Chia sẻ một trải nghiệm – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

BÀI 5

Nói và nghe

Chia sẻ một trải nghiệm về nơi em sống hoặc từng đến

Hẳn là em có nhiều trải nghiệm thú vị về nơi mình sống hoặc từng đến thăm. Hãy chia sẻ những trải nghiệm ấy với mọi người để chúng ta có cơ hội làm phong phú thêm đời sống tâm hồn của mình, mở mang hiểu biết và được truyền cảm hứng khám phá vẻ đẹp của cuộc sống.

1. TRƯỚC KHI NÓI

a. Chuẩn bị nội dung nói

– Hãy nhớ lại những trải nghiệm về nơi em sống hoặc về một vùng đất mà em từng đến thăm. Chọn nói về một trải nghiệm để lại cho em nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất.

Gợi ý: Em có thể kể về những điều đã thấy trên con đường tới trường hay những lần theo cha mẹ, ông bà ra đồng ruộng, lên nương rẫy, đi chợ phiên, dạo phố phường,… Có thể chia sẻ cảm nhận về một khung cảnh thiên nhiên hay một cảnh sinh hoạt mà em trực tiếp quan sát hoặc tham gia nhân một lần về thăm quê hay một chuyến du lịch cùng với gia đình, một buổi tham quan cùng với lớp,… Có thể sử dụng một số chi đã thực hiện trong phần Viết để làm cho nội dung bài nói thêm phong phú.

– Viết ra giấy các ý chính của bài nói. Cần có nội dung giới thiệu hoàn cảnh dẫn đến trải nghiệm mà em muốn chia sẻ (đi tới trường, đi chợ hay dạo phố cùng người thân, về thăm quê hay đi du lịch cùng gia đình, đi tham quan cùng với lớp,…); tả khung cảnh mà em quan sát được (nhộn nhịp, rộn rã, náo nhiệt hay yên tĩnh, bình lặng, hoang sơ,…); nêu những trải nghiệm và ấn tượng nổi bật của em về khung cảnh nơi em nói đến.

– Chuẩn bị tranh ảnh, đoạn phim ngắn,… liên quan đến trải nghiệm (nếu có).

b. Tập luyện

– Tập trình bày một mình hoặc trước bạn bè, người thân và nhờ họ nhận xét, góp ý. Tập luyện nhiều sẽ giúp em hoàn thiện bài nói và tự tin hơn khi trình bày trước lớp.

2. TRÌNH BÀY BÀI NÓI

– Trình bày bài nói một cách rõ ràng, nhấn mạnh những điểm quan trọng.

– Nêu câu hỏi để lôi cuốn người nghe tham gia tương tác.

– Bày tỏ sự hào hứng khi tái hiện, kể về những cảnh, những sự việc mà em đã chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia. Khi nói, kết hợp sử dụng ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, biểu cảm của nét mặt) để thu hút sự chú ý của người nghe.

– Trong khi nói, sử dụng những bức ảnh hay đoạn phim ngắn minh hoạ vào thời điểm thích hợp.

3. SAU KHI NÓI

Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:

Người nghe Người nói
Cùng hình dung đặc điểm của sự vật, sự việc được người nói kể, tả, từ đó nêu ý kiến nhận xét hoặc cảm xúc của mình về bài nói. Lắng nghe và phản hồi những chia sẻ của người nghe một cách tích cực.
Nêu câu hỏi về những điều cần làm rõ thêm: thông tin về lịch sử, địa lí, văn hoá có liên quan đến không gian được nói tới. Giải thích những điều người nghe cần làm rõ.
Góp ý về cách trình bày (ngữ điệu, cách diễn đạt, sự tương tác với người nghe). Cảm ơn và tiếp thu những góp ý với tinh thần cầu thị.

>> Xem thêm: Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt – Ngữ Văn 6 Kết nối tri thức

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận