Các bài văn cảm thụ thơ văn lớp 3 (phần 2) – Luyện tập làm văn 3

Đang tải...

Bài số 11

Vẽ quê hương

                                   Định Hải

 

Bút chì xanh đỏ

Em gọt hai đầu

Em thử hai màu

Xanh, tươi, đỏ thắm.

Em vẽ làng xóm

Tre xanh, lúa xanh

Sông máng lượn quanh

Một dòng xanh mát

Trời mây bát ngát

Xanh ngắt mùa thu

Xanh màu ước mơ…

Em quay đầu đỏ

Vẽ nhà em ở

Ngói mới đỏ tươi

Trường học trên đồi

Em tô đỏ thắm

Cây gạo đầu xóm

Hoa nở chói ngời

A, nắng lên rồi

Mặt trời đỏ chót

Lá cờ Tổ quốc

Bay giữa trời xanh…

Chị ơi bức tranh

Quê ta đẹp quá!

 

Cảm nhận của em về bài thơ “Vẽ quê hương” của Định Hải.

Bài làm

Vẽ quê hương của Định Hải là một bài thơ hay và giản dị, nói lên tình yêu quê hương đất nước.

Chỉ bằng chiếc bút chì xanh đỏ mà họa sĩ tí hon vẽ nên bức tranh quê hương với bao cảnh vật và sắc màu tuyệt vời. Là cảnh làng xóm, sông máng đồng quê. Là bầu trời thu. Là ngôi nhà ngói mới, là trường học trên đồi. Là hoa gạo, là mặt trời, là lá cờ Tổ quốc,…

Mỗi một cảnh vật được vẽ bằng một màu sắc riêng cho thấy nghệ thuật phối sắc tài tình của họa sĩ tí hon. Có màu xanh của tre và lúa. Có màu xanh mát của sông máng dòng kênh. Có màu xanh ngắt của trời thu. Lại có màu đỏ tươi ngói mới nhà em, màu đỏ thắm của trường học trên đồi. Còn có hoa gạo “chói ngời” khoe sắc trên cây gạo đầu xóm. Màu “đỏ chót” của mặt trời lá cờ Tổ quốc “bay giữa trời xanh”.

Em bé vừa vẽ vừa sung sướng reo lên:

 

A nắng lên rồi …

Chị ơi bức tranh

Quê ta đẹp quá!

 

Bức tranh quê hương rất đẹp vì họa sĩ tí hon tha thiết yêu quê hương. Bài thơ giản dị, ngộ nghĩnh đã chinh phục được trái tim bao bạn đọc.

Bài số 12

Cảm nhận của em sau khi đọc bài “Chõ bánh khúc của dì tôi”.

Bài làm

Món ăn của dân tộc ta thật phong phú, đa dạng và ngon lành. Chỉ riêng về bánh đã có hàng trăm thứ. Bánh chưng, bánh giầy, bánh trôi, bánh cuốn, bánh bèo, bánh ít, bánh gai,… mới nói đến đã thấy ngon rồi, rất thèm ăn. Bánh khúc bình dân được Ngô Văn Phú nhắc đến một cách đậm đà, gợi cảm.

Cây rau khúc đã mấy ai để ý đến? Nó rất nhỏ, chỉ bằng “một mầm cỏ non mới nhú”. Lá rau “như mạ bạc”, “như được phủ một lượt tuyết cực mỏng”. Sáng sớm, cây rau khúc bé nhỏ ấy “đọng trên lá long lanh” nhũng hạt sương “như những bóng đèn pha lê”.

Bà dì của tác giả có đôi bàn tay khéo léo đã chế biến thành những chiếc bánh khúc dân dã ngon lành. Ngủ dậy, đứa cháu nhìn thấy chõ bánh khúc của dì như trong mơ. Mới mở vung, đã thấy hơi nóng bốc lên nghi ngút. Những chiếc bánh khúc đặt vào lá chuối hơ qua lửa thật mềm “trông đẹp như những bông hoa”. Bánh màu rêu xanh lấp ló trong áo xôi nếp trắng mới nhìn thấy đã muốn ăn rồi. Nhân bánh là một sự hòa hợp tuyệt vời giữa bao màu sắc, hương vị: một viên đậu xanh giã nhỏ vàng ươm, xen một thỏi mỡ xinh xắn, pha hạt tiêu. Vị của bánh khúc “thơm ngậy, hăng hắc”, chỉ cắn một miếng đã cảm thấy “cả hương đồng, cỏ nội” gói vào trong đó.

Đã bao năm rồi, mà đứa cháu vẫn không quên được hương vị chiếc bánh khúc dân dã vì nó được làm nên bằng sản phẩm của đồng quê, nó thấm đượm hương đồng cỏ nội, nó mang hương vị đậm đà của quê hương. Chiếc bánh khúc bình dị ấy còn mang theo cả tấm lòng, nét tài hoa khéo léo của người phụ nữ Việt Nam, của bà, của mẹ, của cô, của dì, của chị trong mỗi gia đình chúng ta.

Bài số 13

Cảnh đẹp non sông

Hãy dựa vào các câu hỏi sau để làm bài văn nói lên cảm nghĩ của mình sau khi học những câu ca dao về “Cảnh đẹp non sông”:

1. Mỗi câu ca dao nói đến một vùng. Đó là những vùng nào?

2. Mỗi vùng có cảnh gì đẹp?

3. Theo em, câu “Hỏi ai xây dựng nên non nước này?” là để hỏi ai?

Hãy trả lời câu hỏi trong bài ca dao.

*Nhớ học thuộc lòng 6 bài ca dao này.

Bài làm

Trong số hàng ngàn, hàng vạn bài ca dao còn lưu truyền đến ngày nay, có rất nhiều bài nói về quê hương đất nước. Sáu bài ca dao ca ngợi “Cảnh đẹp non sông” là những bài thơ dân gian hay nhất, được nhiều người yêu thích và học thuộc. Năm bài ca dao đầu viết bằng thơ lục bát, bài thứ sáu viết bằng thơ bảy chữ (còn gọi là thơ thất ngôn).

Mỗi bài ca dao nói đến một vùng quê trên đất nước ta, từ miện Bắc, miền Trung đến miền Nam. Câu một nói về Lạng Sơn, một tỉnh phía Bắc giáp Trung Quốc. Câu hai nói về Thăng Long – Hà Nội. Đường vô xứ Nghệ được miêu tả ở câu ca dao thứ ba. Câu thứ bốn nói về Quảng Nam – Đà Nẵng. Câu thứ năm nói về Gia Định, Đồng Nai. Câu thứ sáu nói về Đồng Tháp Mười, nay thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, thuộc miền Tây Nam Bộ. Đọc sáu bài ca dao này, ta như được đi thăm thú bao cảnh đẹp hữu tình của non sông.

Mỗi vùng quê có bao cảnh đẹp được nói đến. Phố Kì Lừa, nàng Tô Thị (núi Vọng Phu), chùa (động) Tam Thanh của xứ Lạng. Thăng Long – Hà Nội là Thủ đô nước ta “nơi ngàn năm văn vật” có hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút,… là những di tích lịch sử, di tích văn hóa rất nổi tiếng mà nhiều bạn nhỏ gần xa đã được biết, đã từng đến thăm quan.

Câu thứ ba* là cảnh đẹp “đường vô xứ Nghệ” gợi tả cảnh trí non sông từ Bắc vào. Con đường “quanh quanh” uốn khúc hùng vĩ. Sông núi, biển trời, những cánh đồng quê, đúng là “non xanh nước biếc”, rất đẹp, rất đáng yêu “như tranh họa đồ”.

Sông Hàn, hòn Non Nước, hang Sơn Trà là “bài thơ tuyệt tác” của Quảng Nam – Đà Nẵng. Bạn đã vào thăm thú “khúc ruột miền Trung” chưa? Trước khi vào Đà Nẵng nhớ dừng lại Huế, xem sông Hương núi Ngự… nhé. Quê ngoại mình đấy.

Câu ca dao thứ năm nói về Nhà Bè, một cảnh đẹp của Đồng Nai và Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Câu thứ sáu nói về Tháp Mười, nơi ruộng đồng “cò bay thẳng cánh” vựa lúa của Nam Bộ, một vùng sông nước lắm cá nhiều tôm. Sen Tháp Mười rất nổi tiếng đã từng ướp hương trong lòng người. Bạn có nhớ câu ca dao nói về sen Tháp Mười không?

Trong sáu bài ca dao có một câu hỏi rất ý vị:

Hỏi ai xây dựng nên non nước này?

“Ai” là đại từ nhân xưng phiếm chỉ, ở đây là nói về nhân dân, triệu triệu con người vô danh qua hàng năm lịch sử, đã đem mồ hôi và xương máu để xây dựng và bảo vệ đất nước ngày thêm giàu đẹp. Qua câu hỏi này, tác giả bài ca dao, nhắc nhở mọi người hãy nhớ đến công ơn của tổ tiên ông cha với tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”.

Học những bài ca dao Cảnh đẹp non sông, chúng ta càng thêm yêu mến, tự hào về quê hương đất nước.

*Câu ca dao thứ ba còn có văn bản ghi là: “Đường vô xứ Huế quanh quanh…”. Các em đừng nhầm bài ca dao chỉ nói về cảnh đẹp xứ Nghệ hay xứ Huế. Cảnh ở đây là “đường vô…” cơ mà!

Bài số 14

Cảm nhận về bài ca dao:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.

Mịt mù khói tỏa ngàn sương,

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Bài làm

Bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà gồm có bốn câu thơ lục bát gợi lên một vài nét đẹp của Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Bài ca dao vẽ lên hình ảnh khóm trúc cành lá sum suê, la đà trên mặt đất ven đường, ven hồ trước cơn gió thu nhẹ đưa. Một nét vẽ mảnh mai, thơ mộng. Tiếng chuông chùa (đền) Trấn Vũ ngân vang hòa cùng tiếng gà gáy sang canh ở làng Thọ Xương. Càng về sáng cảnh vật Kinh thành bao phủ trong ngàn sương thu trắng “mịt mờ”. Nhịp chày giã vỏ cây dó ở làng (phường) Yên Thái cất lên dồn dập. Một ngày lao động, làm ăn cần mẫn bắt đầu. Trời sáng dần, sáng dần. Hồ Tây trong xanh phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ hiện lên lung linh tuyệt đẹp.

Chỉ bằng sáu nét vẽ có màu sắc, đường nét, âm thanh về cành trúc, tiếng chuông, canh gà, ngàn sương, nhịp chày, mặt gương hồ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh êm đềm thơ mộng về một buổi sáng sớm mùa thu nơi Kinh thành Thăng Long ngày xưa. Các địa danh được nhắc đến như Trấn Vũ, Thọ Xương, Yên Thái, Hồ Tây gợi lên trong lòng ta nhiều liên tưởng và cảm xúc về Kinh thành xưa, với bao yêu mến, tự hào.

Bài số 15

Vàm Cỏ Đông

                                    Hoài Vũ

 

Ở tận sông Hồng, em có biết

Quê hương anh cũng có dòng sông

Anh mãi gọi với lòng tha thiết:

Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm cỏ Đông!

Đây con sông xuôi dòng nước chảy

Bốn mùa soi từng mảnh mây trời

Từng ngọn dừa gió đưa phe phẩy

Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi.

Đây con sông như dòng sữa mẹ

Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây

Và ăm ắp như lòng người mẹ

Chở tình thương trang trải đêm ngày.

 

Cảm nhận của em về đoạn thơ trích trong bài “Vàm cỏ Đông” của Hoài Vũ.

Bài làm

Sông Vàm Cỏ Đông là một nhánh của dòng Cửu Long Giang, chảy qua nhiều tỉnh Nam Bộ. Đôi bờ sông Vàm cỏ Đông là những cánh đồng bao la, những xóm làng trù phú với những miệt vườn xanh tốt, trĩu hoa trái bốn mùa. Bài thơ Vàm cỏ Đông của Hoài Vũ có 11 khổ thơ, đây là ba khổ thơ đầu bài thơ ấy.

Vàm Cỏ Đông là dòng sông thơ ấu, con sông yêu thương của quê nhà. Đi chiến đấu mãi chưa về với dòng sông quê mẹ, nên tác giả rất nhớ. Anh cất tiếng gọi thầm trong lòng. Giọng thợ bồi hồi xao xuyến:

 

Ở tận sông Hồng, em có biết

Quê hương anh cũng có dòng sông

Anh mãi gọi với lòng tha thiết:

Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!

 

Dòng sông êm đềm. Sông được nhân hóa, bốn mùa như một tấm gương trong xanh, phẳng lặng “soi” mây trời. Những vườn dừa xanh tốt, trĩu quả soi  bóng trên dòng sông “chơi vơi”. Gió thổi, những tàu lá dừa “phe phẩy” như những chiếc quạt thần tiên:

 

Đây con sông xuôi dòng nước chảy

Bốn mùa soi từng mảnh mây trời

Từng ngọn dừa gió đứa phe phẩy

Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi.

 

Khổ thơ thứ ba có hình ảnh rất đẹp làm hiện lên bức tranh quê giàu đẹp “xanh ruộng lúa, vườn cây”. Nhà thơ sáng tạo nên hai hình ảnh so sánh: “như dòng sữa mẹ”, “ăm ắp như lòng người mẹ” để ca ngợi sông Vàm Cỏ Đông đem nước ngọt, phù sa tưới tắm, bồi đắp ruộng vườn quê hương màu mỡ; nuôi sống bà con nông dân hiền hòa, cần cù sớm khuya:

 

Đây con sông như dòng sữa mẹ

Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây

Và ăm ắp như lòng người mẹ

Chở tình thương trang trải đêm ngày.

 

Tiếng thơ của Hoài Vũ ngọt ngào tha thiết. Đoạn thơ là tình thương nỗi nhớ đối với dòng sông Vàm Cỏ Đông, cũng là tình yêu quê hương của người chiến sĩ miền Nam thời đánh Mĩ.

Bài số 16

Cảm nhận của em về bài “Cửa Tùng” của Thụy Chương.

Bài làm

Đọc bài Cửa Tùng ta cảm thấy Thụy Chương như một du khách đi thăm thú cảnh đẹp con sông Bến Hải và bãi biển Cửa Tùng, khu tắm mát của tỉnh Quảng Trị thuộc miền Trung nước ta.

Con sông tuyến thời chống Mĩ nay trở nên thơ mộng trong khung cảnh hòa bình: “Đôi bờ thôn xóm mướt màu xanh lũy tre làng và những rặng phi lao rì rào gió thổi”. Màu xanh ấy, âm thanh rì rào ấy vô cùng thân thuộc đối với chúng ta.

Nước ta ở vùng nhiệt đới, có trên ba nghìn cây số bờ biển. Những bãi biển – khu nghỉ mát nổi tiếng mà nhiều người đã biết: Trà cổ, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng, Nha Trang, Vũng Tàu,… trong số đó, Cửa Tùng được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước mến mộ, yêu thích.

Vị trí Cửa Tùng rất thuận tiện: Từ cầu Hiền Lương đi thuyền xuôi dòng độ 6km là cửa sông Bến Hải gặp biển. Cửa sông ở đây chỉ rộng trên 30m. Thụy Chương nói lên ba nét đẹp của Cửa Tùng, đó là bãi cát, nước biển bờ biển.

Bãi cát Cửa Tùng được ca ngợi là “Bà Chúa của các bãi tắm”. Bãi cát vàng, cát trắng sạch bong, phẳng lì. Sóng lặng. Không có đá ngầm, không có độ sâu đột xuất. Người tắm mát an tâm, bình yên, nhất là phụ nữ, trẻ con. Suốt ngày hè, bãi cát Cửa Tùng chan hòa nắng vàng rực rỡ.

Nét đẹp thứ hai của Cửa Tùng là nưởc biển có sắc màu lí tưởng, biến đổi trong ngày. Nước biển “nhuốm màu hồng nhạt” lúc bình minh, lúc mặt tròi “như chiếc thau đồng đỏ ối” chiếu xuống mặt biển. Lúc ban trưa nước biển “xanh lơ”. Và lúc chiều tà, nước biển Cửa Tùng nhuốm màu “hồng nhạt”. Chính sông Bến Hải tạo nên màu nước biển thơ mộng ấy. Bắt nguồn từ núi rừng Trường Sơn, nước con sông này hầu như trong xanh bốn mùa.

Nét đẹp thứ ba của Cửa Tủng là bờ biển, mà Thụy Chương đã so sánh nó “giống như một chiếc lược đồi mồi cài vào mái tóc bạch kim của sóng biển”. Ai đã từng một đôi lần đến Cửa Tùng tắm mát, độ 5-6 giờ sáng đi dạo trên bãi biển đón mặt trời rạng đông và hóng gió mát mới cảm nhận được sự quyến rũ đến mê hồn của bờ biển Cửa Tùng.

Trăm nghe không bằng một thấy. Mong các bạn nhỏ đó đây hãy cùng bố mẹ mình được đến với Cửa Tùng trong một ngày hè nắng đẹp. Cửa Tùng ơi! “Bà Chúa của các bãi tắm” ơi!…

Bài số 17

Phát biểu cảm nghĩ của em khi học bài “Già Thu và Kim Đồng”.

Bài làm

Đầu xuân 1941, sau hơn 30 năm đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về nước, sống và hoạt động cách mạng bí mật tại hang Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Bác thường cải trang đi sâu vào các làng bản để tìm hiểu tình hình và gây dựng cơ sở cách mạng, thổi bùng lên ngọn lửa đánh Nhật đuổi Tây, tiến tới Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Bài văn Già Thu và Kim Đồng ghi lại một chuyên công tác bí mật của Bác Hồ, qua đó ca ngợi sự mưu trí, dũng cảm của anh Kim Đồng.

Lúc bấy giờ, Bác lấy tên là Già Thu, một ông ké người Nùng. Bác mặc áo Nùng (màu xanh chàm) đã phai, bợt cả hai cửa tay, chống gậy trúc. Cách cải trang của Bác rất khéo và bí mật: lúc cắm cúi bước, lúc lững thững đằng sau. Từ Pác Bó đi xuống, ai cũng tưởng Bác như một cụ già người Hà Quảng đi cào cỏ lúa.

Cách đi đường của hai bác cháu rất cẩn thận: Kim Đồng đi trước xa xa, già Thu đi sau, có điều nghi ngờ thì Kim Đồng làm hiệu, để Bác tránh vào ven đường.

Một tình huống bất ngờ đã xẩy ra: Hai bác cháu vừa đến quãng suối, vừa qua cầu thì gặp Tây đồn đem lính đi tuần, Kim Đồng bình tĩnh huýt sáo làm ám hiệu. Già Thu tránh sau một tảng đá, nhưng bọn lính đã phát hiện ra, “kêu ầm lên”. Có thể bị giặc bắt. Nhưng già Thu nhanh trí ngồi xuống tảng đá như người đi đường xa mỏi chân ngồi nghỉ. Già Thu thản nhiên nhìn bọn giặc.

Cuộc đối đáp giữa Kim Đồng với bọn lính cho thấy Kim Đồng rất mưu trí. Trước câu hỏi của chúng: “Bé con đi đâu sớm thế?”, Kim Đồng trả lời một cách tự nhiên: “Đón thầy mo này về cúng cho mẹ ốm”. Và để thoát cho nhanh, Kim Đồng quay lại gọi Già Thu: “Già ơi! Ta đi thôi! về nhà cháu còn xa đấy!”.

Nhà văn Tô Hoài nêu nhận xét rất hóm hỉnh, vừa ca ngợi Kim Đồng bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm, vừa chê cười bọn Tây đồn ngu ngốc: “Mắt giặc tráo trưng mà hóa thong manh”, khi một lãnh tụ cách mạng và chú liên lạc “đã ung dung đi qua trước mắt chúng”. Chiến công của anh Kim Đồng như đã đem đến bao niềm vui cho cảnh vật: “Những tảng đá ven đường sáng hẳn lên như vui trong nắng sớm”.

Tô Hoài đã làm sống lại một chuyến công tác bí mật của Già Thu hơn 60 năm về trước. Hình ảnh anh Kim Đồng, chú đội viên liên lạc mưu trí, dũng cảm làm em vô cùng cảm phục.

Bài số 18

Nhớ Việt Bắc

                                    Tố Hữu

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái mãng một mình.

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.

Mênh mông bốn mặt sương mù

Đất trời ta cả chiến khu một lòng.

Dựa vào các câu hỏi sau đây, em hãy viết một bài văn nêu lên cảm nhận của mình khi đọc đoạn thơ “Việt Bắc ” của Tố Hữu:

1. Người cán bộ về xuôi nhớ những gì ở Việt Bắc (dòng thơ thứ 2)?

2. Tìm những câu thơ cho thấy;

– Núi rừng Việt Bắc rất đẹp.

– Núi rừng Việt Bắc đánh giặc giỏi.

3. Những câu thơ nào cho thấy vẻ đẹp của người Việt Bắc?

*Học thuộc lòng đoạn thơ.

Bài làm

Ngày 10-10-1954, thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng sau 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Nhân dịp ấy, Tố Hữu viết bài thơ Việt Bắc dài 150 câu thơ lục bát. Đoạn thơ 16 câu thơ trích trong bài Việt Bắc nói lên nỗi nhớ Việt Bắc với nhiều ân tình thiết tha, sâu nặng của người cán bộ kháng chiến về xuôi.

Câu thơ thứ hai nói lên nỗi nhớ ấy hướng về hai đối tượng của Việt Bắc:

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

“Nhớ những hoa cùng người” là nhớ cảnh sắc thiên nhiên Việt Bắc tươi đẹp, đầy sức sống, là nhớ con người Việt Bắc, đồng bào các dân tộc Việt Bắc có bao phẩm chất cao quý.

Những câu thơ (câu 6) thứ 3, 5, 7, 9 cho thấy núi rừng Việt Bắc rất đẹp. Mỗi mùa, cảnh vật, cảnh sắc Việt Bắc lại có những nét đẹp riêng.

Là màu xanh của núi rừng, màu đỏ tươi của hoa chuối trong mùa đông:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi.

Là màu trắng tinh khiết của hoa mơ bao phủ rừng xuân:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng.

Là màu vàng của rừng phách, là tiếng ve kêu dắng dỏi trong mùa hè:

Ve kêu rừng phách đổ vàng.

Và còn là vầng trăng thu màu xanh hòa bình rọi chiếu khắp núi rừng chiến khu:

Rừng thu trăng rọi hòa bình.

Thiên nhiên Việt Bắc hữu tình nên thơ. Đồng bào Việt Bắc rất anh hùng.

Các câu thơ cuối đoạn ca ngợi núi rừng Việt Bắc đánh giặc rất giỏi. Họ đã “một lòng” đoàn kết với cán bộ, với bộ đội xây dựng chiến khu Việt Bắc “thành lũy sắt dày” để tiêu diệt quân xâm lược:

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

….Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.

Tố Hữu đã phát hiện ra và diễn tả thật hay bao phẩm chất, bao vẻ đẹp của người Việt Bắc. Người đi nương đi rẫy thì dũng mãnh hào hùng:

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Người thợ thủ công thì cần mẫn, khéo léo, tài hoa:

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Cô gái Việt Bắc đi hái măng thì trẻ trung, lạc quan, yêu đời:

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Đồng bào các dân tộc Việt Bắc giàu tình nghĩa, thủy chung với cách mạng và kháng chiến:

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Qua đoạn thơ của Tố Hữu, chúng ta càng thấy rõ Việt Bắc thật đẹp, thật đáng nhớ và đáng yêu vô cùng.

*Sợi giang nếu viết thành sợi dang là sai chính tả.

Bài số 19

Cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện cổ tích Chăm:

“Hũ bạc của người cha”.

Bài làm

Truyện Hũ bạc của người cha mở đầu nói lên nỗi buồn của người cha. Cha làm lụng siêng năng, tuy để dành được hũ bạc nhưng rất buồn, vì đứa con trai lười biếng. Ông đã bảo con phải đi làm và mang tiền về. Đó là bài học dạy con lao động, biết lao động để kiếm sống.

Lần thứ nhất ra đi vốn siêng ăn nhác làm, số tiền mẹ “dúi cho” chỉ mấy hôm anh ta tiêu gần hết. Mò về nhà anh ta còn đánh lừa cha bằng cách đưa cha mấy hào. Câu mắng: “Đây không phải tiền con làm ra” cùng với cử chỉ vứt ngay nắm tiền xuống ao đã thể hiện thái độ nghiêm khắc của người cha trong việc dạy bảo con về lao động, về đức tính trung thực.

Lần thứ hai, người con lại ra đi. Người mẹ vẫn cho con tiền nhưng chỉ cho đủ tiền để ăn đường. Tiêu hết tiền, người con không mò về nhà mà đã biết đi làm thuê. Anh ta đã biết chịu khó làm ăn và dành dụm. Làm được hai bát chỉ ăn một bát. Sau ba tháng dành được 90 bát gạo, anh ta bán được một số tiền đem về.

Tình tiết người cha quẳng số tiền con đưa cho vào lửa, người con thò tay vào lửa lấy tiền ra, và tiếng nói của người cha qua nụ cười và dòng nước mắt làm cho mọi người cảm động.

Cha tin con đã tự tay làm ra đồng tiền. Lời cha dạy con thật chí lí và sâu sắc: “Có làm lụng vất vả, người ta mới biết quý đồng tiền”. Hũ bạc cha đào lên đưa cho con đã là quý, nhưng lời cha dạy con còn quý hơn: “Hũ bạc tiêu không bao giờ hết chính là hai bàn tay con”.

Bài học về lao động để sống, để làm người qua truyện cổ Chăm Hũ bạc của người cha thật sâu sắc và giàu ý nghĩa.

Bài số 20

Nhà bố ở

                                         Nguyễn Thái Vận

 

Nghỉ hè, Páo đi thăm bố

Ngọn núi ở lại cùng mây

Mặt trời theo về thành phố

Tiếng suối nhòa dần sau cây…

Con đường sao mà rộng thế

Sông sâu chẳng lội được qua

Người, xe đi như gió thổi

Ngước lên mới thấy mái nhà.

Nhà cao sừng sững như núi

Mấy trăm cửa sổ gió reo

Đường lên đi vào trong ruột

Quanh co như Páo leo đèo.

Bố ở tầng năm chót vót

Gió như đỉnh núi bản ta

Sớm chiều xuống lên thang gác

Nhớ sao đèo dốc quê nhà…

 

Dựa vào các câu hỏi sau, em hãy viết một bài văn ngắn nói lên cảm nhận của em sau khi học bài thơ “Nhà bố ở” của Nguyễn Thái Vận:

1. Quê Páo ở đâu? Những câu thơ nào cho biết điều đó?

2. Páo đi thăm bố ở đâu?

3. Những điều gì ở thành phố khiến Páo thấy lạ?

4. Những gì ở thành phố, Páo thấy giống ở quê mình?

Bài làm

Nhà bố ở là một bài thơ khá hóm hỉnh, ngộ nghĩnh nói lên những cảm xúc ý nghĩ của một em bé miền núi lần đầu đến thăm thành phố.

Quê Páo ở miền núi, nơi có núi, có suối, có đèo, có bản. Những câu thơ cho ta biết quê hương của Páo:

 

Ngọn núi ở lại cùng mây

– Tiếng suối nhòa dần sau cây.

– Quanh co như Páo leo đèo.

– Gió như đỉnh núi bản ta

– Nhớ sao đèo dốc quê nhà.

 

Nghỉ hè, Páo xuống núi, đi về thành phố thăm bố. Cảnh vật gì đối với Páo cũng đều mới lạ, xa lạ. Đường phố rộng, sông sâu và lớn, nhà cửa san sát, người và xe cộ đi lại vùn vụt “như gió thổi”:

 

Con đường sao mà rộng thế

Sông sâu chẳng lội được qua

Người, xe đi như gió thổi

Ngước lên mới thấy mái nhà.

 

Nhà ở thành phố cao, to lắm “sừng sững như núi”. Nhà nào cũng có nhiều cửa sổ “gió reo”. Đi cầu thang như “đi vào trong ruột”, lối đi “quanh co” như Páo “leo đèo”. Cảm giác ấy của Páo thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh.

Nhà bố Páo ở tầng năm. Páo cảm thấy nhà bố ở cao chót vót trên đỉnh núi, có nhiều gió như ngôi nhà ở bản quê mình. Sớm chiều lên xuống cầu thang gác, Páo cảm thấy mình đang leo đèo, mà lòng thêm nhớ đèo dốc quê nhà:

 

Bố ở tầng năm chót vót

Gió như đỉnh núi bản ta

Sớm chiều xuống lên thang gác

Nhớ sao đèo dốc quê nhà.

 

Đi về thành phố đông vui, nhưng Páo càng nhớ càng yêu quê nhà. Tâm hồn Páo rất trong sáng, đáng yêu.

Xem thêm và tải về file word tại đây. 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận