Đề Thi Ngữ Văn 9 Hay Mới Nhất (Có Gợi Ý Đáp Án) – Đề 4

Đang tải...

Mời các bạn tham khảo bộ đề thi Ngữ Văn 9 có chọn lọc gồm 2 phần là đọc hiểu văn bản và làm văn (nghị luận xã hội và nghị luận văn học cùng với gợi ý đáp án chi tiết cho mỗi phần, nhằm giúp các bạn có thể tự củng cố và rèn luyện kiến thức và kỹ năng Ngữ Văn của mình. Theo dõi đề 4 trong bộ đề thi Ngữ Văn 9 dưới đây.

ĐỀ THI NGỮ VĂN 9

ĐỀ BÀI

PHẦN I. ĐỌC HIỂU

          Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

                             KHÁT VỌNG

                   Chuyện kể rằng

                   Có quả trứng đại bàng

                   Rơi vào ổ gà đang ấp

                   Khi nở ra cùng với bầy gà

                   Đại bàng con ngượng ngùng chiêm chiếp

                   Nhảy bay loạng choạng sân nhà

                   Không ai nói với đại bàng về những chân trời xa

                   Về những đại ngàn bí mật

                   Nên nó vẫn hồn nhiên bới đất

                   Chỉ có khát vọng mơ hồ

                   Lâu lâu lại cồn cào trong ngực…

                   Làm sao mà ai biết

                   Mình đã bắt đầu từ quả trứng nào đây

                   Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?…

          (Đặng Hồng Thiệp, Thơ sông Lam, NXB Hội Nhà văn, 2017, trang 247)

Câu 1: Xác định thể thơ của bài thơ trên.

Câu 2: Em hiểu như thế nào về hình ảnh “bầy gà” trong bài thơ?

Câu 3: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ: Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?.

Câu 4: Thông điệp nào trong bài thơ có ý nghĩa nhất với em? Vì sao?

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1:

Từ nội dung bài thơ ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của khát vọng sống đối với mỗi người.

Câu 2:

Nhà phê bình văn học Hoàng Minh Châu cho rằng: Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời.

         Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập một, NXBGD Việt Nam 2018), liên hệ với truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri, Ngữ văn 8, tập một, NXBGD Việt Nam 2018) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU

Câu

Yêu cầu cần đạt

1

Thể thơ: Tự do

2

Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm nổi bật được ý nghĩa hình ảnh “bầy gà”: tượng trưng cho hoàn cảnh sống tù túng; cái tầm thường, quẩn quanh, thiển cận, hạn hẹp, không có khát vọng, ước mơ….

3

– Hai biện pháp tu từ: Ẩn dụ (vỗ cánh tung bay – sự trưởng thành, vượt lên hoàn cảnh vươn tới tầm cao…), câu hỏi tu từ (Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?)

Tác dụng: Khuyến khích con người sống có ước mơ, dám thử thách bản thân, vượt qua giới hạn bản thân để trưởng thành; tạo cho câu thơ giàu hình ảnh, giàu sắc thái biểu cảm

4

Thí sinh có thể rút ra thông điệp khác nhau từ văn bản nhưng cần lí giải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là một số thông điệp và hướng lí giải:

– Sống trong hoàn cảnh bó buộc, con người có thể trở nên tầm thường, thiển cận, kém cỏi. Vì thế phải biết vượt lên hoàn cảnh để được là chính mình.

– Con người cần khám phá, phát hiện những năng lực sở trường của bản thân để vươn tới tầm cao.

– Phải có ước mơ, khát vọng, dũng cảm vươn lên để sống ý nghĩa.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu

Yêu cầu cần dạt

1

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về khát vọng của mỗi người trong cuộc sống

– Có khát vọng con người sẽ phát huy hết khả năng bản thân để vượt qua khó khăn, thử thách.

– Có khát vọng con người sẽ luôn tìm thấy niềm đam mê, có mục tiêu để nỗ lực vươn lên đạt những thành công

– Khát vọng chính đáng là kim chỉ nam thôi thúc con người hành động mãnh liệt để hướng tới lẽ sống cao đẹp.

– Cần phân biệt khát vọng khác với dục vọng. Khát vọng phải gắn với hành động, dựa trên cơ sở thực tiễn…

2

Từ hiểu biết về truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), liên hệ với truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) để làm sáng tỏ ý kiến của Hoàng Minh Châu: Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời

1. Giải thích ý kiến

 

– “Chân”: sự thật, chân lí được phản ánh trong tác phẩm

– “Thiện”: cái hay, cái tốt thuộc phạm trù đạo đức, nhân cách

– “Mĩ”: cái đẹp, cái cao cả, là vẻ đẹp nghệ thuật có khả năng khơi gợi những xúc cảm thẩm mĩ

=> Ý kiến là sự đánh giá các yếu tố cấu thành của tác phẩm văn chương chân chính. Với những giá trị đó, nó có thể vượt qua giới hạn không gian, thời gian để trở thành tác phẩm chung của nhân loại, của mọi thời đại.

2. Từ hiểu biết về truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), liên hệ với truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) để làm sáng tỏ ý kiến

a) Phân tích Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

* Vài nét về Nguyễn Quang Sáng và Chiếc lược ngà

Phân tích một số biểu hiện cụ thể của chân, thiện, mĩ:

– Tác phẩm phản ánh chân thực nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam, từ đó tố cáo chiến tranh xâm lược phi nghĩa.

+ Nỗi đau sinh li: chị Sáu xa chồng, lặn lội thăm chồng; ông Sáu xa con từ khi con một tuổi; con không biết mặt cha.

+ Nỗi đau éo le trong tình huống ông Sáu về thăm nhà: bé Thu không nhận cha, có những hành động đáng trách khiến mọi người đau lòng. Ông Sáu yêu thương con nhưng bất lực, bế tắc, có những hành động nóng nảy để phải ân hận.

+ Nỗi đau tử biệt: bé Thu nhận cha và sống trong tình phụ tử chỉ một phút giây ngắn ngủi.

– Tác phẩm ngợi ca tình cảm gia đình, tình phụ tử thiêng liêng bất diệt trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

– Những sáng tạo đặc sắc về nghệ thuật

b) Liên hệ với truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri)

– Vài nét về O Hen-ri và Chiếc lá cuối cùng

– Tác phẩm thể hiện chân thực, cảm động về số phận những con người nghèo khổ, bệnh tật. Từ đó thể hiện sự đồng cảm, xót thương; trân trọng những tình cảm cao quý, ca ngợi giá trị của nghệ thuật chân chính. Tác phẩm có những đổi mới về nghệ thuật viết truyện ngắn.

c) Rút ra điểm tương đồng và khác biệt

Cả hai tác phẩm đều hướng đến những giá trị chân, thiện, mĩ; tình yêu thương con người…

– Tuy nhiên, ở mỗi tác phẩm, cách thể hiện những giá trị chân, thiện, mĩ có sự khác nhau: Chiếc lược ngà là tình cảm gia đình trong chiến tranh, Chiếc lá cuối cùng là tình người trong nghèo khổ. Sự khác nhau này xuất phát từ hoàn cảnh xã hội, văn hóa, phong cách nhà văn…

3. Bình luận, đánh giá

– Đó là ý kiến đúng đắn đề cập đến những giá trị tốt đẹp của văn chương chân chính.

– Ý kiến đó vừa là định hướng vừa là yêu cầu với nhà văn trong sáng tác. Đồng thời cũng định hướng cách tiếp cận tác phẩm của người đọc.

– Hai tác phẩm Chiếc lược ngàChiếc lá cuối cùng đã hướng con người tới những giá trị cao quý chân, thiện, nên sẽ luôn đứng vững trước sự sàng lọc của thời gian.

>> Xem thêm: Đề Thi Ngữ Văn 9 Hấp Dẫn (Có Gợi Ý Đáp Án) – Đề 3

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận