Đề Thi Ngữ Văn 9 Hấp Dẫn (Có Gợi Ý Đáp Án) – Đề 3

Đang tải...

Mời các bạn tham khảo bộ đề thi Ngữ Văn 9 có chọn lọc gồm 2 phần là đọc hiểu văn bản và làm văn. Bộ đề thi Ngữ Văn 9 có đi kèm với gợi ý đáp án cho mỗi phần, nhằm giúp các bạn có thể tự củng cố và rèn luyện kiến thức và kỹ năng Ngữ Văn của mình. Theo dõi đề 3 trong bộ đề thi Ngữ Văn 9 dưới đây.

ĐỀ THI NGỮ VĂN 9

ĐỀ BÀI

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

            “Ông ấy cũng giống như chúng ta”. Đây là nhận xét của giới truyền thông phương Tây trong những ngày vừa qua về Bill Gates, người giàu thứ 2 thế giới hiện nay với khối tài sản ước tính lên đến 96 tỷ USD.

            Tờ Sydney Morning Herald thuật lại rằng, nhà đồng sáng lập Microsoft khi đến cắt tóc tại một cửa hàng ở Double Bay thuộc ngoại ô Sydney, trong một chuyến thăm thành phố này đã xếp hàng như bao người khác.

            Đây quả là một thông tin tin khiến không ít người cảm thấy hiếu kỳ, vì trong tưởng tượng của hầu hết chúng ta một đại tỷ phú như Bill Gates hẳn phải có thợ cắt tóc riêng hoặc phải có những “đặc quyền đặc lợi” khi đến bất cứ đâu, được ưu tiên, được cung phụng,vv và vv…

            Thế nhưng ông ấy vẫn xếp hàng như bao vị khách khác. Điều thú vị là khi vị tỷ phú 63 tuổi hỏi người thợ cắt tóc rằng liệu ông có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê hay không thì được trả lời: Ông có thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu.

            Bill Gates khiêm nhường thì đã đành, mà quy định của cửa hiệu cắt tóc này rất rõ ràng. Họ coi mọi khách hàng đều bình đẳng như nhau. Đây không phải hoàn toàn là điều dễ gặp, khi mà đứng trước một nhân vật nổi tiếng, đầy quyền lực như Bill Gates đâu phải ai cũng giữ được cách ứng xử điềm nhiên, sòng phẳng như người thợ cắt tóc kia!

            (…) Có thể nhiều người có tiền mua burger hay cắt tóc, nhưng không phải ai cũng khiêm nhường xếp hàng như Bill Gates. Ngược lại không phải ai cũng có thể kiếm tiền giỏi như Bill Gates, song vẫn có thể học được rất nhiều điều về phong cách sống của ông, tôn trọng người khác và ứng xử đầy lịch lãm, văn minh!

(Theo Bích Diệp, ngẫm về sự giản dị của tỷ phú – Báo Dân trí)

Câu 1: Nêu nội dung chính của văn bản?

Câu 2: Câu văn in đậm ở văn bản trên, xét về cấu tạo thuộc loại câu gì? Vì sao?

Việc “Tỷ phú Bill Gates 63 tuổi xếp hàng và hỏi người thợ cắt tóc có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê không thì được trả lời:  Ông có thể tự do đi lấy cà phê, miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu” nói lên điều gì trong cách ứng xử nơi công cộng của Bill Gates và người thợ cắt tóc?

Câu 3: Theo người viết, Bill Gates là tỷ phú có phong cách sống như thế nào? Điều gì khiến ông ghi điểm trong lòng công chúng?

Câu 4: Em rút ra bài học gì cho bản thân từ văn bản trên?

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: Từ văn bản ở phần Đọc – hiểu, theo em người giàu có về trí tuệ có cần giàu có về nhân cách không? Hãy viết bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 từ) để nêu lên ý kiến của mình.

Câu 2: Không có tiếng nói riêng, tác phẩm văn học sẽ không có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.”

        Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua văn bản “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long (SGK Ngữ Văn 9 tập 1- Nhà xuất bản Giáo Dục).

GỢI Ý ĐÁP ÁN ĐỀ THI NGỮ VĂN 9

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU

 Câu

Nội dung

Câu 1

 

Nội dung: Lối sống giản dị; cách ứng xử văn minh, lịch thiệp của tỷ phú Bill Gates nơi công cộng.

Câu 2

– Câu văn “Điều thú vị là khi vị tỷ phú 63 tuổi hỏi người thợ cắt tóc rằng liệu ông có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê hay không thì được trả lời: Ông có thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu”, xét về cấu tạo thuộc loại câu đơn.

– Vì câu này có 1 cụm chủ vị chính.

+ Điều thú vị là: chủ ngữ

+ Khi vị tỷ phú 63 tuổi hỏi người thợ cắt tóc rằng liệu có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê hay không thì được trả lời: Ông có thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu: vị ngữ.

– Việc “Tỷ phú Bill Gates 63 tuổi xếp hàng và hỏi người thợ cắt tóc có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê hay không” cho thấy cách ứng xử văn minh, tôn trọng người khác của Bill Gates.

– Câu trả lời của anh thợ cắt tóc: “Ông có thể tự do đi lấy cà phê, miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu” cho thấy anh thợ cắt tóc:

+ Tôn trọng người khác.

+ Tôn trọng nguyên tắc ứng xử nơi công cộng.

+ Công bằng, không xu nịnh người khác, không vì tiền bạc và quyền lực. Mà làm những việc trái với nguyên tắc ứng xử nơi công cộng.

Câu 3

 

– Theo người viết: Bill Gates là tỷ phú có phong cách sống tôn trọng người khác và ứng xử lịch lãm, văn minh.

– Điều khiến ông ghi điểm trong lòng công chúng: không phải là quyền lực, tiền bạc mà chính là sự giản dị, văn hóa trong ứng xử và tấm lòng nhân ái trong các dự án thiện nguyện.

Câu 4

 

Bài học:

 Học học sinh có thể có những cảm nhận để từ đó rút ra bài học với những cách diễn đạt khác nhau nhưng cần cụ thể thuyết phục và đảm bảo các ý cơ bản sau:

– Tôn trọng người khác; ứng xử văn minh, lịch thiệp ở mọi lúc mọi nơi.

– Sống giản dị khiêm nhường.

– Học tập, trau dồi tri thức; rèn luyện nhân cách đạo đức để bản thân trở thành những công dân chân chính.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu

Yêu cầu cần đạt

1

1. Mở bài:

 Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề nghị luận.

2. Thân bài:

Đảm bảo 4 luận điểm:

* Luận điểm 1: Giải thích

– Giàu có về trí tuệ là người tài giỏi thông minh, am hiểu một số lĩnh vực nào đó trong xã hội và biết vận dụng tố chất thông minh, linh hoạt của mình vào những mục đích chính đáng để đạt được thành công.

– Giàu có về nhân cách là người có tâm hồn đẹp sống khiêm nhường, biết đối nhân xử thế khéo léo, lịch lãm, văn minh.

⇒ Trí tuệ và nhân cách là hai mặt cần thiết tạo nên vẻ đẹp của con người, vì vậy người giàu có về trí tuệ cần giàu có về nhân cách.

* Luận điểm 2: Tại sao người giàu có về trí tuệ cần giàu có về nhân cách?

– Trí tuệ và nhân cách là hai yếu tố quan trọng để khẳng định giá trị của con người và giúp mỗi người thành công trong cuộc sống.

– Xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi con người có bộ óc thông minh, nhân cách lớn lao và tiến bộ.

– Những người thực sự thành công và dũng cảm, dám thử thách đi lên bằng chính thực lực của mình thường có bên trong họ là một tâm hồn cao cả. Nhân vật Bill Gates trong văn bản ở phần đọc – hiểu là một người có nhân cách đẹp và giàu có về trí tuệ.

(Học sinh phân tích 1-2 dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ)

* Luận điểm 3: Phê phán những người có tài nhưng nhân cách tầm thường hoặc có nhân cách tốt nhưng không chịu học tập bồi dưỡng tri thức.

* Luận điểm 4: Nhận thức thái độ và hành động đúng

– Trí tuệ và đạo đức là thước đo giá trị con người, 2 yếu tố này tạo nên vẻ đẹp của một con người.

– Trân trọng những người có trí tuệ và nhân cách.

– Cần chăm chỉ học tập, trau dồi kinh nghiệm để trở thành người có trí tuệ.

– Tu dưỡng rèn luyện đạo đức; sống giản dị khiêm nhường, biết giúp đỡ yêu thương mọi người để trở thành người có nhân cách.

– Ghi nhớ lời dạy của Bác: “người có tài mà không có đức thì vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

3. Kết bài: Khái quát nâng cao vấn đề.

2

1. Mở bài (giới thiệu vấn đề nghị luận)

– Giới thiệu vấn đề, trích dẫn ý kiến.

– Giới hạn vấn đề phân tích: Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long).

2. Thân bài (giải quyết vấn đề nghị luận)

Đảm bảo những ý sau:

a. Giải thích ý kiến:

– Tác phẩm văn học: Là sự sáng tạo của người cầm bút, được tạo nên bởi ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật, cùng những rung động trong tâm hồn, tình cảm.

–  Tiếng nói riêng: Phong cách, ý tưởng sáng tạo nghệ thuật độc đáo, riêng biệt của nhà văn thể hiện trong tác phẩm.

–  Không có chỗ đứng trong lòng bạn đọc: Không có giá trị, không được bạn đọc yêu thích.

® Sáng tạo nghệ thuật mang cá tính riêng sẽ tạo nên giá trị cho tác phẩm và vị trí của người sáng tác.

b. Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm.

c. Chứng minh ý kiến.

Tiếng nói riêng trong văn bản “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long được thể hiện ở các khía cạnh:

c1. Lựa chọn đề tài:

– Bắt nhịp theo cảm hứng chủ đạo của văn học dân tộc đương thời theo 2 xu hướng: ca ngợi cuộc sống lao động xây dựng Chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

– Dung hòa cả hai xu hướng sáng tác để tạo ra một nét riêng trong tác phẩm em.

c2. Cách xây dựng cốt truyện và tình huống:

– Đơn giản, nhẹ nhàng, không có mâu thuẫn không có kịch tính

– Chủ yếu liệt kê sự kiện, sự việc nhưng vẫn đan xen tâm trạng sâu kín của nhân vật.

c3. Cách đặt nhan đề.

– Để hình thức sử dụng nghệ thuật đảo ngữ nhằm nhấn mạnh nội dung.

– Nội dung vẻ lặng lẽ bề ngoài của Sa Pa ẩn chứa bên trong một nhịp sống lao động khẩn trương, sôi nổi với những cống hiến hy sinh thầm lặng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước

⇒ Cách đặt nhan đề độc đáo: lấy tính cả động, lấy cái giản dị nói tới cái cao đẹp.

c4. Cách xây dựng hình tượng nhân vật.

 – Thế giới nhân vật đa dạng nhưng nhất quán trong hình ảnh chung của người lao động mới. Đam mê, cởi mở, nhiệt thành, biết quan tâm, chia sẻ, cống hiến đóng góp cho sự nghiệp chung.

 – Học sinh phân tích các nhân vật trong văn bản, đặc biệt là nhân vật anh thanh niên để làm sáng tỏ.

Lưu ý: Nếu học sinh phân tích sơ sài, giám khảo tùy mức độ để trừ điểm.

– Cách gọi tên nhân vật: không có tên riêng, gọi tên nhân vật theo nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính. Vì vậy thế giới nhân vật hiện lên vừa cụ thể, vừa khái quát, vừa mang dáng dấp chung của người lao động mới, vừa có thế giới tâm hồn riêng.

– Cách khai thác nhân vật theo hai xu hướng:

+ Cảm hứng ca ngợi: Vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn và nhân cách sống.

+ Đề cập đến những góc riêng rất đời thường ở từng nhân vật: cảm nhận về những khó khăn, gian khổ, trở ngại trong công việc của anh thanh niên, ông họa sĩ và tâm sự sâu kín của cô kỹ sư …

Nhà văn không lý tưởng hóa nhân vật. Thế giới nhân vật hiện lên gần gũi, chân thực, tạo độ tin cậy và thuyết phục. Đây cũng là nét riêng tạo nên sức hấp dẫn đối với người đọc và giá trị cho tác phẩm.

c5. Nghệ thuật kể chuyện:

– Linh hoạt, sáng tạo, vừa mang âm hưởng thời đại, vừa tái hiện cuộc sống đời thường một cách chân thực.

–  Ngôn ngữ kể chuyện: Nhẹ nhàng, tinh tế, giàu sức gợi.

–  Đa dạng trong cách dẫn chuyện, linh hoạt trong điểm nhìn để tạo dựng những không gian nghệ thuật:

+ Không gian của miền đất Sa Pa với thiên nhiên thơ mộng.

+ Chiều sâu tâm hồn các nhân vật.

⇒ Chất thơ của truyện ngắn toát lên từ vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và ngôn ngữ nghệ thuật.

Như vậy: Đề tài, nhan đề, cốt truyện, cách xây dựng hình tượng nhân vật và nghệ thuật kể chuyện sáng tạo, độc đáo đã tạo nên tiếng nói riêng để tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

d. Đánh giá nâng cao vấn đề

– Giá trị của tác phẩm: Đem đến cho bạn đọc cách nhìn, cách cảm nhận về cuộc sống và con người trong một thời kỳ lịch sử của đất nước; biết trân trọng những đóng góp, cống hiến của những thế hệ con người Việt Nam; Ý thức sâu sắc về tinh thần lao động tự nguyện, tự giác; cảm nhận được tài năng sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

– Nhà văn phải có kiến thức sâu rộng, tư duy nghệ thuật độc đáo, sáng tạo, mới lạ, hấp dẫn nhưng không xa rời thực tế, làm cho tác phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc.

– Bạn đọc: Đồng sáng tạo với nhà văn để tạo ra mối liên hệ giữa nhà văn – tác phẩm – bạn đọc; đón nhận thông điệp của tác giả gửi đến bạn đọc thông qua tác phẩm.

e. Liên hệ mở rộng

– Vẻ đẹp của những người lính lái xe Trường Sơn trong “Bài thơ về Tiểu đội xe không kính”; của ba cô gái thanh niên xung phong trong văn bản “Những ngôi sao xa xôi”…

– Vẻ đẹp của con người trong lao động và chiến đấu được tạo nên bởi sự trải nghiệm, tấm lòng và phong cách nghệ thuật độc đáo của các tác giả. Điều này đã tạo nên giá trị của tác phẩm và tình cảm của bạn đọc.

3. Kết bài (kết thúc vấn đề nghị luận)

Khái quát, nâng cao vấn đề.

>> Xem thêm: Đề Thi Ngữ Văn 9 Hấp Dẫn (Có Gợi Ý Đáp Án) – Đề 2

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận