Hướng dẫn đọc hiểu ngữ văn lớp 11 – Từ Ngôn Ngữ Chung Đến Lời Nói Cá Nhân

Đang tải...

TỪ NGÔN NGỮ CHUNG ĐẾN LỜI NÓI CÁ NHÂN

I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1.Tính chung của ngôn ngữ xã hội.

a.Giao tiếp là một trong những cơ sở quan trọng hình thành nên xã hội loài người. Muốn giao tiếp được, những người trong cùng một dân tộc cũng như trong các dân tộc khác nhau phải có một phương tiện chung là ngôn ngữ. Phương tiện này giúp cho các cá nhân nói lên những điều mà mình muốn bày tỏ, đồng thời cũng giúp họ lĩnh hội được những lời nói của người khác. Tuy nhiên cái phương tiện ngôn ngữ mà mỗi chúng ta đang sử dụng để bày tỏ hay để lĩnh hội lời người khác ấy không phải là sở hữu riêng của mỗi cá nhân. Nó là tài sản chung của xã hội.

b.Tính chung trong ngôn ngữ của cộng đồng được biểu hiện qua những phương diện sau:

-Trong ngôn ngữ, có những yếu tố chung cho tất cả mọi cá nhân trong cộng đồng như: các âm và các thanh (các phụ âm, nguyên âm, thanh điệu,…); các tiếng – tức các âm tiết do sự kết hợp của các âm và thanh theo những quy tắc nhất định; các từ và các ngữ cố định (thành ngữ và quán ngữ).

-Ngoài những yếu tố chung như trên còn có các quy tắc chung, các phương thức chung. Các quy tắc và phương thức này được hình thành dần trong lịch sử phát triển của một ngôn ngữ và cần được các cá nhân tiếp nhận và tuân theo nếu muốn cho sự giao tiếp với cộng đồng đạt được hiệu quả như mong muốn. Một số quy tắc và phương thức quan trọng của ngôn ngữ như: quy tắc cấu tạo từ, cấu tạo câu, đoạn, văn bản; phương thức chuyển đổi về nghĩa, phương thức sử dụng câu theo lối trực tiếp và gián tiếp; các phương thức ẩn dụ,…

2.Nét riêng của lời nói cá nhân

Như đã nói ở trên, ngôn ngữ là tài sản chung của xã hội. Khi giao tiếp, mỗi cá nhân sử dụng tài sản chung ấy để tạo ra lời nói, chính vì thế ngoài việc tuân thủ những phương thức và quy tắc chung của ngôn ngữ, lời nói còn mang những dấu ấn cá nhân.

Cái riêng trong lời nói của cá nhân thường được biểu hiện trước hết qua vẻ riêng trong mỗi giọng nói. Chính vẻ riêng này giúp ta nhận ra giọng nói của người quen ngay cả khi không trực tiếp tiếp xúc với người đó. vẻ riêng còn thể hiện ở lớp từ mà mỗi cá nhân ưa chuộng và quen sử dụng nhất cũng như ở sự chuyển đổi sáng tạo những từ ngữ chung, quen thuộc trong lớp từ toàn dân. Dấu ấn cá nhân trong lời nói cũng thể hiện các từ mới mà cá nhân đó tạo ra hoặc có công tạo ra thói quen sử dụng trong cộng đồng.

Biểu hiện rõ rệt nhất của nét riêng trong lời nói cá nhân là phong cách ngôn ngữ cá nhân. Điều này thấy rõ ở các nhà văn nổi tiếng (ngôn ngữ tác phẩm của họ tuy vẫn bắt nguồn từ ngôn ngữ toàn dân nhưng lại mang dấu ấn cá nhân, mang tính cá thể, không lẫn với người khác).

II– HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1.Trong bài Khóc Dương Khuê, Nguyễn Khuyến viết:

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Hai câu thơ trên không có từ nào mới đến mức xa lạ. Các từ đều khá quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Song cũng trong hai câu này, có từ thôi (từ thứ hai) được nhà thơ dùng với nghĩa mới. Nghĩa gốc của từ thôi vốn là chấm dứt, kết thúc một hoạt động nào đó (thôi học, thôi việc,…). Nhưng trong câu thơ của Nguyễn Khuyến, từ thôi (thứ hai) được dùng với nghĩa chấm dứt, kết thúc cuộc đời, cuộc sống. Cách dùng này là sự sáng tạo nghĩa mới cho từ thôi. Nó thể hiện rõ dấu ấn lời nói cá nhân của Nguyễn Khuyến.

2.Về cách sắp đặt từ ngữ trong hai câu thơ:

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

(Hồ Xuân Hương – Tự tình)

Hai câu thơ của Hồ Xuân Hương dùng toàn những từ ngữ quen thuộc nhưng trật tự sắp xếp cũng như cách phối hợp giữa chúng thể hiện những nét sáng tạo riêng, độc đáo của tác giả:

-Các cụm danh từ (rêu từng đám, đá mấy hòn) đều đảo danh từ trung tâm lên trước tổ hợp định từ + danh từ chỉ loại.

-Các câu đều có hình thức đảo trật tự cú pháp: sắp xếp bộ phận vị ngữ (động từ + bổ ngữ: xiên ngang – mặt đất, đâm toạc – chân mây) lên trước chủ ngữ (rêu từng đám, đá mấy hòn).

Sự sắp xếp của Hồ Xuân Hương khiến cho bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong hai câu thơ hiện lên sắc sảo, đầy cá tính. Nó vừa tạo nên âm hưởng, vừa tô đậm các hình tượng thơ đồng thời cũng thể hiện nổi bật tâm trạng của nhân vật trữ tình.

3.Quan hệ giữa ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân là quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Trong hiện thực, có rất nhiều hiện tượng cũng có mối quan hệ như vậy:

-Ví dụ: một chiếc tivi Samsung là sự hiện thực hoá của loại máy thu hình. Nó mang đầy đủ những đặc điểm chung của thể loại máy này (có bóng hình, có loa,…) song nó lại mang những đặc điểm riêng của thương hiệu.                                                              ,

-Có thể nêu ví dụ khác về mối quan hệ giữa giống loài và từng cá thể, chẳng hạn: giữa chim bồ câu với loài chim, giữa một con cá cụ thể với một loài cá,…

Hướng dẫn đọc hiểu ngữ văn lớp 11 – VÀO PHỦ CHÚA TRỊNH TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận