Đất nước và con người Trung Hoa – 10 vạn câu hỏi vì sao?

Đang tải...

Đất nước và con người Trung Hoa – 10 vạn câu hỏi vì sao?

Tại sao Tần Thuỷ Hoàng được gọi là vị hoàng đế của muôn đời?

Năm 221 trước Công nguyên, vua nước Tần là Doanh Chính thành công trong việc thôn tính sáu nước, lập nên vương triều thống nhất nhà Tần.

Nhưng Tần Thuỷ Hoàng đã không bị chiến thắng làm cho mê mẩn đầu óc, ông ta biết rằng nước Tần tuy đã thống nhất được toàn cõi Trung Quốc, nhưng vẫn còn tiếp thu cái tình trạng rời rạc chia năm xẻ bảy còn lưu lại từ thời kỳ Chư Hầu cát cứ, không những văn tự các vùng không như nhau, chế độ cai trị không thống nhất, chỗ nào cũng có những cửa quan, đường xá cách trở, mà sáu nước cũ vẫn chưa cam tâm bị thất bại và vẫn còn những thế lực còn sót lại của các dân du mục ở vùng biên giới phía Tây Bắc thường xuyên xâm nhập quấy nhiễu. Vì thế vấn đề cấp bách lúc bấy giờ là phải làm thế nào củng cố được một quốc gia chỉ chịu uy quyền của một hoàng đế.

Đầu tiên Tần Thuỷ Hoàng đã xác lập chế độ hoàng đế của mình, xây dựng quyền uy tối cao của bản thân. Bên dưới hoàng đế không có chức công, chín chức khanh nhưng đã tổ chức được một chính phủ trung ương, các bộ phận chia nhau quản lý các phương diện về quân sự và về chính trị. Về mặt địa phương thì Tần Thuỷ Hoàng cho áp dụng chế độ quận huyện, toàn quốc được chia ra thành 36 quận, bên dưới quận đặt huyện, các quận và các huyện chịu sự quản lý của những cấp quan lại như quận thú, huyện lệnh do trung ương bổ nhiệm, đó tức là chính thể phong kiến trung ương tập quyền.

Hơn hai nghìn năm nay, trong lịch sử Trung Quốc, các vương triều phong kiến luôn luôn thay đổi nhau theo thời gian, nhưng chính thể phong kiến do Tần Thuỷ Hoàng sáng lập vẫn mãi mãi được kéo dài không suy chuyển, vì thế đã có lời khen ngợi “ngàn đời đều thực chính sự của nhà Tần”

Hai là Tần Thuỷ Hoàng đã ban bố rất nhiều sắc lệnh hành chính thống nhất các thứ chế độ, ông ta đã quy định rằng nước Tần đã thống nhất chế độ cân đo, áp dụng rộng rãi trong phạm vi toàn quốc. Đồng tiền hình tròn có lỗ vuông của nhà Tần đã trở thành đồng tiền thống nhất của toàn quốc, kiểu chữ tiểu triện quản hoá đã trở thành kiểu chữ tiêu chuẩn của toàn quốc. Tất cả những sự cải cách có tính chất lịch sử như thế đã ảnh hưởng tới thế lực tập quán của hàng triệu con người và biểu hiện rõ tinh thần tiến bộ của Tần Thuỷ Hoàng.

Ba là Tần Thuỷ Hoàng muốn củng cố công việc biên phòng, tăng cường sức khống chế của nước Tần đối với toàn lãnh thổ, cho nên ông ta đã phát động nhân dân toàn quốc xây dựng Vạn Lý Trường Thành ở miền Bắc bắt đầu từ Lâm Thao ở phía Tây và ra tới Liêu Đông ở phía Đông, còn Phương nam ông ta cho đào Linh Cừ để nối liền dòng nước của hai con sông Tương Thuỷ và Ly Thuỷ. Ngoài ra ông còn cho làm những con đường mã lộ lấy Hàm Dương làm trung tâm và tuôn ra tứ phía, nhờ đó tăng cường được sự giao lưu kinh tế và văn hoá giữa các dân tộc, làm cho vương triều nhà Tần trở thành một quốc gia phong kiến đầu tiên thống nhất và có nhiều dân tộc.

Vương triều nhà Tần do vua Tần Doanh Chính sáng lập chỉ tồn tại vẻn vẹn được 15 năm rồi bị lật đổ, nhưng người sáng lập ra nó là Tần Thuỷ Hoàng đã biết thuận theo trào lưu lịch sử, hoàn thành sự nghiệp thống nhất lớn lao, xây dựng được một quốc gia phong kiến trung ương tập quyền, theo hình thức chuyên chế. Rõ ràng đó là một vị hoàng đế có công lao phi thường. Vì thế đã được người sau tôn xưng là “Thiên cổ nhất đế” (Hoàng đế thứ nhất của muôn đời).

Tứ đại mỹ nhân thời cổ Trung Quốc là những ai?

Lịch sử Trung Quốc có bốn người đẹp làm khuynh đảo đời sống chính trị được người đời truyền tụng có sắc đẹp khác thường gọi là Tứ đại mỹ nhân.

Theo trình tự thời gian, người đầu tiên là nàng Tây Thi cuối thời Xuân Thu. Tây Thi vốn là một cô gái giặt lụa Trữ La (phía Nam Chư Kị tỉnh Chiết Giang ngày nay) ở nước Việt. Năm 494 trước Công nguyên, nước Việt bị nước Ngô đánh bại, Việt vương là Câu Tiễn dâng Tây Thi cho Ngô vương Phù Sai. Nàng trở thành một phi tử được Phù Sai rất sủng ái. Năm 473 trước Công nguyên, nước Việt diệt lại nước Ngô, truyền thuyết kể lại rằng Tây Thi đã theo quan đại phu Phạm Lãi của nước Việt bỏ vào Tây Hồ.

Đại mỹ nhân thứ hai là Vương Chiêu Quân thời Tây Hán, tên Tường. Nàng vốn là một cung nữ của Hán Nguyên Đế. Năm 33 trước Công Nguyên, chúa Thiền Vu Hồ Hán Tà của thị tộc Hung Nô xin hoà thân với triều đình nhà Hán. Chiêu Quân tự nguyện xin đi xa lấy chúa Hung Nô và được phong là Ninh Hồ Yên Hung. Trong hơn sáu mươi năm Vương Chiêu Quân đi hoà thân, Hung Nô và triều đình nhà Hán đối xử với nhau rất hoà mục. Vương Chiêu Quân là người đã cống hiến rất nhiều cho an ninh quốc gia và quan hệ hoà mục giữa hai dân tộc.

Đại mỹ nhân thứ ba là Điêu Thuyền, một nhân vật trong bộ tiểu thuyết cổ điển trứ danh Tam Quốc Diễn Nghĩa. Nàng sống dưới đời Hán Hiến Đế (190 – 220 sau Công Nguyên). Điêu Thuyền là ca kỹ trong phủ quan tư đồ Vương Doãn (chức quan quản lý ruộng đất và nhân khẩu trong nước). Vì thái sư Đổng Trác chuyên quyền hoành hành tàn bạo, Điêu Thuyền muốn góp phần diệt trừ Đổng Trác đã tự nguyện hiến thân giúp Vương Doãn, dùng kế liên hoàn ly gián được quan hệ giữa Đổng Trác và con nuôi của hắn là đại tướng Lã Bố. Cuối cùng Điêu Thuyền đã mượn được tay Lã Bố giết Đổng Trác.

Đại mỹ nhân thứ tư là Dương Ngọc Hoàn đời Đường. Năm 745 sau Công nguyên, nàng được Đường Huyền Tông phong làm quý phi. Dương Ngọc Hoàn thực ra không quan tâm gì đến chuyện chính trị trong triều đình, nhưng vì nàng được Đường Huyền Tông hết sức yêu quý, cho nên không những chị và em gái nàng được phong làm phu nhân, mà đến người anh em con chú con bác của nàng là Dương Quốc Trung cũng có thể thao túng việc triều chính. Năm 775 sau Công nguyên, An Lộc Sơn dấy binh làm loạn với danh nghĩa diệt trừ Dương Quốc Trung. Sau khi Dương Quốc Trung bị giết, Dương Ngọc Hoàn cũng bị treo cổ.

Dân tộc Hán đã hình thành như thế nào?

Dân tộc Hán là dân tộc có nhân khẩu đông nhất và diện tích phân bố rộng nhất ở Trung Quốc. Nguồn gốc của dân tộc này có thể truy ngược lên đến thời cổ đại xa xưa, nhưng tên gọi của dân tộc thì mãi đến thời kỳ cận đại mới xác định. Theo truyền thuyết kể lại, trong thời cổ đại xa xưa đã có những thị tộc Cửu Lê, Tam Miêu, Viêm Đế Thị, Hoàng Đế Thị sinh sôi nảy nở trong vùng Trung Nguyên. Đến đời Chu Vũ Vương thì các thị tộc này trong vùng Trung Nguyên tự xưng là Hoa Hạ. Chung quanh thì có các dân tộc thiểu số Man, Di, Nhung, Địch.

Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc cho đến khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất toàn cõi Trung Quốc, là thời kỳ đầu tiên các dân tộc ở Trung Quốc tụ hợp lại với nhau. Do chiến tranh, các cuộc di dân và sự kết hôn giữa những người thuộc những dân tộc khác nhau, bốn nước lớn trong thời kỳ này là Tần, Sở, Ngô, Việt cùng với một số nước nhỏ nữa từ các dân tộc Di, Địch biến thành dân tộc Hoa Hạ và hình thành một quốc gia Trung ương tập quyền đầu tiên lấy dân Hoa Hạ làm chủ thể, đó chính là đế quốc nhà Tần.

Đến triều Hán, các dân tộc thiểu số Hung Nô, Tiên Ti, Để, Khương… vốn sống trong hai miền Bắc và Tây Bắc, bắt đầu di cư với số lượng lớn vào nội địa.

Đến hai triều Nguỵ và Tần thì các dân tộc thiểu số vùng Quan Trung đã chiếm tới nửa số dân. Do ảnh hưởng của nền văn hoá Hoa hạ, phương thức sản xuất cũng như phương thức sinh hoạt của họ cũng đã thay đổi lớn và họ dần dần thống nhất với hai dân tộc bản địa, khiến thời kỳ Nguỵ – Tần trở thành thời kỳ thứ hai của quá trình thống nhất dân tộc.

Hai triều đại Tống và Nguyên là thời kỳ thứ ba của quá trình thống nhất dân tộc. Trong thời kỳ này các dân tộc Khiết Đan, Nữ Chân, Mông Cổ, lần lượt xâm nhập Trung Nguyên và trong khi củng cố quyền thống trị của mình, họ cũng bị nền văn hoá Trung Nguyên đồng hoá.

Đến thời kỳ này, tên gọi người Hán (Hán nhân, Hán nhi) đã trở nên khá phổ biến, nhưng vẫn chưa trở thành tên gọi chính thức của dân tộc.

Khi nước Trung Hoa Quốc dân thành lập, tự xác định là một nước cộng hoà của năm dân tộc Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng, hai chữ “Hán tộc” mới thực sự trở thành tên gọi dân tộc của cộng đồng người Hán.

Chu Nguyên Chương đã trở thành vị hoàng đế khai quốc của Trung Quốc như thế nào?

Năm 1368 tại kinh đô cổ Nam Kinh đã cử hành một điển lễ long trọng, đưa một vị hoà thượng ăn mày lên ngôi hoàng đế. Đó chính là hoàng đế khai quốc Chu Nguyên Chương của triều Minh.

Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) là người Phượng Dương tỉnh An Huy. Xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, hồi nhỏ ông từng chăn trâu cho địa chủ. Về sau cả cha và anh của ông đều qua đời. Chu Nguyên Chương phải cắt tóc đi tu và xin ăn mày qua ngày.

Ba năm sau, Quách Tử Hưng lãnh đạo nông dân khởi nghĩa, Chu Nguyên Chương bèn bỏ áo cà sa đi theo quân khởi nghĩa. Vì gan dạ và có đầu óc thông minh hơn người, cho nên chẳng bao lâu sau Chu Nguyên Chương đã trở thành một nhân vật xuất sắc trên chiến trường của quân khởi nghĩa.

Năm 1355 là năm có tính chất quyết định đối với thành công của Chu Nguyên Chương. Ông đem quân vượt qua Trường Giang, tiến xuống Giang Nam là một vùng kinh tế trù phú. Vì các tướng của ông phần lớn là người Giang Bắc không nỡ rời xa cố hương cho nên thời gian hành quân bị kéo dài. Để dứt tâm tình ấy của họ, Chu Nguyên Chương bèn sai cắt đứt hết dây neo thuyền, đẩy tất cả thuyền chìm xuống sông. Các tướng sỹ thấy không còn đường nào về nữa, cho nên đều dũng cảm lao về phía trước, đánh một trận chiếm được Nam Kinh. Vì chủ tướng của triều đình nhà Nguyên đã chết trận, cho nên những kẻ sống sót của quân Nguyên đều đầu hàng. Chu Nguyên Chương bèn lấy Nam Kinh làm căn cứ địa, định ra chiến lược “Đắp tường cao, tích trữ nhiều lương thực, chưa vội vàng xưng vương”, sau đó ông đi khuếch trương thế lực, củng cố bàn đạp ổn định và xây dựng căn cứ vững chắc.

Năm 1368, trận quyết chiến mở màn. Đầu tiên, Chu Nguyên Chương tiến đánh Trần Hữu Lượng vùng Hoa Nam đồng thời công khai công bố cắt đứt quan hệ với quân Hồng Cân. Ông phái người đi đón Tiểu Minh Vương Hàn Lâm Nhi, nhưng thứa lúc Hàn Lâm Nhi không phòng bị, Chu Nguyên Chương đã dìm hắn chết đuối dưới đáy sông, sau đó lại bình định được Chương Sĩ Thành, đánh bại được Phương Cúc Trân cát cứ miền đông Triết Giang, rồi phái binh đánh xuống phía Nam, tiêu diệt Trần Hữu Định cát cứ vùng Phúc Kiến, cuối cùng thu phục được toàn bộ Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây).

Sau các trận chiến kể trên, thực lực của Chu Nguyên Chương đã đem 25 vạn đại quân tiến lên phía Bắc tiến đánh Bắc Kinh. Sau tám tháng chiến đấu gian khổ, Bắc Kinh thất thủ. Thuận Đế nhà Nguyên bỏ chạy, nhà Nguyên bị diệt vong. Như vậy Chu Nguyên Chương đã mất 25 năm trời mới lên được ngôi hoàng đế Đại Minh.

Trung Quốc có tất cả bao nhiêu hoàng đế?

Mọi người đều biết rằng những kẻ thống trị ở ngôi cao nhất trong xã hội phong kiến Trung Quốc được gọi là “hoàng đế”. Danh hiệu này là do Tần Thuỷ Hoàng Doanh Chính sử dụng lần đầu.

Năm 221 trước Công nguyên, Doanh Chính lần đầu tiên thống nhất được toàn cõi Trung Quốc. Để nêu cao thành tích, công lao này của mình, ông ta đã quy định danh hiệu của mình là “Thuỷ hoàng đế”.

Và danh hiệu này đã liên tiếp dược dùng, bắt đầu từ Doanh Chính cho tới vị hoàng đế cuối cùng bị cuộc cách mạng Tân Hợi vào năm 1911 lật đổ là Phổ Nghi thuộc triều đại nhà Thanh, qua thời gian là 2132 năm, tổng cộng có 494 vị hoàng đế, trong số đó 73 người không thật sự lên ngôi mà chỉ được truy tôn là hoàng đế sau khi đã qua đời.

Trong số các hoàng đế nói trên, hoàng đế Càn Long đời Thanh có tuổi thọ cao nhất, ông đã sống tới 89 tuổi. Thấp hơn Càn Long một bậc là nữ hoàng để Võ Tắc Thiên đời Đường. Bà sống tới 82 tuổi. Hoàng đế Càn Long ở ngôi 60 năm, kém một năm so với ông nội hoàng đế là Khang Hy là người có thời gian trị vì dài nhất, đó là vì Càn Long muốn nói lên lòng tôn kính đối với Khang Hy, biểu thị bản thân mình không dám vượt qua công đức của ông nội, vì thế sau khi ở ngôi 60 năm, Càn Long đã nhường ngôi của mình cho con là hoàng đế Gia Khánh, còn mình thì làm Thái thượng hoàng.

Trong số các hoàng đế, người có thời gian ngồi trên ngôi ngắn nhất là Hoàn Nhan Thừa Lân, hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Kim, từ lúc lên ngôi cho đến lúc bị giết không tới nửa ngày.

Trước Doanh Chính, Trung Quốc còn có rất nhiều kẻ thống trị tối cao. Chẳng hạn như trong thời cổ đại xa xưa có Ngũ Đế, trong số đó có đế Nghiêu và đế Thuấn. Sau đó nhà Hạ có 17 kẻ thống trị, nhà Thương có 30 kẻ thống trị, họ đều có danh mà không có hiệu. Đến đời nhà Chu, các kẻ thống trị xưng vương, đời Tây Chu có 12 vương, đời Đông Chu thì có 24 vương, đến đời Tần trước Tần Thuỷ Hoàng còn có ba vương là ông cha của ông ta.

Ngoài ra, qua các thời kỳ danh hiệu hoàng đế cũng không như nhau, từ đời Hán đến đời Tuỳ, các hoàng đế phần nhiều xưng đế, dưới các triều Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh lại phần xưng nhiều là “Tông”

Tại sao hiện nay không tìm thấy lăng mộ các hoàng đế triều Nguyễn ở Trung Quốc?

Trong thời cổ Trung Quốc, sau khi các hoàng đế chết đi, hầu như bao giờ cũng xây lăng mộ. Chẳng hạn như lăng của Tần Thuỷ Hoàng ở Lâm Đồng tỉnh Thiểm Tây, lăng các hoàng đế nhà Hán ở thành phố Hàm Dương, Mậu Lăng ở huyện Hương Bình, Kiền Lăng ở huyện Kiền, Thập Tam Lăng của nhà Minh ở Bắc Kinh, Thanh Đông Lăng ở huyện Tuân Hoá tỉnh Hà Bắc.

Các lăng mộ này được xây dựng cực kỳ tráng lệ, chẳng khác gì những cung điện nằm sâu dưới lòng đất, tất cả đều có giá trị lịch sử và giá trị văn hoá cao, hấp dẫn rất nhiều nhà nghiên cứu văn hoá và lịch sử, cũng như các du khách trong và ngoài nước.

Nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa phát hiện được lăng mộ của các vị hoàng đế triều đại nhà Nguyên. Đó là vì các hoàng đế đời nhà Nguyên đều là người Mông Cổ, mà các quý tộc Mông Cổ có tập quán chôn sâu, không xây mộ.

Theo lời Diệp Tử Kỳ đời nhà Minh trong cuốn “Thảo Mộc Tử”, các hoàng đế đời Nguyên, sau khi băng hà nhất luật không dùng quan quách, mà chỉ dùng hai đoạn gỗ trò đục rỗng làm quan tài để đặt thi thể vào rồi đào hố thật sâu mà chôn xuống. Sau khi hố được lấp đầy, họ dùng ngựa dẫm phẳng, đặt quân phong toả, và chờ khi có bên trên mọc đầy, không còn nhận ra dấu vết thu quân. Do đó người đời sau khó phát hiện nơi chôn thi thể của các hoàng đế triều Nguyên.

Tuy nhiên có lẽ ai cũng thắc mắc. Tại sao ở Y Kim Hoắc Lạc Kỳ bên Mông Cổ lại có một cái lăng Thành Cát Tư Hãn rất huy hoàng, nguy nga theo kiểu tường bao của Mông Cổ? Thật ra lăng này là do Chính phủ Nhân dân Trung ương cấp tiền xây dựng sau ngày giải phóng, là công trình có tính chất tưởng niệm, còn bên trong không có thi hài của Thành Cát Tư Hãn

Giấy và nghề in được phát minh như thế nào?

Thời cổ đại, trước khi phát hiện ra giấy và nghề in, tổ tiên chúng ta đã phải dùng những thanh tre, thanh gỗ để ghi chép lại và truyền bá văn hoá tri thức cho mọi người.

Vào thời Tây Hán, Trung Quốc đã bắt đầu phát minh ra giấy. Vì phương pháp sản xuất còn thô sơ, giấy hồi đó vẫn chưa được dùng để viết sách.

Đến thời Đông Hán, nhà phát minh Sái Luân, trên cơ sở của giấy Tây Hán, vào năm 105, đã cải tiến nghề làm giấy. Ông dùng vỏ cây, dây đay, vải rách… để làm nguyên liệu sản xuất giấy. Loại giấy này trong các sách cổ gọi là “Giấy Sài hầu”.

Sau khi giấy được phát minh và sử dụng rộng rãi, dần dần thay thế cho các thanh tre, thanh gỗ và các tấm vải để dùng viết sách. Nhưng thời đó, vẫn chưa phát minh ra nghề in. Một cuốn sách muốn trở thành nhiều cuốn khác phải tốn rất nhiều công sức, thời gian, ảnh hưởng đến việc phổ cập và truyền bá văn hoá. Tổ tiên ta đã tích cực tìm cách, mày mò sáng tạo, cuối cùng đã hoàn thành công trình truyền bá văn hoá – nghề in đã được phát minh.

Khởi nguồn của nghề in, trước hết phải nói đến là các con dấu và bia khắc. Con dấu là các hình và chữ khắc trên ngọc, gỗ hoặc đá. Chúng xuất hiện sớm nhất vào thời Xuân thu Chiến quốc. Theo “Sử Ký”, sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, muốn chiến công của mình được lưu lại muôn đời, ông đã cho khắc vào bia đá ở nhiều nơi. Năm 175, theo đề nghị của nhà học giả Sái Ung, Hoàng đế đã sai khắc “Ngũ kinh” của đạo Nho vào bia đá, để các học sinh viết theo. Hai trăm năm sau, có người đã phát minh ra phương pháp “vỗ” vào bia đá, tạo ra ấn phẩm đầu tiên trên thế giới.

Việc sử dụng con dấu và đá khắc lâu dài đã tạo điều kiện cho nghề in ra đời. Tổ tiên ta khi sử dụng con dấu, vẫn phải bôi lên mặt con dấu một lớp bùn in mỏng, gọi là “phong nê” (phủ bùn). Từ sự gợi ý của con dấu, người ta khắc những trang sách lên tấm gỗ giống như khắc những con dấu, rồi đem in. Bản in cổ nhất theo cách này còn lưu lại đến bây giờ là cuốn “Kinh Kim Cương” vào năm Hàm Thông thứ 9 đời nhà Đường, tức năm 868.

Phát minh in bằng bản khắc đã đưa nghề in tiến bộ thêm một bước lớn, nhưng việc in một cuốn sách vẫn mất quá nhiều thời gian, và cần phải cải tiến. Trải qua rất nhiều cố gắng của nhiều người, đến đời Tống, Tất Thăng đã phát minh ra lối in chữ rời. Ông đã lấy keo đất làm thành các phôi theo cùng một quy cách. Mỗi đầu khắc chữ ngược, bỏ vào lò nung cho cứng lại, thế là thành các chữ rời (bằng sứ). Chữ rời được xếp thành bảng, dùng một khung ván bằng sắt, trước hết quét lên ván sắt một lớp sáp và nhựa thông, sau đó nhặt một chữ rời xếp vào trong khung. Xếp đầy một khung làm thành một bản. Sau đó hơ lên lửa, sáp và nhựa thông sẽ chảy ra, người ta lại lấy mặt ván phẳng ép lên, sáp và nhựa thông đông cứng lại, chữ rời sẽ bám chặt vào ván sắt, lúc này chúng ta có thể quét mực đặt giấy, lăn ép để in. Phát minh này sau đó đã được cải tiến lên với các chữ rời bằng đồng, bằng chì…

Nghề in của Trung Quốc phát minh đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển văn hoá trên toàn thế giới. Ngày nay, nghề in càng hoàn thiện cùng với trình độ khoa học hiện đại.

Đạo giáo đã này sinh như thế nào?

Đạo giáo (hay Lão giáo), Phật giáo và Hồi giáo (Ixlam) là ba tôn giáo lớn đã chiếm địa vị thống trị lâu đời ở Trung Quốc. Trong ba tôn giáo này thì Phật giáo và hồi giáo hình thành từ các quốc gia khác. Chỉ riêng có Đạo giáo là tôn giáo được hình thành và phát triển ngay trên đất Trung Quốc.

Đạo giáo bắt nguồn từ thuật phù thuỷ và phương thuật thần tiên lưu hành trong thời Cổ đại ở Trung Quốc. Người sáng lập ra Đạo giáo là Trương Đạo Lăng vốn ở đất Phong thuộc nước Bái (nay là huyện Phong tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) thời Đông Hán. Ông đã từng là quan huyện ở huyện Giang Châu dưới triều Thuận Đế (năm 126 – 144 sau Công nguyên) đời Đông Hán. Ông đưa đệ tử tới Hạc Minh Sơn ở Tứ Xuyên để tu đạo. Vì những người nhập đạo phải nộp năm đấu gạo nên đạo này có tên là “Ngũ đẩu mễ đạo” (Đạo năm đấu gạo). Đạo này thờ Lão Đam tức là nhà triết học cổ đại Lão Tử làm giáo chủ, tôn xưng Lão Đam làm “Thái thượng lão quân”, lại lấy sách “Đạo đức kinh” của Lão Tử và “Chính nhất kinh” làm hai kinh điển chủ yếu.

Lão Tử cho rằng trước khi trời đất được hình thành đã có tồn tại một vật chất nguyên thuỷ hỗn độn chưa phân tách, mà vật chất nguyên thuỷ chính là căn nguyên hình thành vạn vật trong vũ trụ. Ông gọi thứ vật không biết tên này là “Đạo”, mà những người theo Đạo giáo thì lấy “Đạo” làm tín ngưỡng cơ bản và giáo nghĩa. Họ tin rằng con người ta trải qua một thời kỳ tu luyện nhất định, thì sẽ có thể trường sinh bất tử, và trở thành thần tiên.

Sau khi Trương Đạo Lăng qua đời, con trai ông là Trương Hoành và cháu ông là Trương Lỗ tiếp tục truyền đạo và tôn Trương Đạo Lăng làm “Thiên sư”. Vì thế đạo “Năm đấu gạo” cũng được gọi là đạo “Thiên sư”

Đến cuối đời Đông Hán, Trương Giác chính là người sau này trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân Hoàng Cân (Khăn vàng), lại sáng lập riêng đạo Thái Bình, lấy kinh Thái Bình làm kinh điển chủ yếu. Ông dựa vào việc chữa bệnh để truyền đạo. Trong vòng mười năm trời, số tín đồ lên tới mười vạn người. Năm 184 sau Công nguyên, Trương Giác phát động khởi nghĩa, kết hợp với Trương Lỗ, trở thành ngọn cờ dẫn dắt nông dân và xây dựng nên hai giáo phái lớn nhất của Đạo giáo trong thời kỳ đầu tiên.

Sang đến đời Đường, đời Tống, do sự đề xướng của các hoàng đế Đường Cao Tông, Tống Huy Tông, Đạo giáo dần dần được phát triển hưng thịnh.

Đến triều đại nhà Nguyên, phái Toàn Chân do Vương Trùng Dương sáng lập trở thành môn phái chủ yếu của Đạo giáo. Từ đấy về sau, Đạo giáo chính thức phân thành hai giáo phái lớn đó là Chính Nhất và Toàn Chân.

Đến đời Minh và đời Thanh, Đạo giáo bắt đầu từ thịnh chuyển sang suy.

>> Xem thêm : Thế giới quanh ta – 10 vạn câu hỏi vì sao?

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận