Hướng dẫn phân tích đọc hiểu tác phẩm Thuốc – Ngữ văn 12

Đang tải...

THUỐC

Lỗ Tấn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1.Tác giả

– Lỗ Tấn (1881 – 1936) tên thật là Chu Thụ Nhân, quê ở phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Nam Trung Quốc.

– Ông là nhà văn cách mạng lỗi lạc của Trung Quốc thế kỉ XX. “Trước Lỗ Tấn, chưa hề có Lỗ Tấn; sau Lỗ Tấn, có vô vàn Lỗ Tấn” (Quách Mạt Nhược).

– Tuổi trẻ của Lỗ Tấn đã nhiều lần đổi nghề để tìm một con đường cống hiến cho dân tộc: từ làm nghề khai mỏ đến hàng hải rồi nghề y, cuối cùng làm văn nghệ để thức tỉnh quốc dân đồng bào. Con đường gian nan để chọn ngành nghề của Lỗ Tấn vừa mang đậm dấu ấn lịch sư Trung Hoa thời cận hiện đại, vừa nói lên tâm huyết của một người con ưu tú của dân tộc.

– Quan điểm sáng tác của Lỗ Tấn được thể hiện nhất quán trong toàn bộ sáng tác của ông: phê phán nhũng căn bệnh tinh thần khiến cho quốc dân mê muội, tự thoả mãn “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”.

– Tác phẩm chính: AQ chính truyện (kiệt tác của văn học hiện đại Trung Quốc và thế giới), các tập Gào thét, Bàng hoàng, Truyện cũ viết theo lối mới, hơn chục tập tạp văn có giá trị phê phán, tính chiến đấu cao.

2.Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Thuốc được viết năm 1919, đứng vào lúc cuộc vận động Ngũ tứ bùng nổ. Đây là thời kì đất nước Trung Hoa bị các đế quốc Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật xâu xé. Xã hội Trung Hoa biến thành nửa phong kiến, nửa thuộc địa, nhưng nhân dân lại an phận chịu nhục.

“Người Trung Quốc ngủ mê trong một cái nhà hộp không có cửa sổ” (Lỗ Tấn). Đó là căn bệnh đớn hèn, tự thoả mãn, cản trỏ’ nghiêm trọng con đường giải phóng dân tộc. Thuốc đã ra đời trong bối cảnh ấy với một thông điệp cần suy nghĩ nghiêm khắc về một phương thuốc để cứu dân tộc.

b. Tóm tắt

Vợ chồng lão Hoa Thuyên, chủ một quán trà nghèo, có đứa con trai duy nhất là bé Thuyên bị bệnh ho lao. Nhờ người mách giúp, một đêm thu gần về sáng, lão tìm tới cai ngục, mua bánh bao tầm máu của tử tù đem về cho con trai ăn, hi vọng con sẽ khỏi bệnh nhưng sau đó bé Thuyên đã chết.

Sáng hôm ấy, tại quán trà, tên đao phủ Cả Khang và mọi người bàn luận về công hiệu của thứ thuốc đặc biệt kia và về Hạ Du, người chiến sĩ cách mạng kiên cường vừa mới hi sinh nhưng không ai hiểu anh, còn cho anh là giặc, là kẻ làm loạn, là điên.

Năm sau, một buổi sáng mùa xuân, trong tiết Thanh minh, mẹ của Hạ Du và bà Hoa Thuyên cùng đến nghĩa trang viếng mộ con. Hai bà mẹ có mối đồng cảm với nhau. Họ ngạc nhiên khi thấy trên mộ Hạ Du “rõ ràng có một vòng hoa, hoa trắng hoa hồng xen lẫn nhau”, người mẹ đã hiểu ra được việc làm cao đẹp của con mình.

c. Bố cục

– Phần 1: Thuyên mắc bệnh lao. Mẹ Thuyên đưa tiền cho chồng ra chỗ hành hình người cộng sản mua bánh bao tẩm máu về chữa bệnh cho con (Thuốc).

– Phần 2: Thuyên ăn cái bánh bao đẫm máu nhung vẫn ho. Thuyên nghe tim mình đập không sao cầm nổi, đưa tay vuốt ngực. Lại một cơn ho (uống thuốc).

– Phần 3: Cuộc bàn luận trong quần trà về thuốc chữa bệnh lao, về tên “giặc” Hạ Du (bàn về thuốc).

– Phần 4: Nghĩa địa vào dịp tiết Thanh minh. Hai người mẹ trước hai nấm mồ: một của người chết bệnh, một chết vì nghĩa. Hai nấm mộ ở hai khu vực, ngăn cách bởi một con đường mòn (hậu quả của thuốc).

II. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Bánh báo tẩm máu người

– “Bánh bao tẩm máu người”, nghe như chuyện thời trung cổ nhưng vẫn xảy ra ở hước Trung Hoa trì trệ. Tầng nghĩa thứ nhất – nghĩa đen của tên truyện là: thuốc chữa bệnh lao. Thứ mà ông bà Hoa Thuyên xem là “tiên dược” để cứu mạng thang con “mười đời độc đinh” đã không cứu được nó mà ngựợc lại đã giết chết nó – đó là thứ thuốc mê tín.

– Trong truyện, bố mẹ thằng Thuyên đã áp đặt cho nó một phương thuốc quái gở. Và cả đám người trong quán trà cũng cho rằng đó là thứ thuốc tiên. Như vậy, tên truyện còn hàm nghĩa sâu xa hơn, mang tính khai sáng: đây là thứ thuốc độc, mọi người cần phải giác ngộ ra ràng cái gọi là thuốc chữa bệnh lao được sùng bái là một thứ thuốc độc.

– Người Trung Quốc cần phải tỉnh giấc, không được ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ.

– Chiếc bánh bao – liều thuốc độc hại được pha chế bằng máu của người Cách mạng – một người xả thân vì nghĩa, đổ máu cho sự nghiệp giải phóng nông dân… Những người dân ấy (bố mẹ thằng Thuyên, ông Ba, cầ Khang…) lại dửng dưng, mua máu người cách mạng đe chữa bệnh… Với hiện tượng chiếc bánh bao tẩm máu Hạ Dũ, Lỗ Tấn đã đặt ra một vấn đề hết sức hệ trọng là ý nghĩa của hi sinh. Tên truyện vì thế mang tầng nghĩa thứ ba: phải tìm một phương thuốc làm cho quần chúng giác ngộ Cách mạng và làm cho cách mạng gắn bó với quần chúng.

2. Ý nghĩa cuộc bàn luận trong quán trà về Hạ Du

a. Hình tượng người cách mạng Hạ Du

– Nguyên mẫu ngoài đời là nữ liệt sĩ Thu Cận, người đồng hương với tác giả, hi sinh tại quê nhà năm 1907.

– Là thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, anh hi sinh cho Trung Hoa “Thiên hạ nhà Mãn Thanh chính là chúng ta.”

– Lý tưởng của Hạ Du là giành lại nước Trung Hoa cho người Trung Hoa, nhưng không ai hiểu nổi.                                        .

– Trong nhận thức của mọị người Hạ Du là người điên 7 là làm giặc. Hạ Du dũng cảm xả thân, nhưng máu anh đổ ra một cách vô ích.

– Nhân vật Hạ Du hiên ngang xả thân vì nghĩa lớn nhưng lại rất cô đơn vì không ai hiểu được việc anh làm…

b. Cuộc bàn luận của những người trong quán trà của lão Hoa

– Chủ đề bàn luận của những người trong quán trà của lão Hoa trước hết là công hiệu của “thứ thuốc đặc biệt” – chiếc bánh bao tẩm máu người.

– Từ việc bàn về công hiệu của chiếc bánh bao tẩm máu Hạ Du chuyển sang bàn về bản thân nhân vật Hạ Du là diễn biến tự nhiên, hợp lí.

– Người tham gia bàn luận tán thưởng rất đông song phát ngôn chủ yếu vẫn là tên đao phủ Cả Khang, ngoài ra còn có một người có tên kèm theo đặc điểm (cậu Năm gù) và hai nguời chỉ có đặc điểm (“người tóc hoa râm”, “anh chàng hai mươi tuổi”).

Những lời bàn luận đã cho ta thấy:

+ Bộ mặt tàn bạo thô lỗ của Cả Khang.

+ Bộ mặt lạc hậu cùa dân chúng Trung Quốc đương thời.

+ Lòng yêu nước của người chiến sĩ cách mạng Hạ Du.

3. Không gian, thời gian nghệ thuật và ý nghĩa của chi tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du

– Câu chuyện xảy ra trong hai buổi sớm vào mùa thu, mùa xuân có ý nghĩa tượng trưng. Buổi sáng đầu tiên có ba cảnh: cảnh sáng tinh mơ đi mua bánh bao tẩm máu người, cảnh pháp trường và cảnh cho con ăn bánh, cảnh quán trà… Ba canh gần như liên tục, diễn ra trong mùa thu lạnh lẽo. Bối cảnh quán trá và nơi đường phố là nơi tụ tập của nhiều loại người, do đó hình dung được dư luận và ý thức xã hội. Buổi sáng cuối cùng là vào dịp tiết Thanh minh mùa xuân tảo mộ. Mùa thu lá rụng, mùa xuân đâm chồi nảy lộc, gieo mầm.

– Vòng hoa trên mộ Hạ Du: có thế xem vòng hoa là cực đối lập của “chiếc bánh bao tẩm máu”. Phủ định vị thuốc là bằng chiếc bánh bao tẩm máu, tác giả mơ ước tìm kiếm một vị thuốc mới chữa được cả những bệnh tật về tinh thần cho toàn xã hội với điều kiện tiên quyết là mọi người phải giác ngộ cách mạng, phải hiểu rõ “ý nghĩa của sự hi sinh” của những người cách mạng.

– Nhờ chi tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du, chủ đề tư tưởng tác phẩm được thể hiện trọn vẹn, nhờ đó mà không khí của truyện vốn rất u buồn, tăm tối, song điều mà tác giả đựa đến cho người đọc không phải là tư tưởng bi quan.

III. LUYỆN TẬP

1. Ý nghĩa của chi tiết: Nghĩa địa người chết chém bên trái; nghĩa địa người chết vì bệnh, chết nghèo bên phải, chia cắt bởi một con đường mòn… mộ dày khít như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ:

– Không hề có sự phân biệt giữa những ngườị làm cách mạng hi sinh vì đất nước vói những kẻ trộm cắp giết người. Vô hình trung những người chiến sĩ cách mạng cũng bị xem là “giặc”.

– Mặt khác, số người bị chết chém hoặc chết tù cũng nhiều như số người bị chết vì đói. Một con số gợi lên thực trạng xã hội đen tối, tàn bạo của đất nước Trung Hoa cũ.

– Hình ảnh con đường mòn không chỉ là ranh giới tự nhiên mà nó còn là ranh giới vô hình của lòng người, của định kiến xã hội, chia rẽ quần chúng.

2. Câu hỏi của bà mẹ trước vòng hoa trên nấm mộ người tử tù: “Thế này là thế nào?”

– Câu hỏi này của bà mẹ người cách mạng Hạ Du thể hiện sự ngơ ngác trước vòng hoa không biết của ai đặt trên mộ con mình.

– Câu hỏi đó cũng nói lên một niềm tin đang le lói trong tâm hồn người mẹ đau khổ: đã có người hiểu và tiếp bước sự nghiệp của con mình.

IV. MỞ RỘNG KIẾN THỨC

Lỗ Tấn – Lá cờ đầu của văn học cách mạng Trung Quốc

Đại văn bào Lỗ Tấn tên thật là Chu Thụ Nhân, tên chữ là Du Tài, quê ở phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Nam Trung Quốc.

Tuổi trẻ của Lỗ Tấn đã nhiều lần đối nghề từ học hàng hải, học khai mỏ và xuất dương sang học y học ở Nhật Bản với mong muốn cứu chữa cho dân nghèo để hộ không phải chết vì không có thuốc như cha mình. Thể nhưng, ông đã tỉnh ngộ khi một lần xem phim mà ở đó nhân vật trong phim là một người Trung Quốc làm “Hán gian” cho quân Nga bị quân Nhật bắt được và hành quyết. Những người Trung Quốc khác đứng vây quanh để xem tỏ ra khoái trá khi thấy đồng bào mình bị hành hạ và dửng dưng trước cái chết của đồng bào mình. Sự việc này dày vò suy nghĩ của Lỗ Tấn: Đồng bào ông đang bệnh hoạn về tinh thần, cần phải cứu vãn tịnh thần của họ. Việc chữa căn bệnh tinh thần trầm kha này trở nên cấp bách hơn chữa bệnh bằng thể xác, ông chuyển từ học y sang học văn để cứu chuộc linh hồn của đồng bào mình. Chi tiết này ông đã đưa vào tác phẩm Thuốc nổi tiếng sau này.

Lỗ Tấn gia nhập Quang Phục Hội, một tổ chức cách mạng của Tôn Dật Tiên và dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ dân chủ cách mạng và các trưóc tác khoa học của thế giới với mục đích thức tỉnh dân tộc mình. Năm 1909, Lỗ Tấn trở về nước dạy học và tham gia cách mạng Tân Hợi 1911. Ông đã sớm tỏ ra thất vọng vì cuộc cách mạng “nửa vời” này vì theo ông, nó chẳng đem lại lợi ích gì đáng kể ngoài việc đập nát “bài vị thờ vua Tuyên Đức”. Cách mạng tháng Mười Nga đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông. Năm 1918, Lỗ Tấn viết thiên truyện đầu tay Nhật ký người điên, tiếp theo ông viết nhiều truyện ngắn khác, như: Khổng Ất Kỳ, cổ hương, cầu phúc, đặc biệt là kiệt tác AQ chính truyện và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác lên án chủ nghĩa đế quốc, chế độ phong kiến, chính quyền phản động.

Năm 1920 – 1925, Lỗ Tấn làm giáo sư ở Trường Đại học Bắc Kinh. Ông lãnh đạo sinh viên, lập các nhóm văn học, làm báo, tạp chí để cổ vũ cách mạng. Lỗ Tấn trở thành lãnh tụ tư tưởng của thanh niên Trung Quốc. Năm 1926, trước sự truy bức của chính quyền phản động, Lỗ Tấn về Hạ Môn, Quảng Châu làm giáo sư Trựờng Đại học Hạ Môn. Từ đây, Lỗ Tấn cố quan hệ mật thiết với tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi Tưởng Giới Thạch phản bội chủ nghĩa Tôn Trung Sơn, đàn áp đẫm máu giai cấp vô sản, Lỗ Tấn phẫn nộ từ chức giáo sư đại học và dời lên Thượng Hải để tránh sự truy bức của chính quyền phản động và duy trì đường lối văn học vô sản, trở thành người thầy của nền văn học cách mạng mới. Tại đây, Lỗ Tấn tập trung sức lực cho việc tổ chức và lãnh đạo phong trào văn học cách mạng, xuất bản nhiều tạp chí giới thiệu lý luận văn nghệ Mác xít. Trong thời gian náy, Lỗ Tấn viết Chuyện cũ viết lại và hàng ngàn bài tạp văn nổi tiếng, như: Giọng Nam điệu Bắc, Viết tự do, Viết ở Tô giới, Văn học viền hoa v.v…

Lỗ Tấn qua đời ngày 19 – 10 – 1936 tại Thượng Hải. Quần chúng cách mạng đã tổ chức tang lễ ông hết sức trọng thể và phủ trên quan tài ông lá cờ đề ba chữ “Dân tộc hồn” – linh hồn dân tộc.

 

XEM THÊM : Hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm Một người Hà Nội – Ngữ văn 12 ” TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận