Hướng dẫn phân tích tác phẩm Ra-ma buộc tội

Đang tải...

RA-MA BUỘC TỘI

(Trích Ra-ma-ya-na – sử thi Ân Độ)

I.KIẾN THỨC CƠ BẢN

1.Tóm tắt đoạn trích

Ra-ma là hoàng tử trưởng của nhà vua Đa-xá-ra-tha. Khi vua muốn truyền ngôi cho Ra-ma thì thứ phi Ka-kê-i nhắc lại một ân huệ cũ, buộc nhà vua phải đày ải Ra-ma vào rừng 14 năm. Xi-ta là vợ của chàng và Lắc-ma-ta, em trai cũng tình nguyện đi theo Ra-ma. Khi thời gian đày ải sắp hết Xi-ta bị quỷ Ra-va-na bắt cóc, cuốn nàng trong vạt áo. Ra-ma đã chiến đấu một cách dũng cảm và cứu được Xi-ta. Nhưng nghi ngờ nàng đã không còn trọn vẹn danh tiết sau nhũng ngày sống trong tay quỷ Ra-va-na, chàng đã từ bỏ nàng trước mặt mọi người. Vì để chúng minh sự trong sạch của mình và cho cả Ra-ma nên Xi-ta đã bước lên giàn hỏa thiêu tự vẫn. Nhưng do nàng trong sạch nên thân lửa A-nhi đã đem nàng trả cho Ra-ma. Ra-ma và Xi-ta quay về kinh đô cai quản đất nước khiến cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc.

2.Đoạn trích là thử thách cuối cùng của Ra-ma và Xi-ta trên con đường tìm về hạnh phúc và danh vọng. Bằng lối kể chuyện kịch tính và nghệ thuật khắc hoạ tính cách rất điển hình, tác giả đã cho chúng ta thấy được quan niệm của người Ấn Độ cổ đại về người anh hùng, về đấng quân vương mẫu mực và về người phụ nữ lí tưởng trong xã hội.

II.HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1.a. Sau chiến thắng, Ra-ma và Xi-ta gặp lại nhau trong một không gian cộng đồng trước sự chứng kiến của tất cả mọi người:

-Anh em, bạn hữu của Ra-ma (Lắc-ma-na, Xu-gri-va, Ha-nu-man).

-Đội quân của loài khỉ.

-Quan quân và dân chúng của vương quốc quỷ.

b. Có thể nói, màn gặp gỡ giữa Ra-ma và Xi-ta trong một không gian cộng đồng, giữa đông đủ mọi người, đã chi phối rất nhiều đến tâm trạng cũng như ngôn ngữ đối thoại của Ra-ma và Xi-ta.

-Với Ra-ma, lúc này chàng không chỉ đúng trên tư cách là một người chồng mà còn trên tư cách một người anh hùng, một đấng quân vương. Với tư cách ấy, chàng ở trong một hoàn cảnh vô cùng khó xử: vừa yêu thương, xót xa cho vợ, nhưng vẫn phải giữ bổn phận gương mẫu của một đức vua anh hùng: “Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với nhũng cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt. Nhưng vì sợ tai tiếng, chàng bèn nói với nàng, trước mặt nhũng người khác…”.

Nàng Xi-ta cũng vậy. Trong màn gặp gỡ này, nàng đã vô cùng đau khổ khi bị kết tội oan. Là một người vợ, hơn nữa còn là một hoàng hậu, nàng không thể để danh dự của mình bị bôi nhọ một cách oan uổng như vậy. Nhưng việc đó không phải dễ dàng. Lúc đầu, nàng ra sức van xin trong khuôn khổ tình nghĩa vợ chồng (lời thoại xưng hô chàng – thiếp) nhưng rồi nàng chuyển sang quan hệ xã hội. “Hỡi đức vua!..,”. Sự thay đổi cách xưng hô ấy cũng cho thấy tình thế khó xử của Ra-ma trước mặt đông đủ mọi người.

2.Theo lời tuyên bố của Ra-ma thì chàng giao tranh với quỷ Ra-va-na, tiêu diệt hắn để giải cứu Xi-ta vì danh dự người anh hùng bị xúc phạm khi Ra-va-na dám cướp vợ của chàng. Chàng ruồng bỏ Xi-ta vì danh dự không cho phép người anh hùng chấp nhận một người vợ đã chung chạ với kẻ khác “Người đã sinh trưởng… một vật để yêu thương”. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận được rằng trong thái độ ruồng bỏ Xi-ta của Ra-ma có sự ghen tuông của người chồng.

Như vậy, nhìn khía cạnh nào, chúng ta cũng thấy Ra-ma hành động bằng lí trí bởi chàng phải là khuôn mẫu đạo đức cho dân chúng noi theo, chàng phải hi sinh những tình cảm cá nhân vì những đòi hỏi của cộng đồng.

Để nhấn mạnh bổn phận và danh dự, chúng ta thấy Ra-ma lặp đi lặp lại nhiều lần những từ ngữ liên quan đến tài năng và danh dự (nhân phẩm, tiếng tăm, uy tín, gia đình cao quý, dòng họ lùng lẫy, trả thù sự lăng nhục,…) của một đức vua cao quý, anh hùng.

Khi Xi-ta bước lên giàn lửa thiêu, Ra-ma cũng căng thẳng vô cùng. Có thể nói đó cũng là một thử thách vô cùng khó khăn với chàng bởi Ra-ma không thể nghĩ rằng hành động của Xi-ta lại quyết liệt như vậy. Ở vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nạn” vì thế mà: “Vào lúc đó, chẳng ai trong đám bạn hữu dám nói gì với Ra-ma, hoặc nhìn, vào chàng, lúc đó nom chàng khủng khiếp như thần chết.”

3.Khi bị đẩy vào bước đường cùng, Xi-ta mặc dù vô cùng đau đớn nhưng nàng vẫn bình tĩnh đưa ra những lời thanh minh thấu tình, đạt lí.

Xi-ta được miêu tả trong chiều sâu của bi kịch về tình yêu và danh dự.

Nàng đau khổ vì bị oan, bị xúc phạm. Nàng “đau đớn đến nghẹn thở”. Nàng “xấu hổ cho số kiếp của nàng”, nàng muốn chết ngay “muốn tự chôn vùi cả cái hình hài của mình”. Nàng vô cùng đau đớn trước những lời buộc tội của Ra-ma, nàng cảm thấy như muôn nghìn mũi tên “xuyên vào trái tim nàng”. Nàng khóc “nước mắt nàng đổ ra như suối” – buộc tội Ra-ma. Nàng khẳng định: “trái tim thiếp đây thuộc về chàng”. Chàng chưa hiểu được thiếp qua tình yêu và tâm hồn thiếp. Tại sao khi Ha-nu-man trinh sát tới đảo Lan-ka, chàng không nhắn nhủ lời “từ bỏ thiếp để thiếp sớm tự kết liễu đời mình”. Nếu chàng tự hào dòng dõi cao quý thì thiếp có kém gì: ‘’Đất là mẹ của thiếp”. Nếu Ra-ma mỉa mai, gọi Xi-ta là “Hỡi phu nhân cao quý!” thì Xi-ta cũng đàng hoàng đáp lại “Hỡi đức vua!” (và trách) “Cớ sao hồi còn thanh niên chàng đã cưới thiếp?”.

-Xi-ta nhảy vào giàn hoả thiêu là một cảnh vô cùng bi tráng. Ra-ma “khủng khiếp như thần chết”. Các thánh thần thì tự hào nhìn Xi-ta nhảy vào lửa “chẳng khác nào một đồ cúng trong lễ tế sinh”. Đông đảo phụ nữ thì “kêu khóc thảm thương”. Loài ma quỷ như Va-na-ra. Rak-sa-xa cũng “kêu khóc vang trời”.

-Hình ảnh Xi-ta đàng hoàng tự tin. Nàng “lượn quanh” Ra-ma như để chào vĩnh biệt. Nàng lạy chư thần cao quý thiêng liêng. Nàng cất lời nguyền với Thần A-nhi: khắng định mình bị oan, một phụ nữ trinh tiết bị coi như một kẻ gian dối; tự hào về lòng trong trắng thuỷ chung trong tình yêu cúi xin thần ‘‘bảo vệ con”, “phù hộ cho con”. Ta hãy nghe lời cầu nguyện của nàng Xi-ta: “Nếu con trước sau một lòng một dạ với Ra-ma thì cúi xin thần hãy tìm hết cách bảo vệ con. Ra-ma đã coi một người phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối: nhưng nếu con trong trắng, xin Thần A-nhi phù hộ cho con”. Đọc “sử thi Ra-ma-ya-na” như ta biết, ngọn lửa sáng rực như mặt trời, nàng Xi-ta lộng lẫy kiều diễm trong ngọn lửa. Thần lửa A-nhi đã chứng minh và cứu sống nàng. Ra-ma dang đôi tay đón Xi-ta, nước mắt chan hoà sung sướng vừa ân hận, vừa tự hào.

4.Có thể nói cảnh Xi-ta nộp mình cho lửa là một cảnh đầy kịch tính, vừa hào hùng vừa rất bi thưong. Chính vì vậy, nó khiến cho quan quân và dân chúng của cả hai bên cũng như anh em bạn hữu vô cùng xúc động (“Ai nấy, già cũng như trẻ đau lòng đứt ruột… Các phụ nữ bật ra tiếng kêu khóc thảm thương. Cả loài Rak-sa-xa lẫn loài Va-na-ra cũng kêu khóc vang trời trước cảnh tượng đó”). Cảnh Xi-ta bước lên giàn lửa đúng là biểu tượng tập trung nhất cho hình mẫu người phụ nữ lí tưởng của Ấn Độ thời cổ đại. 

Cảm nghĩ của bản thân trước cảnh Xi-ta bước vào lửa

Hình ảnh nhảy vào lửa của Xi-ta là chi tiết mang tính huyền thoại. Nếu đọc tiếp chương 80 sẽ thấy: Thần A-nhi hiện ra mang Gia-na-ki trong vạt áo trông như mặt trăng lấp lánh, trang sức, y phục đỏ những cuộn tóc đen nhánh của nàng, phất phơ ở phía sau. Lửa không thể thiêu đốt những vòng hoa, đồ trang sức hay quần áo của nàng. Thần A-nhi nhân chứng cho mọi việc trao nàng Gia-na-ki cho Ra-ma và nói: “Hỡi Ra-ma, Gia-na-ki của người đây. Nàng trong sáng. Nàng không phạm bất kì tội lỗi nào bằng lời nói, việc làm hay ý nghĩ”. Nàng tuyệt thế giai nhân đã nộp mình cho lửa theo phong tục của người Ấn Độ. Nàng không chết. Chi tiết này càng làm tăng thêm chất bi hùng của Ra-ma, Xi-ta rõ ràng mang yếu tố nửa thần nửa người. Cho nên thần linh là bất tử, Xi-ta không bị lửa thiêu còn vì phẩm chất tốt đẹp của nàng. Nàng đem thân mình thử lửa đệ chứng minh tình yêu đức hạnh, thuỷ chung. Nhưng nếu như không có phép màu thần linh thì phải chăng kết cục cả một cuộc đời yêu thương và chung thuỷ thật thê thảm. Cảnh Xi-ta bước lên giàn hoả thiêu vừa hào hùng vừa bi thương, khiến quan quân dân chúng cả hai phe, anh em, bạn hữu xúc động mãnh liệt.

XEM THÊM HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH TÁC PHẨM UY-LÍT-XƠ TRỞ VỀ – NGỮ VĂN 10 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận