Hướng dẫn đọc hiểu : Người lái đò sông Đà – Ngữ văn 12

Đang tải...

NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ

(Trích – NGUYỄN TUÂN)

I – KIẾN THÚC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nguyễn Tuân (1910 – 1987) quê ở làng Nhân Mục, nay thuộc phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm ba mươi của thế kỉ XX nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm có phong cách độc đáo. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Nguyễn Tuân để lại một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo và tài hoa. Ông là một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hoá lớn. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Tác phẩm chính : Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1939), Thiếu quê hương (.1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972), Kí (1976),…

2. Người lái đò Sông Đà (in lần đầu tiên có tên là Sông Đà), rút từ tập tuỳ bút Sông Đà của Nguyễn Tuân, xuất bản lần thứ nhất năm 1960. Trong tập tuỳ bút này, nhà văn lúc thì ngược dòng lịch sử, dựng lại những tấm gương anh hùng của các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Sơn La, những cán bộ hoạt động hối Tây Bắc bị giặc chiếm, những bộ đội, dân công trong chiến dịch Điện Biên,… ; lúc lại trở về hiện tại, tìm đến những lớp người đi mở đường kiến thiết Tây Bắc, những gia đình lên Điện Biên lập nghiệp, những cán bộ địa chất đi tìm quặng mỏ, những chiến sĩ biên phòng bảo vệ biên giới phía tây, những người lái đò dũng cảm và tài ba trên thác dữ sông Đà

Tuỳ bút Người lái đò Sông Đà là một trong những áng văn tiêu biểu nhất của tập Sông Đà.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HlỂU VĂN BẢN

1. Bằng sự quan sát công phu, tinh tế, sự tìm hiểu kĩ lưỡng, Nguyễn Tuân đã viết về sông Đà và người lái đò sông Đà thật sinh động, tài hoa, độc đáo. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, sông Đà như một nhân vật có hai nét tính cách đối lập : hung bạo và trữ tình. Sông Đà được cảm nhận như một sinh thể sống có tính cách, tâm trạng như một con người. Con sông Đà không chỉ dữ dằn, hung bạo mà còn tràn đầy vẻ thơ mộng, trữ tình, duyên dáng, gợi cảm. Người đọc kinh ngạc trước cái dữ dội, hung bạo của dòng sông để rồi lại say mê, đắm đuối trước nét thơ mộng, trữ tình của nó. Ta bắt gặp một sông Đà gắt gỏng rồi lại đối diện với một sông Đà dịu dàng dưới ngòi bút tài hoa, tinh tế, dưới cái nhìn đa diện và sâu sắc của Nguyễn Tuân. Tác giả đã vận dụng những tri thức của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Những thủ pháp của điện ảnh, hội hoạ, âm nhạc,… được ông vận dụng linh hoạt, khéo léo. Những kiến thức nhiều ngành như văn học, địa lí, lịch sử, thể thao, quân sự,… được ông huy động và sử dụng hợp lí. Chính vì vậy mà trang văn Nguyễn Tuân khi mềm mại, đầy chất thơ, khi sinh động như một thước phim quay cận cảnh rực rỡ sắc màu, khi như một bức tranh độc đáo,… Vốn tri thức sâu rộng, uyên bác của Nguyễn Tuân đã tạo ra một hiệu quả thẩm mĩ vô cùng mạnh mẽ, nó tác động trực tiếp đến người đọc, khiến độc giả luôn phải ngỡ ngàng, say đắm và khâm phục khi khám phá những trang viết của ông.

2. Sự hung bạo của sông Đà được nhà văn thể hiện trong từng chi tiết như cái hút nước, tiếng thác, thạch trận,..Nguyễn Tuân đã chứng tỏ tài nghệ của mình khi làm nổi bật sự kì vĩ, dữ dằn của dòng sông. Miêu tả thác đá sông Đà, tác giả viết “mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời” giúp người đọc hình dung đầy đủ về sự kì vĩ của thác đá. Miêu tả cảnh “đá bờ sông dựng vách thành”, Nguyễn Tuân dựng nên một không gian cao vút, sâu thẳm mà lại thật nhỏ, thật hẹp. Tác giả không chỉ miêu tả bằng thị giác mà còn vận dụng tối đa các giác quan để thể hiện sự kì vĩ của thác đá.

Cảnh ghềnh Hát Loóng được tác giả miêu tả bằng việc đưa ra hàng loạt mệnh đề (“nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy”). Trong dòng chảy cuồn cuộn của sông Đà, các sự vật như xô đẩy, tràn vào nhau. Nước, đá, sóng, gió cuộn vào nhau tạo nên một âm thanh dữ dằn, một cảnh tượng kì vĩ. Đó là mối đe doạ cho bất cứ người lái đò nào qua quãng sông ấy. Nguyễn Tuân miêu tả nước, đá, sóng, gió,… sông Đà không chỉ với tư cách những hiện tượng tự nhiên mà như những con người, những sinh thể sống có tính cách, có linh hồn, chúng như cùng thoả hiệp với nhau để đe doạ con người. Cách miêu tả tài tình ấy khiến người đọc hình dung được sự hung bạo của nước, đá, sóng, gió sông Đà.

Người đọc cũng không thể không nhớ cái hút nước giống như tấm bê tông khổng lồ thả xuống làm móng cầu. Trí tưởng tượng tài hoa, phong phú của tác giả đã giúp người đọc không chỉ nhìn thấy mà còn nghe được âm thanh của tiếng nước xoáy trong hút nước. Tưởng như tác giả lặn xuống tận cùng đáy sâu sông Đà để cảm nhận hết sự dữ tợn, hiểm nguy của cái hút nước ấy. Cách miêu tả của Nguyễn Tuân khiến người ta cảm thấy cái hút nước cũng là một sinh thể sống động. Những động từ “thổi”, “kêu”, “sặc”, “ặc ặc” khiến người đọc hình dung về một con quái vật trong tư thế sẵn sàng đe doạ tất cả những con thuyền nào vô ý lướt qua đây. Cái hút nước hiện lên góp phần thể hiện tính cách và diện mạo của sông Đà – diện mạo của “thứ kẻ thù số một”. Ngòi bút tác giả như một chiếc máy quay phim của nhà quay phim tài hoa, miêu tả cận cảnh từng chuyển động nhỏ nhất của hút nước một cách sống động, chân thực.

Tiếng thác nước được Nguyễn Tuân miêu tả ở những cung bậc khác nhau như những cung bậc của tính cách, tâm trạng con người: lúc oán trách, lúc van xin, lúc lại khiêu khích, chế nhạo,… Độ âm vang của tiếng thác nước từ xa đến gần được miêu tả sinh động, lúc mơ hồ, khi vang vọng, dữ đội. Cách miêu tả độc đáo, dùng hình ảnh để làm nổi bật âm thanh, dùng lửa để tả nước đã làm nổi bật sự hùng vĩ, dữ dội của thác nước sông Đà. Các động từ, tính từ mạnh được sử dụng theo cấp độ tăng tiến có khả năng tác động mạnh mẽ vào giác quan của người đọc.

Với sông Đà thì hình ảnh những đá tảng, đá hòn dàn thạch trận trên sông đã trở thành mối đe doạ, ám ảnh đối với người lái đò. Tác giả miêu tả thạch trận sông Đà công phu, tỉ mỉ. Hình ảnh người lái đò đối diện với thạch trận sông Đà thực sự là một cuộc đấu tranh sinh tồn với tất cả sự dữ dội của nó. Nguyễn Tuân sử dụng tổng hợp tri thức của nhiều lĩnh vực : quân sự, thể thao, văn hoá,… để miêu tả cuộc chiến trên thạch trận sông Đà. Ông đã huy động vốn sống phong phú, năng lực quan sát tinh tế, khả năng nắm bắt cái thần, cái hồn của sự vật để tái hiện trận chiến giáp lá cà mà ở đó sự sống và cái chết chỉ là một ranh giới hết sức mong manh. Qua đó, Nguyễn Tuân không chỉ làm nổi bật cái dữ tợn của dòng sông mà còn nhấn mạnh sự tài hoa, trí dũng của con người. Nhà văn điểm mặt chỉ tên từng hòn đá, từng phòng tuyến trên thạch trận sông Đà. Tất cả đều góp phần thể hiện sự hung bạo của con sông.

Nguyễn Tuân không chỉ nhập thân vào đối tượng phản ánh mà còn truyền cảm xúc, đánh thức mọi giác quan của người đọc.

3. Thể hiện vẻ đẹp trữ tình của sông Đà, tác giả đã dùng những trang văn đậm chất thơ, lắng sâu xúc cảm trữ tình. Thiên nhiên dữ dội nhưng cũng thật thơ mộng và hiền hoà. Nét đẹp ấy đã quyến rũ bước chân, cái nhìn của con người. Con sông Đà trữ tình là một nét vẽ khác về dòng sông ấy. Sau những thác ghềnh dữ dội, sông Đà trở về với dòng chảy êm đềm, miên man, thơ mộng đầy quyến rũ. Nếu Nguyễn Tuân miêu tả sông Đà hung bạo với ngòi bút sắc sảo, điêu luyện thì với một sông Đà trữ tình, nhà văn lại chứng tỏ một ngòi bút tinh tế, tài hoa, tràn đầỵ một niềm đắm say, một tình yêu tha thiết sâu nặng với sông Đà.

Sông Đà được nhìn như một cố nhân, thể hiện sự trì âm, tri kỉ của tác giả với con sông. Đã là cố nhân thì gần thương, xa nhớ, bởi vậy, những câu chữ của Nguyễn Tuân tràn đầy thiết tha, say đắm. Những câu văn lúc này giống như những câu thơ tuyệt bút lắng sâu trong sắc màu cổ điển. Sông Đà là một cố nhân nhưng gặp lại sông Đà, lúc nào thi nhân cũng cảm thấy ngỡ ngàng, vẻ đẹp biến ảo của sông Đà luôn đem đến cho người ta sự ngạc nhiên thú vị. Mỗi lần gặp lại, niềm say mê lại càng lớn hơn. Dường như có một sự liên hệ nào đó giữa không gian đầy sức sống của mảnh đất Dương Châu trong câu thơ của Lí Bạch với không gian rực rỡ của sông Đà.

Bờ sông Đà được miêu tả bằng những câu văn đậm xúc cảm hoài niệm : “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Sông Đà đẹp vẻ đẹp cổ kính, gần gũi, thân thiết. Cái hoang dại của dòng sông được so sánh với nét hoang sơ của thời tiền sử, với sự hồn nhiên của một nỗi niềm cổ tích. Nguyễn Tuân rất có tài khi sử dụng biện pháp so sánh. Hầu như phép so sánh nào của ông cũng khiến người ta ngỡ ngàng, thán phục, say mê. Dưới ngòi bút của nhà văn, sông Đà được khoác lên tấm áo lung linh, huyền ảo, gợi nên một nét đẹp yên bình, thơ mộng, gần gũi và thân thiết.

Sông Đà là một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước mang theo khát vọng ngàn đời của con người. Không phải đến Nguyễn Tuân, người ta mới phát hiện ra vẻ đẹp của sông Đà nhưng phải đến Người lái đò Sông Đà, dòng sông mới hiện ra với tất cả vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa thơ mộng và gợi cảm của nó. Những câu văn của Nguyễn Tuân giúp người đọc cảm nhận dòng chảy của thời gian lịch sử. Dòng sông từ quá khứ đến hiện tại, trôi chảy đến tương lai. Những câu văn đậm chất thơ, chứa chan xúc cảm trữ tình. Nhà văn đắm chìm trong quá khứ rồi lại ngỡ ngàng, giật mình khi quay trở lại hiện tại. Âm thanh của tiếng còi xúp lê chính là tín hiệu của cuộc sống mới. Giữa bức tranh đầy chất thơ của đôi bờ sông Đà, giữa dòng chảy êm đềm của nó, nhà văn thèm nghe thấy một tiếng còi sương. Đó không chỉ là một liên tưởng độc đáo mà còn là nỗi niềm ước mơ, khát vọng cháy bỏng của nhà văn – khát vọng về một ngày mai tươi sáng của vùng đất Tây Bắc đã được thắp lên trong một âm điệu lạc quan, yêu đời. Ngòi bút của Nguyễn Tuân không chỉ làm người ta kinh ngạc bởi sự dữ dội của dòng sông mà còn làm người ta đắm say bởi chất trữ tình của nó.

Bằng trí tưởng tượng phong phú, bằng biện pháp so sánh, ẩn dụ tài hoa, ngôn ngữ điêu luyện, cách diễn đạt độc đáo, những câu văn giàu nhạc điệu, bút pháp hiện thực kết hợp với lãng mạn, trữ tình,… Nguyễn Tuân đã đặc tả vẻ đẹp rực rỡ, cuốn hút của sông Đà. Dường như có bao nhiêu vốn sống, bao nhiêu kiến thức về văn học, lịch sử, địa lí, quân sự, thể thao,… bao nhiêu tình yêu và sự say mê, Nguyễn Tuân đã huy động hết để khắc hoạ sông Đà thật sự sống động và ám ảnh.

4. Hình tượng người lái đò trong cuộc chiến đấu với con sông hung dữ.

Người lái đò là hình ảnh của người lao động bình dị mà cao cả. Lai lịch, ngoại hình của ông được Nguyễn Tuân đặc tả với những chi tiết độc đáo, đặc sắc tạo nên ấn tượng đặc biệt về hình ảnh một con người lao động cần cù trên sông nước. Mỗi nét vẽ về người lái đò đều có dấu ấn của công việc lái đò trên sông, một công việc bình thường, lặng thầm nhưng vất vả, nhọc nhằn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Người ta cảm thấu được lòng yêu nghề, sự gắn bó, say mê với công việc của người lái đò sông Đà. Đó là con người lao động bình dị, khỏe khoắn, tự chủ. Đó là con người có tâm hồn lạc quan, yêu đời, gắn bó sâu sắc với quê hương đất nước.

Người lái đò còn được miêu tả như một người anh hùng trên sông nước. Đó không phải là người anh hùng trong chiến trận mà là người anh hùng trong chính cuộc sống lao động, sinh hoạt, sản xuất, kết tinh vẻ đẹp của con người lao động Việt Nam. Người lái đò chính là anh hùng trong công việc của mình với lòng dũng cảm, sự tài trí, kiên cường. Hình ảnh người lái đò sông Đà đầy trí dũng hiện lên trong trận thuỷ chiến dữ dội với tư cách một vị chỉ huy tài ba, một dũng tướng anh hùng. Tư thế con người làm chủ hiện lên sừng sững, đẹp đẽ. Nguyễn Tuân đã dành những trang viết sống động mang đậm cảm hứng ngợi ca để dựng lên hình ảnh người lao động mới anh hùng, quả cảm, tự chủ trong công việc và trong cuộc sống.

Người lái đò sông Đà còn được miêu tả như một nghệ sĩ tài hoa. Điều này thể hiện rõ dấu ấn phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân : luôn nhìn nhân vật của mình dưới góc độ tài hoa, nghệ sĩ. Người lái đò chính là nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Lái đò là một nghệ thuật và người lái đò là một nghệ sĩ. Nguyễn Tuân đã nâng việc lái đò lên thành kĩ năng, kĩ xảo, thành nghệ thuật dưới ngòi bút miêu tả đầy tài hoa của mình. Bút pháp khắc hoạ nhân vật của Nguyễn Tuân sống động và độc đáo ở chỗ nó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn.

Tham khảo bài viết sau :

Các cụ nhà ta thường nói : sinh ư nghệ, tử ư nghệ. Câu nói ấy hoàn toàn đúng với ông lái đò ở sông Đà. Hình như cái quan niệm ấy chưa bao giờ thay đổi trong suốt mấy chục năm cầm lái của ông. Cho dù cái nghề kia chẳng dễ chịu chút nào. Người ta có thể bỏ mạng không phải vì không điêu luyện mà đơn giản hơn có thể chỉ là vì một lần sơ ý “lỡ tay đò”.

Ông lái đò Lai Châu này “làm nghề chở đò dọc suốt sông Đà đã mười năm liền và thôi làm đò cũng đã đôi chục năm nay”. Khoảng thời gian mười năm là không nhiều nhưng nó đủ để người ta rèn giũa tay nghề. Nhưng ông đã “thôi làm đò đôi chục năm nay”. Chừng đó cũng là quá đủ để tay nghề của ông mai một. Ấy vậy mà trong lần “xuất quân” này, ông đò vẫn vững vàng tay lái lắm. Có vẻ như không phải ông đò lấy cái quan niệm “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” làm triết lí sống của mình nhưng thực tế cuộc đời ông lại đang toát lên điều ấy. Phải chăng ông chính là “chất vàng mười” của tâm hồn Tây Bắc mà Nguyễn Tuân đang hào hứng đi tìm ?

Ông đò Lai Châu tuy không được Nguyễn Tuân miêu tả kĩ nhưng nhìn thoáng qua, ta đã ấn tượng ngay : “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng thác nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù”. Nguyễn Tuân tinh tế lắm ! Ông đâu có tả ông đò “bạn ông” trong thực tế. Cái hình hài dáng vóc kia là cái hình hài dáng vóc của “con người sông nước”, “con người nghề nghiệp hoá”. Nó nhang nhác giống bất cứ ai sống ở trên sông và sinh nhai bằng nghề sông nước.

Sau Cách mạng, Nguyễn Tuân không còn đi tìm cái cá nhân cực đoan nữa. Thay vào đó ông đi tìm những con người cá nhân mang phẩm chất nhân dân. Càng đi sâu tìm hiểu ông lái đò, chúng ta càng thấy rõ điều ấy.

Ông lái đò của Nguyễn Tuân chẳng biết tên là gì. Người ta gọi ông thân thuộc bằng cái tên nghề nghiệp – địa danh : Ông lái đò Lai Châu. Không chỉ vô danh, bạn đọc cũng chỉ biết mang máng “quê ông ở ngay chỗ ngã tư sông sát tỉnh”.

Lại nữa, cũng chẳng ai biết ông nhà cửa thế nào, con cái ra sao. Chẳng lẽ tất cả thống tin về ông đò lại chẳng có gì ? Nhưng cũng chẳng cần ! Bạn đọc có ai thắc mắc đâu. Và có thể lắm chứ, nếu như ở trên kia ông lái đò có ngoại hình “thuộc về sông nước” thì ở đây tất cả những cái không đó càng đủ căn cứ để mà khẳng định ông đò là con người – nhân dân. Nhân dân là vô danh, là những con người mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng ca ngợi :

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

(Đất Nước)

Miêu tả ông đò như thế là một dụng ý nghệ thuật tinh tế của Nguyễn Tuân. Nhà văn muốn đi tìm cái vẻ đẹp bền vững (chất vàng mười) của nhân dân qua những con người ưu tú.

Ngoại hình ông đò không đẹp nhưng lúc “tác nghiệp” ông lại là một hình mẫu trên sông. Nguyễn Tuân lại một lần nữa không chịu tả ông đò trên suốt dọc hành trình. Tác giả chỉ chọn tả ông ở cái thời điểm vinh quang nhất của cuộc đời : Lúc ông chèo thuyền vượt thác trên sông. Cũng như khi ông chọn miêu tả lần trở lại với nhà đò này của ông vậy. Tất cả được đặt trong một khoảnh khắc, một ranh giới thật mong manh nhưng rất siêu phàm.

Mười năm chở đò dọc sông Đà, ông lái đò am hiểu con sông lắm. Nó dữ dội, hào hùng, nghiệt ngã ông đều biết cả. Và tất nhiên, ông cũng biết nó có lúc rất trữ tình. Thế nên ông đò cẩn trọng lắm. Một trong những nguyên tắc nghề nghiệp của ông là phải rất am hiểu dòng sông. Thế nên gấp cuốn sách vào mà tưởng tượng, chúng ta vẫn như đang thấy ông đò vừa chèo mạnh vừa đọc tên vừa gợi ra bao đặc tính của dòng sông.

Nào là hai hòn đá canh cửa trông như là sơ hở kia thực chất “giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu hơn nữa”. Lúc ấy ông lái bắt đầu ngoặt cái đò vào thạch trận. Đó cũng là chỗ cần phải thử sức và trí tuệ của ông. Ông lái vào sâu hơn nữa, trong đầu biết chắc chúng sẽ “đánh khuýp quật vu hồi”. Rồi “vòng đầu, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông”. Và đến “vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch sang phía bờ hữu ngạn”,… Cứ thế ông chèo, ông lướt, đè, sấn, băng hay chém để vượt qua hàng loạt “tập đoàn cửa tử” giữ bình yên cho khách và cho cả thuyền hàng. Ông lái đò biết đến tận ngọn nguồn, ngõ ngách và cả những “thủ đoạn” của con sông. Cái phẩm chất trí tuệ ấy chắc chắn vượt sức củá một con người. Nó là kinh nghiệm của bao đời, bao người vượt thác trên sông gom lại. Đó là trí tuệ của nhân dân hợp lại trong ông và vì thế ông có trí tuệ và sức mạnh phi thường. Đó là con người của thời đại mới, con người gánh vác những sứ mệnh lớn lao.

Nhìn ông lái đò Lai Châu chèo thuyền vượt thác mà ta cứ ngỡ như ông đang chiến đấu với con sông. Mà chiến đấu thật, chiến đấu để giành lấy sự sống từ thiên nhiên hung dữ. Chẳng phải từ hàng ngàn đời nay nhân dân ta vẫn phải bươn bả để kiếm sống, vẫn phải đấu tranh để giành lấy miếng cơm manh áo từ thiên nhiên hay từ sự hung bạo của ngoại bang sao ? Đó là lời nhắc nhở con cháu ngàn đời được Nguyễn Tuân gửi vào hình ảnh ông lái đò lúc chèo thuyền vượt thác trên sông.

Nếu ông đò vất vả, căng thẳng lúc chèo thuyền vượt thác bao nhiêu thì lúc dừng thuyền ông lại vui vẻ bấy nhiêu : “Thế là hết thác. Dòng sông vặn mình vào cái bến có hang lạnh. Sóng nước xèo xèo tan đi trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình”. Kì lạ thay ! Vừa phải gồng mình vượt qua bao con thác, bao thạch trận hiểm nguy thế mà lúc dừng chèo, “nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ, cá dầm xanh… chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi”. Hình như cái gian nan kia đối với họ đã trở thành cái thường nhật rồi, chẳng có gì đáng km tâm cả. Nó cũng giống như con sông Đà kia, tuy dữ dội nhưng ngày nào cũng phải chiến đấu với nó, thành ra chẳng “có gì là hồi hộp và đáng nhớ” cả.

Ông đò Lai Châu và cuộc sống của ông là như vậy. Nói đó là cuộc sống cũng đúng mà nói đó là cuộc chiến, là sự hi sinh thầm lặng cũng chẳng sai. Ta sẽ thấy cuộc sống lao động của ông đò cũng giống như cuộc đời của bao người dân khác đã, đang và sẽ sống trên mảnh đất bốn ngàn năm nay vẫn dữ dội nhưng rất bao dung này.

(Theo Ngô Văn Tuần)

5. Có thể phân tích một trong hai đoạn văn sau (tương ứng với một trong hai nét tính cách nổi bật của sông Đà là hung bạo và trữ tình).

– “Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra”. Những cụm từ ngắn được đặt liền nhau, ngăn cách bởi dấu phẩy, cùng phép lặp từ (“xô”) được sử dụng. Âm điệu của câu văn như hoà cùng cái dữ dội, cuộn trào của thác nước, đe doạ bất kì người lái đò nào đi qua quãng ấy.

– “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Bờ sông Đà được miêu tả bằng những câu văn đậm xúc cảm hoài niệm. Cái hoang dại của dòng sông được so sánh với nét hoang sơ của thời tiền sử và sự hồn nhiên của cổ tích. Tài nghệ của Nguyễn Tuân thể hiện rất rõ trong việc sử dụng biện pháp so sánh ở hai câu văn này. Câu văn như đưa người đọc trở về với một thời quá vãng xa xưa, sông Đà được khoác lên tấm áo lung linh, huyền ảo, gợi nên một nét đẹp yên bình, thơ mộng, gần gũi và thân thiết.

II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Tìm đọc trọn vẹn tuỳ bút Người lái đò Sông Đà.

2. Đoạn văn tham khảo :

Đoạn văn từ “Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần” đến “rồi cứ thế mà phiết vào bản đổ lai chữ” thể hiện tình yêu say mê của Nguyễn Tuân đối với sông Đà. Biện pháp so sánh không chỉ đặc tả chiều dài của dòng sông mà còn thể hiện cảm nhận của tác giả về dáng hình, dòng chảy của nó. Sông Đà được thể hiện trong một sự vận động, chảy trôi miên man, vô tận. Sông Đà hung dữ đã thay bằng hình ảnh một con sông mềm mại, trữ tình, được hình dung như mái tóc của người thiếu nữ – một hình ảnh gợi cảm, duyên dáng, tình tứ, có khả năng tạo ra những trường liên tưởng phong phú cho người đọc. Sông Đà là linh hồn của Tây Bắc, nước mây, đất trời như nối liền một dải “đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Cảnh vật thơ mộng và huyền ảo. Câu văn xuôi vừa giàu chất tạo hình vừa thấm đượm chất thơ. Nguyễn Tuân nhìn sông Đà từ nhiều góc độ, soi chiếu nó ở nhiều phương diện để rồi ở phương diện nào cũng tìm ra những nét đẹp (khi bay tạt ngang sông Đà, khi nhìn từ trên xuống, khi nhìn từ dưới lên,…). Sông Đà được cảm nhận như một sinh thể sống có linh hồn. Dù miêu tả ở góc độ nào, người đọc cũng nhận thấy sự tài hoa trong miêu tả, sự tinh tường trong quan sát, nắm bắt được cái hồn cốt của cảnh vật của ngòi bút Nguyễn Tuân. Cách miêu tả của Nguyễn Tuân tác động mạnh mẽ vào giác quan của người đọc, tạo những trường liên tưởng bất ngờ, lí thú.,

 

XEM THÊM : Hướng dẫn phân tích, đọc hiểu : Tự do – Ngữ văn 12 ” TẠI ĐÂY “

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận