Hướng dẫn làm bài văn nghị luận Suy nghĩ của em về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Tập làm văn 9

Đang tải...

Đời sống tình cảm gia đình trong “Chiếc lược ngà”

Đề bài: Suy nghĩ của em về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Bài làm

Văn chương gắn liền với đời sống tình cảm con người. Từ trước tới nay, tình cảm đã là nguồn cảm hứng làm nảy nở biết bao trang văn thấm đẫm tình yêu thương. Một lần nữa, ta lại bắt gặp điều đó trong tác phẩm Chiếc lược ngà, câu chuyện cảm động kể về tình cha con trong chiến tranh.

Tác phẩm lấy bối cảnh một miền quê ven sông ở Nam Bộ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, có một gia đình nhỏ với ba người: ba, mẹ và cô con gái nhỏ. Gia đình ấy lẽ ra đã được yên ấm nếu như không có chiến tranh, người ba phải lên đường ra trận khi con gái còn quá nhỏ. Chính tình cảnh ấy đã làm nảy sinh những tình huống éo le. Thế nhưng cũng qua đó, tình cảm gia đình, mà biểu trưng ở đây là tình phụ tử thiêng liêng, cao đẹp, bền vững lại càng được khắc hoạ rõ nét.

Ông Sáu là người cha hết mực yêu thương con. Lúc ông phải ra chiến trường thì con gái duy nhất của ông còn quá nhỏ, chưa nhận thức được gì. Suốt những tháng năm khó khăn, gian khổ dài đằng đẩng ở chiến trường, ông chỉ mong tới ngày trở về để nhanh chóng được gặp con. Ta thấy ông đã nôn nóng thế nào khi nhìn thấy đứa bé đang chơi trước nhà: “đoán biết là con”, xuồng chưa cập bến, ông đã “nhún chân nhảy thót lên”, chạy tới bên đứa bé, dang tay ra mà gọi: “Thu! con!”. Tưởng chừng giây phút hội ngộ ông mong đợi bấy lâu nay đã đến. Nhưng không, đáp lại những cử chỉ yêu thương của ông Sáu, Thu con gái ông lại nhất quyết không chịu gọi ba, làm ông Sáu đau lòng vô cùng. Đó là cái đau đớn của một người cha mà sau bao năm xa cách, đến khi gặp lại vẫn không được nghe một tiếng “ba” giản đơn đến từ miệng con mình. Rồi những ngày sau đó, ông ra sức vỗ về, gần gũi con, chỉ mong con bé chịu nhận ba. Nhưng đáng tiếc thay, ông càng cố gắng thì con bé càng lạnh nhạt. Sự xa lánh của nó như gáo nước lạnh đổ lên ngọn lửa cháy bỏng tình yêu thương của ông Sáu. Một tiếng “ba” thôi, đó là điều bình thường đối với bao người cha khác, thế nhưng lại là niềm khao khát của ông Sáu. Vì quá yêu con mà không được đáp lại, ông “khổ tâm đến nỗi không khóc được” nên ông “phải cười vậy thôi”. Tới lúc ra đi, ông thậm chí không dám tới gần con để ôm nó, vì sợ sẽ bị nó giãy đạp ra, sợ nỗi đau trong lòng mình lại bị cứa sâu thêm lần nữa. Nhưng ánh mắt ông nhìn con trước lúc ra đi, đôi mắt “trìu mến lẫn buồn rầu” ấy mãi là nỗi ám ảnh trong lòng người đọc vì một bi kịch của tình thương. Những năm tháng ở chiến trường, ông đã dùng hết tất cả trí óc, tài năng, công sức và sự khéo léo, tỉ mỉ của mình để làm một chiếc lược ngà cho con, nhằm thực hiện lời hứa năm xưa. Cây lược “chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng” của ông. Dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con eủa ba” cũng là tình yêu thương sâu nặng, nỗi mong nhớ da diết của ông dành cho con được khắc lên cây lược. Để tới lúc sắp hi sinh, ông dồn hết sức lấy cây lược trong túi trao cho người đồng đội. Tác giả viết: “chỉ có tình cha con là không thể chết được”. Cử chỉ cuối cùng ấy của ông Sáu đã thể hiện tình phụ tử thiêng liêng, bất diệt.

Còn bé Thu, đó là cô bé đầy nghị lực, ý chí, yêu ba mình da diết. Cô bé yêu và luôn tôn thờ người cha trong bức ảnh chụp với má. Cả tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương của người cha, Thu chỉ có một khao khát, mong mỏi duy nhất là được gặp ba. Vậy mà tới lúc hội ngộ, Thu lại không nhận ra ba mình. Lúc Thu biết ông Sáu là cha cũng là khi ông phải ra đi, ra đi mãi mãi. Cô bé Thu yêu ba theo cách riêng của mình. Dù cho “người đàn ông” ấy có vồn vã, yêu thương mình thì cô bé vẫn nhất quyết từ chối, bởi cô bé chỉ dành tiếng “ba” thiêng liếng cho một người duy nhất, người mà cô bé hết mực thương yêu, mong chờ. Thế nên, cử chỉ của Thu với ông Sáu càng gay gắt bao nhiêu, lời nói càng xấc xược bao nhiêu thì lại càng chứng tỏ tình cảm cô bé dành cho ba sâu sắc bấy nhiêu. Với hoàn cảnh của một đứa bé ngây thơ, Thu đáng thương hơn là đáng giận. Rồi sau này, khi lớn lên, chính lòng kính trọng, tự hào về cha mình đã thôi thúc cô trở thành chiến sĩ giao liên dũng cảm, mưu trí. Tinh cha con ấm áp, thiêng liêng đã theo Thu suốt cả cuộc đời. Chính tình phụ tử sâu nặng giữa ông Sáu và bé Thu đã khiến người đọc phải trăn trở, suy nghĩ đến bi kịch chiến tranh.

Chiến tranh, nó không chỉ làm tổn hại về vật chất cho mỗi quốc gia mà còn chia rẽ tình cảm con người. Chính chiến tranh đã làm tan nát hạnh phúc biết bao gia đình, bao người vợ, người mẹ phải chịu cảnh goá chồng mất con. Người mẹ trong câu chuyện Chiếc lược ngà dù không được nói đến nhiều nhưng cũng khiến ta cảm nhận phần nào nỗi mất mát lớn lao mà chị phải âm thầm chịu đựng. Người chồng yêu thương của chị đã ra chiến trường để rồi không trở lại. Giờ đây, cả đứa con gái bé bỏng của chị cũng dấn thân vào cuộc chiến tranh ác liệt không biết ngày nào mới trở về. Chiến tranh đã gây ra những tình huống trớ trêu, làm cha con ông Sáu không nhận ra nhau. Giây phút đoàn tụ, có chăng cũng chỉ là những khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi. Đầu tiên, chính cuộc chiến khốc liệt khiến ông Sáu phải xa nhà khi con còn quá nhỏ. Cũng chiến tranh đã gây ra vết sẹo khiến đứa con gái nhỏ không thể nhận ba, rồi chiến tranh một lần nữa lại cướp đi sinh mạng của con người, khiến cho cha con ông mãi mãi không còn được gặp lại nhau. Lần gặp gỡ định mệnh ấy là lần cuối cùng ông Sáu được gần gũi con, và bé Thu được gọi ba nó. Thế nhưng, éo le thay, chiến tranh không chỉ chia rẽ con người mà ngay cả khi ở bên nhau họ vẫn không được gần gũi nhau, không tìm thấy hạnh phúc thực sự.

Nguyễn Thanh Huyền

(Trường THCS Trưng Vương)

Xem thêm Hình ảnh “cái bóng”, Nguyễn Dữ, văn nghị luận, Phần sáng tạo của Nguyễn Dữ. Văn nghị luận

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận