Hướng dẫn đọc hiểu và phân tích bài Người con gái Nam xương – Ngữ Văn 9

Đang tải...

Hướng dẫn đọc hiểu và phân tích ( bài 1) 

CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

(Trích Truyền kì mạn lục – Nguyễn Dữ)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

Chuyện người con gái Nam Xương kể về cuộc đời Vũ Thị Thiết – một phụ nữ nhan sắc, đức hạnh nhưng số phận bi thương. Khi chồng nàng là Trương Sinh đi đánh trận, Vũ Thị Thiết ở nhà một mình nuôi dạy con thơ, hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng, nhưng khi Trương Sinh trở về, chỉ vì lời nói ngây thơ của con trẻ mà nàng bị nghi ngờ, sỉ nhục, ruồng rẫy đến mức phải tìm đến cái chết thảm thương. Từ cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Thị Thiết, người đọc không chỉ chứng kiến số phận éo le, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội xưa mà còn cảm nhận được những nét đẹp truyền thống (công, dung, ngôn, hạnh) ở họ. Đằng sau việc khẳng định những nét đẹp truyền thống của Vũ Thị Thiết và sự bênh vực, an ủi cho số phận trớ trêu, oan nghiệt của nàng (chi tiết Vũ Thị Thiết nhờ Phan Lang đề nghị Trương Sinh lập đàn giải oan chp mình, nàng được Linh Phi nâng đỡ, quay lại dương gian để chứng kiến cảnh mình được giải oan), người đọc còn cảm nhận được tấm lòng ưu ái, trân trọng và niềm cảm thương vô hạn của Nguyễn Dữ đối với người phụ nữ cũng như thái độ bất bình, phê phán của ông đối với những người đàn ông cả ghen đến mức mù quáng và phũ phàng như Trương Sinh.

– Đây là một truyện truyền kì điển hình với việc lấy yếu tố làm phương tiện nghệ thuật để lôi cuốn người đọc và thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả. Chính cái đó là chìa khoá để tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Dữ và lí giải thành công của tác phẩm. Dựa trên tích truyện Vợ chùng Trương vốn lưu truyền trước đó (mà bài thơ Miếu vợ chàng Trương của Lê Thánh Tông là một minh chứng) kể về cuộc đời có thật của Vũ Thị Thiết – Trương Sinh, Nguyễn Dữ đã đi sâu khai thác đời sống nội tâm của nhân vật, xây dựng những chi tiết đầy dụng ý nghệ thuật (Trương Sinh đi lính, chiếc bóng trên bức vách,…); kết hợp những chi tiết kì ảo với những tình tiết có thực (câu chuyện về Phan Lang, đoạn Vũ Thị Thiết dưới thuỷ cung và Vũ Thị Thiết trở về trên bến Hoàng Giang) tạo nên một tác phẩm vừa li kì, hấp dẫn người đọc vừa có giá trị nhân đạo, giá trị giáo dục sâu sắc. Vì vậy, có thể khẳng định Chuyện người con gái Nam Xương nói riêng cũng như Truyền kì mạn lục nói chung xứng đáng được xem là một áng “thiên cổ kì bút” (bút lạ ngàn đời) như đánh giá của nhà nho Vũ Khâm Lân.

II – LUYỆN TẬP

1. Ở đoạn đầu tác phẩm, nhân vật Vũ Thị Thiết được giới thiệu với những phẩm chất nào? Những phẩm chất ấy được thể hiện ra sao qua các sự kiện chính trong tác phẩm? Từ đó, em có nhận xét gì về nhân vật này?

2. Nhận xét về cách dẫn dắt tình tiết truyện và những lời đối thoại của các nhân vật trong truyện.

3. So với nguyên mẫu (truyện Vợ chùng Trương), Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm đoạn Phan Lang được Linh Phi trả ơn dẫn đến việc Vũ Thị Thiết trở về trên sông Hoàng Giang. Theo em, đoạn cuối đó có ý nghĩa như thế nào?

Gợi ý

1. – Ở đoạn đầu, những phẩm chất của Vũ Thị Thiết được giới thiệu trực tiếp, khái quát: tính đã thuỳ mị, hết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Những phẩm chất đó của Vũ Thị Thiết được minh chứng bằng những hành động, lời nói cụ thể của nàng qua các sự kiện chính trong truyện:

+ Khi chồng ở nhà: nàng luôn giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà.

+ Những lời Vũ Nương dặn dò chồng khi tiễn Trương Sinh ra mặt trận cho thấy nàng không mong vinh hiển, chỉ mong chồng được bình yên trở về; cảm thông với nỗi vất vả của chồng ngoài mặt trận; thể hiện nỗi lo lắng, nhớ nhung khắc khoải của mình.

+ Khi Trương Sinh ở ngoài chiến trường, Vũ Nương thương nhớ chồng; nuôi dạy con thơ, chăm sóc mẹ chồng; khi mẹ chồng đau ốm, nàng hết lòng lo thuốc thang chạy chữa; mẹ chồng mất, nàng lo việc ma chay tế lễ như đối với cha mẹ đẻ mình.

+ Khi bị chồng nghi ngờ, sỉ nhục, nàng phân trần để chồng hiểu; Trương Sinh một mực không tin, nàng đau đớn thất vọng và hành động quyết liệt để khẳng định phẩm giá (khi không còn có cách gì để thanh minh cho bản thân, Vũ Nương tắm gội sạch sẽ, ngửa mật lên trời than rồi gieo mình xuống sông Hoàng Giang mà chết).

– Nhận xét về nhân vật Vũ Nương: Nàng là người phụ nữ xinh đẹp, nết na, yêu chồng, thương con, hiếu thuận với mẹ chồng, đảm đang, tháo vát. Ở nàng hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ xưa: công, dung, ngôn, hạnh. Một người như thế đáng ra phải được hưởng cuộc sống hạnh phúc, nhưng cuộc đời của nàng lại đầy bất hạnh.

2. – Nhận xét về cách dẫn dắt tình tiết truyện:

+ Có những chi tiết “phục bút” (những chi tiết tưởng ngẫu nhiên nhung về sau lại có tác dụng làm rõ diễn biến của truyện). Ví dụ: khi giới thiệu về cuộc hôn nhân giữa Vũ Thị Thiết và Trương Sinh, tác giả đã “gài” sẵn chi tiết Trương Sinh “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”, “con nhà hào phú nhưng không có học” để lí giải sự ghen tuông, hồ đồ của chàng về sau; gài chi tiết khi Trương Sinh trở vể thì “con vừa học nói” để sau đó nó sẽ kể về cái bóng trên tường,…

+ Lựa chọn một cách có dụng ý các tình tiết đối lập, mâu thuẫn để đẩy câu chuyện lên cao trào, kịch tính (ví dụ: lời mẹ chồng trăng trối trước khi mất khẳng định tấm lòng của Vũ Nương nhưng cuối cùng nàng lại bị oan ức, ruồng rẫy; lời của bé Đản từ chỗ bày tỏ sự ngạc nhiên khi có tới hai người cha tới lời kể vể “một người đàn ông đêm nào cũng đến” khiến Trương Sinh từ chỗ ngờ vực đến ghen tuông dữ dội,…).

– Số lượng lời đối thoại trong truyện khá nhiều, tuy nhiên, mật độ lời đối thoại của các nhân vật lại khác nhau. Đày là dụng ý của tác giả khiến cho câu chuyện thêm sinh động và góp phần khắc hoạ tâm lí, tính cách nhân vật.

+ Lời bà mẹ Trương Sinh cho thấy đây là một người cao tuổi, có kinh nghiệm sống, hiểu việc đời.

+ Trong tác phẩm, lời thoại của Trương Sinh chỉ xuất hiện hai lần (một lần nói với bé Đản, một lần nói với Phan Lang) và cũng khá ngắn ngủi. Phải chăng điều này cũng cho thấy Trương Sinh là người lầm lì, đa nghi?

+ Lời bé Đản cho thấy sự thật thà, ngây thơ của trẻ con nhưng đã vô tình tạo nên mối nghi ngờ cho Trương Sinh.

+ Lời của Vũ Nương: Vũ Nương là nhân vật có nhiều lời thoại nhất trong tác phẩm, nhiều phẩm chất tốt đẹp của nàng cũng được thể hiện qua lời nói. Lời nói của nàng luôn chân thật, dịu dàng, mềm mỏng, chứa chan tình cảm mà vẫn kín kẽ, có tình có lí (ngay cả lúc bị chồng nghi oan, ruồng bỏ).

Tham Khảo: Chuyên đề truyện văn xuôi chữ hán Trung đại – Ngữ Văn 9

3. So sánh với tích truyện Vợ chàng Trương của dân gian, có thể nhận thấy:

– Về mặt nghệ thuật, đoạn cuối truyện là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Dữ, thể hiện tài năng nghệ thuật của nhà vãn và đặc điểm của truyện truyền kì (lấy yếu tố kì làm phương tiện nghệ thuật để thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả, lấy cái kì ảo để nói cái thực). Tác giả đã mượn các môtip kì ảo của dàn gian (người cứu linh vật được linh vật trả ơn, người sống ở thuỷ phủ, trao tín vật, lập đàn giải oan) để đưa vào truyện với tư cách là một tình huống truyện và với ý nghĩa khác hẳn. Các môtip kì ảo của dân gian bao giờ cũng đưa đến kết thúc “có hậu”, còn trong truyện này nó lại góp phần làm sâu sắc thêm hiện thực đen tối. Đây là cách làm thường thấy trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ.

– Về mặt nội dung, đoạn Phan Lang được Linh Phi trả ơn dẫn đến việc Vũ Thị Thiết trở về trên sông Hoàng Giang có ý nghĩa:

+ Thể hiện tấm lòng, lập trường nhân đạo của Nguyễn Dữ: bênh vực cho Vũ Thị Thiết qua việc “buộc” Trương Sinh phải lập đàn giải oan để minh oan, chiêu tuyết cho người vợ bạc mệnh của mình. Đồng thời, phần cuối của truyện cũng thể hiện và thoả mãn phần nào ước vọng của nhân dân ta về một kết thúc có hậu, ở đó, người bị oan phải được giải oan, người tốt phải được hưởng hạnh phúc (dẫu chỉ là ảo ảnh).

+ Thể hiện quan điểm hiện thực của Nguyễn Dữ: không ảo tưởng mà nhìn thẳng vào hiện thực phũ phàng. Sự sáng tạo của Nguyễn Dữ ở phần cuối truyện góp phần tô đậm thêm bi kịch của Vũ Thị Thiết và của chính Trương Sinh. Sự trở lại Vũ Thị Thiết cũng chỉ là ảo ảnh xa vời, sẽ tan biến trong chốc lát mà thôi. Việc nàng được Linh Phi nâng đỡ, xét theo lôgíc hiện thực, là chuyện hoàn toàn không có thật; Lời Vũ Thị Thiết nói lần cuối ngẫm ra rất đau xót: “thiếp chẳng thể trở vể nhân gian được nữa”. Cuộc đời trần thế không có chỗ cho nàng. Đó là nơi người phụ nữ có đủ công, dung, ngôn, hạnh không có quyền được sống, được hưởng hạnh phúc. Bên cạnh đó, sự trở về trong chốc lát của Vũ Nương chắc chắn khiến cho sự hối hận, tiếc nuối của Trương Sinh càng trở nên sâu sắc hơn.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận