Các kĩ năng cần có khi tạo lập văn bản – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

Phần một

BÀI TẬP RÈN KĨ NĂNG TẠO LẬP VĂN BẢN 

A – CÁC Kĩ NĂNG CẦN CÓ KHI TẠO LẬP VĂN BẢN

*NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý

1. Văn bản là một thể thống nhất, hoàn chỉnh về nội dung và hình thức. Đặc điểm của văn bản là có thể dựa vào nội dung để đặt nhan đề cho văn bản ấy.

2. Muốn tạo lập văn bản, cần biết cách liên kết các phần, các đoạn trong văn bản (một thuộc tính quan trọng của văn bản) ; cần thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng bố cục khi tạo lập văn bản ; cần có những hiểu biết bước đầu về mạch lạc trong văn bản – giúp cho văn bản đỡ đứt đoạn hoặc quẩn quanh, sau đó mới viết. .

Toàn bộ các thao tác đã nêu chính là quá trình tạo lập văn bản mà đầu năm học lớp 7, học sinh cần rèn luyện và còn tiếp tục rèn luyện ở các lớp sau.

*CÁC DẠNG BÀI TẬP

I – LIÊN KẾT TRONG VĂN BẢN

1. Ghi nhớ

  • Liên kết là một trong những tính chất quan trọng nhất của văn bản, làm cho văn bản trở nên có nghĩa, dễ hiểu.
  • Để văn bản có tính liên kết, người viết (người nói) phải làm cho nội dung của các câu, các đoạn thống nhất và gắn bó chặt chẽ với nhau ; đồng thời phải biết kết nối các câu, các đoạn đó bằng những phương tiện ngôn ngữ (từ, câu,…) thích hợp.

2. Bài tập

Bài tập 1. Có một tập hợp câu như sau :

(1) Chiếc xe lao mỗi lúc một nhanh. (2) “Không được ! Tôi phải đuổi theo nó, vì tôi là tài xế chiếc xe mà !” (3) Một chiếc xe ô tô buýt chở đầy khách đang lao xuống dốc. (4) Thấy vậy, một bà thò đầu ra cửa, kêu lớn : (5) Một người đàn ông mập mạp, mồ hôi nhễ nhại đang gắng hết sức chạy theo chiếc xe. (6) “Ông ơi ! Không kịp được đâu ! Đừng đuổi theo vô ích !” (7) Người đàn ông vội gào lên.

a) Sắp xếp lại tập hợp câu trên theo một thứ tự hợp lí để có được một văn bản mang tính liên kết chặt chẽ.

b) Theo em, có thể đặt đầu đề cho văn bản ở trên được không ?

c) Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì ?

A – Tự sự

B – Biểu cảm

C – Miêu tả

D – Nghị luận

d) Viết một đoạn văn (từ 6 đến 8 câu) nêu cảm nghĩ của em về văn bản trên.

Bài tập 2. Cho đoạn Văn :

“En-ri-cô này ! Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó”.

(Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, Mẹ tôi)

a) Đoạn văn có ba câu. Theo em, có thể đổi chỗ câu thứ hai và câu thứ ba không ? Vì sao ?

b) Trong đoạn văn trên có những từ ghép nào ? Những từ ghép ấy nói về lĩnh vực nào trong cuộc sống con người ?

c) Nội dung đoạn văn trên nói về vấn đề gì ? (Trả lời gọn trong một câu.)

Viết ra ít nhất hai bài ca dao có cùng nội dung đó.

Bài tập 3. Con hổ có nghĩa (SGK Ngữ văn 6, tập một) là một văn bản văn học trung đại.

Có bạn đã nhận xét văn bản trên liên kết không chặt chẽ vì không có đủ bố cục ba phần của một văn bản ; truyện về hai con hổ rời rạc, không liên kết với nhau : con hổ thứ nhất liên quan tới bà đỡ Trần ở huyện Đông Triều (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), con hổ thứ hai lại liên quan tới bác tiều phu ở huyện Lạng Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Bạn đó đề nghị sửa chữa lại.

Ý kiến của em về vấn đề trên như thế nào ?

Bài tập 4. Cho hai đoạn văn sau :

“… Mẹ đắp mền cho con, buông mùng, ém góc cẩn thận, rồi bỗng không biết làm gì nữa. Mọi ngày, khi con đã ngủ, mẹ dọn dẹp nhà cửa. Mẹ lượm những chiếc xe thiết giáp dưới gầm ghế, cạnh chân bàn, những chú rô-bốt bằng nhựa đứng ngồi khắp nơi, và giữa nhà là đoàn quân thú dàn trận trong một cuộc chiến tranh Sư Tử – Khủng Long mà ngày nào con cũng bày ra. Căn nhà mình chỉ tạm ngăn nắp, gọn gàng từ khi con ngủ cho đến sáng hôm sau.

Nhưng hôm nay tất cả những việc đó con đã giúp mẹ làm từ chiều. Mẹ nói : “Ngày mai đi học, con là cậu học sinh lớp Một rồi”. Nghe vậy con hăng hái tranh với mẹ dọn dẹp đồ chơi…”.

(Lý Lan, Cổng trường mở ra)

a) Viết ra những từ ghép có trong hai đoạn văn trên. Em có nhận xét gì về số lượng từ ghép trong văn bản ? “Xe thiết giáp” có phải là từ ghép không ?

b) Có bạn nhận xét hai đoạn văn trên liên kết với nhau rất chặt chẽ về cả hình thức và nội dung. Có bạn lại cho rằng hai đoạn văn đó có trình tự thời gian lộn xộn : đoạn một là thời gian buổi tối, đêm khuya, khi con đã đi ngủ rồi ; đoạn hai lại là thời gian buổi chiều. Ý kiến của em thế nào ?

c) Qua xưng hô và cách dùng từ trong phần văn bản trích trên, em có nhận ra hai nhân vật mẹ và con là người vùng nào trên đất nước Việt Nam ta không ?

Bài tập 5. Viết một đoạn văn (từ 12 đến 15 câu) nói về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong ngày khai trường đầu tiên của em. Trong đó, hãy thể hiện rõ sự liên kết tự nhiên, hợp lí của các câu trong đoạn.

Bài tập 6. Viết một bài văn tự sự kể lại cho bố mẹ em nghe một câu chuyện lí thú, cảm động hoặc vui vẻ… mà em đã gặp trong lớp, trong trường em.

a) Chỉ ra sự liên kết giữa các phần, các đoạn trong bài văn em vừa viết.

b) Sau khi kể lại chuyện này cho bố mẹ nghe, em nhân được sự đồng tình hay không đồng tình ?

II – BỐ CỤC CỦA VĂN BẢN

1. Ghi nhớ

  • Văn bản không thể được viết một cách tuỳ tiện, mà phải có bố cục rõ ràng. Bố cục là sự bố trí, sắp xếp các phần, các đoạn theo một trình tự, một hệ thống rành mạch và hợp lí.
  • Các điều kiện để bố cục được rành mạch và hợp lí:

– Nội dung các phần, các đoạn trong văn bản phải thống nhất, liên hệ chặt chẽ với nhau, đồng thời, giữa chúng lại phải có sự phân biệt rạch ròi.

– Trình tự xếp đặt các phần, các đoạn phải giúp cho người viết (người nói) dễ dàng đạt được mục đích giao tiếp đã đặt ra.

  • Văn bản thường được xây dựng theo một bố cục gồm có ba phần : Mở bài, Thân bài, Kết bài.

2. Bài tập

Bài tập 7. La Phông-ten – nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng người Pháp – đã viết câu chuyện – bài thơ như sau :

Một anh chàng có con gà quý

Mỗi một ngày đẻ một trứng vàng 

Chàng ta muốn chóng giàu sang

Đem gà mổ thịt moi vàng cho nhanh

Nào ngờ đâu khi phanh bụng nó

Chỉ thấy toàn loại trứng thường ăn

Thói đời muốn bốc thật nhanh

Thì hay dẫn tới tay không sớm chiều

Xưa nay thơm quá thành liều

Cho nên chì mất kéo theo cả chài.

a) Hãy đặt tên cho bài thơ.

b) Bài thơ trên – một văn bản – có được xây dựng theo bổ cục ba phần không ? Nếu có, hãy chỉ rõ và nêu tiêu đề của từng phần. Giải thích vì sao em phân chia như thế ?

c) Chuyển bài thơ thành văn xuôi. Bài thơ giáo dục con người điều gì ?

Bài tập 8. Đọc văn bản sau :

“Ngày xưa có một em bé gái đi tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Em được Phật trao cho một bông cúc. Sau khi dặn em cách làm thuốc cho mẹ, Phật nói thêm : “Hoa cúc có bao nhiêu cánh, người mẹ sẽ sống thêm bấy nhiêu năm”. Vì muốn mẹ sống thật lâu, cô bé dừng lại bên đường tước các cánh hoa ra thành nhiều cánh nhỏ. Từ đó hoa cúc có rất nhiều cánh… Ngày nay, cúc vẫn được dùng chữa bệnh. Tên y học của cúc là Liệu Chi”.

a) Phân tích bố cục, sự liên kết của văn bản tự sự trên.

b) Có thể đặt tên cho câu chuyện trên thế nào ?

c) Cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện.

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm: 

Các kĩ năng cần có khi tạo lập văn bản (tiếp theo) – Ngữ Văn 7 nâng cao tại đây. 

Hướng dẫn giải bài tập: Các kỹ năng cần có khi tạo lập văn bản tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận