Hướng dẫn làm bài văn nghị luận phân tích “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ) – Tập làm văn 9

Đang tải...

Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương

Đề bài : Phân tích “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ).

Bài làm

Nguyễn Dữ là một tên tuổi, một cây bút lớn của nền văn học Việt Nam thế kỉ XVI. Sở trường của ông là những truyện ngắn phản ánh cuộc sống hiện thực nhưng vẫn phảng, phất sự thần kì, huyền bí. Nhắc đến ông người ta không thể không nhắc đến Truyền kì mạn lục. Từ khi mới ra đời cho đến nay, áng văn chương này đã được người đời ca tụng là “Thiên cổ kì bút” – cây bút kì diệu truyền tới ngàn đời. Chuyện người con gái Nam Xương là tác phẩm thành công nhất trong Truyền kì mạn lục.

Câu chuyện kể về số phận đầy bi kịch và bất công của Vũ Nương – một phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh nhưng do một “cái bóng” hay chính là sự đa nghi, tính gia trưởng của chồng cùng chế độ phong kiến hà khắc đã phải tự vẫn để tìm lại sự thanh sạch. Nhờ bút pháp tài tình, Nguyễn Dữ đã thể hiện một cách sâu sắc và cảm động hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong chế độ phong kiến xưa qua một áng văn chương bác học đặc sắc, lạ kì — Chuyện người con gái Nam Xương. Tác phẩm là câu chuyện ám ảnh người đọc bởi tính bi kịch của nó. Câu chuyện kể về nàng Vũ Nương không chỉ xinh đẹp mà còn có đức hạnh, đáng được cuộc đời ưu ái. Tuy vậy, nàng cũng không thoát ra khỏi sự tàn bạo, hà khắc của chế độ nam quyền phong kiến với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Nàng bị chính người chồng của mình nghi oan, sỉ nhục đến mức phải nhảy sông tự vẫn, tìm lại sự thanh sạch cho bản thân. Sau khi rời xa trần thế đầy khổ đau, nàng đã được sống an lành, bình yên giữa các thần tiên ở chốn Thuỷ cung. Tác phẩm là sự xót thương của Nguyễn Dữ cho một kiếp người đau khổ, bất hạnh – Vũ Nương – một phụ nữ điển hình trong xã hội phong kiến. Đồng thời, đó cũng là ước mơ của nhân dân ta từ ngàn đời nay – người tốt phải được đền trả xứng đáng, dù chỉ là ở một thế giới huyền bí. Những giá trị nội dung hiện thực và lãng mạn đó của tác phẩm được biểu hiện trong số phận, phẩm chất, tính cách của các nhân vật mà Nguyễn Dữ đã khắc hoạ rất thành công.

Toàn bộ câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là nàng Vũ Thị Thiết. Đó là một phụ nữ có dung nhan. Tuy văn học trung đại ít miêu tả chân dung nhưng qua những nét phác hoạ sơ sài của Nguyễn Dữ ta có thể thấy vẻ đẹp của Vũ Nương. Như trong bài thơ Bánh trôi nước, Hồ Xuân Hương đã viết “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”, vẻ đẹp của nàng Vũ Nương chính là vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam xưa – “vừa trắng”, “vừa tròn”. Đó là một vẻ đẹp mặn mà, tròn trịa và vô cùng thuần phác, phúc hậu. Không chỉ có nhan sắc, Vũ Nương còn mang trong mình một tâm hồn thanh cao rất đáng quý, đáng yêu. vẻ đẹp tâm hồn nàng được thể hiện qua các mối quan hệ với chồng, mẹ chồng và con trai. Mặc dù cuộc hôn nhân của Vũ Nương không có tình yêu do Trương Sinh mang tiền vàng đến cưới nàng về làm vợ nhưng nàng vẫn hết lòng chăm sóc, lo lắng cho gia đình nhà chồng. Vũ Nương rất hiểu tính chồng mình đa nghi, hay ghen nên trong mối quan hệ với chồng, nàng lúc nào cũng khéo léo, giữ gìn khuôn phép, cư xử đúng mực nên gia đình luôn hạnh phúc, ếm ấm. Hơn thế khi Trương Sinh phải đi lính ba năm, nàng đã lo lắng cho chồng, tần tảo thay chồng gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong gia đình chu toàn. Điều này cho thấy nàng không những chỉ khéo léo mà còn rất đảm đang. Đặc biệt, tấm lòng Vũ Nương lúc nào cũng hướng tới Trương Sinh, nàng luôn giữ tấm lòng son sắt, thuỷ chung đợi chồng về đoàn tụ. Nếu như trong mối quan hệ với chồng, Vũ Nương là một người vợ đảm đang, chung thuỷ thì với mẹ chồng nàng là một người dâu hiền thảo. Khi mẹ chồng vì nhớ thương con trai mà sinh bệnh, nàng đã hết lòng lựa lời ngọt ngào an ủi, động viên rồi chăm sóc tận tình, lo thuốc thang, lễ bái thần Phật; chỉ mong bà sớm bình phục. Thật chẳng giống người ta hay nói mẹ chồng nàng dâu là khắc tinh của nhau; Vũ Nương đối xử với mẹ chồng mà như với mẹ đẻ vậy. Tình cảm ấy đã lay động trái tim mẹ chồng, khiến làng xóm thương yêu. Khi mẹ chồng qua đời, nàng lo cho bà mồ yên mả đẹp, trọn vẹn như một người con gái. Trong quan hệ với con trai là bé Đản, Vũ Nương thực sự là một người mẹ tuyệt vời. Nàng hiểu khi không có cha, con sẽ cảm thấy thiếu vắng nên đã tìm cách đem đến cho con một người cha tưởng tượng bằng cách hằng đêm chỉ tay vào cái bóng của mình trên vách rồi bảo đấy là cha Đản. Đoạn đầu tác phẩm là những khắc hoạ hết sức dung dị của Nguyễn Dữ về hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam với “tứ đức” rất đủ đầy – công, dung, ngôn, hạnh. Đẹp người, đẹp nết như vậy, cuộc đời người con gái Nam Xương xinh đẹp, nết na ấy lại gặp biết bao đau đớn, bị đẩy vào một bi kịch không có lối thoát…

Ba năm dài đằng đẵng chờ đợi Trương Sinh rồi cũng đã qua, những tưởng cuộc đời nàng Vũ Nương từ đây sẽ là những tháng ngày tươi đẹp với hạnh phúc bên cạnh chồng con. Nhưng không, sự trở lại của Trương Sinh đã bắt đầu cho vở bi kịch cuộc đời nàng. Trương Sinh trở về, biết mẹ mất, chàng bế bé Đản ra thăm mộ mẹ. Vì một câu nói ngây thơ của đứa con lên ba: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả” mà Trương Sinh đã phơi bày tất cả bản chất đa nghi, hay ghen của mình. Câu nói của bé Đản như dầu đổ vào ngọn lửa nghi ngờ vẫn cháy âm ỉ trong lòng Trương Sinh; khiến nó bùng cháy thật sự. Không tìm hiểu gì thêm, chàng về nhà mắng nhiếc, nói bóng gió, sỉ nhục nàng. Trương Sinh đinh ninh vợ hư, đã qua lại với một người đàn ông khác khi chàng vắng nhà nên đã chửi mắng, ruồng bỏ nàng. Bị dồn đến đường cùng, Vũ Nương đã hết sức đau đớn, bất ngờ và tìm mọi cách để thanh minh nhưng không được. Trương Sinh với sự gia trưởng đã quyết định không nói cho nàng biết nguồn cơn của mối ngờ vực trong lòng mình mặc nàng và họ hàng làng xóm hết sức thanh minh. Đó là cách suy nghĩ vội vàng, một chiều của con người vốn độc đoán. Chàng trở thành kẻ vũ phu, thô bạo “mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi”. Nhà văn đã tập trung bút lực ghi lại những lời nói, lời giãi bày, thanh minh của Vũ Nương, đẩy mâu thuẫn của câu chuyện lên đỉnh điểm, tô đậm thêm số phận và tính cách nhân vật. Vũ Nương đã nói trọng tâm trạng “bất đắc dĩ”: “Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”. Chỉ một câu nói mà Vũ Nương đã kể tới biết bao hình ảnh thiên nhiên với những nét biểu hiện eủa sự mất mát đáng tiếc, những cái chết vô cùng xót xa. Nhà văn đã mượn thiên nhiên để nói lên tâm trạng con người chán chường theo phong cách ước lệ đặc trưng của văn chương trung đại. Bế tắc bị đẩy vào đường cùng, nàng tắm gội chay sạch, muốn rũ bỏ hết những phiền muộn đã gặp phải trên trần thế, rồi ra bến Hoàng Giang, ngửa mặt lên trời mà nói lên oan khuất, tức tưởi trong tim mình rồi mới nhảy sông tự vẫn. Nàng đã thất vọng đến tột cùng, chán chường đến tột độ. Vũ Nương tìm đến cái chết vừa để bảo toàn danh dự vừa để đấu tranh phê phán người chồng cả ghen, thiếu niềm tin trong quan hệ vợ chồng. Đó cũng là một hành động bế tắc, đau khổ của một kiếp người đơn độc, mang ý nghĩa đạo lí của người xưa. Vũ Nương chết đi nhưng nỗi oan của nàng vẫn còn đó. Mãi về sau, khi chỉ còn hai cha con, đối diện với cái bóng oan khiên trên vách, Trương Sinh mới khám phá ra nỗi oan tình của vợ, nhưng mọi chuyện đã muộn… Nhân vật Trương Sinh là biểu tượng cho những người đàn ông phong kiến luôn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, cũng là biểu tượng cho tất cả những ai mang thói ghen tuông vô cớ, sống không có niềm tin, lại vũ phu, tàn nhẫn,…

Bên cạnh đó, Nguyễn Dữ còn lồng thêm những chi tiết hoang đường khá thú vị. Trước hết, nó hoàn chỉnh vẻ đẹp của Vũ Nương. Tuy đã sống sung sướng ở chốn tiên nhưng nàng vẫn khao khát được giải oan, vẫn nặng tình với trần thế, quan tâm tới chồng con, nhớ quê hương, nhà cửa, phần mộ tổ tiên,… Hơn nữa, những yếu tố hoang đường, kì ảo ấy như khúc vĩ thanh trong bản nhạc để ngân lên những ước mơ ngàn đời của nhân dân ta rằng: cuộc đời luổn công bằng, người tốt dù trải bao oan khuất, cuối cùng sẽ được đền trả xứng đáng.

Nói đến một câu chuyện không thể không kể tới những chi tiết làm nên linh hồn của nó. Và nhắc đến Chuyện người con gái Nam Xương thì phải nói đến “cái bóng”. “Cái bóng” chính là cái tưởng chừng như vô hại lại là nguyên nhân dẫn đến mọi sự bất hạnh, oan khuất trong cuộc đời người con gái Nam Xương xinh đẹp, nết na Vũ Nương. Đây là một sáng tạo vô cùng độc đáo của Nguyễn Dữ so với tích truyện cũ, là một hình ảnh hàm chứa rất nhiều tầng bậc ý nghĩa của câu chuyện. Nếu không có chi tiết “cái bóng” đầy ám ảnh được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của Nguyễn Dữ thì cuộc đời Vũ Nương sẽ không rơi vào bi kịch, sẽ không bị dồn đến chân tường rồi phải nhảy sông mà tự tử. Nó là một bước ngoặt lớn của cuộc đời Vũ Nương, là chi tiết đã thay đổi hoàn toàn số phận nàng, tạo nên nỗi oan khuất tưởng chừng như không thể giãi bày dẫn đến cái chết thương tâm, đầy ám ảnh của nàng. Rồi cũng là chính “cái bóng” ấy đã giải oan, lấy lại sự thanh sạch cho nàng. Ngọn nguồn cơn ghen với vợ cũng chỉ bắt đầu bằng câu nói của một đứa trẻ lên ba rất ngây thơ, non nớt. Nếu Trương Sinh bình tĩnh và tin tưởng vợ hơn một chút thì có lẽ chàng sẽ hiểu ra đó chính là cái bóng của Vũ Nương chứ không phải bất cứ người đàn ông nào. Nhưng không, Trương Sinh đã phơi bày bản chất thật sự của mình, là một người ít học, với bản chất đa nghi, gia trưởng khi một mực khẳng định Vũ Nương mất nết, hư hỏng rồi mắng nhiếc, đánh đuổi đi mặc cho nàng thanh minh, ỉàng xóm bênh vực như thế nào. Chàng chính là người đã bức tử người vợ đáng yêu, đáng quý của mình. Có lẽ, đằng sau “cái bóng” ấy còn có nhiều điều mà Nguyễn Dữ muốn nói. Phải chăng “cái bóng” ấy cũng chính là hiện hình về bản chất của Trương Sinh? Nếu chàng chỉ Qần có một chút bao dung thì sẽ nói cho vợ biết về lời của bé Đản và nàng sẽ minh oan được cho mình.

Song có lẽ còn có một “cái bóng” tăm tối khác đã trùm lên cuộc đời của Vũ Nương cũng như biết bao phụ nữ thời phong kiến, là nguyên nhân sâu xa nhất chính là những hủ tục phong kiến, là chế độ nam quyền hà khắc, tàn bạo đã gây nên bi kịch của cuộc đời nàng bởi phụ nữ đâu có quyền tự quyết định số phận của mình. Họ phải “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Chính Trương Sinh, và hơn cả là một “cái bóng” tăm tối của xã hội phong kiến đã đẩy cuộc đời Vũ Nương rơi vào bi kịch không có lối thoát.

Vượt qua những chi tiết vô cùng kì lạ và hoang đường, tác phẩm khép lại bởi chi tiết Trương Sinh lập đàn giải oan và Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa ẩn hiện giữa dòng sông, nói vọng vào một câu “thiếp chẳng thể về nhân gian được nữa”. Rồi kiệu hoa, võng lọng cùng Vũ Nương loang loáng mà tan biến đi giữa dòng nước. Có nhiều người thắc mắc rằng kết thúc ở chi tiết này là có hậu hay không có hậu? Tác phẩm sẽ có một kết thức có hậu khi Vũ Nương được hạnh phúc, được thực hiện những ước mơ của mình. Chỉ cần bước chân lên bờ là Vũ Nương có thể toại nguyện – được sống với chồng con, chăm sóc phần mộ tổ tiên, trở về với quê hương. Thật không khó để Nguyễn Dữ có thể bắc một chiếc cầu lên bờ cho Vũ Nương. Nhưng ông đã không làm thế mà lại để Vũ Nương cùng kiệu hoa chìm dần rồi biến mất trong sự tiếc nuối của Trương Sinh. Vũ Nương còn có một mong muốn là được giải oan thì Trương Sinh cũng đã lập đàn để minh oan cho nàng. Nàng đã được trả lại sự trong sạch, vậy sao Nguyễn Dữ không để Vũ Nương đoàn tụ với gia đình khi mà Trương Sinh cũng đã hiểu ra nỗi oan của nàng? Ông sở dĩ không để nàng lên bờ vì ông biết, ông thấu hiểu cội nguồn nỗi oan của-Vũ Nương không chỉ là “cái bóng” mà còn là thói ghen tuông, ích kỉ của Trương Sinh cùng với những hủ tục phong kiến, chế độ nam quyền hà khắc. Khi mà Trương Sinh vẫn còn với những bản tính khó mà thay đổi, xã hội phong kiến vẫn hoành hành, chưa thể bị dỡ bỏ thì dù Vũ Nương có lên bờ, trở về với Trương Sinh cũng chỉ là để sống một cuộc đời đau khổ khác, để rồi lại phải tự vẫn mà thôi. Tác phẩm kết thúc ở đó là không có hậu, nhưng có lẽ nó cũng đã phần nào xoa dịu bớt tính bi kịch nặng nề của câu chuyện và sự dang dở ấy đã phản ánh, tố cáo xã hội phong kiến; đồng thời thể hiện tình cảm xót thương của Nguyễn Dữ với nhân vật. Bằng bút pháp tài hoa, Nguyễn Dữ đã khắc hoạ các tuyến nhân vật vô cùng sinh động, độc đáo. Chuyện người con gái Nam Xương thật sự đã đạt tới đặc sắc nghệ thuật rất đáng trân trọng. Truyện đã khẳng định nét đẹp tâm hồn mang tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời thể hiện lòng thương cảm, xót xa của Nguyễn Dữ cho số phận nhỏ nhoi, đầy tính chất bi kịch của họ dưới chế độ phong kiến, từ một “cái bóng” oan nghiệt, tác phẩm thấm đẫm cảm hứng nhân văn, mở ra trước mắt người đọc biết bao điều sâu rộng yề tình nghĩa vợ chồng, về quan hệ giữa người với người.

Chuyện người con gái Nam Xương đã kết thúc nhưng nó để lại trong lòng người đọc chúng ta những dư âm thật khó quên – một cái gì đó như là nhức nhối…

Vương Hương Trang

(Trường THCS Thanh Quan)

Xem thêm Tâm trạng ông Hai trong truyện ngắn “Làng”. Nghị luận, Suy nghĩ về nhân vật ông Hai, truyện ngắn “Làng”

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận