Các nước Á, Phi, Mĩ – Latinh từ năm 1945 đến nay – Ôn thi vào 10 môn Lịch Sử

Đang tải...

Ôn thi vào 10 môn Lịch sử

A. LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY

Chủ đề 2
CÁC NƯỚC Á, PHI, MĨ LA-TINH TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY

I. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Quá trình phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và sự tan rã của hệ thống thuộc địa
Lịch sử phong trào giải phóng dân tộc và sự tan rã của hệ thống thuộc địa được phân chia thành 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn từ năm 1945 đến giữa những năm 60 của thế kỉ XX: Ở Đông Nam Á, các nước tuyên bố độc lập như In-đô-nê-xia (8/1945), Việt Nam (9/1945), Lào (10/1945). Phong trào lan sang các nước Nam Á và Bắc Phi: Ấn Độ (1946 -1950), Ai Cập (1952 – 1953), An-giê-ri (1954 – 1962). Ở Mĩ Latinh: cách mạng Cu ba thắng lợi (1959). 17 nước châu Phi tuyên bố độc lập (1960). Hệ thống thuộc địa về cơ bản sụp đổ.
Giai đoạn từ giữa những năm 60 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX: Bồ Đào Nha trao trả độc lập cho Ghinê Bítxao (9/1974), Môdămbích (6/1975), Ănggôla (11/1975). Các thuộc địa của Bồ Đào Nha tan rã.
Giai đoạn từ giữa những năm 70 đến giữa những năm 90 của thế kỉ XX: xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Rô-đê-di-a (1980), Tây Nam Phi (1990), Cộng hoà Nam Phi (1993).
Hệ thống thuộc địa sụp đổ hoàn toàn. Lịch sử các dân tộc Ấ, Phi, Mĩ Latinh đã sang một chương mới.
2. Các nước châu Á
a. Tình hình chung:
Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, châu Á bị nô dịch bởi các đế quốc. Đến cuối những năm 50 của thế kỉ XX, các nước châu Á đều giành độc lập (Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xia…). Nửa sau thế kỉ XX, do đế quốc xâm lược quay trở lại xâm lược, tình hình châu Á không ổn định (Đông Nam Á và Tây Á). Sau “chiến tranh lạnh”, một số nước diễn ra xung đột, li khai (Ấn Độ và Pakixtan, Xri Lan-ca, Philippin…)
Châu Á đạt tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Xingapo, Thái Lan…). Dự đoán “Thế kỉ XXI sẽ là thế kỉ của châu Ả”. Ấn Độ thực hiện”cách mạng xanh” trong nông nghiệp, là cường quốc về công nghệ phần mềm, hạt nhân và vũ trụ.
b. Trung Quốc
Từ 1946 – 1949, cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản. Ngày 1/10/1949, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời, kết thúc ách nô dịch của đế quốc và phong kiến, bước vào kỉ nguyên độc lập. Chủ nghĩa xã hội nối liền từ châu Âu sang châu Á.
Sau 20 năm biến động (1959 – 1978), từ năm 1978, Trung Quốc tiên hành cải cách – mở cửa với chủ trương: xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, phát triển kinh tế làm trung tâm, thực hiện cải cách mở cửa, nhằm mục tiêu giàu mạnh, văn minh.
Nền kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, GDP tăng 9,6%, đứng thứ 2 thế giới (2011). Về đối ngoại Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Liên Xô, Mông Cổ, In- đô-nê-xi-a, Việt Nam…; thu hồi Hồng Công (1997), Ma Cao (1999).
3. Các nước Đông Nam Á
a. Tình hình Đông Nam Á trước và sau năm 1945:
Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước Đông Nam Á (trừ Thái Lan) đều là thuộc địa của các nước phương Tây.
Tháng 8 năm 1945, các dân tộc Đông Nam Á nổi dậy giành chính quyền.
Nhưng ngay sau đó, nhiều dân tộc Đông Nam Á lại phải cầm súng tiến hành cầm súng tiến hành kháng chiến chống các cuộc chiến tranh xâm lược trở lại của các nước đế quốc.
Cho tới giữa những năm 50 của thế kỉ XX, các nước Đông Nam Á lần lượt giành độc lập.
Từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX, các nước Đông Nam phân hóa trong chính sách đối ngoại. Tháng 9/1954, Mĩ cùng Anh, Pháp lập khối quân sự Đông Nam Á (SEATO). Thái Lan và Philippin tham gia tổ chức này. Mĩ xâm lược Việt Nam, Lào, Campuchia. In-đô-nê-xia và Miến Điện thi hành chính sách hòa bình trung lập.
b. Sự ra đời và phát triển của tô chức ASEAN
Sự ra đời: yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc, ngày 8/8/1967, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) bởi 5 nước: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po và Thái Lan
Mục tiêu: phát triển kinh tế và văn ho á, duy trì hoà bình và ổn định khu vực. Tháng 2/1976, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á được kí tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a), xác định nguyên tắc hoạt động: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ, giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà bình, hợp tác phát triển.
Từ “ASEAN 6 phát triển thành ASEAN 10”: Năm 1984, Bru- nây trở thành thành viên thứ sáu. Đến những năm 90 của thế kỉ XX, xu hướng nổi bật là mở rộng thành viên: Việt Nam (1995), Lào và Mi-an-ma (1997), Cam-pu-chia (1999). Mười nước Đông Nam Á cùng đứng trong một tổ chức. ASEAN chuyển trọng tâm sang hợp tác kinh tế. Một chương mới đã mở ra trong lịch sử Đông Nam Á.
4. Các nước châu Phi
a. Tình hình chung
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong ữào chống chủ nghĩa thực dân diễn ra sôi nổi, sớm nhất ở Bắc Phi: (1952 – 1953), An-giê-ri (1954 – 1962). Năm 1960 được gọi là “Năm châu Phi” với sự kiện 17 nước thuộc lục địa này tuyên bố độc lập. Sau đó, hệ thống thuộc địa của các nước đế quốc tan rã, các nước châu Phi giành lại được độc lập và chủ quyền.
Từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX, tình hình châu Phi khó khăn, không ổn định (xung đột, nội chiến, đói nghèo, dịch bệnh và nợ nần…). Trong những năm gần đây, dưới sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, châu Phi đã cố gắng giải quyết các xung đột, khắc 16 phục khó khăn về kinh tế, thành lập các tổ chức liên minh khu vực (Liên minh châu Phi)
b. Cộng hòa Nam Phi
Cộng hòa Nam Phi nằm ở cực Nam châu Phi, người da đen là chủ yếu (hơn 70%). Vùng đất Nam Phi trước đây là thuộc địa Kếp của Hà Lan (từ thế kỉ XVII) và sau đó trở thành thuộc địa của Anh (từ thế kỉ XIX). Năm 1961, Liên bang Nam Phi rút khỏi khối Liên hiệp Anh và tuyên bố là nước Cộng hòa Nam Phi.
Trong hơn ba thế kỉ, chính quyền thực dân da trắng Nam Phi thi hành chính sách phân biệt chủng tộc (A-pác-thai). Dưới sự lãnh đạo của “Đại hội dân tộc Phi” (ANC), người da đen đã đấu tranh bền bỉ đòi thủ tiêu chế độ này. Năm 1993, chính quyền người da trắng xóa bỏ chế độ A-pác-thai, trả tự do cho lãnh tụ ANC Nen- xơn Man-đê-la. Năm 1994, Nen-Xơn Man-đê-la trở thành Tổng thống da đen đầu tiên. Chế độ phân biệt chủng tộc đã bị xóa bỏ tại xào huyệt cuối cùng của nó sau hơn ba thế kỉ tồn tại.
5. Các nước châu Mĩ La-tinh
a. Những nét chung
Khác với châu Á và châu Phi, đầu thế kỉ XIX, nhiều nước Mĩ La-tinh giành độc lập, nhưng lại trở thành “sân sau” của Mĩ.
Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ La-tinh có nhiều biến chuyển mạnh mẽ. Mở đầu là cách mạng Cu Ba (1959). Từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỉ XX, cao trào cách mạng bùng nổ, được ví như ” Lục địa bùng cháy” . Đấu tranh vũ trang diên ra ở nhiều nước. Nhiều nước lật đổ chính quyền độc tài, thiết lập chính phủ dân tộc. Do chính sách can thiệp của Mĩ, phong trào cách mạng thất bại ở Chi-lê (1973) và Ni-ca-ra-goa (1991).
Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, các nước Mĩ La-tinh đã đạt được nhiều thành tựu. Từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, các nước Mĩ La-tinh gặp nhiều khó khăn, căng thẳng.
b. Cu Ba – Hòn đảo anh hùng
Với sự giúp đỡ của Mĩ, năm 1952, ở Cu Ba, tướng Ba-ti-xta đã đảo chính, thiết lập chế tài quân sự, xóa bỏ bản Hiến pháp tiến bộ…
Ngày 26/7/1953, dưới sự chỉ huy của Phi-đen Ca-xtơ-rô, cuộc tấn công vào pháo đài Môn-ca-đa đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh trên toàn đảo với một thế hệ chiến sĩ cách mạng mới – trẻ tuổi. Được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân, lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh và phong trào đấu tranh lan rộng ra cả nước. Ngày 1/1/1959, chế độ độc tài bị lật đổ, cách mạng giành được thắng lợi.
Năm 1961, Cuba tiến lên chủ nghĩa xã hội.Trong xây dựng đất nước, dù bị Mĩ cấm vận, Cu Ba vẫn giành được những thắng lợi to lớn: công nghiệp với cơ cấu các ngành hợp lý, nông nghiệp đa dạng; giáo dục, y tế, văn hoá và thể thao phát triển mạnh mẽ, đạt trình độ cao của thế giới.

II. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
1. Quá trình phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và sự tan rã của hệ thống thuộc địa
Câu 1. Ngay sau khi được tin phát xít Nhật đầu hàng, những quốc gia nào đã nhanh chóng nổi dậy giành chính quyền và tuyên
bố độc lập trong năm 1945?
A. In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Lào.
B. Ấn Độ, Campuchia, Lào.
C. Việt Nam, Ai Cập, An-giê-ri.
D. Việt Nam, Campuchia, In-đô-nê-xi-a.
Câu 2. Cho các dữ liệu sau: (1) cách mạng Cu ba thắng lợi. (2) 17 nước châu Phi tuyên bố độc lập. (3) Ấn Độ tuyên bố độc lập. Em hãy sắp xếp theo đúng thứ tự thời gian về quá trình phát triển của phong trào giải phóng dân tộc trong giai đoạn đầu (năm 1945 đến giữa những năm 60 của thế kỉ XX).
A. 1,2,3               B. 2,3,1
C. 3,1,2               D. 3,2,1
Câu 3. Phong trào giải phóng dân tộc trong giai đoạn từ năm 1945 đến giữa những năm 60 của thế kỉ XX đã thu được kết quả là:
A. 17 nước châu Phi tuyên bố độc lập vào năm 1960.
B. xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc.
C. hệ thống thuộc địa về cơ bản sụp đổ.
D. hệ thống thuộc địa sụp đổ hoàn toàn.
Câu 4. SGK Lịch sử 9, Nxb Giáo dục 2015, tr 14 có viết: “Nét nổi bật của giai đoạn này là phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân các nước Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích và Ghi-nê Bít-xao nhằm lật đổ ách thống trị của Bồ Đào Nha”. Đoạn trích này đề cập đến nội dung của giai đoạn đấu tranh:
A. từ năm 1945 đến giữa những năm 60 của thế kỉ XX.
B. từ giữa những năm 60 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX.
C. từ năm 1945 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX.
D. từ giữa những năm 70 đến giữa những năm 90 của thế kỉ XX.
Câu 5. Nơi khởi đầu của phong trào giải phóng dân tộc từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là:
A. Nam Á.                 B. Bắc Phi.
C. Đông Nam Á.       D. Mĩ La-tinh.
Câu 6. Hình thức cuối cùng còn tồn tại của chủ nghĩa thực dân vào giai đoạn từ cuối những năm 70 của thế kỉ XX là:
A. chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.
B. chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
C. chế độ độc tài thân Mĩ.
D. chế độ phân biệt chủng tộc (A-pác-thai).
Câu 7. Ý nào dưới đây giải thích không đúng về nguyên nhân đưa đến sự tan rã các thuộc địa Bồ Đào Nha từ giữa những năm 70 của thế kỉ XX?
A. nhân dân ba nước Ghinê Bítxao, Môdămbích, Ănggôla đấu tranh vũ trang.
B. chế độ độc tài ở Bồ Đào Nha bị lật đổ.
C. chính quyền mới ở Bồ Đào Nha chấp nhận trao trả độc lập.
D. chính quyền da trắng xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc.
2. Các nước châu Á
Câu 8. Theo em, biến đổi quan trọng nhất của châu Á từ sau chiến tranh thế giới thứ hai là
A. phần lớn các dân tộc đều giành độc lập.
B. tình hình chính trị không ổn định.
C. diễn ra những cuộc xung đột, li khai.
D. tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Câu 9. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Ấn Độ đã tự túc lương thực cho hơn một tỉ người nhờ:
A. thâm canh trong nông nghiệp
B. tăng diện tích trồng cây lương thực
C. thực hiện “Cách mạng xanh” trong nông nghiệp
D. tiến hành “Cách mạng trắng” trong chăn nuôi
Câu 10. Sự ra đời của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (1949) là kết quả trực tiếp của
A. sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nhật
B. cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến
C. cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản

D. cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân phương Tây
Câu 11. Tính chất của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Quốc (1946 – 1949) đưa đến sự thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là
A. một cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới
B. một cuộc cách mạng vô sản
C. một cuộc nội chiến
D. một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Câu 12. Ý nghĩa quốc tế về sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là :
A. chấm dứt hơn 100 năm nô dịch và thống trị của đế quốc
B. chấm dứt ách nô dịch của hàng nghìn năm phong kiến
C. bước vào kỉ nguyên mới độc lập
D. hệ thống xã hội chủ nghĩa nối liền từ châu Âu sang châu Á
Câu 13. Nguyên nhân quyết định nhất buộc Trung Quốc phải tiến hành cải cách – mở cửa vào năm 1978 là gì?
A. Do cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973
B. Tác động của cuộc cách mạng khoa học – kỉ thuật
C. Trung Quốc khủng hoảng về mọi mặt
D. Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô
Câu 14. Đường lối cải cách – mở cửa của Trung Quốc từ năm 1978 hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, đưa Trung Quốc trở thành
A. một quốc gia giàu mạnh, văn minh
B. một cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới
C. một cường quốc quân sự đứng đầu thế giới
D. “một cực” của trật tự hai cực
Câu 15. Nội dung trọng tâm nhất của “Đường lối mới” trong công cuộc cải cách – mở cửa của Trung Quốc là
A. xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc
B. đổi mới chính trị là nền tảng để đổi mới kinh tế
C. lấy phát triển kinh tế làm trung tâm
D. lấy đổi mới chính trị làm trung tâm
Câu 16. Cuối những năm 90 của thế kỉ XX, những vùng lãnh thổ nào đã “trở về” với lãnh thổ của Trung Quốc?
A. Hồng Công và Đài Loan
B. Hồng Công và Ma Cao
C. Đài Loan và Ma Cao
D. Hồng Công và đảo Điếu Ngư
Câu 17. Bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi công cuộc xây dựng đất nước Ấn Độ và cải cách – mở cửa của Trung Quốc là
A. thực hiện “cách mạng xanh” trong nông nghiệp.
B. đẩy mạnh “cách mạng chất xám”.
C. ứng dụng các thành tựu của cách mạng khoa học kĩ thuật.
D. mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế.
3. Các nước Đông Nam Á
Câu 18. SGK Lịch sử 9, Nxb Giáo dục 2015, tr 21 có nhận xét: từ sau năm 1945, Đông Nam Á đã trở thành một khu vực của các quốc gia đã giành độc lập tự do và đạt nhiều thành tựu to lớn đầy ấn tượng trong xây dựng đất nước và hợp tác phát triển”. Minh chứng tiêu biểu cho những thành tựu đó là
A. trở thành các quốc gia độc lập
B. phân hóa trong chính sách đối ngoại
C. sự ra đời và phát triển của tổ chức ASEAN
D. tăng trưởng kinh tế nhanh chóng
Câu 19. Vì sao một số quốc gia Đông Nam Á đã tuyên bố độc lập (1945), nhưng sau đó vẫn phải tiếp tục kháng chiến?
A. Đế quốc Âu – Mĩ quay trở xâm lược
B. Quân phiệt Nhật vẫn chưa được giải giáp
C. Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược
D. Đế quốc Mĩ dựng lên chính quyền thân Mĩ
Câu 20. Yếu tố quan trọng nhất đưa đến sự phân hóa trong chính sách đối ngoại của các nước Đông Nam Á từ những năm 50 của thế kỉ XX là
A. sự tác động trật tư thế giới hai cực
B. chính sách can thiệp của Mĩ
C. nhiều nước đang đấu tranh giành độc lập
D. sự chia rẽ từ trong quá khứ
Câu 21. Ý nào dưới đây giải thích không đúng về bối cảnh lịch sử đưa đến xu hướng mở rộng thành viên của tổ chức ASEAN từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX?
A. “Chiến tranh lạnh” đã kết thúc
B. Vấn đề Campuchia đã được giải quyết
C. Chống lại sự hình thành trật tự “đa cực”
D. Tình hình chính trị khu vực được cải thiện
Câu 22. Hiệp ước Bali (2/1976) đã xác định nhiều nguyên tắc hoạt động cơ bản trong quan hệ giữa các nước ASEAN, ngoài trừ nguyên tắc nào?
A. Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
B. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau
C. Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình
D. Mọi quyết định phải có sự nhất trí của 5 nước sáng lập
Câu 23. Từ những năm 90 của thế kỉ XX đến nay, ASEAN đã chuyển trọng tâm hoạt động sang hợp tác trên lĩnh vực nào?
A. Chính trị
B. Kinh tế
C. Quân sự
D. Giáo dục
Câu 24. Quốc gia duy nhất của khu vực Đông Nam Á được lọt vào danh sách những “con rồng” kinh tế của châu Á là
A. Thái Lan
B. Brunây
C. Xingapo
D. Inđônêxia
Câu 25. Sự khởi sắc của tổ chức ASEAN được đánh dấu từ khi
A. thông qua Tuyên ngôn thành lập ASEAN, xác định mục tiêu tổ chức
B. Kí Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, xác định nguyên tắc hoạt động
C. “Vấn đề Campuchia” được giải quyết
D. Kí Hiến chương ASEAN
4. Các nước châu Phi
Câu 26. Phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi diễn ra sôi nổi từ những năm 50 của thế kỉ XX, mở đầu ở
A. Bắc Phi
B. Tây Nam Phi
C. Đông Phi
D. Nam Phi
Câu 27. Lịch sử ghi nhận năm 1960 là “Năm của châu Phi” vì
A. tất cả các nước đêu giành được độc lập
B. hệ thống thuộc địa tan rã hoàn toàn
C. có tới 17 nước tuyên bố độc lập
D. chế độ phân biệt chủng tộc ở châu Phi bị xóa bỏ
Câu 28. Kẻ thù chủ yếu trong phong trào giải phóng dân tộc của người dân da đen ở Cộng hòa Nam Phi là
A. chủ nghĩa thực dân cũ
B. chế độ phân biệt chủng tộc A-pác-thai.
C. chủ nghĩa thực dân mới.
D. chế độ độc tài thân Mĩ
Câu 29. Nen-xơn Man-đê-la là lãnh tụ nổi tiếng của
A. Cách mạng Cu Ba
B. Phong trào giải phóng dân tộc ở An-giê-ri.
C. Phong tràơ giải phóng dân tộc ở Ấn Độ
D. Cuộc đâu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi
Câu 30. Phương pháp đấu tranh chủ yếu mà các nước châu Phi sử dụng để chống chế độ thực dân là
A. phương pháp chính trị B. đấu tranh kinh tế
C. đấu tranh nghị trường D. phương pháp vũ trang
Câu 31. Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) ở Việt Nam ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến phong trào giải phóng dân tộc ở nước nào của châu Phi?
A. Ai Cập
B. Tuynidi
C. Ăngôla
D. Angiêri
5. Các nước châu Mĩ La-tinh
Câu 32. Từ đầu những năm 60 đến những năm 80 của thế kỉ XX, khu vực Mĩ La-tinh được ví như “Lục địa bùng cháy” vì
A. Khu vực này thường xuyên xảy ra cháy rừng
B. Cao trào đấu tranh vũ trang bùng nổ mạnh mẽ
C. Cách mạng Cu ba thắng lợi rực rỡ
D. Các nước này đều giành độc lập
Câu 33. Nước được mệnh danh là “Hòn đảo anh hùng” trong phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh là
A. Achentina
B. Chilê
C. Nicaragoa
D. Cu Ba
Câu 34. Kẻ thù chủ yếu của phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực Mĩ-Latinh là
A. chế độ phân biệt chủng tộc
B. chủ nghĩa thực dân cũ
C. chủ nghĩa thực dân mới
D. chế độ phong kiến
Câu 35. Phong trào đấu tranh của nhân dân các nước Mĩ La-tinh diễn ra dưới hình thức nào là chủ yếu?
A. Bãi công của công nhân
B. Đấu tranh vũ trang
C. Đấu tranh chính trị
D. Đấu tranh báo chí
Câu 36. Năm 1973, nguyên thủ nước ngoài duy nhất đã đến tận vĩ tuyến 17 của Việt Nam để động viên đồng bào, chiến sĩ ta nơi tuyến lửa trong thời kì kháng chiến chống Mĩ là:
A. Phiđen Cáttơrô
B. Nenxơn Manđêla
C. G Nêru
D. Mao Trạch Đông

 

Đáp án chủ đề 2

>> Tải về file đầy đủ TẠI ĐÂY.

>> Xem thêm:

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận