Đám tang của cụ tổ trong đoạn trích hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng – Văn mẫu 11

Đang tải...

Bài làm

             Hứt! Hứt!Hứt!

             Tiếng ông Phán “mọc sừng” khóc nghe như tiếng cười dài khùng khục trong cổ họng – một tiếng khóc bật ra của một thứ “quái thai” của xã hội bấy giờ, không bởi lòng thương, không bởi tình cảm. Đó là tiếng khóc duy nhất trong Hạnh phúc của một tang gia mà ngòi bút lạnh lùng của Vũ Trọng Phụng đang cố phơi bày bộ mặt một xã hội “chó đểu”.

             Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng dường như không phải hạnh phúc của một người, một gia đình mà đã trở thành thứ hạnh phúc tập thể. Hạnh phúc quá! Hạnh phúc tràn cả ra ngoài, ở khắp nơi, người người đều hả hê vui sướng. Đến người đọc truyện cũng cười đến rung người, cười ra nước mắt. Phải! Đám tang cụ cố như một màn hài kịch ngắn ngủi, nhưng tất cả những tên hề trên sân khấu ấy đều thật nhập vai. Những thứ Vũ Trọng Phụng mang lại cho người đọc không chỉ là tiếng cười mà còn là những giọt nước mắt. Sau những lời văn lạnh lùng mỉa mai cay độc kia, Vũ Trọng Phụng như đang muốn cất giấu cho một thứ tình người đã ra đi vĩnh viễn, như đang khóc cho nhân phẩm con người bị bóp méo đến thảm thương. Nhưng thảm thương hơn là tất cả những loại người trong Hạnh phúc của một tang gia đều không nhận ra điều đó. Vũ Trọng Phụng không bênh vực ai cả, nhà văn nhìn lũ người – sản phẩm tệ hại của xã hội lố lăng nửa thực dân nửa tư sản – bằng một con mắt vừa khinh thường vừa miệt thị. Nhưng tấm lòng chua xót của nhà văn trước hiện thực là không thể phủ nhận. Thế nên có lẽ, Hạnh phúc của một tang gia vừa là một tràng cười dài cay nghiệt, vừa là một tiếng khóc lớn và thảm thiết.

             Đám tang của cụ cố thực sự đã mang đến một hạnh phúc, một sự hoan hỉ lớn tới tất cả gia quyến, thứ hạnh phúc tài tình ấy đã xuất hiện ngay từ tựa đề: Hạnh phúc của một tang gia.

             Người đọc giật mình ngạc nhiên: Vũ Trọng Phụng thật biết đùa? Đã tang gia, sao còn hạnh phúc? Thật là vô lý. Ấy thế mà hạnh phúc ấy lại là thật.

             Vũ Trọng Phụng đã buông ngay một câu dưới tựa đề “Ba hôm sau, ông cụ già chết thật”. Dường như giọng văn không chỉ có tính khiêu khích đầy dụng ý, lỡm đời cùa nhà văn, mà còn là tiếng thở phào nhẹ nhõm của cả gia đình ông cụ cố. Thế đấy, thế là cụ cố đã chết rồi đấy, lời thông báo mà cứ như một tiếng reo vui. Dường như tất cả dâu rể lẫn con ruột cụ cố đã mong đợi thứ tin tức này từ lâu. Và lần này là “chết thật”, để phân biệt với cái “chết giả” mà con cháu đã ngộ nhận trước nay. Cả nhà cụ thế là có dịp hoan hỉ. Mỗi người đều có một niềm vui riêng.

             Cụ cố Hồng là người con cả trong gia đình. Cha mất đáng lẽ ra cụ phải là người khổ nhất, thương tâm nhất, thế nhưng tin cha mất lại khiến cụ sung sướng, hể hê quá: “Cụ cố Hồng nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để cho thiên hạ chỉ trỏ:

             – Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”

             Cụ chắc cả mười phần rằng ai cũng phải ngợi khen cái sự già của cụ, để khoe rằng gia đình cụ thật là bề thế, thật gia giáo, đáng kể thiên hạ ngoài kia mở to mắt mà ngưỡng mộ.

             Thế rồi lại thêm ông Phán mọc sừng với “cặp sừng đầy giá trị”, một cặp sừng vô hình mà khiến cụ tổ “chết thật”, xứng đáng để ông Phán tự hào. Ông thật sung sướng nghĩ đến phần thừa kế kếch xù và có dự định lớn lao là kinh doanh, đến Xuân Tóc Đỏ. Ông đã có tiền, lại có thêm mối làm ăn, thật phấn chấn.

             Vợ chồng Văn Minh chờ đợi một đám cưới sau đám tang thay vì lo cho việc đám, họ bận rộn lo cho việc của con gái Tuyết và chàng rể Xuân. Tuyết thì tuy bận việc đám vẫn có dịp thể hiện bộ “Ngây thơ” và tơ tưởng tới “người yêu”.

             Hạnh phúc còn lan tràn ra cả bên ngoài: cậu Tú có dịp sử dụng cái máy ánh đút mòn trong túi bấy lâu. Cảnh sát Min Đơ, Min Toa có dịp ra oai, kiếm tiền thay vào thứ công việc dở ẹc hàng ngày. Ông Typn có dịp tung ra quảng cáo một số mẫu mốt tân thời. Thiên hạ cũng tha hồ trầm trồ cảnh rước Long bội tinh trịnh trọng của báo “Gõ mõ” và sư cụ Tăng Phú. Các cụ cùng thời với cụ cố thì có dịp khoe những bộ ngực “lấp lánh huân chương”. Thiên hạ thì có dịp mà ra đường xem đám rước long trọng như đám hội. Người ta đưa đám thì có dịp trò chuyện về: “cái tủ mới sắm, bộ quần áo mới may”. Đám rước không khác một cái chợ tạp nham nhốn nháo: tiếng khen thưởng, tiếng chửi thề… Người ta đi lại nườm nượp khí thế, tấp nập, nhộn nhịp.

             Vui như thế, đám tang thì to như thế, ai cũng vui sướng như thế. Đến người đã chết cũng sung sướng tới mức gật gù cái đầu. Thật là một đám ma to tát làm cho người trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không nói gật gù cái đầu!.

             Mọi người cứ vui vẻ như thế. Nhưng đám tang ấy không chỉ có hạnh phúc.

             Một chút thương tiếc với người quá cố cũng không tồn tại. Thứ gì cũng giả tạo.

             Con cháu trong nhà cụ cố, kẻ nào cũng âm thầm những toan tính riêng – không những không yêu thương gì cụ tổ, mà chỉ chờ đợi cái chết của cụ như chờ đợi mỏi mòn một dịp may kiếm tiền. Người ta như khám phá ra cả một sự lố bịch của xã hội cũng như nỗi đau đớn của ngòi bút Vũ Trọng Phụng.

             Hãy xem con cháu cụ cố báo hiếu: họ chuẩn bị cái chết của cụ từ trước kỹ càng, chu tất như chuẩn bị một đám hội. Con dâu con rể, con trai con gái thay vì thương tiếc cụ thì mải đi lo cho riêng chúng, cho những toan tính ích kỷ của chúng. Cháu cụ – Tuyết – còn diện hẳn bộ đồ “Ngây thơ”, vừa lẳng lơ, vừa xấu xa, đầu óc không nghĩ đến người ông già cả mà chỉ nghĩ đến “bạn giai”. Ông Phán con rể còn hài lòng vì đã làm được cụ tức chết. Ông bà Văn Minh mải tính lễ cưới. Nỗi buồn giả tạo trên gương mặt Tuyết, những ý nghĩ lố bịch của cụ cố Hồng, sự lo lắng đầy bi tiện về số tiền thừa kế của các con trong nhà đã hoá đám tang thành một trò hề lố lăng, kệch cỡm.

             Hãy xem những kẻ bên ngoài càng chẳng mảy may xót thương cụ: họ đi đám là để khoe khoang kiêu ngạo.

             Tất cả trong đám tang cụ tổ chỉ là một lũ hám danh hám lợi, mộ; lũ ích kỷ, thấp hèn. Đúng là một thứ sản phẩm “chó đểu” của xã hội “chó đểu” đương thời. Bọn họ ổn ào. rộn rịp, bọn họ nhặng xị, huyên náo.

             Đám tang chỉ có một tiếng khóc, đáng thương thay cho ông cụ trong quan tài, đó là tiếng khóc lố bịch.

             Tiếng khóc giả tạo của một thứ tình thương giả tạo:

             – Hút! Hút! Hút!…

             Một tiếng khóc vô cảm, như tiếng khóc thuê, một giọng khóc mướn. Tiếng khóc của một tên hề vào vai, hơn cả sự lố bịch mà đó còn là một sự đểu cáng.

             Đám tang trở thành đám hội để người ta xem nhìn ngó. Cụ trở thành một lý do để tất cá con cháu gia quyến bày trò. Vũ Trọng Phụng đã cay độc bày lên trang viết tất cả những trò rởm đời lố lăng ấy. Đau xót cho một xã hội không còn tình thương. Nhân nghĩa, đạo đức, luân thường đạo lý đều bị rẻ rúng, thành một thứ hàng hóa, một thứ thương phẩm là đê tiện, xấu xa! Thật đáng khinh bỉ và miệt thị.

             Vũ Trọng Phụng như đang ném trả vào cái xã hội tàn ác ấy tất cả sự phẫn nộ của mình; nỗi đau cảnh tình người ghẻ lạnh, nỗi xót xa trước một xã hội mà tình người bị băng hoại. Sau những lời văn sắc lạnh kia là cả một trái tim với nỗi thương người sâu sắc. Ta nhận ra giọt nước mắt của Vũ Trọng Phụng – giọt nước mắt trái tim giàu niềm đa cảm với cuộc đời.

             Hạnh phúc của một tang gia rõ ràng là một vở kịch – một vở hài kịch ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa – một cuộc báo hiệu to tát của một gia đình đại bất hiếu… Tiếng cười kết thúc, kịch hạ màn, cũng là lúc giọt nước mắt rơi trên trang văn. Tiếng khóc bật ra sau tiếng cười là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Đó cũng là giá trị hiện thực và giá trị nhân văn cao cả của Hạnh phúc của một tang gia.

             Kịch đã hạ màn. Màn kịch kết thúc bằng cảnh Phán trao năm đồng bạc cho Xuân Tóc Đỏ. đê tiện. Như thế là đám tang kết thúc bằng một vụ mua bán, làm ăn sòng phẳng. Một xã hội “chó đểu” một xã hội đồng tiền ngự trị – hơn bao giờ hết hiện lên trên trang văn Vũ Trọng Phụng thật rõ nét. Có lẽ “hạnh phúc” trên trang văn Vũ Trọng Phụng không hẳn là hạnh phúc. Tiếng cười trào phúng cay miệt của Vũ Trọng Phụng có lẽ còn đẫm những giọt nước mắt xót xa của một con người không thể nhắm mắt bàng quan trước hiện thực.

             Hôm nay, ngày mai và mai sau nữa khi nào còn những hạng người lố lăng, đê tiện, không còn những con người quan tâm đến lẽ sống tình thương giữa người với người, thì Hạnh phúc của một tang gia sẽ mãi còn giá trị, như một bản án đanh thép và nghiêm khắc, nhắc người ta về đạo đức nhân phẩm, hạnh phúc của một tang gia cứ thế sẽ còn sống trong lòng bao thế hệ, để ngân lên những âm hưởng thiết tha đánh thức con người khỏi những đam mê vị kỷ, mù quáng.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận