Chuyên đề truyện văn xuôi chữ hán Trung đại – Ngữ Văn 9

Đang tải...

Chuyên đề 1. TRUYỆN VĂN XUÔI CHỮ HÁN TRUNG ĐẠI 

A – NHỮNG VẨN ĐỀ CHUNG

1. Truyện

– Truyện là một trong hai bộ phận (tức truyện và kí) của loại hình tự sự (bên cạnh loại hình trữ tình và kịch) thiên về trình bày sự việc hơn là bày tỏ cảm xúc hoặc xung đột. Sự khác biệt cơ bản giữa truyện và kí là: truyện được hư cấu và có cốt truyện (được dàn dựng nhiều khi công phu); kí thường không hư cấu và không có cốt truyện (là những ghi chép trực tiếp, dựa trên nguyên tắc “ghi chép sự thật” mà người kể chuyện được chứng kiến). Truyện được tạo nên từ một tập hợp các biến cố, sự kiện, chi tiết được sắp xếp thành một cốt truyện hoàn chỉnh nhằm phản ánh khách quan những vấn đề khác nhau của đời sống. Truyện có thể được viết bằng văn xuôi (truyện văn xuôi) hoặc bằng thơ (truyện thơ), ở thời trung đại, truyện văn xuôi chủ yếu được viết bằng chữ Hán (truyện văn xuôi tiếng Việt viết bằng chữ Nôm rất hiếm hoi, và thường chỉ là bản dịch Nôm các truyện văn xuôi chữ Hán).

– Truyện văn xuôi chữ Hán thời trung đại chủ yếu tồn tại dưới hai dạng chính: truyện ngắn (có dung lượng ngắn, vừa phải) và truyện dài (tiểu thuyết chương hồi). Trong truyện ngắn trung đại thì loại có giá trị nhất là truyện truyền kì. Bởi vậy, ở đây chúng ta đi sâu vào hai loại truyện: truyện truyền kì và tiểu thuyết chương hồi.

2. Truyện truyền kì

– Truyện truyền kì là loại truyện ngắn lấy yếu tố kì (kì lạ, khác thường) làm trung tâm của cốt truyện. Yếu tố kì vừa là nội dung được kể vừa là phương tiện, công cụ (chi tiết, sự kiện) quan trọng để tác giả xây dựng nên cốt truyện, qua đó gửi gắm tư tưởng, quan niệm của mình. Mặt khác, yếu tố kì vừa là một phương tiện nghệ thuật được tự giác khá cao vừa bảo lưu tính huyền hoặc của tín ngưỡng cổ xưa (niềm tin vào các cõi ngoài trần thế, vào thần linh, ma quỷ, các điều dị thường). Yếu tố kì cũng khiến cho các tác phẩm truyện truyền kì trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Nguyên tắc sử dụng yếu tố kì là dùng cái kì để nói cái thực, dùng cái kì lạ để nói cái thông thường, dùng chuyện đời xưa để nói chuyện đời nay, dùng cõi hư ảo để nói về cõi thực tại,…

– Truyện truyền kì trung đại manh nha từ những tác phẩm truyện dân gian, truyện thần tích, tôn giáo thế kỉ X – XIV (Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh), chính thức xuất hiện ở thế kỉ XV với tập Thánh Tông di thảo (tương truyền của Lê Thánh Tông), phát triển đến đỉnh cao ở thế kỉ XVI với tập Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), và tiếp tục có được những thành tựu nhất định ở thế kỉ XVIII – XIX với các tác phẩm Truyền kì tủn phả (Đoàn Thị Điểm), Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh), Tân truyền kì lục (Phạm Quý Thích),… Nhìn chung, các tác phẩm này đều lấy việc phản ánh tính cách, số phận con người; phản ánh và phê phán thực trạng chính trị – xã hội – tư tưởng đương thời làm mục đích sáng tác chủ đạo. Trong đó, người ta thấy nổi bật lên là tính cách và số phận của những người phụ nữ, người trí thức trong xã hội xưa với đặc điểm cơ bản là sự mâu thuẫn giữa vẻ đẹp thể chất và tinh thần với số phận bất hạnh, lỡ dở; giữa khát vọng sống, cống hiến với điều kiện thực tế khắc nghiệt; giữa cái chân, thiện, mĩ với cái giả, cái ác, cái xấu. Giá trị nội dung lớn nhất của các tác phẩm truyện truyền kì là chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, trong đó, Truyền kì mạn lục là tác phẩm kết tinh những gì đặc sắc nhất của thể truyện truyền kì.

3. Tiểu thuyết chương hồi

– Tiểu thuyết chương hồi là thể loại có dung lượng lớn (hàng trăm trang), nhiều nhân vật, nhiều sự kiện, biến cố và cốt truyện phức tạp. Do bản thân nội dung câu chuyện khá dài nên tác giả phải chia chúng ra thành các “chương”, các “tiết”, các “hồi”. Tiểu thuyết chương hồi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XVIII nhưng số lượng tác phẩm để lại không nhiều. Các tiểu thuyết chương hồi tiêu biểu của Việt Nam có: Nam triều công nghiệp diễn chí (Nguyễn Khoa Chiêm), Hoan Châu kí (họ Nguyễn Cảnh), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), Hoàng Việt long hưng chí (Ngô Giáp Đậu),…

– Tiểu thuyết chương hồi Việt Nam chủ yếu viết về đề tài lịch sử, nội dung bao quát khoảng năm thế kỉ của lịch sử dân tộc (từ thế kỉ XV cho đến thế kỉ XIX). Trong số 10 tiểu thuyết viết theo hình thức chương hồi hiện tìm được (toàn bộ hoặc một phần), có đến 7 tác phẩm viết về đề tài lịch sử. Trong các tiểu thuyết chương hồi Việt Nam viết về đề tài lịch sử, khoảng cách giữa thời điểm lịch sử và thời điểm sáng tác không xa và trong một số trường hợp tác giả còn là nhân vật xuất hiện trong tác phẩm. Vì thế, tiểu thuyết chương hồi Việt Nam có tính thời sự nóng hổi, sự kiện lịch sử nhiều khi đi thẳng vào trong tác phẩm mà ít trải qua quá trình dàn dựng, hư cấu, tái tạo.

– Tiểu thuyết chương hồi Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm lối viết của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc cũng như truyền thống văn học cổ điển Đông Á (kết cấu, môtip nghệ thuật, bút pháp miêu tả,…). Tuy nhiên, các tác giả tiểu thuyết chương hồi Việt Nam cũng đã có những nỗ lực sáng tạo nhất định, thể hiện ở nghệ thuật xây dựng nhân vật (chân dung, lời nói, hành động, tâm lí,…), nghệ thuật kể chuyện (tái hiện không gian, thời gian, dẫn dắt chuyện, bình luận, đánh giá), nghệ thuật miêu tả chiến tranh,…

Hướng dẫn phân tích bài Người con gái Nam Xương tại đây

Hướng dẫn phân tích bài Hoàng Lê Nhất Thống Chí tại đây

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận