Chuyên đề Truyện thơ nôm Trung Đại – Ngữ Văn 9: Đoạn trích” Kiều ở lầu Ngưng Bích”

Đang tải...

Đoạn trích” Kiều ở lầu Ngưng Bích ” 

(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

– Đoạn trích nằm ở phần hai (Tai biến và lưu lạc, từ câu 1033 đến câu 1054) của Truyện Kiều. Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa mua về lầu xanh, Thuý Kiều phẫn uất rút dao tự tử nhưng không thành. Tú Bà cho nàng ra ở lầu Ngưng Bích, đánh tiếng là để dưỡng thương và đợi kén cho tấm chồng xứng đáng nhưng thực ra là giam lỏng và âm mưu đưa nàng vào bẫy (với công cụ là Sở Khanh xuất hiện ngay sau đoạn trích). Đoạn trích tái hiện khung cảnh ở lầu Ngưng Bích, hoàn cảnh và tâm trạng của Thuý Kiều trong những ngày tháng sống ở đây.

– Đoạn trích có thể được chia thành 3 phần: 6 câu thơ đầu tái hiện hoàn cảnh cô đơn, sầu muộn của Thuý Kiều; 8 câu thơ tiếp thể hiện nỗi nhớ thương những người thân (người yêu, cha mẹ); 8 câu thơ cuối bộc lộ nỗi lòng ngốn ngang, rối bời và đầy lo âu của nhân vật trước tương lai bất định.

+ Phần 1 dựng lên thế đối lập giữa người và cảnh. Cảnh thì trải rộng, mênh mông, vắng lặng (chú ý các từ ngữ miêu tả không gian để diễn tả chiều rộng: bốn bề bút ngút, cồn nọ, dặm kia, vẻ non xa tấm trăng gần; các từ miêu tả thời gian: mây sớm đèn khuya). Người thì lẻ loi, nhỏ bé, chìm khuất giữa không gian rộng lớn và thời gian khép kín. Từ đó, 6 câu thơ làm nổi bật cảm giác “bẽ bàng” (dư vị của đớn đau, tủi nhục) và nỗi lòng ngổn ngang, bứt rứt (“chia tấm lòng”) của Kiều.

+ Phần 2 của đoạn trích trực tiếp miêu tả nỗi nhớ người thân của nhân vật bằng những từ ngữ như: tưởng, xót. Nghĩ đến người thân, bao giờ Thuý Kiều cũng đặt mình vào hoàn cảnh của họ để cảm thông, xa xót (người yêu đang “rày trông mai chờ”, cha mẹ “tựa cửa hôm mai”) trước khi nói đến tình cảm của bản thân dành cho họ (sự khẳng định tấm lòng thuỷ chung với người yêu; sự băn khoăn về bổn phận của người con hiếu thảo đối với cha mẹ). Điều đặc biệt là ở đây, nỗi nhớ thương Kim Trọng được đặt lên trước nỗi nhớ thương cha mẹ. Điều này cần được lí giải từ hoàn cảnh và tâm lí của Thuý Kiều: nàng đã xa cách với Kim Trọng lâu hơn với cha mẹ, hơn nữa với cha mẹ, nàng đã hi sinh thân mình để cứu họ, phần nào hoàn thành bổn phận làm con; còn với chàng Kim, nàng đã lỗi hẹn khiến cho mối tình của hai người lỡ dở.

+ Phần 3 của đoạn trích nhấn mạnh tâm trạng của Thuý Kiều bằng cách láy đi láy lại cái nhìn và suy tư của nàng trước cảnh vật xung quanh (điệp ngữ “buồn trông”). Nhìn chung, cảnh vật xung quanh đều mênh mang, rợn ngợp, dữ dội và nhuốm màu tâm trạng (cửa bể chiều hôm, ngọn nước mới sa, gió cuốn mặt duềnh, chân mây mặt đất một màu xanh xanh, nội cỏ rầu rầu,…) ở đó lại thấp thoáng hiện lên những sự vật dễ gợi liên tưởng đến hoàn cảnh, thân phận của nhàn vật (cánh buồm xa xa, hoa trôi,…), đặt ra cho nàng những câu hỏi về tương lai và kèm theo đó là nỗi lo âu, thấp thỏm. Thuý Kiều nhìn xung quanh là để tìm một điểm tựa, một chỗ bấu víu, hi vọng để rồi lại rơi vào vô vọng. Thủ pháp đối lập được sử dụng để làm nổi bật tình cảnh, thân phận lẻ loi, mong manh của Thuý Kiều. Đặc biệt, hình ảnh cuối cùng “gió cuốn mặt duềnh”, “ầm ầm tiếng sóng” đầy dữ dội đã gợi ra nỗi lo âu, hãi hùng, tuyệt vọng của Kiều trước tương lai vô định, đầy bất trắc đang đợi nàng phía trước. Đó là tiếng sóng của cảnh vật đồng thời cũng chính là tiếng “sóng lòng” trong tâm trạng Thuý Kiều.

– Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn trích tiêu biểu nhất cho nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong Truyện Kiều. Cảnh vật thiên nhiên được sắp xếp, miêu tả từ điểm nhìn (xa/ gần, cao/ thấp) và sự cảm nhận của nhân vật (màu sắc, kích thước, tính chất, trạng thái,…), qua đó, những tâm tư của nhân vật nổi rõ với những cung bậc, sắc thái khác nhau Các thủ pháp như đối lập, trùng điệp, liệt kê, câu hỏi tu từ,… được sử dụng linh hoạt, góp phần tạo nên một bức tranh thiên nhiên – tâm trạng sinh động. Ngoài ra, một hệ thống những hình ảnh vừa cụ thể vừa có tính ước lệ đã được nhà thơ sử dụng tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao.

Tham khảo:  Chuyên đề Truyện thơ nôm Trung Đại – Ngữ Văn 9: Đoạn trích” Cảnh ngày xuân”

II – LUYỆN TẬP

1. Diễn tả lại bằng văn xuôi tâm trạng của Thuý Kiềụ khi ở lầu Ngưng Bích.

2. Nguyễn Du từng viết trong Truyện Kiều: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu – Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hãy chứng minh điều đó qua việc phân tích bức tranh cảnh vật ớ lầu Ngưng Bích.

Gợi ý

1. HS cần:

– Nắm chắc diễn biến tâm trạng của Thuý Kiều khi ớ lầu Ngưng Bích đế diễn tả cho đúng trình tự.

– Miêu tả cảnh vật thiên nhiên, không gian – thời gian,… để thể hiện tâm trạng của Thuý Kiều. Cần nhớ rằng cảnh vật thiên nhiên trong đoạn trích được cảm nhận và miêu tả qua cái nhìn, cảm nhận của Thuý Kiều.

– Thể hiện những suy nghĩ, nỗi niềm của Thuý Kiều (nỗi nhớ, sự băn khoăn, lo lắng,…) bằng cách miêu tả những lời độc thoại nội tâm của nàng.

Lưu ý: Cần đặt mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của Thuý Kiều, phát huy trí tưởng tượng để diễn tả lại tâm trạng của nhân vật. Có thể sáng tạo bằng cách “nhập vai” Thuý Kiều để kể lại tâm trạng của nhân vật.

2. – Cần hiểu đúng ý của Nguyễn Du: cảnh vật thường phản ánh tâm trạng của người quan sát, cảm nhận, tức cảnh vật mang tính chủ quan. Vì vậy, người buồn thì cảnh cũng buồn. Đó là lí do vì sao nhà thơ sử dụng phương pháp thể hiện tâm trạng con người qua việc miêu tả cảnh vật.

– Tìm và phân tích những từ ngữ biểu hiện mối liên hệ trực tiếp giữa tình và cảnh trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích: nửa tình nửa cảnh, Bẽ bàng mây sớm đèn khuya, buồn trông…, nội cỏ rầu rau, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?, Hoa trôi man mác biết là về đâu?,...

– Tìm và phân tích những dấu hiệu của cảnh vật ở lầu Ngưng Bích, phản ánh tâm trạng cô đơn, buồn bã, lo âu của Thuý Kiều:

+ Màu sắc: màu vàng (cát), hồng (bụi) gợi cảm giác nao nao; màu xanh (chân mây mật đất) gợi cảm giác thê lương.

+ Âm thanh: tiếng sóng (gợi sự dữ dội).

+ Không gian: cồn cát, non xa, cửa bể, ngọn nước, chân mây mặt đất,… là không gian rộng lớn, bao la, ẩn chứa sự bất trắc. Đó cũng là không gian lưu lạc, biến động, không điểm tựa.

+ Thời gian: chiều hôm (gợi sự tàn tạ, chia lìa), mây sớm đèn khuya (gợi sự đìu hiu, vắng vẻ, khép kín).

+ Sự vật: cánh buồm xa xa (gợi sự lẻ loi, sự chia li, xa cách); hoa trôi man mác (gợi sự mong manh, bất định, phụ thuộc).

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận