Hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm Tinh Thần Thể Dục-Ngữ văn 11

Đang tải...

ĐỌC THÊM

TINH THẦN THỂ DỤC

(NGUYỄN CÔNG HOAN)

I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1.Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977), sinh trưởng trong một gia đình quan lại Nho học thất thế. Ông quê ở làng Xuân Cầu, huỵện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Trước Cách mạng tháng Tám, ông dạy học và viết văn (bắt đầu từ 1920). Năm 1935, tài năng được khẳng định qua tập truyện Kép Tư Bền. Tập truyện được bạn đọc hoan nghênh và làm nảy sinh cuộc tranh luận sôi nổi nhiều năm: nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Ông viết 20 tiểu thuyết, 200 truyện ngắn, đặc biệt có sở trường về truyện ngắn trào phúng. Ông được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá đầu 1957 – 1958.

Nguyễn Công Hoan là một trong những tác giả đặt nền móng cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tác phẩm của ông “có giá trị như một bách khoa toàn thư sống động về xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc”. Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

2.Truyện ngắn Tinh thần thể dục đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy, số 251, ra ngày 25 – 3 – 1939. Đây là thời kì mà chính quyền thực dân Pháp đã nới lỏng sự kiểm duyệt. Trong truyện ngắn này, Nguyễn Công Hoan đã vạch rõ tính chất bịp bợm của “phong trào thể dục thể thao” mà thực dân Pháp cổ động để đánh lạc hướng thanh niên.

3.Truyện miêu tả mâu thuẫn giữa một bên là chính quyền thực dân và bọn chức dịch kì hào cổ vũ, khuếch trương phong trào thể dục cụ thể là bóng đá với một bên là tình cảnh khốn khổ và tìm cách thoái thác của người dân nghèo khổ để làm bật lên tiếng cười mỉa mai châm biếm.

II- HƯỚNG DẪN ĐỌC – HlỂU VĂN BẢN

1.Có thể chia truyện ngắn làm ba đoạn:

-Đoạn 1 (từ đầu đến… “Nay sức, Lê Thăng”): giới thiệu lệnh của trên qua trát quan về làng.

-Đoạn 2 (tiếp đó đến… “Vâng”): những người bị bắt đi xem đá bóng trực tiếp xin ông lí (lí trưởng).

-Đoạn 3 (còn lại): cảnh lùng sục bắt người đi xem đá bóng.

Bọn thực dân bày ra cái trò phong trào thể dục thể thao, cổ vũ cho lối sống “văn minh”, “vui vẻ trẻ trung”. Bản chất của vấn đề không có gì sai, vì ở thời nào cũng cần đến sức khoẻ. Nhưng mục đích của phong trào “thể dục thể thao” mà thực dân Pháp tổ chức ra vào hoàn cảnh đó lại chủ yếu nhằm lôi kéo thanh niên, làm cho thế hệ này xa rời nhiệm vụ cứu nước. Tờ trát của quan tri huyện Lê Thăng sức hương lí xã Ngũ Vọng đã thể hiện đầy đủ cái “tinh thần thể dục” khác người ấy. Tờ trát yêu cầu rất rõ: “phải thân dẫn đủ một trăm người, đúng 12 giờ trưa đến xem, không được khiếm diện”. Thêm nữa, có mặt ở sân vận động phải ăn mặc chỉnh tề, đi đứng nghiêm chỉnh và vỗ tay luôn luôn. Làng Ngũ Vọng phải có 5 lá cờ sẵn sàng từ 10 giờ sáng. Nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu (khiển trách).

Lời lẽ tờ trát vừa có sự nghiêm ngặt của lệnh bởi các từ Hán Việt: thừa lệnh, tỉnh đường, chỉnh tề, nghiêm chỉnh, sẵn sàng, tuân lệnh, cữu, sức, khiếm diện, quan khách. Đồng thời cũng chen vào đó lời lẽ có tính khôi hài “Nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ”. Đọc tới câu này ta tưởng như khi đặt bút viết, tác giả nở nụ cười mỉa mai, kín đáo với cái “tinh thần thể dục” mà chính quyền thực dân cùng bè lũ tay sai đặt ra.

2.Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện là mâu thuẫn giữa chính quyền với người dân nghèo, giữa sự khuếch trương của bọn quan lại thực dân phong kiến với ước mong xin được ở nhà của người dân, giữa việc đi cổ vũ với việc tìm mọi cách chạy chọt để được ở nhà thậm chí trốn tránh. Trên cơ sở những mâu thuẫn đó, mỗi cảnh tình riêng lại có những nét hài hước riêng.

-Anh Mịch bày tỏ tình cảnh của mình với ông Lí: “Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị, kẻo ông ấy đánh chết”. Anh Mịch không chỉ lạy một lần mà lời lẽ của anh thiết tha “Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy”“nếu không vợ con con chết đói”, đến năn nỉ “ông thương phận nào con nhờ phận ấy”.

Đáp lại sự van xin của anh Mịch là thái độ doạ dẫm, phủ nhận của ông Lí: “kệ mày”, đến “chết đói hay chết no tao đây không biết” và “tao thương chúng bay, nhưng ai thương tao”. Cái lệnh nghiêm ngặt và có vẻ quan trọng của tỉnh đường kéo theo bao phiền toái, đụng chạm đến phần cơm áo hằng ngày của đám dân quê khốn khổ. Cái tinh thần thể dục kia vui vẻ đến mức nào không biết chỉ thấy rằng bao nhiêu người đã khốn khổ vì nó. Ngay đến cả ông Lí cũng lo sốt vó “tao thương mày, nhưng ai thương tao”. Không chọn được đủ người thì ông cũng bị quở trách vì thế mà ông chẳng nương nhẹ với bất cứ ai mặc kệ hoàn cảnh của họ có éo le đến thế nào.

-Khác với anh Mịch, Bác Phô gái “dịu dàng đặt cành cau lên bàn”, đây là lễ vật đến xin ông Lí: “lạy thầy nhà con thì chưa cắt cơn… lạy thầy quyền phép trong tay thầy, thầy tha cho nhà con đừng bắt nhà con đi xem bóng đá vội”. Bác Phô gái xin một hồi cũng không được ông Lí chấp thuận. Cái đáng cười là người ốm cũng không được tha, “ốm gần chết cũng phải đi. Lệnh quan như thế. Ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi thì người ta đá bóng cho chó xem à”. Thật khốn khổ cho người ốm và cũng nực cười cho cái tinh thần thể dục mà chính quyền thực dân đặt ra.

-Ở một hoàn cảnh khác, bà cụ Phó Bính mắt kèm nhèm vừa nói vừa cười rất vô duyên “thì lòng thành ông lí cứ nhận đi cho cháu”. Ông Lí nhăn mặt nhặt ba hào bỏ túi.

Có người khôn ngơan đã dùng tiền để đút lót, mượn người đi thay, vậy cái tinh thần thể dục kia đâu có phải là tự giác. Đây cũng là dịp để bọn chức dịch kì hào như ông Lí nhà ta đây “đục nước béo cò”.

-Người có tiền đã vậy, người không có tiền thì xin, không xin được thì trốn sang làng bên lánh nạn. Đó là trường hợp của thằng Cò. Thằng Cò phải ôm con nằm trong đống rơm.

Thằng Cò trốn trong đống rơm cũng bị lôi ra. Cũng như tình cảnh anh Mịch, Cò mà phải đi xem bóng đá thì con anh sẽ chết đói. cảnh gà trống nuôi con. Tội nghiệp mà cũng không kìm được tiếng cười khi nghe thằng Cò nói với tuần đinh:

“Tôi đi thì tôi mất cả ngày. Mai mà mất buổi làm thì tôi với cháu nhịn đói… mấy lị tôi không mượn đâu được quần áo”.

Bốn trường hợp: anh Mịch, bác Phô gái, bà cụ Phó Bính, thằng Cò chỉ là đại diện cho người dân trong danh sách phải đi xem bóng đá. Cái tinh thần của họ dường như đối lập lại với cái tinh thần của tờ trát. Họ chẳng hào hứng gì. Bởi cái tinh thần thể dục kia đem đến cho họ đói cơm, rách áo và bao phiền toái khác. Dựng lên những hoàn cảnh này và qua lời thoại của các nhân vật, Nguyễn Công Hoan chĩa tiếng cười châm biếm đầy mỉa mai vào chính quyền thực dân và bọn phong kiến tay sai. Mặt khác nhà văn chia sẻ với người nghèo khổ, những nạn nhân của tinh thần thể dục giả tạo của bọn xâm lược.

Đến ngày giờ tập trung đi xem bóng đá, lí trưởng vẫn tập hợp gần đủ một trăm người. Nhưng thật thảm hại:

“Khi thấy đã chậm giờ, ông lí trưởng nghiến răng nói:

-Chúng nó ngu như lợn. Người ta cho xem đá bóng chứ ai làm gì mà cũng phải bắt. Rồi quan thấy không đủ số, lại chửi ông không tận tâm.

Rồi ông ra lệnh:

-Chín mươi tư thằng ở đây, xếp hàng năm lại đi cho đều bước. Tuần chúng bay phải kèm chung quanh giúp tao. Đứa nào trốn về thì ông bảo.

Đoạn ông lo lắng, đi cuối cùng, mắt nhanh nhẹn để coi cẩn thận như coi tù binh.

-Mẹ bố chúng nó, cho đi xem đá bóng chứ ai giết chết mà phải trốn như trốn giặc!”

Cái lo lắng, cái buồn phiền, sự chửi bới của ông lí đã chứng minh cho sự thảm hại của cái gọi là “tinh thần thể dục” kia.

3.Từ mâu thuẫn giữa việc phải đi cổ vũ cho cái “tinh thần thể dục” và thái độ cự tuyệt, trốn tránh kiên quyết của người dân, truyện làm bật lêu tiếng cười hài hước châm biếm hướng đến chính quyền thực dân và bè lũ phong kiến, tay sai. Truyện góp phần làm lật tẩy âm mưu của bọn thực dân khi chúng bày ra cái gọi là “phong trào thể thao”, “sức khoẻ nòi giống” nhưng thực chất là đánh lạc hướng thanh niên, làm phân tán tinh thần đấu tranh và nhiệm vụ cứu nước của họ lúc đó.

XEM THÊM HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VI HÀNH-NGỮ VĂN 11 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận