Giúp em học tốt Ngữ Văn lớp 7 tập hai – Quan Âm Thị Kính

Đang tải...

Quan Âm Thị Kính

A. TÌM HIỂU VỂ THỂ LOẠI CHÈO

Đọc lại phần chú thích về chèo (SGK trang 118)

B. HƯỚNG DẪN HỌC SINH TÌM HIỂU TÁC PHẨM

1. Câu hỏi 3 (SGK, trang 120)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc kĩ đoạn trích “Nỗi oan hại chồng”. Đoạn trích kể về các nhân vật nào? Đọc phần chú thích (đoạn nói về nhân vật truyền thông trong chèo) để xác định loại nhân vật trong trích đoạn.

Đồng thời, cần chú ý đến các chi tiết làm cốt truyện của vở chèo phát triển. Từ đó xác định nhân vật làm xung đột kịch phát triển.

b) Gợi ý trả lời

Đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” có 5 nhân vật: Thiện Sĩ (chồng Thị Kính – con của Sùng bà, Sùng ông); Thị Kính (con gái Mãng ông); Sùng ông, Sùng bà và Mãng ông.

Các nhân vật này đềụ tham gia vào diễn biến của cốt truyện tạo nên xung đột kịch. Nhưng chỉ có hai nhân vật chính thể hiện xung đột kịch trong đoạn trích là Thị Kính và Sùng bà. Hành động cắt râu của Thị Kính trong lúc Thiện Sĩ ngủ đã gây ra “nỗi oan hại chồng” cho nhân vật. Kịch tính được phát triển từ đó.

Sùng bá là nhân vật độc ác. Ngôn ngữ, cử chỉ, hành động của nhân vật rất độc địa, trong lời nói của mụ đều chứa các từ thâm độc, tàn nhẫn. Sùng bà đại diện cho tầng lốp giàu có trong xã hội nhưng độc ác, không biết đến lẽ phải.

Thị Kính là nhân vật chính trong vở chèo. Nàng là một phụ nữ nết na, đức hạnh nhưng cảnh ngộ lại trớ trêu, bị vu cho vụ tày trời “gái say trai lập chí giết chồng”. Thị Kính đại diện cho người phụ nữ bình dân trong xã hội.

2. Câu hỏi 4 (SGK, trang 120)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Cần nhớ tích truyện trong chèo được khai thác từ truyện cổ tích và truyện Nôm. Giá trị nội dung các vở chèo là cảm thông với số phận bi kịch của ngươi lao động, người phụ nữ đề cao phẩm chất và tài năng của họ; phản ánh mơ ước của nhân dân về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Mơ ước của nhân dân trong chèo cũng giống với ước mơ của dân gian trong các truyện cổ dân gian.

Từ đó, soi chiếu vào đoạn trích để có cảm nhận xác đáng về khung cảnh ở phần đầu của vở chèo. Đồng thời, chú ý đến các câu văn diễn tả lời nói, cử chỉ của Thị Kính để đánh giá nhân vật về phẩm chất, đức hạnh.

b) Gợi ý trả lời

Khung cảnh ở phần đầu đoạn trích nói về cảnh sinh hoạt của vợ chồng Thị Kính. Thiện Sĩ chăm chỉ đèn sách chuẩn bị cho việc thi cử trong cung, còn Thị Kính ngồi khâu vá bên cạnh chồng. Đọc sách mệt mỏi Thiện Sĩ đã đi ngủ. Thị Kính dọn kỉ và ngồi quạt cho chồng ngủ. Đây là cảnh sinh hoạt gia đình ấm cúng, vợ chồng hòa thuận thể hiện ước mơ của nhân dân về một cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm cúng “thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”.

Trong khung cảnh ấy, người vợ chăm sóc giấc ngủ cho chồng bằng các cử chỉ ân cần, nhẹ nhàng: dọn dẹp chỗ nằm, quạt cho chồng ngủ. Nỗi băn khoăn, lo lắng khi thấy chiếc râu mọc ngược của chồng thể hiện qua những lời:

 

Đạo vợ chồng trầm năm kết tóc,

Trước đẹp mặt chồng sau đẹp mặt ta

……..

Dạ thương chồng, lòng thiếp sao an…

Qua đoạn độc thoại của Thị Kính cho thấy, nàng là một người vợ thương chồng, lo lắng chăm sóc, chăm chút cho người chồng. Đó vừa là tình cảm chân thành, tự nhiên vừa là bổn phận, nghĩa vụ của người làm vợ.

3. Câu hỏi 5 (SGK, trang 120)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Cần đọc kĩ những câu diễn tả hành động, ngôn ngữ của Sùng bà để có được kết luận đúng đắn về nhân vật này.

b) Gợi ý trả lời

Sùng bà là nhân vật mụ ác, từ ngôn ngữ đến cử chỉ, hành động của mụ đều tàn nhẫn và độc địa.

Ngôn ngữ của mụ với Thị Kính là những lời đay nghiến, mắng nhiếc, xỉ vả thậm tệ Mụ mạt sát Thị Kính là “mặt sứa gan lùn” “mèo mả gà đồng”. Mụ chửi Thị Kính là dạng “say hoa đắm nguyệt”, “trên dâu dưới Bộc”… là “gái say trai lập chí giết chồng”. Mỗi lần Thị Kính vật vã, than khóc kêu oan là thêm một lần mụ đay nghiến, xỉ vả nàng. Mụ dùng ngôn ngữ tục tằn để nói vói con dâu ‘băm vằm xả xích mặt”, “mặt gái trơ như mặt thớt”, “này con kia”… Hành động của mụ thô bạo và tàn nhẫn: dúi đầu Thị Kính xuống đất, bắt nàng ngửa mặt lên, dúi tay đẩy nàng ngã…

Lời nói, hành động của mụ liên tiếp xổ ra, không cho Thị Kính phân bua phải trái.

Mụ tàn nhẫn đuổi Thị Kính ra khỏi nhà: “Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo”. Sùng bà vênh váo tự hào về gia thế cao sang của mình là “cao môn lệnh tộc”và khinh bỉ gia đình Thị Kính:

 

Giống nhà bà đây giống phượng giống công

Còn tuồng bay mèo mả gà đồng lẳng lơ

…….

Trứng rồng lại nở rồng

Liu điu lại nở ra dòng liu điu…

……

Nhà bà đây cao môn lệnh tộc

Mày là con nhà cua ốc

Lời nói của Sùng bà không còn là lời nói của mẹ chồng nói vổi nàng dâu nữa mà đã vượt ra phạm vi gia đình, là quan hệ giai cấp. Mụ xưng “bà”và gọi con dâu là “mày”, là “cái con kia”như nói với kẻ hầu, con ở vậy. Ngôn ngữ của mụ thô tục, phũ phàng và tàn nhẫn như một kẻ thất học, không có văn hóa. Thái độ của mụ kì thị, khinh thường gia đình Thị Kính, vì gia đình nàng không thuộc địa vị cao sang mà chỉ là người bình dân trong xã hội.

Với con dâu, Sùng bà đối xử thậm tệ đã đành, ngay cả đối với Sùng ông, Thiện Sĩ, mụ cũng quát mắng không ra gì. Từ chồng đến con trai đều phải nghe theo lời mụ. Mụ bắt Sùng ông đi gọi Mãng ông đến để trả con, mắng chồng là kẻ nát rượu “lúc nào cũng say’’, ‘lèm bèm ”mà ông ta cũng không có phản ứng gì.

Mụ ra lệnh cho Thiện Sĩ đi vào đọc sách, nhưng mụ không biết con trai mụ chỉ là một kẻ nhu nhược và đần độn.

Nhân vật Sùng bà được xây dựng rất sống động, tiêu biểu cho vai chèo cổ mụ ác. Loại vai này thường mang tính cách chung là hợm của, kheo khoang dòng giông, hay trấn áp người khác, tàn nhẫn, độc địa.

4. Câu hỏi 6 (SGK, trang 120)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Xác định số lần Thị Kính kêu oan. Tần suất số lần kêu oan nói lên điều gì? Lời kêu oan của Thị Kính có nhận được sự chia sẻ của chồng, mẹ chồng, cha chồng không? Chú ý lồi kêu oan của Thị Kính đối với cha đẻ để thấy được bi kịch của người phụ nữ nói riêng và số phận người nghèo trong xã hội cũ nói chung.

b) Gợi ý trả lời

Trong đoạn trích có 5 lần Thị Kính kêu oan. Trong năm lần kêu oan ấy có ba lần kêu oan với mẹ chồng, một lần hưống về chồng, một lần hướng về cha đẻ.

Lần thứ nhất, nàng vật vã khóc “Giời ơi! Mẹ ơi, oan cho con lắm mẹ ơi! ”

Lần thứ hai: “Oan cho con lắm mẹ ơi!”.

Lần thứ ba: “Mẹ xét tình cho con, oan con lắm mẹ ơi!”.

Cả ba lầii Thi Kính đểu bày tỏ nỗi oan ức của mình bằng thái độ thông thiết, van xin. Cùng vối đó là những hành động “vật vã khóc ”, “ngửa mặt rũ rượi”. Nhưng Thị Kính càng kêu oan, mụ càng đay nghiến, chửi mắng nàng thậm tệ hơn. Vì thế những lời kêu oan của Thị Kính tô đậm thêm tình cảnh đáng thương của nàng.

Bất lực trước sự tàn nhẫn của mẹ chồng, nàng kêu oan với chồng “Oan thiếp lắm chàng ơi”, nhưng vô ích vì Thiện Sĩ nhu nhược, chỉ biết nghe lời mẹ. Anh ta cố tình quên những ngày tháng sống nghĩa vợ chồng, bỏ mặc nàng cho mẹ hành hạ.

Thị Kính trở thành cô độc giữa gia đình nhà chồng, giữa sự vô tình, nhu nhược của chồng, sự tàn ác nhẫn tâm của cha mẹ chồng. Nàng cũng không có quyền để minh oan cho bản thân, không có quyền cất lên tiếng nói bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mình. Đây là bi kịch của ngưòi phụ nữ trong xã hội phong kiến. Thân phận của những nàng dâu trong gia đình nhà chồng không khác gì con sâu, cái kiến. Họ có thể bị ruồng rẫy, bị hành hạ, bị đuổi khỏi nhà bất cứ lúc nào. Nỗi oan của Thị Kính cũng giống nỗi oan của Vũ Thị Thiết trong “Chuyện người con gái Nam Xương”. Vũ Thị Thiết cũng là một ngưòi vợ đức hạnh “tính đã thùy mị, nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp” song vì sự nghi ngờ, và sự vô tình của người chồng đã đẩy nàng đên cái chết. Những ngươi phụ nữ như Thị Kính, Vũ Thị Thiết trong xã hội phong kiến thối nát đều có chung một số phận hẩm hiu, tội nghiệp. Họ không có quyền bình đẳng, không có quyền kêu oan, không có quyền nói lên tiếng nói bảo vệ nhân phẩm của chính mình.

Lần thứ năm, Thị Kính kêu oan với Mãng ông, nỗi oan của nàng mới được cảm thông. Nhưng đó là sự cảm thông đầy đau khổ và bất lực của người cha già; là sự cảm thông của những người có cùng thân phận nghèo khổ, cùng đẳng cấp trong xã hội.

5. Câu hỏi 7 (SGK, trang 120)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc kĩ đoạn văn nói về Sùng ông gọi Mãng ông sang nhà. Chú ý đến các câu diễn tả ngôn ngữ, hành động của Sùng ông đối vổi Mãng ông. Đồng thời chú ý đến các chi tiết đẩy cốt truyện lên cao.

b) Gợi ý trả lời

Trước khi đuổi Thị Kính ra khỏi nhà, Sùng bà và Sùng ông còn nhẫn tâm dựng lên một vở kịch. Vợ chồng Sùng bà lừa Mãng ông sang ăn cữ cháu thực chất là bắt Mãng ông đến để nhận con về. Sùng ông dùng những từ ngữ khinh bỉ, coi thường Mãng ông: “Bớt cái mồm mà kheo khoang, nữ tắc với chả nữ công, về đi Sùng ông còn có hành động vũ phu: dúi ngã Mãng ông, rồi bỏ vào nhà. Đối với Sùng ông, Sùng bà, Mãng ông không phải là một ngưòi thông gia mà bị coi như kẻ thấp hèn, phận tôi tớ vậy.

Sự kiện Thị Kính bị đuổi ra khỏi nhà chồng là xung đột kịch cao nhất của vở chèo. Sự kiện này đã đẩy nhân vật vào cực điểm của nỗi đau, sự nhục nhã: đau vì oan ức, đau vì cảnh vợ chồng tan vỡ, nhục vì cha đẻ bị bố mẹ chồng khinh bỉ và hành hạ.

Trong xã hội phong kiến, cái án “gái say trai lập chí giết chồng” là một vết nhơ không rửa đối với phụ nữ. Họ sẽ bị gia đình, dòng họ ruồng bỏ, xã hội khinh bỉ.

6. Câu hỏi 8 (SGK, trang 120)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc kĩ đoạn cuối của vỏ chèo. Chú ý những câu văn miêu tả ngôn ngữ, cử chỉ, diễn biến tâm lí của nhân vật.

b) Gợi ý trả lời

Trước khi rời khỏi nhà gia đình Sùng ông, Sùng bà, Thị Kính nhìn lại những kỉ vật “nhìn từ cái kỉ đến sách, thúng khâu, rồi cầm lấy chiếc áo đang khâu dở, bóp chặt trong tay”. Đó là những kỉ vật gắn bó với những tháng ngày hạnh phúc của cuộc sống vợ chồng, là minh chứng cho sự đảm đang, tần tảo của người vợ hiền dịu. Nhưng với Sùng bà đó là dấu vết của sự thất tiết, là bằng chứng cho ý định giết chồng.

Thị Kính cất lời than, đau đớn “không sao tránh khỏi tiếng mỉa mai”, trách duyên số dở dang, trách sự vô tình vô nghĩa của mẹ con Sùng bà ‘‘đang tay nỡ bẻ phím đồng làm đôi”. Lời than của Thị Kính là lời bộc bạch sự đau đớn trước những thay đổi nhanh chóng của đời người, của tình người:

 

Thương ôi! Bấy lâu sắt cầm tịnh hảo

Bỗng ai làm chăn gối lẻ loi.

Trách lòng ai lỡ phụ lòng

Đang tay nỡ bẻ phím đồng làm đôi.

Nghệ thuật đốì trong câu hát “bấy lâu – bỗng”, “sắt cầỉn tịnh hảo” và “chăn gối lẻ loi” thể hiện sự đối lập giữa quá khứ hạnh phúc êm đềm của tình chồng vợ với sự đổ vỡ chia lìa của hiện tại.

Lời than thở, bộc bạch của nhân vật cho thấy bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ, bị chà đạp, bị ruồng bỏ không biết bám víu vào đâu giữa cuộc đòi vô định.

Cuối đoạn trích, Thị Kính lạy cha mẹ, quyết “trá hình nam tử bước đi tu hành ”, “cầu Phật tổ chứng minh Quyết định bước chân vào cửa Phật là sự giải thoát cuối cùng cho người phụ nữ oan khuất này nhưng là sự giải thoát đầy bất lực, nhưng dù sao trong hoàn cảnh này đó cũng là con đưòng, giải pháp duy nhất đối với Thị Kính. Cảnh chân tròi chớm rạng đông khi Thị Kính lặng lẽ bước chân ra khỏi nhà họ Sùng mang ý nghĩa tượng trưng, thể hiện niềm tin của nhân dân ta vào “con đường tu hành đi tới cửa Phật là con đường sáng”.

Theo quan niệm của nhân dân thì cõi tu là nơi gạt bỏ mọi đau khổ, oan khuất của cuộc sống trần tục. Cửa Phật làm cho tâm hồn con người thanh tịnh không còn vương vấn chuyện đời, là con đường giải phóng duy nhất giúp nhân vật thoát khỏi đau khổ, khỏi tình trạng bế tắc, bất lực.

“Nỗi oan hại chồng” là tiếng kêu đau khổ của người phụ nữ bình dân trong xã hội cũ. Cách tạo xung đột miêu tả, tâm trạng, hành động của nhân vật tuy còn sơ lược nhưng vẫn làm nổi bật được chủ đề của tác phẩm. Đoạn trích cho thấy bi kịch của người phụ nữ, đồng thời ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của họ.

D. TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. Trong vở chèo Quan Âm Thị Kính, khi Thị Kính vì cắt râu cho chồng mà bị tiếng oan, bị đuổi ra khỏi nhà chồng, thì hành động của các nhân vật diễn ra rất nhanh. Ta có cảm tưởng rằng Sùng bà đuổi con dâu vì lí do khác hơn là vì cho rằng Thị Kính định giết chồng. Ít ra ta cũng nhận thấy sự quyết định của mụ nhanh quá. Tâm lí của Thiện Sĩ và Sùng ông không được miêu tả, và nói chung, ta chỉ hiểu được qua hành động của họ mà thôi (hành động yếu ổt của Thiện Sĩ, hành động thiếu suy nghĩ của Sùng ông). Đến như tâm tình oan khuất của Thị Kính cũng chỉ được nàng nói lên trong tám câu thơ (nói sử rầu, nói vãn cầm) và sau đó thì nàng quyết định đi tu, chính cái hành động đi tu đó nói lên ý nghĩa của màn chèo và tâm lí của nhân vật.

(Đinh Gia Khánh, Văn học dân gian Việt Nam NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000)

2. Chủ đề chính của chèo cũng như truyện Quan Âm Thị Kính có thể tóm gọn trong một từ “oan”. Trong văn học nước ta có khá nhiều tác phẩm nói đến nỗi oan khuất của con người […] nhưng có thể nói không ở đâu nỗi oan khuất của con ngưòi, nhất là phụ nữ, được thê hiện tập trung cao độ và sắc nét như ở vở chèo này. Vì thế mà khi nói đến nỗi oan thì nhân dân nghĩ ngay đến nỗi oan Thị Kính (Thành ngữ: “Oan như oan Thị Kính”, hoặc “Oan Thị Kính”).

(Hoàng Tiến Tựu, Văn học dân gian Việt Nam NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000)

Xem thêm Tìm hiểu chung về văn bản hành chính tại đây 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận