Giúp em học tốt Ngữ Văn 7 – Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

Đang tải...

A. VÀI NÉT VỂ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

Nguyễn Ái Quốc là tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh (được đùng từ năm 1919 đến năm 1945). Bút danh Nguyễn Ái Quốc gắn liền với tờ báo tiếng Pháp “Le Paria” (Người cùng khổ), nhiều truyện kí (sau này in thành “Truyện kí Nguyễn Ái Quốc”) và tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp ’’ viết trên đất Pháp, bằng tiếng Pháp trong thời gian từ 1922 đến 1925.

Trong “Truyện kí Nguyễn Ai Quốc ” có truyện ngắn “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu ” được viết ngay sau khi nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt cóc (18 – 6 – 1925) ở Trung Quốc giải về giam ở Hoả Lò, Hà Nội và sắp bị xử án, Va-ren thì chuẩn bị sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương. Tác phẩm được viết với mục đích cổ động phong trào của nhân dân trong nước đòi thả cụ Phan Bội Châu.

Truyện được viết trước khi Va-ren sang Đông Dương, có hình thức kí sự nhưng thực ra là một truyện hư cấu. Qua cuộc gặp gỡ, đốì đầu (tưởng tượng) giữa Va-ren và Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã phơi bày bản chất dôi trá, lố bịch của Va-ren, đồng thời khẳng định vị thế cao cả của anh hùng ái quốc Phan Bội Châu.

B. HƯỚNG DẪN HỌC SINH TÌM HIỂU TÁC PHẨM

1. Câu hỏi 1 (SGK, trang 24)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Hãy đọc tác phẩm và các chú thích để nắm rõ nội dung tác phẩm viết về nội dung gì. Đồng thời tham khảo thêm về hoàn cảnh, thời gian sáng tác của truyện để thấy rằng đây là câu chuyện viết trước khi sự kiện xảy ra hay sau khi đã xảy ra.

b) Gợi ý trả lời

“Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” là một truyện ngắn được sáng tác trước khi Va-ren sang Đông Dương. Câu chuyện có hình thức kí sự nhưng thực ra là một truyện hư cấu, do tác giả tưởng tượng và sáng tạo ra từ việc trước khi sang Đông Dương nhậm chức, Va-ren có tuyên bố sẽ quan tâm tới Phan Bội Châu. Dựa vào thòi điểm sáng tác, chúng ta có thể dễ đàng nhận ra tính chất hư cấu ấy. Qua cuộc gặp gỡ, đối đầu (tưởng tượng) giữa Va-ren với Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã phơi bày bản chất dốì trá, lố bịch của Va-ren đồng thời khẳng định vị thế cao cả của người anh hùng ái quốc Phan Bội Châu.

2. Câu hỏi 2 (SGK, trang 94)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc kĩ toàn đoạn văn và các chú thích để hiểu nội dung của đoạn văn. Chú ý vị trí của đoạn văn trong toàn bộ tác phẩm và xem chú thích về các nhân vật để hiểu được thực chất của những lời lẽ đó.

b) Gợi ý trả lời

Sau khi tên Toàn quyền Đông Dương Mec-lanh “chết hụt” vì bị nhà cách mạng Phạm Hồng Thái ném bom ám sát năm 1924, Va-ren được cử sang Đông Dương làm Toàn quyền thay thế cho Mec-lanh. Trước khi sang Đông Dương nhậm chức, do chịu sức ép của dự luận tiến bộ ở Pháp và nhân dân Đông Dương, Va-ren đã hứa sẽ “chăm sóc” cụ Phan Bội Châu – nhân vật chính trị được chính quyền thực dân Pháp hết sức chú ý vì có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh của quần chúng thuộc địa. Nhưng thực chất đó là một lời hứa dổi trá, mị dân nhằm trấn an công luận, trấn an nhân dân Việt Nam đang sôi sục đấu tranh đòi thả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Tác giả chỉ ngay ra sự bịp bợm đó: Trong bốn tuần lễ (thời gian Va-ren đi từ Mác-xây đến Sài Gòn) Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù.

Tác giả đã sử dụng biện pháp châm biếm sâu cay để lật tẩy bộ mặt dối trá của Va-ren. Y đã hứa một cách “nửa chính thức” tức là hứa ỡm ờ, không có gì chắc chắn, vì thế không nhất thiết phải thực hiện. Nhưng ngòi bút tác giả đặc biệt sắc sảo khi viết: “Giả thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa”. Một câu văn rất giản dị, đọc lên nghe như chẳng có gì, nhưng viết như thế, tác giả đã ngầm cho độc giả (nhân dân Việt Nam) nhận rõ hơn nữa bộ mặt thật của những tên thực dân. Việc “biết giữ lời hứa ”chỉ là câu chuyện “giả thử” mà thôi chứ thực tế chưa bao giờ chúng thực hiện và lần này thì có gì khác đâu. Trong quá trình cai trị, để có thể vơ vét được nhiều của cải, bóc lột tàn tệ công sức lao động của nhân dân Đông Dương, thậm chí chúng bắt nhân dân ta phải đi làm bia đỡ đạn, thực dân Pháp, nhất là những tên đầu sỏ đã hứa rất nhiều, nhưng thực chất chỉ là trò mị dân, hứa hão, xoa dịu dư luận.

Chỉ một vài dòng rất ngắn gọn, và với ngòi bút châm biếm sắc sảo tác giả đã vạch trần bộ mặt giả tạo lừa bịp của tên thực dân này.

3. Câu hỏi 3 (SGK, trang 94)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc toàn bộ tác phẩm và các chú thích trong SGK, nhất là chú thích về Va-ren và Phan Bội Châu. Trong truyện ngắn, tác giả đã xây dựng hình tượng Phan Bội Châu trong hoàn cảnh nào, bằng bút pháp gì? Những chi tiết nào được tác giả đặc biệt chú ý (cử chỉ, hành động, lời nói, tính cách). Việc sử dụng ngôn từ ở đây có gì khác với việc xây dựng hình tượng Va-ren?

b) Gợi ý trả lời

Truyện ngắn “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” miêu tả cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu bằng ngòi bút châm biếm rất sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc. Tác giả đã sử dụng thủ pháp tương phản đối lập để vạch trần bộ mặt của Va-ren, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp người anh hùng dân tộc Phan Bội Châu.

Chúng ta biết lúc này Phan Bội Châu là một người tù, bị giam trong nhà lao đế chờ ngày xét xử. Nhưng khi đối mặt với tên Toàn quyền – người đứng đầu bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, ông vẫn giữ tư thế là một vị anh hùng.

Ngay đầu câu chuyện, tác giả đã sử đụng ngôn từ rất đẹp, lớn lao để nói về Phan Bội Châu “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu người trong vòng nô lệ tôn sùng…”. Với Nguyễn Ái Quốc và cả nhân dân Việt Nam, cụ Phan là một bậc anh hùng, đã hi sinh cả cuộc đời mình chiến đấu cho sự nghiệp cứu nước. Cụ là lãnh tụ của các phong trào Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang Phục hội, đôn đáo, chạy vạy khắp nơi để tìm đồng minh giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Chính vì thế, đã từ lâu cụ luôn bị mật thám dòm ngó, thực dân giam cụ nhiều lần thậm chí là kết án tử hình vắng mặt. Nhưng trong khung cảnh tăm tối của nhà tù, người chí sĩ – chiến sĩ ấy vẫn hiên ngang, bất khuất, toả sáng những phẩm chất cao đẹp.

Mặc cho Va-ren tha hồ ba hoa, khoác lác (được tác giả miêu tả bằng rất nhiều ngôn từ) Phan Bội Châu vẫn chỉ một sự im lặng. Ông phớt lờ, coi như không có Va-ren trước mặt. Sự im lặng, dửng dưng của cụ Phan thể hiện một thái độ khinh bỉ đến cực độ. Trong cả câu chuyện, độc giả không tìm thấy một lời nói nào của cụ Phan Bội Châu, chỉ đơn giản là cử chỉ mà cũng rất ít. Trong khi đó tác giả liên tục liệt kê những câu độc thoại của Va-ren. Trong những lời nói của Va-ren có lúc mua chuộc, dụ dỗ làm như vậy ông sẽ được tất cả, được cho đất nước ông, được cho bản thân ông”; có lúc lại vuốt ve, nịnh bợ “tôi biết rõ tâm hồn cao thượng và cuộc đời đầy hi sinh nhiều nguy nan của ông… được bày tỏ tấm lòng rất mực quý trọng ông… ”, nhưng có khi đầy đe doạ “tôi yêu cầu ông… Bằng chính ngôn ngữ ấy tác giả vạch trần bộ mặt xảo trá, nham hiểm, khó lưòng của tên Toàn quyền. Nhưng trưóc tất cả các “ngón nghề” ấy của Va-ren, Phan Bội Châu vẫn coi như chẳng có chuyện gì đáng phải bận tâm, như “nước đổ lá khoai”. Trong mắt của người tù, dù là một Toàn quyền đi chăng nữa nhưng những lời lẽ của hắn cũng chỉ như “trò lố”” mà thôi. Sự im lặng của Phan Bội Châu ẩn chứa một bản lĩnh kiên cường, chí khí bất khuất của ngưòi cách mạng trước kẻ thù, dù thế lực đó có mạnh đến độ nào chăng nữa.

Nhưng không chỉ thể hiện thái độ của mình với nhân vật qua miêu tả trực tiếp, tác giả còn đặt vào câu chuyện những lời bình hóm hỉnh và chua cay. Ý nghĩa của tác phẩm sẽ giảm đi rất nhiều nêu thiếu những lời bình sắc sảo ấy. Từ đầu đến cuối hội thoại, tác giả như đang ngồi ngay bên cạnh, chứng kiến sự thất bại thảm hại của Va-ren trưóc người tù cách mạng. Sau câu chuyện, tác giả đưa ra lời bình: “Nhưng cứ xét bình tình, thì đó chỉ là vì (Phan) Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu’’. Thật hóm hỉnh và sâu sắc. Hai chữ “không hiểu” được nhà văn giải thích: không phải vì không hiểu ngôn ngữ của nhau, và không bình luận gì thêm mà để người đọc tự suy ngẫm. Như vậy, hai con người đối diện với nhau mà không hề hiểu nhau chỉ vì họ không thể và không bao giờ cùng tư tưởng, chí hướng, không bao giò đi chung một con đường. Dù Va-ren có nói gì đi chăng nữa thì với Phan Bội Châu, y cũng chỉ là một kẻ xa lạ, một kẻ không đáng để Phan Bội Châu phải bận tâm. Va-ren tha hồ nói bằng nhiều giọng điệu, nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau nhưng đhẳng có một chút tác dụng nào. Hắn nói, hắn nghe và hình như đang tự “chửi” vào bản chất của chính mình vì chính những lời lẽ đó có lúc mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn chính bề ngoài đầy “uy quyền” của hắn.

Không chỉ dừng lại ở đó, để tạo cho câu chuyện có vẻ khách quan, tác giả đã dẫn lời của một nhân vật tưởng tượng khác (anh lính dõng). Chỉ là một lời kể rất bình thường ‘thấy đôi ngọn râu mép người, tù nhích lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi ” nhưng có ý nghĩa rất lớn tô đậm thêm sự châm biếm, mỉa mai đối với Va-ren. Quả thật, với cái “nhếch mép”ấy chứng tỏ trong mắt Phan Bội Châu, Va-ren chỉ là một “đứa trẻ”, không đáng phải bận tâm. Câu chuyện khép lại bằng lời quả quyết của một nhân chứng ‘Phan Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren. Một cái nhổ đầy khinh bỉ, coi thường mọi trò lố bịch của hắn. Vị Toàn quyền “tôn kính” của cả bộ máy cai trị củạ thực dân đã bị hạ nhục một cách thảm hại. Va-ren càng thấp hèn, thảm hại bao nhiêu thì hình ảnh của cụ Phan Bội Châu càng sáng ngời, lẫm liệt bấy nhiêu. Dù cho trong gông cùm, tăm tối của chốn ngục tù, trước sự uy hiếp của thế lực cường quyền người tù ấy vẫn bất khuất, hiên ngang, coi khinh tất cả. Câu chuyện như một lòi ngợi ca về tâm hồn, cốt cách, chí khí của vị anh hùng dân tộc Phan Bội Châu. Đồng thòi tác giả cũng muốn cổ động tinh thần của nhân dân Việt Nam đấu tranh để đòi thực dân Pháp phải trả lại tự do cho “bậc anh hùng, đấng xả thân “vì dân tộc.

Trong sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, cụ Phan Bội Châu có một vị trí rất quan trọng. Với những buổi nghe bác Phan và người cha là cụ Nguyễn Sinh sắc đàm đạo về việc đời, việc nước Nguyễn Tất Thành (tên của Hồ Chí Minh lúc thiếu thời) rất khâm phục tấm lòng yêu nước nhiệt thành và chí khí của cụ. Và trong suốt quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, tìm đến “những đất tự do, những trời nô lệ” Nguyễn Ái Quốc đã được cụ Phan Bội Châu giúp đỡ, động viên, khích lệ rất nhiều. Chính vì thế dù không tán đồng với phương pháp “bạo động” của cụ Phan nhưng Nguyễn Ái Quốc rất kính phục và tôn sùng tư tưởng yêu nước, tấm lòng nhiệt thành, xả thân vì cách mạng của cụ. Câu chuyện một lần nữa ngợi ca bản lĩnh, cốt cách cao đẹp của vị anh hùng này trong hoàn cảnh thử thách của tù đầy.

Trong tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc không đưa ra một lời bình luận nào cụ thể về Phan Bội Châu, cũng không trực tiếp bày tỏ thái độ với nhân vật này. Tuy nhiên, qua thủ pháp tương phản, đốì lập khi xây dựng hai nhân vật, qua cách mà tác giả đã miêu tả, bình luận về Va-ren, ta thấy rất rõ tình cảm yêu mến, thái độ trân trọng, cảm phục của tác giả đối với người chiến sĩ cách mạng.

4. Câu hỏi 4 (SGK, trang 94)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc lại tác phẩm và chú ý cuộc “trò chuyện” của Va-ren và Phan Bội Châu được ghi lại như thế nào và đến đầu là chấm dứt. Nếu tác giả dừng lại ở chỗ nào đó, cắt bớt đi một phần của tác phẩm người đọc sẽ hiểu được những gì về cả hai nhân vật và về tác giả?

b) Gợi ý trả lời

Câu chuyện ghi lại cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu. Thực chất đây chỉ là một cuộc độc thoại, một mình Va-ren tha hồ diễn đủ các ngón trò, mà Phan Bội Châu vẫn giữ nguyên một vẻ im lặng. Chính vì thế, Va-ren không thể tiếp tục được nữa, một kết thúc thảm hại. Thực ra câu chuyện cũng có thể kết thúc ngay ở chỗ “chỉ là vì Phan Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu”. Bởi vì thế cũng đủ hiểu Va-ren là một tên xảo quyệt, lố bịch như thê nào. Nhưng nếu như thế dễ khiến nhiều người cảm thấy câu chuyện có vẻ khó tin quá chăng? Một tên Toàn quyền “oai phong” là thế mà trước một người tù lại như một con rối đang diễn trò. Chính vì vậy kết thúc cuộc đối thoại (mà thực chất là độc thoại) tác giả còn trích dẫn lời của một nhân vật trong tưởng tượng khác (anh lính dõng) để tạo cho câu chuyện cảm giác khách quan. Chính anh này đã nhìn thấy “đôi ngọn, râu mép người tù nhích lèn một chút rồi hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi. Đó là một hành động rất hiếm hoi dủa Phan Bội Châu, vì trong suốt toàn bộ câu chuyện, chỉ có một mình Va-ren độc thoại còn Phan Bội Châu chẳng có phản ứng gì. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi thể hiện sự khinh bỉ đến cực độ của người tù trước vị Toàn quyền “danh giá”. Với chi tiết này chứng tỏ trong con mắt của Phan Bội Châu, Va-ren cũng chỉ là một đứa trẻ. Những “ngón nghề” mà hắn đưa ra cũng chỉ là “trò trẻ con” thôi.

5. Câu hỏi 5 (SGK, trang 95)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc kỹ lời tái bút để nắm rõ nội dung và giá trị. Đó là lòi của ai? Mục đích của tác giả khi đưa ra T.B đó?

b) Gợi ý trả lời

Kết thúc cuộc hội thoại tác giả dẫn lời của một anh lính dõng về việc chứng kiến cái “nhếch mép” của Phan Bội Châu. Nhưng dường như thế vẫn chưa diễn tả hết được thái độ khinh miệt của Phan Bội Châu và sự thất bại thảm hại của Va-ren. Tác giả viết thêm một dòng tái bút với lời quả quyết của nhân chứng thứ hai. Mặc dù không nêu tên, song lời quả quyết ấy đã tăng thêm tính khách quan cho câu chuyện và hiệu quả châm biếm đẩy lên cực độ.

Cùng với lời kết sự xuất hiện của nhân vật vô danh với lời nhận xét “quả quyết, chắc chắn” ấy đã tạo cho câu chuyện vẻ xác thực, đáng tin cậy và góp phần bộc lộ sự sắc sảo trong ngòi bút chính luận của Nguyễn Ái Quốc.

6. Câu hỏi 6 (SGK, trang 95)

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Dựa vào những phần phân tích ở trên tổng hợp lại về hai nhân vật: được tác giả xây dựng trong bối cảnh nào, có quan hệ ra sao? Nhà văn đã sử dụng bút pháp, ngôn ngữ nào để dựng nên chân dung hai nhân vật đó? Qua cách miêu tả đó tác giả muốn gửi gắm điều gì?

b) Gợi ý trả lời

Bằng giọng văn sắc sảo, hóm hỉnh và khả năng tưởng tượng, hư cấu: “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” đã khắc hoạ được hai nhân vật có tính cách đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau ở nước ta thời Pháp thuộc. Với ngòi bút châm biếm sâu sắc, nghệ thuật tương phản, Nguyễn Ái Quốc đã dựng lên chân dung Va-ren – tên Toàn quyền đại diện cho thực dân Pháp cai trị ở Đông Dương với sự lố bịch, gian trá và xảo quyệt. Ngược lại, với sự khâm phục, ngợi ca và tấm lòng yêu nước của tác giả, Phan Bội Châu hiện lên là một vị anh hùng kiên cường, bất khuất trước mọi nguy nan, cường quyền, tiêu biểu cho khí phách của dân tộc Việt Nam.

c) Mở rộng kiến thức

(…) Thường thì chỉ bằng một nét chấm phá thế thôi, chắc và mạnh, cả một tâm tính, cả một loại người được dựng lên, được đi vào tận bản chất. Nhưng cũng có một nhân vật được tỉa từng khía cạnh cụ thể để lần lượt vạch trần, gộp lại thành một bức chân dung biếm hoạ độc đáo… Cách làm này khác cách làm trước hay không kém và đả kích thấm thìa kiểu khác, cả bài Những trò lố… mổ xẻ từng mặt xấu của tên cai trị thuộc kiểu mới Va-ren, mánh khoé. Đây, về hình dáng nhân vật được giới thiệu trong khung cảnh đường phố, rất hài hước mà cũng rất thật: “… gì thế nhỉ? Xe ô tô quan Toàn quyền sắp đi qua đấy. Xe kia rồi! Lại cả ông Toàn quyền đây rồi!”. Thế rồi mỗi người trong đám đông nhìn và nhận xét quan từ góc độ của mình, em bé thì thèm cái mũ kì như một thứ đồ chơi hay, cô gái thì tiếc mình chả có cái áo đẹp bằng để làm dáng, người dân có trầm trồ “khen” thì là ở những chỗ “hơn” như vậy, được mang sang hơn, được đọc “đít cua”, được đi ô tô bắt người ta chào, chứ tuyệt nhiên không ai nghĩ xa gần đến chờ mong cải cách, biết ơn khai hoá, hi vọng những gì loại đó. Như để tập trung cô đọng ý kiến của quần chúng, tác giả đặt vào miệng một nhân vật trong đám đông câu phát biểu cuối cùng, thâu tóm và tập trung này: “rậm râu, sâu mắt! Một nhà nho lẩm bẩm”. Ý kiến cuốĩ cùng, ý kiến cơ bản của dân là thế đó, và để bạn đọc Pháp không chút hiểu lầm, tác giả dịch “rậm râu, sâu mắt” ra chữ Pháp và chữa thêm rằng đó là ngạn ngữ nước ta dùng để chỉ “đồ bất lương”! về mọi mặt khả ố khác của hắn cũng vậy. Va-ren cũng được phanh phui dưới nhiều góc độ sinh động, phong phú, mà đồng thời chọn lọc, sắc cạnh, điển hình, cả đoạn lời nói y ra sức thuyết phục Phan Bội Châu là một thứ cáo trạng hùng hồn tự tố cáo qua những lời ngọt nhạt thường được dùng, và những mưu mô mua chuộc vỗ vể không thiếu phần khéo léo, cả một tâm địa nham hiểm, cả một hạng người bỉ ổi, cả một đường lối – chính sách.

Châm biếm là bút pháp đặc sắc, độc đáo, sở trường của Hồ Chủ tịch, cho phép Người có được những thành tựu văn học và chính trị có ý nghĩa ở Pháp trong những năm 20, nhưng không phải Người chỉ đả, chỉ biết đả, hay chỉ đả mới thành công. Người chống cái xấu, mà đồng thời rung động mãnh liệt trước cái hay, cái đẹp. Có thể nào biểu dương bằng những lời lẽ nào trữ tình hơn, những tình cảm nào sâu xa, rung động hơn không, lòng yêu nước thương dân và đức hi sinh của nhà vua Hậu Trần sa vào tay quân xâm lược, nhảy xuống sông tự trầm, được Người ca tụng: “Ông thà chết vinh chứ không sông nhục. Ngày nay, mỗi buổi mặt trời mọc lên lặn xuống, muôn ngàn ánh hào quang vàng óng quẫy trên dòng sông trong nước bạc long lanh, tạo nên đài kỉ niệm vĩnh cửu cho linh hồn bất diệt của con người chiến bại đó”. Và cũng đẹp bao nhiêu, xúc động lòng người bao nhiêu, gây hưng phấn mạnh mẽ bao nhiêu, hình ảnh lãnh tụ Ki-men-gô châu Phi sau ngày cách mạng thành công, mà với một linh tính tiên tri đáng kinh ngạc, tác giả đã dựng lên được rất nổi nét, rất nghệ thuật…

(Phạm Huy Thông, Nghiên cứu học tập thơ Hồ Chí MinhNXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979)

Xem thêm Viết bài làm văn số 6 – Văn lập luận giải thích (làm ở nhà) tại đây. 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận