Dự thảo Chương trình môn Ngữ văn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đang tải...

Chương trình Ngữ Văn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo được giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học môn học này có tên là Tiếng Việt; ở trung học cơ sở và trung học phổ thông có tên là Ngữ văn.

Mục tiêu chung

Hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất cao đẹp: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Qua những văn bản ngôn từ, đặc biệt là các văn bản văn học đặc sắc, môn Ngữ văn tạo cho học sinh cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; giúp học sinh thấy rõ vai trò và tác dụng của môn học đối với đời sống con người, có thói quen và nhu cầu đọc sách, có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, có khả năng hội nhập quốc tế, có ý thức và tác phong của một công dân toàn cầu.

Góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đặc biệt, chương trình môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực thẩm mĩ thông qua các hoạt động đọc, viết, nói và nghe; cung cấp hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về văn học và tiếng Việt, để góp phần phát triển vốn học vấn căn bản của một người có văn hoá; hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các sản phẩm ngôn từ và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống.

Mục tiêu ở từng cấp học

Mục tiêu ở tiểu học

a) Thông qua hoạt động đọc, viết, nói và nghe các kiểu loại văn bản, nhất là văn bản văn học, môn Tiếng Việt góp phần giúp học sinh phát triển những phẩm chất cao đẹp như: tình yêu đối với thiên nhiên, gia đình, quê hương; ý thức đối với cội nguồn; lòng nhân ái; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động; trung thực và có trách nhiệm.

b) Giúp học sinh bước đầu phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe ở mức độ căn bản thông qua những kiến thức phổ thông sơ giản về tiếng Việt và văn học. Kết thúc cấp tiểu học, học sinh biết cách đọc, đọc hiểu được các văn bản văn học và văn bản thông tin có chủ đề thiết thực, gần gũi với lứa tuổi; viết được các bài văn kể chuyện, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh đơn giản theo đúng các bước và đảm bảo yêu cầu về chữ viết, chính tả, đặc điểm của kiểu loại văn bản; biết phát biểu ý kiến, kể lại câu chuyện; biết lắng nghe để hiểu đúng ý kiến của người khác, biết trao đổi với người nói trong quá trình nghe.

Chương trình góp phần phát triển  năng lực thẩm    mĩ cho học sinh chủ yếu thông qua cảm thụ, thưởng thức văn học. Những câu chuyện, bài thơ, bài văn, kịch bản văn học được đọc, được nghe kể trong chương trình giúp học sinh có hiểu biết về cái đẹp, cái thiện của con người và thế giới xung quanh. Thông qua phát triển kĩ năng nói nghe tương tác, học sinh biết tự làm chủ tình cảm, thái độ, hành vi của mình. Việc đọc hiểu những văn bản viết về cuộc sống và con người nước ngoài sẽ giúp học sinh có hiểu biết ban đầu về văn hoá, con người ở một số quốc gia trên thế giới. Qua việc đọc hiểu và tạo lập văn bản, học sinh biết tiếp nhận có chọn lọc những thông tin, tạo ý tưởng mới, đồng thời biết liên hệ và giải quyết các tình huống gần gũi, tương tự trong đời sống.

Mục tiêu ở cấp THCS

a) Thông qua hoạt động đọc, viết, nói và nghe các kiểu loại văn bản, nhất là văn bản văn học, môn Ngữ văn góp phần giúp học sinh phát triển những phẩm chất cao đẹp như: tình yêu đối với thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước; ý thức đối với cội nguồn, tự hào về lịch sử dân tộc; lòng nhân ái, vị tha; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh;có hứng thú học tập, ham thích lao động; có tinh thần tự học và ý thức nghề nghiệp; trung thực và có trách nhiệm, có ý thức công dân, tôn trọng pháp luật, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam.

b) Chương trình Ngữ văn trung học cơ sở tiếp tục phát triển năng lực ngôn ngữ đã hình thành ở cấp tiểu học. Thông qua những kiến thức và kĩ năng ngữ văn phổ thông cơ bản, chương trình giúp học sinh tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động. Kết thúc cấp trung học cơ sở, học sinh biết đọc hiểu dựa trên kiến thức đầy đủ hơn, sâu hơn về văn học và tiếng Việt, cùng với những trải nghiệm và khả năng suy luận của bản thân; biết viết các kiểu loại văn bản (tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng) đúng quy cách, quy trình; biết trình bày dễ hiểu, mạch lạc các ý tưởng và cảm xúc; nói rõ ràng, đúng trọng tâm, có thái độ tự tin khi nói trước nhiều người; biết nghe hiểu với thái độ phù hợp và phản hồi hiệu quả.

Chương trình Ngữ văn góp phần phát triển năng lực thẩm mĩ qua việc tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật, qua lời ăn tiếng nói khi giao tiếp, qua vẻ đẹp nhân văn của đề tài, chủ đề, của tư tưởng và hình tượng nghệ thuật. Qua các tình huống giao tiếp hàng ngày và thế giới hình tượng trong tác phẩm văn học, học sinh biết làm chủ bản thân và có hành vi ứng xử phù hợp. Qua đọc hiểu các văn bản, học sinh có được những hiểu biết cơ bản về sự đa dạng của văn hoá và biết tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người. Học sinh biết chú ý lắng nghe; biết đặt các câu hỏi khác nhau về một sự vật, sự việc; biết phát hiện và nêu được tình huống có vấn đề, yếu tố mới, tích cực trong những ý kiến của người khác; biết tìm kiếm và lựa chọn thông tin, hình thành ý tưởng dựa trên các nguồn thông tin đã có; biết nhìn nhận, quan tâm tới các chứng cứ, đánh giá sự vật, hiện    tượng   dưới những góc nhìn khác nhau khi viết và nói; biết cân nhắc, chọn lọc từ ngữ, dẫn chứng, ý tưởng khi thuyết trình, đối thoại.

Mục tiêu ở THPT

a) Thông qua hoạt động đọc, viết, nói và nghe các kiểu loại văn bản, nhất là văn bản văn học, môn Ngữ văn góp phần giúp học sinh phát triển những phẩm chất cao đẹp như: tình yêu đối với thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước; ý thức đối với cội nguồn, tự hào về lịch sử dân tộc; lòng nhân ái, vị tha; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động, tinh thần tự học, phát triển ý thức nghề nghiệp; trung thực và có ý thức sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần hội nhập và ý thức công dân toàn cầu.

b) Chương trình Ngữ văn trung học phổ thông tiếp tục phát triển năng lực giao tiếp đã hình thành ở trung học cơ sở. Thông qua những kiến thức phổ thông nền tảng, có tính hệ thống và sâu rộng hơn về văn học, tiếng Việt, chương trình giúp học sinh có năng lực vững vàng để tiếp tục học lên cao đẳng, đại học, các trường nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động. Kết thúc cấp trung học phổ thông, học sinh biết đọc hiểu các kiểu loại văn bản dựa trên những kiến thức sâu rộng hơn và hệ thống hơn, kết hợp với những trải nghiệm và khả năng suy luận, tư duy độc lập của bản thân; biết viết các kiểu loại văn bản tương đối phức tạp (nhất là văn bản nghị luận, văn bản thông tin) đúng quy cách, quy trình; biết trình bày dễ hiểu, mạch lạc, sinh động các ý tưởng và cảm xúc; nói có nội dung, rõ ràng, đúng trọng tâm, có thái độ tự tin khi nói trước nhiều người, biết nghe hiểu với thái độ phù hợp và phản hồi hiệu quả.

Năng lực thẩm mĩ được phát triển thông qua thưởng thức vẻ đẹp của con người, thiên nhiên, sự việc và ngôn từ trong tác phẩm văn học. Qua những ngữ liệu chọn lọc đặc sắc, học sinh có được những trải nghiệm thú vị trong đọc, viết, nói, nghe và rút ra được những bài học cụ thể, sâu sắc; có khả năng phản hồi một cách tích cực và hiệu quả những nội dung đã đọc, khả năng làm chủ tình cảm, hành vi cũng như khả năng ứng xử phù hợp trước các tình huống phức tạp trong đời sống. Cũng qua đọc hiểu các kiểu loại văn bản, học sinh có được hiểu biết cơ bản về sự đa dạng văn hoá, có khả năng tìm tòi khám phá, để củng cố, mở rộng vốn sống và tri thức văn hoá; biết tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hoá, giữa mọi người. Qua yêu cầu viết các kiểu loại văn bản, chương trình giúp học sinh có khả năng suy nghĩ độc lập, sáng tạo; khả năng tìm kiếm, lựa chọn cách giải quyết vấn đề, đề xuất giải pháp. Nội dung luyện nói và nghe giúp học sinh biết sử dụng ngôn ngữ kết hợp với các loại phương tiện phi ngôn ngữ đa dạng để trình bày thông tin, ý tưởng và để thảo luận, lập luận, đánh giá về các vấn đề trong học tập và đời sống một cách phù hợp, hiệu quả.

Tải về toàn bộ dự thảo Chương trình tại đây.

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận