Đề 13 – Giới thiệu về một loài cây hoặc loài hoa.(cây gạo) – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đang tải...

Một loài cây hoặc loài hoa(cây gạo)

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

Cây gạo cũng là một hình ảnh quen thuộc và gần gũi của làng quê Việt Nam.

Cây gạo cao lêu nghêu, khẳng khiu, ít lá.

II. THÂN BÀI

1. Nguồn gốc, xuất xứ, tên gọi

Cây gạo, phương Tây gọi là Kapokier, Trung Quốc gọi là mộc miên.

Nó tượng trưng cho cuộc đời, cho sự ngay thẳng.

Ở Tây Nguyên, cây gạo được gọi là cây Pơlang. Chúng làm đỏ rực cả những khu rừng, đồi, sân nhà Rông. Cây gạo ở đây là cây để buộc con trâu hiến sinh trong lễ đâm trâu. Do đó, cây gạo cũng được gọi là cây hiến sinh.

2. Công dụng và Ý nghĩa

Cứ đến tháng 3-4 hàng năm, cây gạo ra hoa, làm đỏ rực cả một khoảng trời.

Ở chùa Hương, đến mùa hoa gạo nở, màu đỏ hai bên núi chạy dọc theo suối Yến. Nhiều hàng cây gạo cử xếp hàng bên nhau như những dãy đèn.

Có những nơi, các cây gạo tập trung lại với nhau, đã tạo ra những “đám cháy” làm ta lóa mắt.

Cây gạo làm đẹp cho mọi người và cái đẹp làm cho người ta trở nên thánh thiện hơn, yêu cuộc sống hơn.

Những cặp tình nhân không bao giờ đưa nhau ra gốc cây gạo mà tình tự. Đó là điều tối kị. Họ cho rằng như vậy sẽ gặp phải những sự không may mắn. Cây gạo lạnh lẽo cô đơn, thường có mặt ở những nơi vắng vẻ, khuất nẻo.

Ngày rằm tháng bảy là ngày cúng cô hồn của thập loại chúng sinh thường được tổ chức gần nơi cây gạo. Người ta vứt tất cả những đồ còn thừa lại sau khi cúng lễ vào cây gạo và cũng có nghĩa là cho các cô hồn vương vất quanh cây gạo.

Vỏ cây gạo làm thuốc cho ra thai, thuốc chữa sa đì.

Rễ cây gạo ăn rộng và sâu nên cây gạo rất vững chắc. Phần cắm sâu xuống đất có những nốt phồng lên gọi là củ làm thức ăn độ nhật cho người xưa khi thiếu lương thực.

Đến cuối tháng 4-5, bông gạo bay tả tơi theo tất cả các chiều gió, giăng đầy không gian như là tuyết rơi gợi lên mái tóc bạc của các mẹ già. Người nghèo thường nhặt, gom lại để may áo bông chống rét. Người Tây Nguyên và người Thái lấy bông gạo làm đệm trải giường và làm phao cứu sinh.

Gỗ cây gạo trắng, thớ mịn dùng làm áo quan. Nhất vàng tâm, nhì gỗ gạo.

Gỗ cây gạo còn dùng đế khắc những bản cò để in.

Nhựa cây gạo phối hợp vói một vài loại nhựa khác nữa, dùng làm nhựa để bẫy chim gáy, chim họa mi, chim ngói.

III. KẾT BÀI

Cây gạo sống hàng ngàn năm. Nó là nhân chứng yên lặng của nhiều đời người.

Nó chứng kiến những sự thăng trầm đầy mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu lửa của nhiều thế hệ.

Cây gạo cũng là một hình ảnh thân yêu độc đáo và nổi bật của làng quê Việt Nam.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Cùng với đình, chùa, cây đa…cây gạo cũng là một hình ảnh quen thuộc và gần gũi của làng quê Việt Nam. Cây gạo có thể được trồng ở những mảnh đất trống, vắng, xa một chút với đình, chùa, miếu, ở bãi tha ma, ở đầu chợ, ở cuối làng như câu: “Đầu đa, gạo cuối, chuối sau, cau trước”… Người theo Phật giáo thích cây đa. Người theo Đạo giáo thích cây gạo. Mọi người cũng nói: “Thần cây đa, ma cây gạo”. Cây đa sum suê, xanh tươi, kín lá, rễ buông xuống rất thơ mộng. Người ta có thể tạm trú mưa, nắng dưới gốc đa. Còn cây gạo thì cao lêu nghêu, khẳng khiu, ít lá. Bên gốc cây đa hoặc cây gạo thường có một bàn thờ nhỏ. Có cả bát hương để thờ Phật. Cách đây mấy năm, tại cây gạo ở góc Văn Miếu lúc nào cũng có khói hương nghi ngút.

Cây gạo, phương Tây gọi là Kapokier, Trung Quốc gọi là mộc miên, nó tượng trưng cho cuộc đời, cho sự ngay thẳng. Nó đón ánh mặt trời và mặt trăng. Nó đứng cao vút hẳn lên, chống lại với bão táp, gió mưa, chịu trận cho đồng loại. Nó đứng bình thản, chân thực mà kiên cường. Nó như một anh lính gác, định hướng, chỉ cho mọi người dễ nhận ra làng xóm của mình từ rất xa. Nó tượng trưng cho sự trường thọ, giữ liên lạc giữa trời và đất. Nó là cây vũ trụ. Các loài bò sát bám vào gốc cây và rễ của nó. Nhiều loài chim đến với nó. Chim lớn ở trên những cành trên cao. Chim nhỏ ở những cành thấp hơn, chúng ríu rít, giọng cao, giọng trầm, chuyện trò với nhau, tưng bừng, nhộn nhịp, lại tranh cãi với nhau như họp chợ. Khung cảnh thật tưng bừng, náo nhiệt.

Cứ đến tháng 3-4 hàng năm, cây gạo ra hoa, làm đỏ rực cả một khoảng trời. Người ta bảo là cây gạo thắp đèn tỏa sáng. Nếu mấy cây gạo ở gần nhau, cùng nở hoa thì gọi là các cây gạo thắp đuốc. Trong Truyện Kiều có câu: “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” hoa lựu thắp sáng một khoảng không gian ánh sáng của hoa gạo sáng đỏ, rực rỡ. Cây hoa gạo cao, nhiều cành và có nhiều hoa xòe ngửa lên trời. Ở chùa Hương, đến mùa hoa gạo nở, màu đỏ hai bên núi chạy dọc theo suối Yến. Nhiều hàng cây gạo cứ xếp hàng bên nhau như những dãy đèn. Có những nơi, các cây gạo tập trung lại với nhau, đã tạo ra những “đám cháy” làm ta lóa mắt. Du khách bảo hoa gạo thắp sáng chùa Hương. Có nhiều khi hoa gạo rơi cả xuống thuyền của du khách dạo chơi trên suối. Cây gạo làm đẹp cho mọi người và cái đẹp làm cho người ta trở nên thánh thiện hơn, yêu cuộc sống hơn. Cảnh tượng này sây ấn tượng rất mạnh mẽ đối vói khách du lịch người nước ngoài. Hẹn trở lại chùa Hương một lần nữa và gọi hoa gạo là “hoa tình yêu”.

Ở Tây Nguyên, cây gạo được gọi là cây Pơlang. Chúng làm đỏ rực cả những khu rừng, đồi, sân nhà Rông. Cây gạo ở đây là cây để buộc con trâu hiến sinh trong lễ đâm trâu. Do đó, cây gạo cũng được gọi là cây hiến sinh. Những cặp tình nhân không bao giờ đưa nhau ra gốc cây gạo mà tình tự. Đó là điều tối kị. Họ cho rằng như vậy sẽ gặp phải những sự không may mắn. Cây gạo lạnh lẽo cô đơn, thường có mặt ở những nơi vắng vẻ, khuất nẻo. Những linh hồn phiêu bạt không có người thân cúng giỗ thường lẩn quất nơi cây gạo. Ngày rằm tháng bảy là ngày cúng cô hồn của thập loại chúng sinh thường được tổ chức gần nơi cây gạo. Người ta vứt tất cả những đồ còn thừa lại sau khi cúng lễ vào cây gạo và cũng có nghĩa là cho các cô hồn vương vất quanh cây gạo. Đã có câu: “Ríu rít thì đến cây đa, nhạt tình thì đến tha ma cây gạo”, vỏ cây gạo làm thuốc cho ra thai, thuốc chữa sa đì. Rễ cây gạo ăn rộng và sâu nên cây gạo rất vững chắc. Phần cắm sâu xuống đất có những nốt phồng lên gọi là củ làm thức ăn độ nhật cho người xưa khi thiếu lương thực.

Đến cuối tháng 4-5, bông gạo bay tả tơi theo tất cả các chiều gió, giăng đầy không gian như là tuyết rơi gọi lên mái tóc bạc của các mẹ già. Người nghèo thường nhặt, gom lại đế may áo bông chống rét. Người Tây Nguyên và người Thái lây bông gạo làm đệm trải giường và làm phao cứu sinh. Đệm bông gạo của người Thái Mai Châu rất nổi tiếng. Loại đệm này có độ xốp lý tưởng. Nằm rất êm mà không bí như đệm mút, đệm ga bông từ cây bông rất chóng dẹt và hút ẩm, không bằng bông gạo. Nhất là những chiếc đệm đó lại có nhũng đường thêu bay bổng mà thâm trầm. Chúng được cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Gỗ cây gạo trắng, thớ mịn dùng làm áo quan. Nhất vàng tâm, nhì gỗ gạo. Gỗ cây gạo còn dùng để khắc những bản cò để in. Nhựa cây gạo phối hợp với một vài loại nhựa khác nữa, dùng làm nhựa để bẫy chim gáy, chim họa mi, chim ngói.

Hoa gạo cánh to mà dày. Nó rơi xuống đất, rất chóng héo tàn. Ở phương Tây, gần đây có một số hãng, mỹ phẩm thử nghiệm và tìm tòi màu đỏ như son môi. Màu đó là sự phối hợp giữa đỏ, vàng và trắng. Cuối cùng, họ kết luận: “Màu đỏ lý tường đó là màu của hoa gạo”. Màu môi của Sharon Stone cộng với màu đỏ trên môi Madona thành màu đỏ hoa gạo.

Cây gạo sống hàng ngàn năm. Nó là nhân chứng yên lặng của nhiều đời người. Nó chứng kiến những sự thăng trầm đầy mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu lửa của nhiều thế hệ. Nó biết tất cả, nó chứng kiến những gì xảy ra vói những kiếp người phù du. Những người đi chợ xa, đi buôn bán xa, đi công tác ít ngày… đặc biệt là những người đi xa quê đã lâu năm… nhìn thấy từ xa ngọn cây gạo thấy thân quen vô cùng. Họ đi tắt rồi xuyên qua đoạn ngõ xanh biếc nữa thôi là về đến nhà. Nơi đây có người mẹ, người vợ hoặc người thân đang chờ đón họ.

Cây gạo cũng là một hình ảnh thân yêu độc đáo và nổi bật của làng quê Việt Nam.

(Theo Lý Khắc Cung, Hà Nội Văn hóa và Phong tục, 2014)

>> Xem thêm Đề 14: Thuyết minh về một đồ dùng trong học tập của em (Bút bi) tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận