Hướng dẫn đọc hiểu Truyện An Dương Vương Và Mị Châu – Trọng Thủy

Đang tải...

TRUYỆN AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ MỊ CHÂU – TRỌNG THỦY

(Truyền thuyết)

I.KIẾN THỨC CƠ BẢN

1.Tóm tắt truyện:

Xưa kia ở nước Âu Lạc cổ. Vua An Dương Vương muốn xây dựng một tòa thành nhưng xây tới đâu thì lở tới đấy. Vua lập đàn thì có một cụ già đến bảo với vua là sẽ có sứ Thanh Giang tới giúp đỡ. Đúng như lời cụ già, một con Rùa Vàng biết nói tiếng người từ phía Đông nổi lên và ở lại giúp vua xây thành trong nửa tháng. Ba năm sau. thần Rùa trở về biển Đông, trước khi đi. ngài để lại cho nhà vua cái vuốt để làm nỏ “Linh quang Kim Quy thần cơ’”. Triệu Đà sang xâm lược, vua lấy nỏ ra bắn và quân địch lần nào cũng thất bại. Triệu Đà bày mưu bèn cầu hôn công chúa đất Âu Lạc là Mị Châu cho con trai mình – Trọng Thủy. Trọng Thủy dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi lén lút tráo nỏ thật đem về nước. Triệu Đà nhân cơ hội đem quân sang đánh, vua An Dương Vương lấy nỏ ra bắn thì biết đó là nỏ giả. Sau đó, ngài đang cùng con gái chạy về phương Nam thì thần Rùa hiện lên và bảo Mị châu chính là giặc. Vua tức giận, tuốt kiếm chém chết con gái rồi cầm sừng tê bảy tấc đi xuống biên. Mị Châu chết, máu chày xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Còn xác nàng biến thành ngọc thạch đúng như lời khấn cho sự trong sạch của mình trước khi chết, Trọng Thủy thương nhớ vợ vô cùng, khi đi tắm đã gieo mình xuống giếng vì tưởng thấy nàng dưới đó.

2.Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là câu chuyện về bi kịch mất nước của cha con An Dương Vương và bi kịch tình yêu của Mị Châu – Trọng Thủy. Từ câu chuyện ấy, nhân dân ta muốn rút ra và truyền lại cho con, cháu các thế hệ sau bài học về ý thức đề cao cảnh giác với âm mưu xâm lược của kẻ thù.

II.HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1.Các chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương

-An Dưong Viron g xây thành nhưnsĩ thất bại.

-An Dương Vương được Rùa Vàng giúp xây thành và chế nỏ thần.

-Vua đánh thắng quân Triệu Đà lần thứ nhất.

-Vua chủ quan khi Triệu Đà đem quân đánh.

-Vua bại trận và chém chết Mị Châu.

a.An Dương Vương được thần linh giúp đỡ bởi nhà vua đã có ý thức cảnh giác cao, sớm lo việc xây dựng thành, đắp lũy và chuẩn bị vũ khí để chống ngoại xâm. Tưởng tượng ra sự giúp đỡ thần kì này, nhân dân ta đã tỏ lòng ca ngợi công lao của nhà vua và tự hào về việc xây thành, chế nỏ cũng như nhũng chiến công trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước của dân tộc ta.

b.Sự thất bại của An Dương Vương bắt đầu từ chỗ nhà vua chấp nhận lời cầu hoà và thêm nữa còn cho Trọng Thuỷ về ở rể. Trong sự việc này, An Dương Vương đã tỏ ra mơ hồ về bản chất ngoan cố của kẻ thù và mất cảnh giác. Hơn nữa, việc mất nước còn do nhà vua chủ quan ỷ vào có vũ khí lợi hại nên đã không đề phòng khi quân giặc tấn công.

c.Chi tiết Rùa Vàng, Mị Châu và việc vua chém đầu con gái theo lời kết án của Rùa Vàng được sáng tạo ra để nhân dân ta gửi gắm lòng kính trọng đối với vị vua anh hùng, dũng cảm – con người sẵn sàng hi sinh những tình cảm riêng tư để giữ tròn khí tiết và danh dự trước đất nước. Nó cũng phê phán thái độ mất cảnh giác của Mị Châu, đồng thời cũng là lời giải thích nhẹ nhàng nhằm xoa dịu nỗi đau mất nước.

2.Để đánh giá .việc Mị Châu lén đưa cho Trọng Thuỷ xem nỏ thần cho đúng đắn phải dựa trên hai cơ sơ có tính nguyên tắc:

-Đặc trưng của thể loại truyền thuyết.

-Ý thức xã hội, chính trị, thẩm mĩ của nhân dân khi đến với thể loại này.

Đầu tiên, truyền thuyết là một loại hình nghệ thuật đầy tính sáng tạo, phản ánh lịch sử, kể về sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử để nhằm ca ngợi, đề cao cái đẹp, cái tốt, cái tích cực và phê phán cái xấu, cái tiêu cực theo quan niệm của nhân dân. Lịch sử nước ta từ sau thời Âu Lạc đến truyền thuyết trên được cố định hoá trong văn bản Lĩnh Nam chích quái, nhân dân ta luôn không ngừng chăm lo giữ nước và cũng không ngừng chiến đấu vì độc lập tự do. Trong bối cảnh như thế, lòng yêu nước thương nòi, tinh thần tự hào dân tộc… nhất định phải là một trong những truyền thuyết sâu rễ bền gốc nhất và phát triển liên tục nhất.

Điều đó cho thấy vì sao nhân dân ta phê phán Mị Châu bằng bản án cao nhất một cách đích đáng. Thấu lí nhưng nhân dân cũng rất đạt tình, thấu hiểu Mị Châu mắc tội không do chủ ý mà chỉ vô tình, ngây thơ, nhẹ dạ. Bởi vậy mà, truyền thuyết đã sắp xếp để máu nàng khi chảy xuống nước trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu đúng như lời nguyện của nàng.

3.Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu..Nhưng sau đó, máu của nàng khi trai sò ăn phải hoá thành ngọc trai, xác nàng hoá thành ngọc thạch. Hư cấu như vậy, người xưa vừa bày tỏ thái độ nghiêm khắc, đã thi hành bản án của lịch sử vừa thể hiện tình cảm bao dung, thấu hiểu cảm thông với sự vô tư, trong sáng, thơ ngây vì vô tình mà mắc tội của Mị Châu.

Bài học mà người xưa muốn nhắn gửi đến thế hệ trẻ muôn đời sau là phải đặt việc nước lên trên việc nhà, đặt cái chung lên trên cái riêng. Đây là một bài học đạo đức cần thiết cho cả mọi ngửời, mọi nhà, mọi thời đại.

4.Chúng ta có thể thấy “ngọc trai – giếng nước’” vừa là hình ảnh có giá trị thẩm mĩ cao, vừa là một tình tiết đất xét về phương diện tổ chức cốt truyện. Nó là sự kết thúc duy nhất hợp lí cho số phận của đôi trai gái Mị Châu – Trọng Thủy, cùng với sự thể hiện tư tưởng, tình cảm, cách đánh giá của nhân dân đối với bi kịch tình yêu này nói chung, nhân vật Mị Châu nói riêng. Nàng Mị Châu bởi nhẹ dạ, cả tin làm nên nỗi “Cơ đồ đắm biển sâu”. Nàng đã phải nhận lấy cái chết với danh nghĩa một kẻ bất hiếu, phản nghịch. Nhưng sâu xa, tác giả dân gian đã thấu hiểu nỗi lòng một người con gái ngây thơ, trong trắng vì tình yêu đã vô tình gây nên tội mà đã cho máu của nàng khi trai sò ăn phải sẽ hoá thành những viên ngọc trai. Những viên ngọc trai lấp lánh như đáp lại lời cầu nguyện của nàng trước khi vua cha chém đầu. Nàng không phải là người có lòng phản nghịch muốn hại cha, nàng là người có lòng trung hiếu nhưng vô tình bị người ta lừa dối. Những viên ngọc ấy ẩn sâu trong lớp vỏ trai dưới làn nước đầy bụi bẩn vẫn thanh lọc để sáng lên như chính tâm hồn ngây thơ trong trắng của Mị Châu. Ánh sáng ngọc trai ám ảnh tâm trí người đọc, tìm sự chia sẻ, đồng cảm. Tác giả dân gian đã có tấm lòng vô cùng độ lượng khi thấu hiểu và cảm thông với nàng Mị Châu để nàng được toại nguyện biến thành ngọc trai. Sự hoá thân ấy mang theo một ước mơ của nhân dân về những Mị Châu sáng suốt sau này, “vừa say đắm yêu thương vừa luôn luôn cảnh giác”. Nói về Trọng Thuỷ. Hắn là một kẻ chiến thắng trên phương diện chính trị nhưng lại là kẻ thất bại thảm hại về phương diện tình cảm. Hắn đã mất đi người vợ yêu quí, mất đi sự thanh thản trong tâm hồn và càng ám ảnh hơn chính hắn gây nên cái chết của Mị Châu, người hết lòng yêu thương hắn. Giếng nước ở Loa thành là tấm gương hội tụ và phản chiếu tất cả tội ác mà Trọng Thuỷ gây nên. Chính ở nơi này, hắn nhìn thấy bản chất xấu xa của mình và thực lòng hối cải. Trọng Thuỷ nhảy xuống giếng tự vẫn, dòng máu hoà dòng nước nơi giếng ngọc là sự chứng nhận cho sự hối cải tội lỗi của hắn. Từ tương truyền, nếu dùng nước giếng ở cổ Loa mà rửa ngọc thi ngọc thêm sáng hơn, có người cho rằng, hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” là hình ảnh ngợi ca mối tình thuỷ chung của Mị Châu – Trọng Thuỷ, Nhưng thiết nghĩ, với tinh thần yêu nước, cha ông ta sẽ không bao giờ sáng tạo nghệ thuật để ngợi ca những ai đưa họ đến bi kịch mất nước. Chỉ có thể lí giải, hình ảnh ngọc sáng hơn bởi ở thế giới bên kia Mị Châu đã tha thứ, hoá giải tội lỗi cho Trọng Thuỷ. Màu ngọc ấy cũng sáng như tấm lòng yêu thương, vị tha của công chúa Mị Châu. Hư cấu chi tiết này, người xưa còn muốn giảm nhẹ bớt tội lỗi của nàng trong việc mất cảnh giác làm nước mất, nhà tan. Để Mị Châu biến thành ngọc trai, Trọng Thuỷ tự vẫn nơi giếng nước và để hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” sáng tạo nghệ thuật đẹp tới mức hoàn mĩ. Đó chính là tấm lòng nhân đạo bao dung, nhân hậu của nhân dân. Nó thể hiện truyền thống nhân văn sâu sắc.

5.“Cốt lõi lịch sử” của truyện là việc An Dương Vương xây thành cổ Loa và sự thật về sự thất bại của nước Âu Lạc trước sự xâm lược của Triệu Đà. Cái cốt lõi ấy đã được dân gian làm cho sinh động bằng việc thêm vào nhiều sự việc, chi tiết thần kì như chuyện xây thành, chế nỏ, chuyện về cái chết của An Dương Vương và Mị Châu, chi tiết về “ngọc trai – giếng nước”… Chính việc thêm vào truyền thuyết các chi tiết thần kì này đã giúp cho câu chuyện thêm hấp dẫn và sinh động. Nó cũng thể hiện một cái nhìn bao dung của nhân dân ta với các nhân vật lịch sử và với tất cả nhưxng gì đã xảy ra.

III.LUYỆN TẬP

1.Trọng Thuỷ là con Nam Việt vương Triệu Đà – luôn có âm mưu thôn tính Âu Lạc. Trọng Thủy sang Âu Lạc với mục đích giảng hoà để đánh cắp nỏ thần. Trước lúc cầu hôn Mị Châu, Trọng Thuỷ chưa hề có cảm tỉnh mà chỉ là toan tính. Đến khi trở thành vợ chồng với Mị Châu, tình yêu của Trọng Thủy mới nảy nở. Nhưng ý thức làm con, làm tôi trung thành trong hắn vẫn lớn hơn. Hắn dối lừa người vợ cả tin, ngây thơ của mình để đánh cắp nỏ thần, thôn tính nước Âu Lạc, dồn An Dương Vương và Mị Châu đến bước đường cùng. Hắn đúng là tên gián điệp nguy hiểm trong cái nhìn của cha ông chúng ta. Hắn xứng đáng phải chịu nỗi ân hận vò xé tâm can khi dẫn đến cái chết của người vợ yêu quí. Không có nỗi khổ nào bằng sự day dứt lương tâm. Bản án đích đáng của Trọng Thuỷ là cái chết trong nỗi ám ảnh. Nhân dân đã bày tỏ thái độ căm phẫn không tha thứ và không đội trời chung với kẻ cướp nước. Kẻ cướp nước sẽ bị toà án lương tâm và lịch sử phán xét, sớm muộn chúng sẽ thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, tình yêu mà Trọng Thuỷ dành cho Mị Châu cũng là chân thật và sâu nặng. Chính vì vậy, nhân vật này chúng ta thấy vừa đáng thương lại vừa đáng giận.

2.An Dương Vương đã tự tay chém đầu người con gái duy nhất của mình nhưng dân gian lại dựng đền và am thờ hai cha con ngay cạnh nhau. Cách xử lí này hoàn toàn phù hợp với đạo lí truyền thống của dân tộc ta. Nó thể hiện lòng bao dung của dân tộc đối với những người con lầm lỗi nhưng đã biết cúi đầu hối lỗi và chịu tội trước đất nước, nhân dân, cách hành xử của nhà vua là đầy trách nhiệm. Thế nhưng về tình nhà (tình riêng), An Dương Vương chắc chắn cũng vô cùng đau đớn. Việc để cho hai cha con đoàn tụ bên nhau (khi chết) là cái kết hợp tình hợp lí và nhân hậu của nhân dân ta.

3.Một số bài thơ viết về Mị Châu – Trọng Thủy

Mị Châu

Lông ngỗng lông ngan rơi trắng đường chạy nạn

Những chiếc lông không biết tự giấu mình.

 

Nước mắt thành mặt trái của lòng tin

Tình yêu đến cùng đường là cái chết

 

Nhưng người đẹp dẫu rơi đầu vẫn đẹp

Tình yêu bị dối lừa vẫn nguyên vẹn tình yêu.

 

Giá như trên đời còn có một Mị Châu

Vừa say đắm yêu thương vừa luôn luôn cảnh giác

Không sơ hở chẳng mắc lừa mẹo giặc

Một Mị Châu như ta vẫn hằng mơ.

 

Thì hẳn Mị Châu không sống đến bây giờ

Để chung thuỷ với tình yêu hai ngàn năm có lẻ

Như anh với em dẫu yêu nhau chung thủy

Đen bạc đầu bất quá chỉ trăm năm.

 

Nên chúng ta dù rất đỗi đau lòng

Vẫn không thể cứu Mị Châu khỏi chết

Lũ trai biển sẽ thay người nuôi tiếp

Giữa lòng mình viên ngọc của tình yêu.

 

Vẫn còn đây pho tượng đá cụt đầu

Bởi cụt đầu nên tượng càng rất sống

Cái đầu cụt gợi nhớ dòng máu nóng

Hai ngàn năm dưới đá vẫn tuôn trào.

 

Anh cũng như em muốn nhắc Mị Châu

Đời còn giặc xin đừng quên cảnh giác

Nhưng nhắc sao được người hai ngàn năm trước

Nên em ơi ta đành tự nhắc mình.

(Anh Ngọc)

Nhang vòng thắp viếng Mị Châu

Am không lạnh ngắt người đâu thấy người

Ngàn năm đá tảng lặng ngồi

Mà nghe buốt nhói những lời gió trăng

Đã hoen lá ngọc cành vàng

Còn tan thành quách máu loan bên bờ

Trắng đường lông ngỗng ngu ngơ

Nào hay sóng cuộn đến giờ chưa vơi

Ngọc trai vùi đáy giếng khơi

Đục trong ai biết nói lời gió bay

Thân nàng ở mãi nơi đây

Không đầu còn trái tim này làm tin.

(Bùi Thị Xuân Mai)

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, cho đến ngày nay vẫn chiếm được cảm tình của người đọc. Người ta đọc truyện để hiểu về lịch sử, để rút ra những bài học bổ ích cho mình và cho con cháu đời sau. Nhưng không chỉ thế, đọc truyền thuyết này người ta còn muốn hiểu sâu sắc hơn bi kịch của mối tình rất đẹp trong lịch sử. Sức sống của truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ còn khơi nguồn cho những cảm hứng thi ca. Các tác giả như: Tố Hữu, Trần Đăng Khoa, Anh Ngọc,… đều có những sáng tác lấy cảm hứng từ tác phẩm này.

XEM THÊM HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH VÀ ĐỌC HIỂU VĂN BẢN ( TIẾP THEO) – NGỮ VĂN 10

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận