Giải thích câu ca dao: “Đài Nghiên … nên non nước này?” – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

Ngữ Văn 7 nâng cao

CÁC ĐỀ VĂN NGHỊ LUẬN

Đề số 28

Giải thích câu ca dao :

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai gây dựng nên non nước này ?

Bài viết

Đất nước Việt Nam chúng ta có nền văn hiến lâu đời. Các thế hệ trước đã có công bảo vệ, xây dựng đất nước trước bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Họ còn là những người đã góp phần làm nên những nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam, vì vậy thế hệ con cháu chúng ta phải biết bảo vệ những nét đẹp văn hoá, các công trình kiến trúc mà cha ông để lại. Đó cũng là điều mà câu ca dao sau muốn nhắn nhủ với chúng ta :

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai gây dựng nên non nước này ?

Trước hết, câu ca dao này nằm trong một bài ca dao nói về vẻ đẹp toàn cảnh của Hồ Gươm :

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn,

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai gây dựng nên non nước này ?

Bài ca đã khái quát toàn bộ cảnh Hồ Gươm với cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn (nay là đền Ngọc Sơn). Nhưng vấn đề chính nêu ra trong bài ca dao này lại nằm ở hai câu sau nói về Đài Nghiên, Tháp Bút. Đây là hai công trình lịch sử được xây dựng ngay ở lối vào cầu Thê Húc. Đài Nghiên là hình ảnh tượng trưng cho nghiên mực, Tháp Bút tượng trưng cho ngọn bút lông hướng lên trời. Hai công trình này tượng trưng cho chí khí, tài năng của dân tộc ta. Vậy ai là người đã gây dựng lên Đài Nghiên, Tháp Bút ? Theo sử sách ghi lại : năm 1739, chúa Trịnh Giang đã cho lập một cung bên bờ hồ Hoàn Kiếm để hóng mát ngày hè, cung ấy tên là Khánh Thuỵ. Người em của chúa Trịnh Giang là Trịnh Doanh trong một lần đem quân đi dẹp cuộc nổi loạn của nhân dân ở vùng Tam Đảo dưới núi Độc Tôn chiến thắng trở về đã cho xầy dựng một cái gò ở phía đông bờ hồ. Ông đặt tên cái gò đó là gò Độc Tôn để kỉ niệm chiến thắng của mình. Nhưng đến năm 1786, vua Lê Chiêu Thống đã cho đốt toàn bộ phủ chúa Trịnh, cung Khánh Thuỵ, xoá đi dấu vết triều đình họ Trịnh xa hoa bấy giờ. Một thời gian sau, nhân dân Thăng Long đã xây dựng một ngôi chùa thờ Phật, sau đó đổi thành đền thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương ngay trên nền đất đó. Văn Xương ở đây là một nhân vật huyền thoại do nhân dân tưởng tượng ra, là một vị thần chuyên coi sóc việc văn chương, thi cử. Cho đến năm 1864 (vào khoảng giữa thế kỉ XIX), nhà văn hoá lớn của Hà Nội là ông Nguyễn Siêu đã đứng ra nhận sửa sang lại toàn bộ khung cảnh Hồ Gươm. Ông đã nghĩ ra việc cho xây dựng hình ảnh bút lông, trên thân của tháp và cho khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” có nghĩa là “viết lên trời xanh”. Bút lông thường đi liền với nghiên đựng mực nên Nguyễn Siêu cũng cho xây dựng một cái nghiên đá được tạc bằng hình nửa quả đào nằm phía trong Tháp Bút. Điều đặc biệt ở đây là khi cho xây dựng công trình này, Nguyễn Siêu đã tính toán rất kĩ lưỡng, khoa học để đúng vào giờ Dần ngày Tết Đoan Ngọ, khi mặt trời mọc lên ở phía đông, chiếu sáng vào đầu ngọn bút thì bóng ở đầu bút sẽ chấm vào giữa lòng Đài Nghiên. Nguyễn Siêu chọn thời điểm đúng ngày 5 – 5 âm lịch ở Việt Nam – ngày giết sâu bọ, còn ở bên Trung Quốc lại là ngày mất của Khuất Nguyên (Khuất Nguyên là một nhà thơ Trung Quốc, do xin vua Sở thực hiện cải cách để cho nhân dân được sống yên ấm hơn nhưng không được, còn bị vua Sở đày xuống phía Nam. Trên đường bị áp giải, quá uất ức, Khuất Nguyên đã nhảy xuống sông Mịch La tự tử). Vì vậy, Nguyễn Siêu chọn ngày này cũng có ý muốn tưởng nhớ đến Khuất Nguyên – một nhà thơ vĩ đại. Ông xây dựng công trình này với mục đích xây dựng một biểu tượng văn hoá tượng trưng cho truyền thống hiếu học của người Việt Nam. Hai công trình này lại được đặt cạnh đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, gợi cho chúng ta nhớ về truyền thống đấu tranh, bảo vệ dân tộc của người Việt Nam. Vì vậy, Đài Nghiên, Tháp Bút tượng trưng cho tài năng, chí khí của ông cha ta, là biểu tượng của nền văn hoá, văn minh, chính trị của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một biểu tượng mà ông cha ta đã gây dựng gần hai thế kỉ, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng “Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn”. Có lẽ câu ca dao còn muốn nói rằng truyền thống hiếu học, nền vãn hiến tốt đẹp của dân tộc sẽ mãi mãi được tôn vinh, nền độc lập tự do sẽ mãi được giữ vững như hình ảnh Đài Nghiên, Tháp Bút sẽ mãi tồn tại cùng thời gian.

Vậy vì sao chúng ta phải hiểu như vậy ? Câu ca dao nhắc nhở người đọc, nhắc nhở thế hệ con cháu hãy tìm hiểu ai là người xây dựng nên thành tựu văn hoá này ? Ai là người xây dựng nên Thăng Long – Hà Nội trái tim của cả nước. Đó chính là cha ông, tổ tiên của ta, cho nên hai câu ca này nhắc nhở mỗi chúng ta phải tìm hiểu nền văn hiến của đất nước, của thủ đô Hà Nội. Trước hết, là người dân Việt Nam, là người Hà Nội, chúng ta không biết điều này là có lỗi với dân tộc, cũng như không hiểu rõ nền văn hiến của dân tộc thì không xứng người Việt Nam. Bên cạnh đó, ta phải tìm hiểu, nhắc nhở nhau và những thế hệ sau mãi mãi giữ vững truyền thống này bằng cách ngay từ bây giờ chúng ta phải có ý thức học tập để mai này trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, những địa danh lịch sử đó mãi lưu danh.

Vậy chúng ta phải làm những gì để lưu giữ những di tích lịch sử đó ? Ta biết vào năm 1010, vua Lí Công uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, vì nhà vua cho rằng đây là nơi đất tốt có thế “hổ phục, rồng chầu”, lại là nơi đất đai bằng phẳng, màu mỡ, dân cư đông đúc rất xứng là kinh đô muôn đời của dân tộc. Nhà vua trong một giấc mơ thấy rồng bay lên tròi cao, nên đã đặt tên vùng đất này là Thăng Long. Ông chính là người đã gây dựng kinh đô Thăng Long mà ngày nay là thủ đô Hà Nội tươi đẹp của chúng ta. Hà Nội trải qua rất nhiều thăng trầm của lịch sử, đã từng đổi tên là Đông Đô năm 1216, đến thời nhà Hồ lại được đổi tên thành Đông Quan.

Nhưng đến năm 1831, vua Minh Mạng chuyển kinh đô vào Huế thì Thăng Long không còn là kinh đô xưa nữa mà chỉ là một tỉnh và đổi tên thành Hà Nội và tên gọi này được giữ mãi cho đến ngày nay. Cũng tại đây khoa thi đầu tiên trên đất Thăng Long đã được mở vào thời Lí năm 1075, tại Văn Miếu. Hoàng tử Lí Càn Đức là con trai của vua Lí Thánh Tông là người đầu tiên ra đây ngồi học từ lúc mới 5 tuổi. Ba năm sau – 8 tuổi, hoàng tử đã chính thức lên ngôi thay vua cha tiếp quản triều đình, lấy hiệu là Lí Nhân Tông, Thời gian trôi qua cho đến ngày nay thế hệ con cháu chúng ta vẫn luôn nhắc nhợ nhau giữ vững nền văn hiến mà cha ông ta đã để lại. Chẳng thế mà rất nhiều học sinh giỏi của chúng ta đi thi và có giải trong các kì thi toàn quốc cũng như quốc tế, đem lại vinh quang cho đất nước… Nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên, giáo sư ra nước ngoài học và đã trở thành những người xuất sắc, được bạn bè thế giới thán phục. Đó là những con người đã không ngừng học tập, không ngừng phấn đấu nối tiếp truyền thống hiếu học của nhân dân ta, đem lại vẻ vang cho đất nước. Ngay trên đất nước Việt Nam bây giờ cũng có rất nhiều người với kiến thức, tài năng của mình đã có nhiều sáng tạo trong sản xuất, chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Họ là những con người âm thầm làm việc, nghiên cứu khoa học, đóng góp sức lực của mình cho đất nước, xã hội. Ngay từ khi còn rất nhỏ, nhiều học sinh Việt Nam đã tỏ ra ham học và có chí hơn người. Câu ca dao đã nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu và biết ơn những người đã gây dựng nên non nước này. Nhớ công ơn của tổ tiên – thế hệ cha ông – đi trước thì điều thiết thực nhất là phải học tập, tu dưỡng, phấn đấu để tiếp tục truyền thống của nhân dân ta và dựng xây, bảo vệ những gì cha ông để lại.

Câu ca dao đã nhắc nhở chúng ta phải nhớ về cội nguồn, nhớ về công lao to lớn của ông cha ta từ bao thế kỉ qua đã dày công xây dựng, bảo vệ đất nước, làm nên những vẻ đẹp vãn hoá của dân tộc. Bản thân em sẽ luôn phấn đấu, học tập, tu dưỡng để tiếp nối truyền thống của nhân dân ta và tiếp tục dựng xây, bảo vệ những gì mà cha ông để lại.

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm: Đề tài của cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 32 – Ngữ Văn 7 nâng cao tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận