Hướng dẫn phân tích Lập dàn ý bài văn tự sự – Ngữ văn 10

Đang tải...

LẬP DÀN Ý BÀI VĂN TỰ SỰ

I.HÌNH THÀNH Ý TƯỞNG, DỰ KIẾN CỐT TRUYỆN

1.Nhà văn Nguyên Ngọc kể về quá trình ấp ủ, thai nghén đề tài, chuẩn bị để sáng tác truyện ngắn Rừng Xà Nu.

2.Qua lời kể ấy, ta có thể rút ra một số điều trong quá trình hình thành ý tường, dự kiến cốt truyện để chuẩn bị lập dàn ý cho bài văn tự sự.

-Để chuẩn bị viết một bài văn tự sự, trước tiên ta cần hình thành ý tưởng, dự kiến cốt truyện (có thể dự kiến trước phần mở đầu và kết thúc truyện); sau đó suy nghĩ, hư cấu, tưởng tượng về các nhân vật theo những mối quan hệ nào đó và nêu lên những sự việc, chi tiết tiêu biểu đặc sắc làm thành cốt truyện.

-Tiếp theo là bước lập dàn ý. Dàn ý bài văn tự sự cũng gồm ba phần: mở bài, thân bài và kết bài.

II.LẬP DÀN Ý

Đề 1

-Mở bài: Sau khi chạy khỏi nhà quan cụ, chị Dậu gặp một cán bộ cách mạng.

-Thân bài:

+ Cuộc Cách mạng tháng Tám nổ ra, chị Dậu trở về làng.

+ Khí thế cách mạng sục sôi, chị Dậu dẫn đầu đoàn biểu tình lên huyện cướp chính quyền, phá kho thóc của Nhật.

-Kết bài: Chị Dậu và bà con xóm làng mừng ngày tổng khởi nghĩa thành công, cái Tý trở về.

Đề 2

-Mở bài: Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, làng chị Dậu bị địch chiếm nhưng ban đêm vẫn có cán bộ cách mạng hoạt động bí mật.

-Thân bài:

+ Quân Pháp càn quét truy lùng cán bộ.

+ Trong làng căng thẳng, mọi người hoảng sợ, chị Dậu vẫn bình tĩnh, gan dạ che giấu cán bộ dưới hầm.

-Kết bài: Tổng khôi nghĩa thành công, chị Dậu nghẹn ngào đón cái Tý.

*Cách lập dàn ý bài văn tự sự:

-Trước khi lập dàn ý, cần suy nghĩ chọn đề tài, xác định chủ đề của bài viết.

-Từ đề bài chủ đề tưởng tượng phát ra những nét chính của cốt truyện (nên theo cấu trúc truyền thống: trình bày khai đoạn, phát triển, đỉnh điểm,kết thúc).

-Tiếp đó phát triển 3 phần của một dàn ý:

+ Mở bài: trình bày.

+ Thân bài: khai đoạn, phát triển, đỉnh điểm.

+ Kết bài: kết thúc.

-Dựa vào dàn ý cần suy nghĩ tìm các yếu tố cấu thành bài văn như: sự việc xảy ra, tâm trạng của nhân vật, quan hệ giữa các nhân vật, cảnh thiên nhiên,…

III.LUYỆN TẬP

1.Lập dàn ý cho bài văn viết về câu chuyện: Một học sinh tốt phạm phải một số sai lầm trong “những phút yếu mềm” nhưng đã kịp thời tỉnh ngộ, “chiến thắng bản thân…” vươn lên trong cuộc sống, trong học tập.

-Đề tài: Viết về cuộc sống học đường.

-Chủ đề: Ý thức nỗ lực vươn lên, khắc phục sai lầm, chiến thắng bản thân để tu

dưỡng nhân cách.

-Cốt truyện: Một học sinh tốt. Học sinh ấy bị kẻ xấu lôi kéo và phạm sai lầm. Đau khổ, ân hận, dằn vặt, tự đấu tranh (hay được người tốt giúp đỡ). Học sinh ấy đã vươn lên trở thành một học sinh tốt trong cuộc sống và học tập.

Bài viết tham khảo:

V. Lê-nin nói: “Tôi không sợ khó, không sợ khổ, tôi chỉ sợ nhũng phút yếu mềm của lòng tôi. Đối với tôi chiến thắng bản thân là chiến thắng vẻ vang nhất.” Đúng như vậy, khó khăn là chuyện thường tình trong cuộc sống khiến con người ta nhiều khi mất đi niềm tin vào cuộc sống, thậm chí có nhữnng lúc tưởng chừng như không còn đủ nghị lực để vượt qua điều đó. Nhưng điều quan trọng là trước những khó khăn, thử thách, mỗi người phải tự rút ra cho mình được bài học trong cuộc đời, dám đối mặt với những khó khăn để từ đó có định hướng đúng cho cuộc đời của mình. Cuộc sống dù có khó khăn đến đâu thì chắc hẳn trong sâu thẳm trái tim mỗi bạn trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước, những người đã, đang và sẽ bắt đầu bước vào một môi trường sống với bao điều mới lạ, môi trường ấy có sức hấp dẫn kì lạ đều có một ước mơ, một khát vọng được cống hiến cho quê hương, khát vọng được sống trong một môi trường lành mạnh.

Có lẽ mỗi con người đều có ước mơ của riêng mình, dù chỉ là những ước mơ vô cùng nhỏ bé hay là những ước mơ lớn lao, dù những ước mơ ấy có trở thành hiện thực hay mãi mãi chỉ là ước mơ thì nó cũng hết sức cần thiết. Bởi những ước mơ ấy sẽ tạo động lực giúp cho con người ta vượt qua được những khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Trong thực tế hiện nay đã có nhiều bạn trẻ đã kịp xây dựng cho mình những ước mơ riêng, và chính những ước mơ ấy đã giúp họ vượt qua được những khó khăn thử thách trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên, còn không ít những bạn trẻ còn sống thiếu mục tiêu, lí tưởng, chỉ gặp chút khó khăn là đã đầu hàng, không dám đối mặt với thử thách, để rồi sống buông tha và phá hủy chính bản thân bằng những thú vui vô bổ.

Ngày nay khi ta đi ngoài đường bắt gặp rất nhiều trường hợp có những ước mơ hết sức bình dị chẳng hạn như những đứa trẻ trên tay cầm tấm vé số ước sao mình được cầm quyển sách, cầm cây bút đi học như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Một cô bé vừa câm vừa điếc khao khát được nói chuyện và lắng nghe cùng bạn bè. Ước mơ của họ thật nhỏ bé giống như trong câu chuyện cổ tích “Cô bé bán diêm”, trong đêm cô bé chỉ mơ ước là được sum họp cùng gia đình, ước có ngỗng quay và cả cây thông… Những ước mơ ấy tuy thật nhỏ bé nhưng ý nghĩa của nó vô cùng lớn lao. Có người đã từng nói: phải chờ đợi đã là điều đáng buồn. Thế nhưng không có gì để chờ đợi mới là điều đáng sợ. Chừng nào cuộc sống của bạn còn những điều để hi vọnng, để chờ đợi, điều đó cũng có nghĩa là bạn luôn nỗ lực để thay đổi cuộc sống, và sự nỗ lực của bản thân ấy cũng chính là giá trị của cuộc sống.

Tôi cũng có một ước mơ. Ước mơ ấy sẽ thật nhỏ bé nếu so với biết bao mơ ước lớn lao của nhiều người. Trước đây, tôi cũng đã từng mơ ước làm được những điều vĩ đại, nhưng kể từ khi mẹ tôi bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo, tôi nhận ra mẹ thật sự rất quan trọng. Mẹ là tất cả của gia đình tôi. Chỉ cần mẹ tôi khoẻ mạnh là tôi hạnh phúc hơn rất nhiều người. Tôi ước mẹ tôi luôn được mạnh khoẻ, căn bệnh hiểm nghèo của mẹ tôi sẽ có thuốc chữa được để mẹ luôn sống bên chúng tôi, để dạy bảo chúng tôi và tôi được tiếp tục tới trường. Mẹ tôi đã rất vất vả nuôi chị em tôi lớn khôn, cho chúng tôi được cắp sách đến trường. Cả cuộc đời của mẹ tôi là một chuỗi những đau khổ, chưa lúc nào được hưởng niềm vui trong cuộc đời. Cha tôi mất sớm khi chị em tôi còn rất nhỏ, một mình mẹ tôi đã phải lăn lộn trong cuộc sống để kiếm tiền nuôi ba chị em tôi ăn học. Tôi thấy thương mẹ vô cùng vì mẹ đang mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo, căn bệnh ấy có thế cướp đi sinh mạng của mẹ tôi bất cứ khi nào mà không hề báo trước, thế mà mẹ vẫn phải “nai lưng” ra làm để có tiền cho chúng tôi ăn học. Nhiều lúc tôi nghĩ mình sẽ nghỉ học ở nhà để giúp mẹ làm công việc nhà để mẹ đỡ vất vả, để mẹ được nghỉ ngơi chữa bệnh, tuy nhiên khi biết được suy nghĩ đó của tôi mẹ đã nhất quyết không cho tôi nghỉ học. Đã có lần tôi cãi lại mẹ vì chuyện nghỉ học của tôi. Sau đó, tôi nhận được những lời khuyên của bạn bè và thầy cô giáo nên đã đến trường. Và giờ đây tôi đang là học sinh trung học phổ thông ngoan ngoãn, học giỏi. Tôi thầm cảm ơn mẹ và cảm ơn mọi người đã giúp tôi vượt qua được những phút “yếu lòng” Và quan trọng hơn là chiến thắng chính mình. Bởi tôi biết học tập chinh là con đường xán lạn nhất để tôi bước vào thế giới đầy khó khăn này.

Hãy bỏ qua những lỗi lầm trong quá khứ, sống rộng lượng, bao dung hơn và quan trọng là cần có ý chí vươn lên. Bạn hãy là chính mình. Điều đó sẽ giúp bạn thành công.

(Sưu tầm) 

2.Lập dàn ý cho câu chuyện kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tinh bạn, tình thầy trò,…

Gợi ý:

-Mở bài:

+ Nam và Bằng thân thiết từ nhỏ. Họ học cùng lớp với nhau.

+ Câu chuyện xảy ra khi ở lớp xảy ra những vụ trộm vặt.

-Thân bài:

+ Kể vắn tắt về việc mất đồ mà không rõ lí do (trong đó Nam mất nhiều nhất).

+ Không khí của lớp trở lên căng thẳng, mâu thuẫn trong lớp xảy ra.

+ Nam nghi ngờ tất cả mọi người trong đó có Bằng. Họ đã to tiếng và không chơi với nhau nữa.

+ Nhờ sự can thiệp của thầy cô, lớp đã tìm ra thủ phạm.

-Kết bài:

+ Không khí lớp trở lại như xưa.

+ Nam xin lỗi Bằng và họ lại thân thiết như xưa.

Bài viết tham khảo:

Đề bài: Kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn.

Tôi bước trên con đường quen thuộc. Trời hôm nay thật là đẹp. Trời xanh ngắt không một gợn mây. Ánh nắng vàng rải nhẹ xuống đường khiến tôi nhớ đến Mai biết bao nhiêu.

Người bạn đó không học cùng trường, cũng không học cùng lớp, mà tôi quen trong một trường hợp đặc biệt. Cứ vào mỗi buổi chiều đi học về, tôi lại thấy một cô bé ăn mặc rách rưới đi bán bỏng ngô. Một hôm trời mưa to nhưng cô bé kia vẫn đi bán bỏng. Thấy cô bé bán bỏng quần áo ướt sũng, tôi liền đi sát lại, kéo áo mưa của mình che cho bạn.

Hôm ấy, vừa đi tôi vừa hỏi:

-Bạn tên là gì? Tại sao ngày nào bạn cũng đi bán bỏng ngô vậy?

Cô bé trả lời:

-Mình tên là Mai. Vì nhà mình nghèo quá nên mình phai đi bán bỏng ngô để mua quần áo và đồ dùng học tập.

Thực ra nhà tôi cũng chẳng hơn gì nhà Mai. Bỗng, tôi chợt nhớ ra chiếc áo mà ông nội đã tặng tôi năm ngoái. Không tần ngần gì nữa, tôi liền đem ngay ý kiến đó nói với Mai, nhưng Mai lại nói:

-Cảm ơn bạn, nhưng mình muốn tự lao động để kiếm tiền mua các thứ.

Cũng kể từ ngày hôm đó, tôi không còn thấy Mai đi bán bỏng ngô nữa. Rồi bất chợt một hôm, tôi gặp lại Mai trong một kì thi học sinh giỏi. Tôi và Mai mừng rỡ ôm chầm lấy nhau, rồi hai đứa chạy ù vào trong phòng chuẩn bị thi. Tôi ngồi ngay dưới bàn của Mai. Sau một hồi, sáu tiếng trống vang lên báo hiệu bắt đầu giờ thi. Phần đầu bài thi, tôi làm được nhưng đến một bài toán khó thì tôi suy nghĩ mãi không ra. Tôi nhìn lên trên thấy Mai viết lia lịa trên tờ giấy thi. Trán tôi lấm tấm mồ hôi. Bỗng tù’ đâu một cục giấy vo tròn được ném thẳng tới trước mặt tôi. Tôi thấy Mai nháy mắt một cái như báo hiệu. Tôi hiểu ý Mai, định nhặt lên xem nhưng tôi lại nhớ có lần Mai đã nói:

-Cảm ơn bạn, nhưng mình muốn tự lao động để mua mọi thứ.

Vậy là tôi không giở ra xem nữa vừa cố gắng đọc thật kĩ đề bài để tìm ra đáp án, và cuối cùng, tôi cũng tìm ra đáp án. Tôi liền viết một mạch. Vừa lúc,hết giờ cũng ià lúc tôi hoàn thành xong tất cả bài thi. Ra về, Mai tiến lại gần tôi, nói:

-Vừa rồi, mình thấy bạn lúng túng nên mình muốn giúp bạn, bây giờ mình thấy thật sự ân hận. Tốt hơn hết là chúng minh hãy tự đi và lao động bằng đôi chân và trí óc của mình.

Tôi và Mai sải bước bên nhau. Trời như trong và xanh hơn.

(Theo Trần Đức Long)

XEM THÊM HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH TRUYỆN AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ MỊ CHÂU – TRỌNG THỦY – NGỮ VĂN 10 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận