Chiếc lược ngà – Sách giáo khoa ngữ văn lớp 9

Đang tải...

Chiếc lược ngà ngữ văn lớp 9

Vài nét về tác giả và tác phẩm

Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê gốc ở xã Mĩ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông tham gia công tác văn nghệ từ sau năm 1954, khi tập kết ra Bắc. Năm 1957, ông trở thành hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng có ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, và hầu như chỉ viết về cuộc sông và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến củng như trong hoà bình. Truyện của ông thường có cốt truyện hấp dẫn, xoay quanh những tình huống khá bất ngờ nhưng tự nhiên, hợp lí. Với ngôn ngữ mang đậm màu sắc Nam Bộ, cách dẫn truyện của Nguyễn Quang Sáng thường rất thoải mái, tự nhiên với giọng thân mật, dân dã. Nghệ thuật miêu tả tâm lí của ông cũng đạt đến trình độ điêu luyện, xuất sắc.

Tác phẩm chính: Con chim vàng (văn xuôi) 1957); Người quê hương (truyện ngắn, 1958); Nhật kí người ở lại (tiểu thuyết, 1962); Đất lửa (tiểu thuyết, 1963); Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1966); Bông cẩm thạch (truyện ngắn, 1969); Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975); Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1985); Tôi thích làm vua (truyện ngắn, 1988); Cánh đồng hoang (kịch bản phim, 1978); Mùa nước nổi (kịch bản phim, 1986); Giữa dòng (kịch bản phim, 1995); Như một huyền thoại (kịch bản phim, 1995)…

Ở mỗi thể loại, Nguyễn Quang Sáng đều đạt tới đỉnh cao. Ông đã từng được nhận nhiều giải thưởng: Giải thưởng truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; Huy chương Vàng liên hoan phim toàn quốc (1980); Huy chương Vàng liên hoan phim ở Mat-xcờ-va (1981)…

Tuy vậy, với trách nhiệm của người cầm bút, ông vẫn suốt đời trăn trở: “… Hơn 40 năm cầm bút, có được rrìột số tác phẩm, có được vài giải thưởng, nhưng tôi luôn luôn tự hỏi mình đã thật là nhà văn hay chưa? Là lời tự vấn nghiêm túc và khắc nghiệt – tôi đã trả lời, đang trả lời và sẽ trả lời trên trang viết”.

Truyện ngắn Chiếc lược ngà được in trong tập truyện cùng tên (1966).

1. Câu hỏi 1 (SGK, trang 202)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Hệ thống các tình tiết chính, quan trọng trong đoạn trích. Chú ỷ các chi tiết có tính chất dấu mốc, thúc đẩy diễn tiến câu chuyện (sự thay đổi của bé Thu…).

Để chọn được tình huống bộc lộ sâu sắc nhất tình cảm cha con của ông Sáu và bé Thu nên căn cứ vào độ căng thẳng của tình huống, biểu hiện của nhân vật qua lời nói, hành động, cử chỉ…

b. Gợi ý trả lời

Tóm tắt đoạn trích: Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến. Khi ông có dịp về thăm nhà thì con ông đã 8 tuổi. Bé Thu không nhận cha vì ông Sáu bị thương, có vết sẹo trên má nên trông không giống với người chụp với mẹ trong bức ảnh mà bé Thu biết. Em đối xử với cha hết sức lạnh lùng, bướng bỉnh. Đến lúc em nhận ra cha, tình cảm cha con thức dậy mãnh liệt thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường. Ở khu căn cứ, người cha dồn hết tình cảm nhớ thương con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con. Trong một trận càn, ông hi sinh. Trước lúc nhắm mắt, ông còn kịp trao cây lược cho một người bạn để gửi tới con gái.

Tình huống thể hiện sâu sắc nhất tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu là cuộc gặp gỡ của hai cha con sau 8 năm xa cách. Khi bé Thu nhận ra cha, cất lên tiếng khóc xé ruột thì trớ trêu thay, lại chính là lúc ông Sáu phải lên đường, cảnh quấn quýt trong khoảnh khắc chia tay của hai cha con vô cùng cảm động.

Ngoài ra, tình huống ông Sáu ở khu căn cứ, dồn hết tình cảm nhớ thương để làm cây lược cho con cũng thể hiện sâu sắc tình cảm cha con thiêng liêng ấy.

2. Câu hỏi 2 (SGK, trang 202)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Chú ý cách thể hiện tình cảm của bé Thu. So sánh thái độ của bè trong những ngày ông Sáu về phép với lần gặp cha cuối cùng để thấy diễn biến tâm lí, nét đặc trưng tính cách của nhân vật này đồng thời cũng chính là tìm ra nghệ thuật miêu tả tâm lí của tác giả.

b. Gợi ý trả lời

Trong đoạn trích, diễn biến tâm lí của bé Thu được thể hiện một cách sinh động và tự nhiên.

Khi chưa nhận ra ông Sáu là cha, cô đã tỏ ra ngờ vực, lảng tránh ông. Lúc đầu, khi ông Sáu vồ vập không kìm nổi niềm vui, nỗi mong nhớ khi được gặp con, Thu “hốt hoảng”, “mặt tái đi, rồi vụt chạy”, “kêu thét lên”.

Suốt mấy ngày ông Sáu ở nhà, con bé đối xử như với người xa lạ, lạnh nhạt và ương ngạnh. Thứ nhất định không chịu gọi ông Sáu là “ba” dù bị đẩy vào những thế bí: phải gọi cha vào ăn cơm, muốn nhờ cha chắt nước nồi cơm… Nó không chịu tiếp nhận sự quan tâm của ông, hất trứng cá ông gắp vào bát. Và khi bị ông Sáu đánh, con bé không khóc, không la hét mà lặng lẽ gắp trứng bỏ lại vào bát, lấy xuồng sang nhà ngoại.

Những hành động đó chứng tỏ Thu là một cô bé có cá tính mạnh mẽ đến độ ương ngạnh, hành động quyết liệt. Cô bé nhất định không gọi ông Sáu là cha dù bị dồn đẩy đến tình thế nào. Hẳn tiếng “ba” đốì với Thu phải thiêng liêng lắm, con bé mới khó khăn để thốt lên như thế!

Sau khi được giải thích, nhận ra cha, con bé tỏ ra rất hốì hận, day dứt: “Nghe bà kể, nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”; “vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu”; “đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa”. Và khi có cơ hội, tình cảm cha con trong Thu bùng dậy, cháy bỏng, mãnh liệt: “Tiếng kêu của nó như tiếng xé (…) tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang tay ôm lấy cổ ba nó”; “nó hôn ba nó cùng khắp”; “Con bé hét lên, hai tay nó siết chặt lấy cổ (…) nó dang cả hai chân rồi cấu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run”…

Đúng là cô bé có cá tính rất mạnh mẽ, yêu ghét đều quyết liệt, rạch ròi. Mới 8 tuổi nhưng cách xử sự chứng tỏ Thu có những suy nghĩ, tình cảm khá sâu sắc (dù cách biểu hiện vẫn rất trẻ con). Cô bé kiên quyết không dành tình cảm cho người mà nó nghĩ không phải là cha. Nhưng khi nhận ra rồi thì tình cảm ấy thật là mãnh liệt. Tiếng “ba” của Thu có một ý nghĩa thiêng liêng, đầy kiêu hãnh vì thế mới bị đè nén và chỉ được bật ra khi nó chắc chắn ông Sáu đúng là người mà nó hằng yêu quý. Nét tính cách ấy vẫn được lưu giữ đến sau này, ở hình ảnh cô giao liên Thu rất dịu dàng, giàu tình cảm nhưng cũng vô cùng dũng cảm, gan lì.

Nguyễn Quang Sáng rất tài tình trong nghệ thuật miêu tả tâm lí, đặc biệt là tâm lí trẻ thơ. Ông đã tạo ra một tình huống trớ trêu: con bé không nhận cha chỉ vì vết sẹo trên mặt ông và khi nhận ra rồi thì cũng là lúc ông phải lên đường. Trong tình huống ấy, tâm trạng cô bé diễn ra rất hợp lí. Sự thay đổi thái độ tuy đột ngột, làm mọi người bất ngờ nhưng lại rất tự nhiên, vừa phù hợp với thực tế (con bé được giải thích sự khác đi của cha), vừa phù hợp với tính cách Thu (yêu ghét đều mãnh liệt).

Đặc biệt, tác giả một mặt khắc hoạ nét sâu sắc ở nhân vật, đồng thời không hề làm phương hại đến vẻ trẻ thơ của cô bé. Hành động hất cái trứng cá khỏi bát cơm, nói trống không, cố tình khua dây buộc xuồng kêu rổn rảng… đều là cách phản ứng của một đứa trẻ rất ngây thơ, bướng bỉnh. Và khi nhận ra cha, con bé nhất định không cho cha đi, nhưng rồi lại đồng ý “nói trong tiếng nấc, vừa nói vừa từ từ tuột, xuống” chỉ vì lời hứa cha sẽ mua cho một cây lược. Có những chi tiết Nguyễn Quang Sáng đặc biệt tinh tế trong việc miêu tả tâm lí nhân vật như khi ông viết: “đôi mát mênh mông của con bé bỗng xôn xao”; “làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên”. Những chi tiết ấy khiến người đọc thấm thìa hơn tình cảm của cô bé, và vì thế, nó có sức sống và sức biểu cảm lạ kì.

Xem thêm Kiểm tra phần tiếng việt – Ngữ văn lớp 9 tại đây.

3. Câu hỏi 3 (SGK, trang 202)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc lại văn bản để tìm ra những chi tiết miêu tả hành động, cử chỉ, tâm trạng của ông Sáu. Chú ý những sự kiện xảy ra trong hai giai đoạn: lúc ông Sáu về nghỉ phép và khi ông ở căn cứ.

b. Gợi ý trả lời

Tình cảm sâu nặng của ông Sáu dành cho con được bộc lộ trong từng hành động, cử chỉ của ông. Đó là nỗi mong nhớ con trong những năm xa nhà đằng đẵng khiến ông luôn giục vợ đưa con lên thăm. Đó là sự bồn chồn, mong ngóng được gặp con và khi nhìn thấy con rồi, linh tính ngưòi cha cho biết đó đúng là đứa con yêu thương, nỗi xúc động khiến ông “không thể chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên (…) bước vội với những bước dài, rồi dừng lại kêu to”; “vết thẹo dài bên má phải đỏ ửng lên, giần giật” vì xúc động; “giọng lập cập run run”… Niềm xúc động cao độ ấy đã chứng tỏ tình cảm cha con sâu nặng trong ông.

Nhưng, tình cảm ấy không được đền đáp “suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con. Nhưng càng vỗ về, con bé càng đẩy ra”. Chứng kiến sự xúc động, tình cảm của ông Sáu ở trên, chúng ta hiểu được nỗi đau đớn của ông như thế nào trước phản ứng của con. “Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi”. Đến lúc lên đường, ngỡ con vẫn chưa nhận mình, anh chỉ dám nhìn con với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Cái nhìn ấy khiến người đọc xót xa. Khi con bé bất ngờ gọi “ba” và khóc thét lên, ông Sáu thì “một tay ôm con, một tay rút khău lau nưốc mắt”. Những giọt nước mắt hiếm hoi của người đàn ông chứa đựng cả niềm hạnh phúc vô bờ, cả nỗi xót xa của buổi chia li.

Tình cảm của ông Sáu thể hiện đặc biệt sâu sắc trong thời gian ông ở căn cứ, khi đang phải xa con. Khi tìm được một khúc ngà voi đế làm lược cho con, “mặt anh hớn hở như đứa trẻ được quà”. Anh làm chiếc lược bằng tất cả tấm lòng mình, dồn vào đó tất cả nỗi nhớ thương con. “Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cô công như người thợ bạc”; “gò lưng, tẩn mẩn khắc” từng nét chữ… Mỗi lúc nhớ con, ông lại lấy chiếc lược ra ngắm nghía… Phải hiểu hoàn cảnh ác liệt mà ông Sáu đang sống, nơi mà sự sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc mới hiểu tình cảm tha thiết ông Sáu dồn nén trong những hành động tỉ mỉ ấy. Như vậy, qua những hành động này, chúng ta không chỉ nhận ra nét đẹp tình cha con của người cán bộ cách mạng mà còn hiểu được bản lĩnh vững vàng của họ. Họ không hề run sợ, nản lòng trong những hoàn cảnh khó khăn. Những tình cảm gia đình sâu nặng không thôi thúc họ rời hàng ngũ trở lại cuộc sống quê nhà mà trái lại, cổ vũ họ thêm trong chiến đấu. Sự khốc liệt của chiến tranh không thể làm chai sạn con tim giàu lòng yêu thương của họ.

Đồng thòi, việc ông Sáu hi sinh trước khi gặp lại con còn nhấn mạnh khía cạnh đau thương, mất mát mà chiến tranh đã gây ra cho mỗi con ngưòi, mỗi gia đình trên đất nước ta.

4. Câu hỏi 4 (SGK, trang 202)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Xét mối quan hệ giữa nhân vật xưng “tôi” với những người trong cuộc (ông Sáu, bé Thu…). Chú ý mật độ xuất hiện những lời bình luận những cảm nhận mang tính chất chủ quan của nhân vật này với ông Sáu có ảnh hưởng tới ý nghĩa truyện như thế nào.

b. Gợi ý trả lời

Truyện được kể theo lời của nhân vật ông Ba. Ông là bạn cùng quê, thân thiết với ông Sáu. Ông đã cùng ông Sáu về thăm quê một lần năm 1954, cùng chiến đấu và chứng kiến cái chết của ông Sáu, là người nhận cây lược, hứa trao tận tay Thu (và cuối cùng ông đã thực hiện được lời hứa). Như vậy, ông Ba là người bạn trực tiếp chứng kiến câu chuyện trớ trêu của hai bố con ông Sáu. Nhò thế, những lời kể của ông vừa khách quan, cụ thể, chính xác, đáng tin cậy, vừa có sự đồng cảm, chia sẻ của người trong cuộc. Qua ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật kể chuyện, người đọc có thể hiểu rõ hơn về nhân vật, sự việc. Nhịp kể phụ thuộc rất nhiều vào mạch cảm xúc của nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất này. Đôi khi, ông Ba xen vào chuyện, trực tiếp bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc, đánh giá… Câu chuyện vì thế tự nhiên hơn, có cảm giác gần gũi hơn, sống động, cụ thể hơn và cũng gây xúc động hơn với người đọc.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận