Đề thi học sinh giỏi lớp 8 môn Ngữ Văn có đáp án chi tiết

Đang tải...

Mời các bạn tham khảo bộ đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ Văn lớp 8 năm học 2020-2021 với 2 phần: đọc hiểu và làm văn cùng với đáp án chi tiết của bài thi. Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 8 này sẽ giúp các bạn nắm được cấu trúc của đề thi học sinh giỏi Ngữ Văn, tự củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài của mình.

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 8

NĂM HỌC: 2020-2021

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

1. Phần đọc hiểu (6 điểm) Đọc câu chuyện sau:

Khi nói về sống tử tế, giáo sư Đặng Cảnh Khang đã kể câu chuyện sau:

        Hôm đó, trên xe buýt có một người đàn ông cao tuổi. Ông lên xe ở một trạm trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội). Xe chạy. Sau khi lục lọi chiếc cặp đeo bên hông, lại móc hết túi quần, túi áo, ông già vẫn không thấy tiền để mua vé. Ông ngồi lặng với khuôn mặt đỏ bừng. Lúc này, một cô học sinh ngồi ở hàng ghế sau đã len lén nhét tờ 5.000 đồng vào túi quần của ông. Khi nhân viên bán vé đến, theo phản xạ, ông lại đưa tay lục túi quần và thấy tờ 5.000 đồng. Ông mừng ra mặt, trả tiền vé và cứ tưởng đó là tiền của mình. Còn cô gái thì lẳng lặng mỉm cười.

                                 (Báo Gia đình và xã hội – Xuân Đinh Dậu 2017, trang 16)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong câu chuyện trên. (Tự sự)

Câu 2: Câu “xe chạy” là câu đơn hay câu đặc biệt? (câu đơn)

Câu 3: Tại sao cô gái không trực tiếp đưa tiền cho ông già mà phải lặng lẽ nhét vào túi quần? (Vì cô gái tôn trọng và muốn giữ thể diện cho ông già)

Câu 4: Em hãy đặt nhan đề chuyện trên. (Câu chuyện trên xe bus…)

Câu 5: Câu chuyện gợi cho em cảm xúc gì? (Gợi lòng xúc động trước việc làm của cô gái. Việc là tuy nhỏ nhưng thể hiện ý nghĩa lớn. Đó là lòng cảm thông chia sẻ, là cách sống nhân văn, sống đẹp)

2. Phần làm văn (16 điểm)

Câu 1: (6 điểm)

Ngạn ngữ Hi Lạp có câu: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào.”

Em hiểu ý nghĩa trên như thế nào? Hãy nói rõ quan niệm của em về vấn đề này.

Câu 2. Có ý kiến cho rằng: Trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay”, Phạm Duy Tốn đã xây dựng thành công hai bức tranh đời tương phản. Em hãy làm sáng tỏ.

ĐÁP ÁN CHI TIẾT ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 8

1. Phần đọc hiểu (Đáp án ở trên đề thi)

2. Phần làm văn

Câu 1:

         Trong lịch sử phát triển của thế giới suốt mấy ngàn năm qua, ở bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào cũng có những tài năng xuất chúng, những học giả uyên bác đã cống hiến cho đời nhiều điều đem lại lợi ích lớn lao, làm thay đổi cơ bản cuộc sống vật chất và tinh thần của xã hội loài người. Đó là kết quả của quá trình rèn luyện và không ngừng học tập vì thế ngạn ngữ Hy Lạp có câu “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào“.

Giải thích học vấn là gì?  Học vấn thường được hiểu là trình độ hiểu biết của người có học. Trình độ hiểu biết này được nâng cao dần dần qua từng cấp và quá trình tự học kéo dài suốt cả cuộc đời. Học vấn của một con người không chỉ hạn chế trong một lĩnh vực nào đó mà có thể mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau. Học vấn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con người. Ông cha ta xưa cũng đã từng giáo huấn con cháu: Bộ lông làm đẹp con công, Học vấn làm đẹp con người , nhân bất học bất tri lí.

Học vấn có vai trò quan trọng ra sao trong đời sống con người?

         Học học vấn, con người mới có điều kiện làm chủ thiên nhiên , xã hội, nhất là làm chủ vận mệnh của mình. Trên cơ sở ấy, đời sống vật chất và tinh thần mới được nâng cao. Học vấn cần thiết đối với mỗi con người như vậy, nhưng con người đến với học vấn quả là gian nan, vất vả. Việc tích lũy và nâng cao tri thức không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là chuyện cả đời người. Con đường học tập là con đường gian nan, khổ ải nhưng cuối con đường là ánh sáng, là tương lai: Bể học không bờ (Khổng tử); Học, học nữa, học mãi (Lê-nin).

         Muốn có học vấn, chúng ta phải có ý chí và nghị lực phấn đấu rất cao. Hãy nhìn con kiến tha mồi, con ong làm mật. Việc tích lũy kiến thức của con người giống như Kiến tha lâu cũng đầy tổ (tục ngữ). Nếu cố gắng học hành thì đến một ngày nào đó, chúng ta có được một trình độ học vấn vững vàng, phong phú. (Lí lẽ, lập luận bằng cách so sánh)

         Thực tế lịch sử cho thấy những người nổi tiếng, uyên bác đều trải qua quá trình học tập, nghiên cứu lâu dài, lao tâm khổ trí; phải nếm trải không ít vị đắng cay của thất bại; thậm trí cả sự nguy hiểm đối với mạng sống của mình. Nhưng với lòng đam mê hiểu biết và khát vọng chinh phục, họ đã vượt qua tất cả để đi đến thành công.

          Trong quá trình tích lũy, nâng cao học vấn, chúng ta thấy rất ít người có đầy đủ điều kiện học tập mà phần lớn là gặp khó khăn. Khó khăn khách quan như thiếu tài liệu , như bài giảng khó hiểu, bài tập khó hay những vấn đề phức tạp trong quá trình học tập và nghiên cứu… Bên cạnh đó là những khó khăn chủ quan như gia đình nghèo túng, bản thân phải vừa học vừa làm thêm để kiếm sống… Tất cả những cái đó ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình học tập của mỗi người, đòi hỏi chúng ta phải biết vượt lên để đi tới đích.

Dẫn chứng: Xưa nay, ở nước ta có biết bao gương hiếu học đáng khâm phục. Mạc Đĩnh Chi nhà nghèo đến mức phải hằng ngày kiếm củi đổi gạo nuôi thân. Đêm xuống, không tiền mua dầu thắp sáng, phải bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng thay đèn để học bài. Lương Thế Vinh từ một trẻ chăn trâu mà tu chí học hành để rồi trở thành nhà toán học. Lê Quý Đôn với sức học, sức nhớ xuất chúng đã trở thành huyền thoại… Gần hơn có Bác Hồ kính yêu – một tấm gương vượt khó trong học tập. Thời trai trẻ, anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xác định cho mình một quan niệm sống đúng đắn: phải đi nhiều nơi, phải học nhiều điều hay, điều mới để giúp ích cho đất nước và dân tộc. Từ một anh Ba phụ bếp trên chiếc tàu buôn, đến người thợ quét tuyết trong công viên ở Luân Đôn… Bác Hồ đã trải qua bao gian nan, thử thách để rèn luyện ý chí, không ngừng nâng cao hiểu biết về văn hóa và lịch sử nhân loại. Từ đó rút ra những kinh nghiệm bổ ích, thiết thực phục vụ cho phong trào cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc. Con đường học tập của Bác gian nan như thế nhưng thành của của nó thì vĩ đại vô cùng. Trên thế giới có hàng ngàn, hàng triệu tấm gương sáng tiêu biểu cho giá trị của học vấn.

  – Mở rộng, phản đề. Liên hệ bản thân: Việc học hành vô cùng quan trọng. Nó chi phối và có tác dụng quyết định đến cả đời người. Những đắng cay trên bước đường nâng cao học vấn giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách và biết quý trọng hơn những hoa quả ngọt ngào mà học vấn mang lại cho cuộc sống. Tiếc rằng trong cuộc sống chúng ta vẫn còn nhiều bạn trẻ chưa nhận thức đúng đắn vai trò của học vấn, thái độ thơ ơ trước việc học, thậm chí ỉ vào cha mẹ… thái độ đó chúng ta không những không học tập mà còn phải phê phán. Bản thân khi đang ngồi trên ghế nhà trường, mỗi người chúng ta cần nhận thức đúng vai trò của việc học đồng thời không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để trau dồi kiến thức, chuyên môn góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước như Bác đã từng mong ước. Phải biết vượt qua khó khăn thử thách bởi vì trên con đường chinh phục đỉnh cao trí tuệ nhân loại, mỗi người phải đối mắt với muôn vàn khó khăn, nếu không lường trước được chúng ta dễ bị gục ngã.

         Ý nghĩa của câu ngạn ngữ Hy Lạp: Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào đã trở thành chân lí trong mọi thời đại, nhất là trong thời đại hiện nay – nền kinh tế tri thức đang là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Vì thế mỗi người cần nhận thức rằng: vẻ đẹp của nhan sắc dù lộng lẫy đến mấy cũng tàn phai theo thời gian nhưng vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn thì luôn thách thức với thời gian. Và ngân ngữ phương Đông có câu: “người không học như ngọc không mài”.

Câu 2:

– Đây là dạng đề văn chứng minh

         Phạm Duy Tốn là một trong những người có công đầu trong sự hình thành và phát triển thể loại truyện ngắn và nền văn xuôi Việt Nam hiện đại nước ta. Truyện ngắn của ông thường thiên về phản ánh xã hội theo cảm hứng hiện thực chủ nghĩa. Trong số đó, phải kể đến tác phẩm “Sống chết mặc bay”. Trong tác phẩm này, tác giả đã xây dựng hai bức tranh đời đối lập, tương phản gay gắt, khiến người đọc phải suy ngẫm.

* Thân bài:

Luận điểm 1: Trước hết đó là sự đối lập giữa địa thế quan ở với thế đê bảo vệ dân làng.

+ Người dân phải đối diện với thế đê vô cùng nguy khốn: Nước sông Nhị Hà lên to quá, khúc đê làng X, phủ ích xem chừng núng thế lắm, vài ban đoạn nước đã thấm vào tận ruộng. Con đê đang đứng trước nguy cơ bị vỡ, sinh mạng của hàng ngàn người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.

+ Cảnh quan trong đình, nơi địa thế cao, vững chãi, đê vỡ cũng không sao

Luận điểm 2: Bức tranh đối lập còn thể hiện giữa người dân hoảng loạn, kiệt sức trong mưa gió, bùn ngập với tên quan phủ thì lo ăn chơi xa hoa, vô trách nhiệm.

– Người dân hoảng loạn, kiệt sức trong mưa gió, bùn ngập, tình thế hết sức hiểm nghèo.

+ Truyện ngắn được mở đầu với thời gian ”Gần một giờ đêm”. Đó là thời gian khuya khắt, khi mà bình thường mọi người đang ngủ say. Xác định thời gian ấy, nhà văn muốn nói: cuộc hộ đê đã kéo dài suốt cả ngày, đến tối, tới tận đêm khuya mà chưa được nghỉ ngơi. Họ đã vô cùng mệt mỏi, đuối sức vì đói rét quần quật kéo dài.

+ Trong khi đó: “Trên trời thời mưa vẫn tầm tã trút xuống. Dưới sông nước cứ cuồn cuộn bốc lên”. Thiên nhiên mỗi lúc một giữ dằn bạo liệt. Mưa càng lúc càng to dai dẳng giữ dội. Trời nước mênh mông đồng nghĩa với thế đê suy yếu nghiêm trọng. Tác giả thốt lên như tai hoạ của chính mình: “Lo thay! Nguy Thay! Khúc đê này hỏng mất”. Nỗi lo lắng không sao dồn nén nổi, tác giả đã kêu lên một cách đau đớn. Bởi đê có làm sao thì người dân nơi đây cũng không còn đường sống. Hàng ngàn sinh mệnh đồng bào huyết mạch đang hoàn toàn phụ thuộc vào khúc đê này.

+ Trước tình thế hiểm nghèo của con đê, “Dân phu kể hàng trăm nghìn người … bì bõm dưới bùn lầy …”. Giọng văn: gấp gáp, những câu văn ngắn nghe ngắn gọn như những bản tin thời tiết nhưng dồn dập đã thể hiện tất cả sự khẩn cấp, nguy cấp của con đê và bao lo âu, hốt hoảng của dân phu hộ đê. Nghệ thuật liệt kê kết hợp với từ ngữ giàu sức gợi cho thấy dân chúng đã huy động hết sức người, sức của để hộ đê, hàng trăm, nghìn người đem thân hèn yếu chống chọi với đê, không ai lùi bước. Những động từ, tính từ dồn dập nối nhau  kết hợp với thủ pháp so sánh: “người nào người nấy ướt lướt thướt như chuột lột” đã dựng lên trước mắt cảnh tượng hối hả, chèo chống, người người kiệt sức trong đói rét, mưa gió. Đó chính là tình cảnh khốn khổ, khốn cùng, vô cùng thảm hại của người dân quê. Tác giả như đang đứng trong từng cảnh ngộ của từng người dân, thấm thía bao nỗi vất vả mà họ phải chịu đựng “xem chừng ai ai cũng mệt lử cả rồi”, thấu hiểu trạng thái tinh thần lo lắng đến cực độ của từng người dân trong hoàn cảnh ấy “trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ”. Bao đời nay, cảnh lũ lụt, đê vỡ đã trở thành nỗi đe dọa khủng khiếp đối với người dân quê. Bằng ngòi bút nhân đạo thắm thiết, bằng niềm cảm thương sâu sắc, tác giả đã ghi lại một cách chân thực, xúc động nhất hình ảnh dân phu hộ đê trong một tình việc giúp dân hộ đê.

– Còn tên quan phủ cùng bè lũ quan lại thì ăn chơi xa hoa, không mảy may nghĩ đến trách nhiệm của mình.

 + Nghệ thuật liệt kê được sử dụng tài tình qua hàng loạt chi tiết “Trên sập, một người quan phụ mẫu uy nghi, chiễm chệ ngồi”. Quanh ngài bao bọc đủ thứ xa hoa đắt tiền: Bát yến hấp đường phèn, tráp đồi mồi hình chữ nhật, trầu vàng, cau đậu, rẽ tía… Xung quanh có kẻ hầu người hạ, nào lính lệ hầu quạt, hầu điếu đóm, nào người nhà quỳ gãi, bốn góc có bốn kẻ hầu bài. Đoạn văn tả thực sắc sảo đã thể hiện được thái độ tố cáo gay gắt của tác giả đối với tên quan phụ mẫu đầy quyền uy, hưởng thụ vật chất xa hoa, không mảy may nghĩ đến trách nhiệm của mình.

+ Đặc biệt hắn còn là một kẻ đam mê cờ bạc một cách quá đáng, thờ ơ trước sinh mệnh của bao nhiêu người dân đang bị đe dọa. Những lời bình thật thấm thía “Thật là tôn kính xứng đáng là một vị phúc tinh”. Những lời mỉa mai châm biếm thật sâu cay “Ngài mà còn giở cán bài, …ngài cũng thây bộ” “Ôi trăm hai mươi lá bài… mà quan mê đến thế”. Bằng ngòi bút trào phúng sắc sảo kết hợp với những từ ngữ biểu cảm trực tiếp, tác giả đã bày tỏ niềm căm giận tột độ đối với những kẻ nhân danh cha mẹ dân, vô trách nhiệm quá đáng, coi mạng sống của người dân như cỏ rác.

+ Thỉnh thoảng có người nhắc khẽ: “Bẩm qua, dễ có khi đê vỡ” thì hắn gắt: “Mặc kệ”. Đây là câu nói đầu tiên của quan về việc hộ đê, mặc dù lúc này đây quan là người có thẩm quyền cao nhất và chịu trách nhiệm chính. Câu nói ấy đã lột trần bản chất của quan: vô trách nhiệm, táng tận lương tâm, sống chết mặc bay, tàn nhẫn, độc ác, không mảy may một chút tình người.

Luận điểm 3: Bức tranh đối lập còn thể hiện cảnh lầm than của nhân dân lâm khi đê vỡ còn tên quan phủ thì ở cực điểm của sự sung sướng, hả hê.

– Nỗi đau đó được dồn nén trong giọng văn miêu tả gián tiếp tai hoạ khủng khiếp “Bỗng một tiếng kêu vang trời dậy đất”, những giọng văn miêu tả âm thanh kinh hãi: tiếng người kêu cứu rầm rì, thảm thiết vang lên trong đêm, “Tiếng ào ào như thác chảy xiết, tiếng gà chó trâu bò kêu vang tứ phía”. Nỗi đau thương vỡ ào trên trang sách “Khắp nơi nước trâu lênh láng… tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết”. Một cảnh tượng hãi hùng, nước cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn cùng hàng ngàn sinh mạng người dân. Giọng văn đau đớn thắt nghẹn, lời văn biểu cảm trực tiếp. Đó là tột cùng của niềm đau khi tác giả phải chứng kiến thảm cảnh này.

– Khi bên ngoài có tiếng kêu vang trời dậy đất, những người trong đình mặc dù vô trách nhiệm nhưng vẫn còn chút sợ sệt, nghĩa là họ còn có chút lương tâm. Còn tên qua phủ thì điềm nhiên ngả ra những quân bài. Thật là độc ác, lạnh lùng, vô lương tâm.

– Giữa lúc ấy quan đang sung sướng cực độ trước ván bài “Ù! Thông tôm … chi chi nảy”. Trong khi bên ngoài đang xảy ra thảm cảnh đê vỡ, tộ cùng của nỗi đau thương, thì bên trong tên quan phủ vỗ tay cười nói, kêu to “ù! Thông tôm…chi chi nảy”. Đó chính là đỉnh điểm của thái độ bất lương, bộc lộ bản chất thú tính của quan, mất hết nhân tính, nhân tình lòng lang dạ thú. Ở đây, tác giả không có một lời bình nào dành cho hắn, từ sự việc và lời nói là lời tố cáo danh thép nhất hơn bất kì một lời văn biểu cảm này.

Đánh giá: – Tác giả:

* Tài năng: –  Ngòi bút trào phúng trào phúng sắc sảo, xây dựng tình huống đặc sắc

                 –  Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình bước đầu có những thành công.

                 – Nghệ thuật đối lập tương phản

-> Tác giả đã xây dựng được hai bức tranh đời hoàn toàn đối lập nhau. Đó cũng chính là hiện thực của xã hội nông thôn việt Nam lúc bấy giờ.

=> Với tài năng và tấm lòng của nhà văn, tác phẩm đã đạt được những thành tựu đặc sắc về cả nội dung lẫn nghệ thuật, xứng đáng là “Bông hoa đầu mùa” của truyện ngắn hiện đại.

Cách làm 2

          Phạm Duy Tốn là một trong những người có công đầu trong sự hình thành và phát triển thể loại truyện ngắn và nền văn xuôi Việt Nam hiện đại nước ta. Truyện ngắn của ông thường thiên về phản ánh xã hội theo cảm hứng hiện thực chủ nghĩa. Trong số đó, phải kể đến tác phẩm “Sống chết mặc bay”. Trong truyện ngắn này, tác giả đã khéo léo kết hợp phép tương phản và tăng cấp để vạch trần bản chất của tên quan phủ lòng lang dạ thú trước sinh mạng người dân.

Luận điểm 1. Sử dụng phép tương phản để vạch trần bản chất của tên quan phủ lòng lang dạ thú trước sinh mạng người dân.

* Khái niệm phép đối lập, tương phản: là việc tạo ra những hành động, những cảnh tượng, những tính cách trái ngược nhau để qua đó làm nổi bật một ý tưởng bộ phận trong tác phẩm hoặc tư tưởng chính của tác phẩm. Trong tác phẩm “SCMB” sự đối lập thể hiện ở việc xây dựng cảnh trong đình và ngoài đình.

* Cảnh bên ngoài đang hết sức nguy kịch:

+ Người dân phải đối diện với thế đê vô cùng nguy khốn: Nước sông Nhị Hà lên to quá, khúc đê làng X, phủ ích xem chừng núng thế lắm, vài ban đoạn nước đã thấm vào tận ruộng. Con đê đang đứng trước nguy cơ bị vỡ, sinh mạng của hàng ngàn người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.

+ Cảnh quan trong đình, nơi địa thế cao, vững chãi, đê vỡ cũng không sao

– Không khí, cảnh tượng bên ngoài vô cùng nhốn nháo, căng thẳng, người dân hoảng loạn, kiệt sức trong mưa gió, bùn ngập.

+ Truyện ngắn được mở đầu với thời gian ”Gần một giờ đêm”. Đó là thời gian khuya khắt, khi mà bình thường mọi người đang ngủ say. Xác định thời gian ấy, nhà văn muốn nói: cuộc hộ đê đã kéo dài suốt cả ngày, đến tối, tới tận đêm khuya mà chưa được nghỉ ngơi. Họ đã vô cùng mệt mỏi, đuối sức vì đói rét quần quật kéo dài

+ Trước tình thế hiểm nghèo của con đê, “Dân phu kể hàng trăm nghìn người … bì bõm dưới bùn lầy …” . Giọng văn: gấp gáp, những câu văn ngắn nghe ngắn gọn như những bản tin thời tiết nhưng dồn dập đã thể hiện tất cả sự khẩn cấp, nguy cấp của con đê và bao lo âu, hốt hoảng của dân phu hộ đê. Nghệ thuật liệt kê kết hợp với từ ngữ giàu sức gợi cho thấy dân chúng đã huy động hết sức người, sức của để hộ đê, hàng trăm, nghìn người đem thân hèn yếu chống chọi với đê, không ai lùi bước. Những động từ, tính từ dồn dập nối nhau  kết hợp với thủ pháp so sánh: “người nào người nấy ướt lướt thướt như chuột lột” đã dựng lên trước mắt cảnh tượng hối hả, chèo chống, người người kiệt sức trong đói rét, mưa gió. Bằng ngòi bút hiện thực sắc sảo, bằng niềm cảm thương sâu sắc, tác giả đã ghi lại một cách chân thực, xúc động nhất hình ảnh dân phu hộ đê trong một tình thế hết sức hiểm nghèo. Đó chính là tình cảnh khốn khổ, khốn cùng, vô cùng thảm hại của người dân quê.

* Cảnh bên trong thì ăn chơi, hưởng lạc trác táng

– Không khí trong đình: “tĩnh mịch”, “trang nghiêm”, “nhàn nhã”, “đường bệ”, “nguy nga”, “tôn nghiêm như thần thánh”, trừ quan phụ mẫu ra, không ai dám to tiếng

– Sống sang trọng, xa hoa

+ Đi hộ đê mà mang theo đủ thứ

+ Ăn của ngon, vật lạ

– Sống nhàn nhã, vương giả

+ Hàng trăm con người đang đội đát vác tre hộ đê thì quan ngồi uy nghi, chễm chệ “trong đình đèn thắp sáng trưng”.

+ Quan dựa gối xếp, có lính đứng canh. Còn nhân dân thì “gội gió tăm mưa như đàn sâu lũ kiến”.

– Sự đam mê tổ tôm: Tình cảnh thê thảm của nhân dân cũng không thể bằng ván bài đen đỏ.

– Khi bên ngoài có tiếng kêu vang trời dậy đất, những ngừời trong đình mặc dù vô trách nhiệm nhưng vẫn còn chút sợ sệt, nghĩa là họ còn có chút lương tâm. Còn tên qua phủ thì điềm nhiên ngả ra những quân bài. Thật là độc ác, lạnh lùng, vô lương tâm.

– Trong khi bên ngoài đang xảy ra thảm cảnh đê vỡ, tộ cùng của nỗi đau thương, thì bên trong tên quan phủ vỗ tay cười nói, kêu to “ù! Thông tôm…chi chi nảy”. Đó chính là đỉnh điểm của thái độ bất lương, bộc lộ bản chất thú tính của quan, mất hết nhân tính, nhân tình lòng lang dạ thú. ở đây, tác giả không có một lời bình nào dành cho hắn, từ sự việc và lời nói là lời tố cáo danh thép nhất hơn bất kì một lời văn biểu cảm này.

Luận điểm 2. Sử dụng nghệ thuật tăng cấp để vạch trần bản chất của tên quan phủ lòng lang dạ thú trước sinh mạng người dân.

  • Khái niệm phép tăng cấp: là lần lượt đưa thêm chi tiết, chi tiết sau cao hơn chi tiết trước. Qua đó làm rõ thêm bản chất một sự việc, hiện tượng muốn nói. Trong tác phẩm “SCMB”, ngoài việc sử dụng nghệ thuật đối lập, tác giả còn sử dụng phép tăng cấp để làm rõ bản chất tên quan phủ.
  • Phép tăng cấp trong truyện ngắn Sống chết mặc bay đã được thể hiện ở việc miêu tả các loại chi tiết trong từng mặt tương phản.

* Với cảnh dân hộ đê:

– Thiên nhiên mỗi lúc một dữ dằn: trời mưa mỗi lúc một nhiều, dồn dập: “mưa vẫn tầm tã trút xuống”, mực nước sông mỗi lúc một dâng cao: “dưới sông nước cứ cuồn cuộn bốc lên”, Âm thanh “trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ” cất lên một cách dồn dập gấp gáp càng tô đậm không khí nhốn nháo, khẩn trương, căng thẳng, gay go, cho thấy rõ hơn tình thế khẩn cấp và tình trạng hoảng loạn của dân chúng.

– Sức của nhân dân ngày càng yếu hơn sức mạnh của thiên nhiên, nguy cơ vỡ đê mỗi lúc một đến gần. Và kết quả là dân lâm vào thảm cảnh kinh hoàng. Nỗi đau được dồn nén trong giọng văn miêu tả gián tiếp tai hoạ khủng khiếp “Bỗng một tiếng kêu vang trời dậy đất”, những giọng văn miêu tả âm thanh kinh hãi: tiếng người kêu cứu rầm rì, thảm thiết vang lên trong đêm, “Tiếng ào ào như thác chảy xiết, tiếng gà chó trâu bò kêu vang tứ phía”. Nỗi đau thương vỡ ào trên trang sách “Khắp nơi nước trâu lênh láng…tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết”. Một cảnh tượng hãi hùng, nước cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn cùng hàng ngàn sinh mạng người dân. Giọng văn đau đớn thắt nghẹn, lời văn biểu cảm trực tiếp. Đó tột cùng của niềm đau khi tác giả phải chứng kiến thảm cảnh này.

* Với cảnh quan phủ cùng nha lại đánh tổ tôm trong đình. Phép tăng cấp được vận dụng vào việc miêu tả độ đam mê tổ tôm gắn với bản chất vô trách nhiệm, vô lương tâm của tên quan phủ.

– Mưa đổ xuống sân đình mỗi lúc một to, nhưng vì quan quá mệ bài bạc nên coi như không biết gì.

– Trước tiếng kêu kinh hoàng đó quan vẫn điềm nhiên đến kinh hãi, không hề động tĩnh

– Khi có người nhắc, thì quan: Ngồi vuốt râu rung đùi, mắt mải trông vào đĩa nọc, cau mày, gắt: mặc kệ. Đây là câu nói đầu tiên của quan về việc hộ đê, mặc dù lúc này đây quan là người có thẩm quyền cao nhất và chịu trách nhiệm chính

– Khi có người vào báo tin đê vỡ thì hắn quát: “Đuổi cổ nó ra” vì người đó đã làm dở ván bài của hắn. Và hắn lại tiếp tục quay lại cuộc chơi: “Thầy bốc quân gì thế”.

– Giữa lúc nhân dân lâm vào tình cảnh thảm sầu thì  quan đang ở cực điểm của sự sung sướng, phi nhân tính: vừa cười, vừa nói “Ù! Thông tôm …chi chi nảy”.

* Đánh giá khái quát: Qua việc sử dụng hai nghệ thật trên, tác giả thể hiện sự đồng cảm sâu sắc trước nỗi khổ cực, lầm than của nhân dân; vạch trần, lên án tố cáo sự thờ ơ, vô trách nhiệm của bọn quan lại đương thời, đặc biệt là tên quan phủ lòng lang dạ thú. Đó là biểu hiện sâu sắc của tinh thần nhân đạo trong tác phẩm này.

>> Xem thêm: Đề Thi Chọn Học Sinh Giỏi Ngữ Văn Lớp 8 Năm 2020-2021

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận