Các kĩ năng cần có khi tạo lập văn bản (tiếp theo) – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

A – CÁC Kĩ NĂNG CẦN CÓ KHI TẠO LẬP VĂN BẢN (TIẾP THEO)

*NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý 

III – MẠCH LẠC TRONG VĂN BẢN

1. Ghi nhớ

  • Văn bản cần phải mạch lạc.
  • Một văn bản có tính mạch lạc là văn bản :

– Các phần, các đoạn, các câu trong văn bản đều nói về một đề tài, biểu hiện một chủ để chung xuyên suốt.

– Các phần, các đoạn, các câu trong văn bản được tiếp nối theo một trình tự rõ ràng, hợp lí, trước sau hô ứng nhau nhằm làm cho chủ đề liền mạch và gợi được nhiều hứng thú cho người đọc (người nghe).

2. Bài tập

Bài tập 9. Đọc văn bản sau :

“Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng – những màu vàng rất khác nhau. Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra thì trông thấy màu trời có vàng hơn thường khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, như những tràng chuỗi hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng… Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, đốt ngầu phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới… Tất cả đượm một màu vàng trù phú, đầm ấm lạ lùng. Không còn có cảm giác héo tàn hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông”.

(Tô Hoài)

a) Màu sắc, dáng vẻ của cảnh vật bừng lên tràn đầy sức sống nhờ một số từ ghép và từ láy. Chỉ ra các từ đó.

b) Văn bản trên có đủ bố cục ba phần không ? Có sự liên kết văn bản không ? Tìm hiểu sự mạch lạc của văn bản. So với văn bản tự sự của Bài tập 8, sự mạch lạc của văn bản miêu tả này có gì khác không ?

Bài tập 10. Tìm hiểu và chỉ ra sự mạch lạc được thể hiện rõ nét trong văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê (Khánh Hoài).

Nêu cảm nhận của em về hình tượng nghệ thuật “Cuộc chia tay của những con búp bê”.

IV- QUÁ TRÌNH TẠO LẬP VĂN BẢN

1. Ghi nhớ

Để làm nên một văn bản, người tạo lập văn bản phái lần lượt thực hiện các bước sau :

– Định  hướng chính xác : Văn bản viết (nói) cho ai, để làm gì, về cái gì và như thế nào ?

– Tìm ý và sắp xếp ý để có một bố cục rành mạch, hợp lí, thể hiện đúng định hướng trên.

– Diễn đạt các ý đã ghi trong bố cục thành những câu, đoạn văn chính xác, trong sáng, mạch lạc và liên kết chặt chẽ với nhau.

– Kiểm tra xem văn bản vừa tạo lập có đạt các yêu cầu đã nêu ở trên chưa và có cần sửa chữa gì không.

2. Bài tập

Bài tập 11. Có bốn đoạn văn được cắt rời như sau :

Đoạn 1 :

Còn nhiều lắm, những điều chúng ta có thể biết trước được sự việc sẽ diễn ra ; nhưng cũng còn rất nhiều điều vẫn ở trong bức màn bí mật, đang chờ tri thức của chúng ta tiếp tục khám phá. Tri thức là một “không gian” mênh mông, không có giới hạn. Nhưng tri thức bao giờ cũng đi cùng thời gian. Tri thức sẽ đến với ta khi ta biết tận dụng thời gian để giành lấy. Và tri thức cũng ra đi cùng thời gian, nếu ta không biết cách chiếm lấy nó. Có khi nào thức dậy bạn tự hỏi hôm qua mình để mất những gì và đã giành được những gì không nhỉ ?

Đoạn 2 :

Thời gian và tri thức là vấn đề muôn thuở thú vị của nhân loại, đặc biệt của tuổi học trò.

Đoạn 3 :

Hãy biết chạy đua với thời gian để giành lấy tri thức. Tri thức đang chờ bạn ở phía trước.

Đoạn 4 :

Bằng tri thức học hỏi được, tuy chưa đến tuổi trưởng thành, cũng có thể biết trước nhiều sự việc. Nhìn kiến và mối vội vã bò hết lên cây một cách không bình thường, ta biết ngay rằng trời sắp mưa to. Nếu chúng lại tràn hết ra mặt đất thì trời sẽ nắng rất to. Bị lạc trong rừng dày, hãy sờ lên vỏ cây thấy phía nào nóng ắt là phía tây, ta có thể xác định được hướng để tìm ra lối về. Khi cưỡi ngựa đi đường, hễ ngựa dừng đột ngột, chân sau đá không ngớt và đầu rúc vào bụi cậy thì phía trước nhất định có hổ dữ đấy. Đêm khuya không có đồng hồ, nếu thấy hoa quỳnh nở hết, ta vẫn biết lúc này khoảng 12 giờ đêm. Người bác sĩ giỏi chỉ cần nhìn thể trạng của người bệnh, cũng có. thể biết được người đó mắc bệnh gì. Và chỉ cần nhìn dáng đi, giọng nói và cử chỉ của một người nào đó, người có kinh nghiệm có thể biết người đó là người có tính cách như thế nào…

a) Sắp xếp các đoạn văn bị cắt rời trên thành một văn bản. Việc ấy có thể thực hiện được hay không ? Trình bày lí do.

b) Sau khi sắp xếp các đoạn để tạo thành một văn bản, hãy chỉ ra bố cục của văn bản. Chỉ ra sự liên hệ chặt chẽ giữa các đoạn về nội dung và hình thức.

c) Đặt đầu đề cho văn bản.

d) Văn bản trên người viết dự định viết cho đối tượng nào ? Giọng điệu và ngôn ngữ có phù hợp không ? Nếu viết cho đối tượng đó thì mục đích của bài viết là gì ?

Bài tập 12.

Thực hiện các bước để tạo lập văn bản cho đề văn sau :

“Miêu tả vẻ đẹp một phong cảnh của quê hương, đất nước mà em có dịp tham quan trong những ngày nghỉ hè vừa qua.”

V – LUYỆN TẬP TẠO LẬP VĂN BAN

1. Ghi nhớ

Các bước tạo lập văn bản nên làm đầy đủ, hiệu quả tạo lập văn bản mới đạt được như mong muốn.

2. Bài tập

Bài tập 13. Đề tài của Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 32 như sau :

“Tôi viết thư trao đổi với bạn : làm thế nào chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.

Em hãy thực hiện toàn bộ quá trình tạo lập văn bản để viết được bức thư gửi đi dự thi.

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm: 

Hướng dẫn giải bài tập: Các kỹ năng cần có khi tạo lập văn bản tại đây. 

Tìm hiểu chung về văn biểu cảm – Ngữ Văn lớp 7 nâng cao tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận