhất của dân tộc Cam-pu-chia. Bộ sử thi của Ấn Độ cũng dài như một bộ kinh tôn giáo… đó là những bản trường ca bất hủ thuộc về của cải chung của nhân loại.

Trường ca Đăm Săn, Xinh Nhã của Tây Nguyên cũng thuộc vào loại có cỡ trên thế giới.

Trong những năm dài khi dân tộc ta còn bị nô lệ, trường ca hầu như bị phai mờ trong các thể loại văn học. Thỉnh thoảng người ta nhắc đến trường ca như một cái tên chung tượng trưng cho các quyển sách hay, những tập thơ hay. Trường catrong nhiều năm không được ai nhắc đến. Năm 1932, cuộc tranh luận về thơ mới thơ cũ nổ ra trên văn đàn một cách sôi nổi, người ta phân rạch ròi ra các khuynh hướng thi ca nhưng cũng chẳng ai nói đến trường ca, may ra có nhắc đến bài Tiếng địch sông ô của nhà thơ trẻ lúc bấy giờ là Phạm Huy Thông xem đó như một anh hùng ca nhưng cũng diễn giải bằng tích của Tàu.

Trường ca bị quên lãng và bị gán ghép vào những bài thơ dài, thơ truyện và bị đánh mất chân dung của mình. Năm tháng trôi qua trường ca có lúc thấp thoáng trong những áng văn thơ của một vài tác giả rồi chìm nghỉm như một người con gái hết nhan sắc không được ai nhắc đến.

Cuộc chiến đấu cực kì gian khổ đầy hi sinh của dân tộc ta trong 35 năm qua đã nảy sinh bao nhiêu bản trường ca. Bản thân những bản trường ca đó lấy ra từ trong máu lửa tro than, từ những cuộc hành quân suốt từ Bắc chí Nam làm mòn cả đá của những đỉnh Trường Sơn, từ khát vọng cháy bỏng: Không có gì quý hơn độc lập, tự do!

Nhất định phải có những bản trường ca hùng tráng tương xứng để ca ngợi cuộc chiến đấu đầy khí phách anh hùng, ca ngợi công cuộc lao động đầy sáng tạo và không biết mệt mỏi của nhân dân ta. Tất nhiên các thể loại văn học khác cũng có nhiệm vụ đó, nhưng trường ca với đặc trưng của nó có nhiều khả năng trong việc này. Và như không hẹn mà gặp, trường ca đã có mặt những nơi đầu sóng ngọn gió. Đội quân tinh nhuệ này ra đời thật đúng lúc, nó sẽ trở thành đội ngũ hùng hậu tự khẳng định mình, tự mình cắt nghĩa mình, định hình trong đời sống văn học 35 năm tuy chưa dài nhưng, trường ca có thể làm một cuộc duyệt binh nho nhỏ trước quãng trường văn học Việt Nam: Lửa sáng rừng của Thái Giang, Bài ca Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi, Bài ca chim chơ rao, Ba-dan khát và Cam-pu-chia hi vọng của Thu Bồn, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Kể chuyện ăn cơm giữa sân của Nguyễn Khắc Phục, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh…

Trường ca có khả năng đặc biệt đi vào hiện thực.

Trong thơ trữ tình, khuynh hướng hiện thực cũng được phản ánh, nhưng tính lãng mạn hầu như bao trùm và có những lúc bị quằn lại trước những hiện thực dữ dội. Thơ trữ tình thường né tránh những đề tài quá ư phức tạp trong đời sống và nếu có thể hiện thì phần nhiều sử dụng phương pháp lãng mạn. Trường ca có thể xông vào hiện thực cuộc sống với tất cả sức mạnh của nó, giống như một người công binh đào hầm lại có đủ cả xẻng cuốc, khoan máy, thuốc nổ… Trường ca dám xông vào những chỗ hắc búa, những vỉa đá ngầm của cuộc sống. Tuy vậy, trường ca chứ không phải tiểu thuyết, trong khuôn khổ đặc trưng của nó, cũng phải kiêng nể một đôi chỗ…

Trường ca có đủ khả năng hiện thực và trữ tình nên sức công phá và độ bền của nó rất lớn. Do sự yêu cầu nghiêm ngặt về bố cục, tính tư tưởng và sự đa dạng của nó nên trường ca là một kiến trúc hoàn hảo có một sức mạnh nương tựa vào nhau, làm tôn thêm vẻ đẹp và sức mạnh cho nhau. Những ngôn ngữ và hình ảnh khi bước vào ngưỡng cửa của trường ca thực sự được chuyển hoá và nâng mình lên một bước, tự bản thân chúng tạo nên cho chúng những vẻ riêng rất là trường ca. Trường ca đã hình thành một bộ môn văn học, lừng lững đi vào đời sống; khác với những ngày tên gọi của nó chỉ thấp thoáng một cái bóng mơ hồ không có bộ mặt và hình dáng.

[…] Trường ca là một thể loại thơ dài nhằm thể hiện một chủ đề tư tưởng thông qua hình tượng thơ ca, sử dụng ngôn ngữ, âm điệu, bố cục… một cách điêu luyện và tinh xảo nhất của toàn bộ nghệ thuật thơ ca. Nó động viên nhiều phương pháp, vốn sống, xúc cảm, lao động trí tuệ nhằm ca ngợi con người, tình yêu, chiến đấu, lao động sáng tạo và thiên nhiên,…

Do tính chất của nó như vậy, cho nên hình thức của nó rất phong phú và đa dạng. Phong phú đến nỗi ta lười nhác không muốn định nghĩa nó là cái gì nữa. Đã thế, nó lại đương phát triển nhanh chóng.

Hiện nay trường ca giống như cô gái đẹp, tuỳ theo sự chiêm ngưỡng của người này người khác mà trang điểm thêm cho nó những phần mà mình ưa thích. Tuy nhiên, nó cũng có những quy luật khắt khe của nó. Ngay hiện nay có những bài diễn ca đã được ghi lại bên cạnh chữ to tướng là trường ca nhưng quần chúng không công nhận đó là trường ca, dù bài diễn ca đó hay và tác dụng đến mấy đi nữa. Đừng nên vì cái hay của thể loại này lại chuyển thể nó qua một thể loại khác.

[…] Trường ca khác hẳn với thơ truyện và diễn ca. Có thể ví tạm trường ca là một toà lâu đài, thơ truyện là một toặ nhà, diễn ca là một dãy trại lán. Do yêu cầu nghiêm túc của thiết kế mà đẻ ra hình thức này chứ tuyệt đối không phải trọng cái nào, khinh cái nào, vì cái nào sinh ra cũng do yêu cầu của nó.

Gỗ, đá, gạch có thể làm nhà, làm lâu đài, cũng như ngôn ngữ có thể làm diễn ca, làm thơ truyện, làm trường ca. Nhưng gỗ làm toà lâu đài cũng khác gỗ làm lán trai; cũng như ngôn ngữ trường ca khác ngôn ngữ diễn ca. Sự khác nhau đó là do tính tất yếu của nội dung công trình khắt khe đòi hỏi chứ không phải ý muốn một ai. Vì vậy, khi những ngôn ngữ nhân vật bố cục bước vào công trình của trường ca chúng phải kiểm nghiệm mình và nâng mình lên một bước để xứng đáng phù hợp với công trình mà nó đảm nhiệm. Trường ca là một toà lâu đài của thơ ca, là một kiến trúc tổng hợp của thơ ca.

Cũng như các bộ môn văn học khác, trong thơ, nhà thơ phải có thường trực ba con người: một kiến trúc sư thiết kế ra công trình, một người thợ lành nghề để thể hiện công trình đó, một người lao động tận tụy khai thác nguyên vật liệu dồi dào trong đời sống. Có khi nhà kiến trúc sư đi trước, có khi người lao động đi trước, do những nguyên vật liệu đã có đó kêu gọi công trình. Nói chung nguyên vật liệu, vốn sống trong văn học là một thứ nguyên vật liệu đặc biệt. Nó có thể nhao nhao lên đòi kết hợp để biến thành những công trình, nhưng cũng có thể tự nó biến mất đi hoặc nằm ngổn ngang ra đó biến thành những chướng ngại vật, cản trở và có khi vùi lấp nhà thơ. Tất cả cái đó đều do cuộc sống và trình độ của nhà thơ quyết định.

Trong nghệ thuật đều có những bước giống nhau nhưng trong thể loại trường ca cũng có những cái riêng của nó, tin chắc rằng sắp đến mọi người sẽ cùng nhau tìm ra những đặc trưng riêng biệt của nó. Có thể ví thêm mỗi bài thơ như một trận đánh, trường ca lại là một chiến dịch. Nó có đầy đủ những tính chất của các trận đánh, chính vì thế nó khác hẳn một trận đánh, nó có những yêu cầu cao hơn một trận đánh…

XEM THÊM HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH TÁC PHẨM TÀO THÁO UỐNG RƯỢU LUẬN ANH HÙNG- NGỮ VĂN 10 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận