Chuyên đề Truyện thơ nôm Trung Đại – Ngữ Văn 9: Đoạn trích” Cảnh ngày xuân”

Đang tải...

Đoạn trích” Cảnh ngày xuân”

(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

– Đoạn trích nằm ở phần đầu của Truyện Kiều (phần Gặp gỡ và đính ước, từ câu 39 đến câu 56), cũng là khúc dạo đầu cho màn gặp gỡ giữa Thuý Kiều và Kim Trọng. Đoạn trích miêu tả cảnh ngày xuân bao hàm cả cảnh chị em Thuý Kiều đi chơi xuân. Trình tự miêu tả của đoạn trích vừa theo diễn tiến thời gian vừa theo lô gíc từ rộng đến hẹp, từ khái quát đến chi tiết: 4 câu đầu là khung cảnh ngày xuân; 8 câu thơ tiếp miêu tả cảnh hội hè trong tiết Thanh minh; 6 câu cuối là cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về. Đoạn trích điển hình cho nghệ thuật tả cảnh và tả cảnh ngụ tình của Truyện Kiều: bút pháp chấm phá kết hợp với nghệ thuật tượng trưng, ước lệ, gợi nhiều hơn tả. Qua đó, bức tranh thiên nhiên và sinh hoạt hiện lên vừa sinh động, có hồn vừa phản chiếu những cung bậc tâm trạng, cảm xúc của nhân vật.

– Khung cảnh ngày xuân được dựng lên từ hai trục không gian – thời gian mà bao trùm là không khí mùa xuân. Thời gian là tiết tháng ba (cuối xuân). Không gian thoáng đãng, ấm áp (thiều quang), tươi xanh (Cỏ non xanh tận chân trời), trong trẻo, tinh khôi (Cành lê trắng điểm một vài bông hoa), rộn ràng (con én đưa thoi). Bút pháp chấm phá được sử dụng rất thần tình, phác hoạ một bức tranh mùa xuân hài hoà, thanh nhã. Bức tranh mùa xuân như có nét tương đồng với vẻ đẹp tâm hồn của những nam thanh, nữ tú trẻ trung, đầy sức sống.

– Cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh được tập trung miêu tả với nhiều chi tiết, hình ảnh: yến anh, chị em, tài tử, giai nhân, ngựa xe (như nước), áo quần (như nêm), gò đống, thoi vàng, tro tiền,… Đi kèm với chúng là những động từ, tính từ miêu tả hoạt động và trạng thái (nô nức, sắm sửa, bộ hành, chơi, dập dìu, ngổn ngang, kéo, rắc, bay,…) tạo nên không khí nhộn nhịp, tưng bừng của ngày hội. Tuy rằng “Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh” nhưng ta thấy trong đoạn trích, phần “lễ” không đậm bằng phần “hội” bởi cảnh ở đây dường như được cảm nhận qua con mắt của những con người trẻ tuổi quan tâm đến hội nhiều hơn lễ. Và nổi bật lên trong không khí hội hè là hình ảnh trai thanh – gái lịch, tài tử – giai nhân,… như là chủ thể của ngày hội ấy. Nhà thơ chỉ tả cảnh nhưng qua đó ta thấy được cả tâm trạng, khát khao của những tài tử – giai nhân trong lễ hội.

– Cảnh chị em Thuý Kiều chơi xuân trở về là bức tranh nhuốm màu tâm trạng của các nhân vật chính (đặc biệt là Thuý Kiều). Thời gian được tái hiện là buổi chiểu tà. Không gian dường như nhỏ lại với những hình ảnh: tiểu khê, dòng nước uốn quanh, nhịp cầu nho nhỏ,:.. Không khí thì lắng xuống, hoạt động chậm lại: tà tà bóng ngả, chị em thơ thẩn, bước dẩn, lần xem,... Nếu những từ láy ở đoạn trên thể hiện được tâm trạng vui tươi, náo nức của những người du xuân thì ở đây các từ láy (tà tà, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ, thơ thổn) lại góp phần gợi nên tâm trạng bâng khuâng, man mác của những người trong cuộc. Đây là một diễn biến tâm lí hết sức hợp lí (có thể liên hệ với những câu thơ trong bài Đánh đu của Hồ Xuân Hương: “Chơi xuân có biết xuân chăng tá – Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”, hay những câu thơ kết thúc bài Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ: “Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê – Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”). Hơn thế nữa, đây là sự chuẩn bị để liền sau đó, tác giả dẫn dắt đến việc ba chị em họ Vương gặp mộ Đạm Tiên (ngay câu tiếp theo đã là “Sè sè nấm đất bên đàng – Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”), rồi gặp Kim Trọng. Việc gặp gỡ trong bối cảnh, không khí đó dường như cũng dự cảm một cái gì đó không lành sẽ xảy đến trong tương lai.

II – LUYỆN TẬP

1. Tả lại cảnh ngày xuân trong đoạn trích bằng văn xuôi.

2. Nêu cảm nhận của em về các câu thơ tiêu biểu tả ba mùa (xuân, hè, thu) trong Truyện Kiều sau đây:

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cảnh lê trắng điểm một vài bông hoa.

(câu 41- 42)

– Dưới trăng quyên đã gọi hè,

Đầu tường lửa lựu lập loè.đâm bông.

(câu 1307 – 1308)

– Long lanh đáy nước in trời,

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.

(câu 1603 – 1604)

Gợi ý

1. HS cần:

– Nắm chắc trình tự miêu tả cảnh ngày xuân của Nguyễn Du: từ khung cảnh chung của ngày xuân đến cảnh hội hè trong tiết Thanh minh và kết thúc ở cảnh chị em Thuý Kiều chơi xuân trở về.

– Cần phân tích chi tiết cách miêu tả cảnh của Nguyễn Du ở từng phần (đọc kĩ chú thích trong SGK để hiểu ý nghĩa của các hình ảnh tượng trưng và các từ ngữ khó hiểu):

+ Phần 1: Giới thiệu thời gian (tháng ba) với tín hiệu “con én”; không gian: chân trời rộng mở với cỏ xanh, điểm hoa lê trắng.

+ Phần 2: Giới thiệu thời gian cụ thể (tiết Thanh minh); hoạt động lễ hội (tảo mộ, đạp thanh); đối tượng chơi xuân (tài tử, giai nhân),…

+ Phần 3: Giới thiệu thời gian chị em Thuý Kiều du xuân trở về (chiều tà); tả cảnh vật trên hành trình trở về (suối nhỏ, nhịp cầu),…

– Phát huy trí tưởng tượng và khả năng ngôn ngữ để diễn đạt cho sinh động cảnh ngày xuân, làm nổi bật tính chất của cảnh ở mỗi thời điểm. Có thể sáng tạo bằng cách “nhập vai” một nhân vật nào đó trong cuộc chơi xuân này (không giới hạn trong mấy chị em họ Vương hay Kim Trọng).

Xem thêm:  Chuyên đề Truyện thơ nôm Trung Đại – Ngữ Văn 9: Đoạn trích” Chị em Thúy Kiều”

2. HS cần:

– Chú ý đến bút pháp chấm phá được tác giả sứ dụng để phác hoạ vẻ đẹp đặc trưng của các mùa trong năm.

– Chú ý sự dụng công trong cách lựa chọn ngôn ngữ của tác giả khi miêu tả các mùa trong năm.

– Có thể tìm hiểu thêm ngữ cảnh mà câu thơ xuất hiện để thấy rõ hơn dụng ý của nhà thơ khi miêu tả những bức tranh thiên nhiên theo mùa này.

=> Rút ra tài quan sát, vốn tri thức về các mùa, cách tả cảnh của nhà thơ.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận