Biện pháp tu từ – Ngữ Văn lớp 6 (Phần 3)

Đang tải...

Câu 1( 5 điểm):

                 Cảm nhận của em về vẻ đẹp của rừng mơ  trong đoạn thơ sau:

Rừng mơ ôm lấy núi

Mây trắng đọng thành hoa

Gió chiều đông gờn gợn

Hương bay gần bay xa…

                                                                      (Rừng mơ – Trần Lê Văn)

Câu 2( 5 điểm):  

* Cảm nhận được vẻ đẹp của  bức tranh rừng mơ đẹp, thơ mộng, và đầy hấp dẫn trong một buổi chiều:

– Với nghệ thuật nhân hóa “rừng mơ ôm lấy núi” đã gợi tả hình ảnh một rừng mơ bạt ngàn, mơ bao trùm ôm ấp lên tất cả  ngọn núi tưởng như là cánh rừng mênh mông bất tận.

– Câu thơ thứ 2 có lẽ là câu thơ hay nhất trong đoạn. Bằng nghệ thuật liên tưởng nhà thơ vẽ ra một hình ảnh thật thơ mộng: màu trắng của  hoa hòa vào màu trắng của mây trời tưởng như là những đám mây trắng trên trời đậu xuống, kết đọng thành muôn nghìn bông hoa mơ trắng tinh khôi…

– Từ láy “gờn gợn” gợi cơn gió nhẹ nhàng lướt qua làm cả rừng mơ trắng bạt ngàn đong đưa theo chiều gió, gió mang hương thơm lan tỏa khắp núi rừng “bay gần bay xa” khiến  không gian như tràn ngập mùi hương.

* Từ vẻ đẹp của thiên nhiên rừng mơ, ta thấy được tâm hồn nhạy cảm tinh tế của nhà thơ trước vẻ đẹp của đất trời từ đó gửi gắm tình yêu thiên nhiên tha thiết,sự gắn bó với quê hương đất nước.

    Đoạn thơ bồi đắp cho ta tỡnh yêu và niềm tự hào trước vẻ đẹp của đất nước mình

Câu 3: (5 điểm)

          “ Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông. Nước đầy và nước mới thì cua cá cũng tấp nập xuôi ngược, thế là bao nhiêu cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng, két ở các bãi sông  xơ xác tận đâu cũng bay cả về vùng nước mới để kiếm mồi. Suốt ngày, họ cãi cọ om bốn góc đầm, có khi chỉ vì tranh một mồi tép, có những anh Cò  gầy vêu vao ngày ngày bì bõm lội bùn tím cả chân mà vẫn hếch mỏ, chẳng được miếng nào. Khổ quá, những kẻ yếu đuối, vật lộn cật lực thế mà cũng không sống nổi. Tôi đứng trong bóng nắng chiều tỏa xuống ánh nước cửa hang mà suy nghĩ việc đời như thế.”

                                                                             (Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)

          Đọc kĩ đoạn văn và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

  1. Xác định các từ láy trong đoạn văn.
  2. Xác định các thành phần câu trong câu văn sau:

“Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông.”

  1. Phép tu từ nhân hóa trong đoạn văn trên được tạo ra bằng cách nào? Tác dụng của phép tu từ ấy?

1. Xác định từ láy (xác định đúng mỗi từ cho 0,25 đ).

Các từ láy là: mênh mông, tấp nập, xơ xác, cãi cọ, vêu vao, bì bõm.

2. Xác định thành phần câu (xác định đúng mỗi thành phần cho 0,25 đ):

   Mấy hôm nọ,  trời mưa lớntrên những hồ ao quanh bãi trước mặt,

       TN              CN   VN                               TN

 nước dâng trắng mênh mông.

  CN               VN

Lưu ý: – Riêng thành phần trạng ngữ, học sinh có thể xác định là Thành phần phụ;

            – Nếu học sinh chỉ xác định đúng được Thành phần chính (không xác định được CN, VN)  Thành phần phụ thì cho 1/2  số điểm = 0.75 điểm.

3. Phép tu từ nhân hóa được tạo ra bằng cách nào? Tác dụng?

– Phép tu từ được tạo ra bằng cách:

+ Dùng từ ngữ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hành động, tính chất của vật: (cua cá) tấp nập; (cò,sếu, vạc, cốc…) cãi cọ om sòm. Tôi (Dế Mèn) suy nghĩ việc đời…

+ Dùng từ vốn để gọi người để gọi vật: họ (cò, sếu, vạc, cốc…); anh (Cò); tôi (Dế Mèn).

– Tác dụng:

Làm cho thế giới loài vật trở nên gần gũi, biểu thị được những tình

cảm suy nghĩ của con người, như con người.

Câu 4: Cảm nhận của em về cái hay, cái đẹp của đoạn thơ sau:

“ Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay”.

                                                                         ( Quê h­ương – Đỗ Trung Quân)

Câu 5 ( 4,0 điểm):   Phát hiện các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn và nêu tác dụng?

“…Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thủa biển Đông”.

( Trích Cô Tô- Nguyễn Tuân)

Câu 5: (6 điểm)

Yêu cầu về hình thức: HS trình bày cảm nhận của mình về đoạn thơ  bằng một đoạn văn hoặc một bài văn.

* Về nội dung:

+ Phát hiện ra các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ: Biện pháp so sánh.

  • Quê hương là chùm khế ngọt.
  • Quê hương là đường đi học.

       + Cảm nhận về cái hay cái đẹp qua việc sử dụng các biện pháp nghệ   thuật:

           -Người đọc cảm nhận được quê hương không còn trừu tượng, xa lạ mà thông qua biện pháp so sánh thì quê hương đã trở nên rất gần gũi, rất thân thiết  với tuổi thơ.

       – Qua đó người đọc còn hiểu được tình yêu quê hương của tác giả chân thành mộc mạc.

Câu 6: (4 điểm)

-Các biện pháp tu từ:

   + ẩn dụ và so sánh: Chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây bụi.

   +ẩn dụ, so sánh và nhân hóa: Mặt trời “ Tròn trĩnh, phúc hậu như lòng đỏ quả trứng thiên nhiên đầy đặn”

   + ẩn dụ : Quả trứng hồng hào, thăm thẳm đường bệ…..

    + So sánh, ẩn dụ: Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ……biển đông.

– Tác dụng:

   + Miêu tả cảnh mặt trời lên ở trên biển đẹp rực rỡ huy hoàng, tráng lệ không giống với bất kì cảnh bình minh nào trên núi hay ở đồng bằng.                

    + Hình ảnh mặt trời không chỉ mang vẻ đẹp trang trọng, uy nghi, lộng lẫy mà còn giàu tính nhân đạo: nó hướng tới con người, là quà tặng vô giá của thiên nhiên cho người lao động suốt đời gắn bó với biển cả.

Câu 7: (3 điểm) Trong bài thơ “ Lửa đèn” nhà thơ Phạm Tiến Duật có viết:

 

… “Quả cây chín đỏ hoe

Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu

Trỏ lối sang mùa hè

Quả cà chua như cái lồng đèn nhỏ xíu

Thắp mùa đông ấm những đêm thâu

Quả ớt như ngọn đèn dầu

Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng

Mạch đất ta dồi dào sức sống

Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương”…

– Viết đoạn văn ngắn (8 đến 10 dòng giấy thi): Ghi lại những cảm nhận của em về vẻ đẹp của những hình ảnh so sánh trong đọan thơ trên.

 Câu 8

Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ trong đoạn văn sau :

“Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre      hi sinh để bảo vệ con người ! Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!”

             ( Cây tre Việt NamThép Mới)

* Yêu cầu cụ thể:

+ Chỉ ra : đoạn văn sử dụng phép tu từ

  • Điệp ngữ : “ tre”( 7 lần), “ giữ” ( 4 lần ), anh hùng( 2 lần) ( 0.5 điểm )
  • Nhân hoá : Tre chống lại, xung phong, giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa, hi sinh, anh hùng lao động, anh hùng chiến đấu.

  ( 1 điểm )

+ Tác dụng : Tạo ra cách diễn đạt sinh động, hấp dẫn, nhấn mạnh công dụng của cây tre ( 3.5 điểm )

  • Cây tre trở thành vũ khí đắc lực, có mặt khắp nơi, xông pha tung hoành trong khói lửa: “ Chống lại sắt thép quân thù”, “ xung phong vào xe tăng đại bác”, “giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”.
  • Tre mang tầm vóc dũng sĩ, xả thân để bảo vệ quê hương, đất nước “ Giữ làng, giữ nước, giữ mái nàh tranh, giữ đồng lúa chín.Tre hi sinh để bảo vệ con người”.
  • Trong lao động sản xuất, trong chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc, tre mang bao phẩm chất cao quý của con người Việt Nam.Tre sừng sững như một tượng đài được tôn vinh và ngưỡng mộ “ Tre anh hùng lao động, tre anh hùng chiến đấu”.

> Tre là biểu tượng tuyệt đẹp về đất nước và con người Việt nam anh hùng, về người nông dân cần cù, dũng cảm, giàu tình yêu quê hương, đất nước

Câu 9 ( 10 đ )

  a, Đoạn văn viết theo phương thức biểu đạt chính là miêu tả. Vì đoạn văn tái hiện cảnh sông nước Cà Mau.( 1 đ )

– Mỗi ý đúng cho (0,5 đ )

b, Chỉ được 2 biện pháp tu từ chủ yếu sau : ( 3,5 đ )

– So sánh ( 2 đ ) : 4 hình ảnh.

+ Dòng sông Năm Căn mênh mông , nước đổ ra biển ngày đêm như thác.

+ Cá nước bơi hàng đàn đen trũi như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.

+ Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước.

 + Rừng đước dựng lên cao ngất như 2 dãy trường thành dài vô tận.

– Nhân hoá ( 1,5 đ )

+ Câu đước mọc dài theo bãi, …..qua rừ – ( chồng – ôm – đắp ) ………

– Mỗi hình ảnh đúng cho (0,5 đ )

c, Cảm nhận được những ý sau: ( 5,5 đ )

– Đoạn văn trích trong văn bản ” sông nước Cà Mau ” của nhà văn Đoàn Giỏi .

– Đoạn văn miêu tả cảnh dòng sông Năm Căn và cảnh rừng đước.

– Tác giả sử dụng từ láy gợi hình ” mênh mông ” làm cho dòng sông trở lên rộng lớn trải dài , không nhìn thấy bến bờ , chỉ thấy mênh mông , bao la , sóng nước.

– Sử dụng nghệ thuật so sánh tạo nên sự kì vĩ của con sóng dữ mang vẻ đẹp hoang sơ , tấp lập của dòng sông , một vẻ đẹp hùng vĩ và trù phú .

– Với nghệ thuật nhân hoá làm cho hình ảnh rừng đước hiện lên cao sừng sững trải dài theo 2 bên bờ như những người canh gác mang màu xanh bạt ngàn của ngàn đời nay.

– Tác giả sử dụng một loạt các tính từ chỉ màu xanh với những cung bậc khác nhau.

– Đoạn văn giúp ta cảm nhận được sự lướt đi của con thuyền qua con mắt miêu tả của nhà văn Đoàn Giỏi . Bức tranh dòng sông hiện lên ngút ngàn sâu thẳm với  một màu xanh bạt ngàn mà điểm vào bức tranh là sương mù và khói sóng làm cho bức tranh đẹp hơn, không chỉ là một vẻ đẹp hùng vĩ mà rất thô sơ . Bức tranh mang đậm màu sắc thiên nhiên của miền Tây Nam Bộ.

– Nhà văn với sự liên tưởng miêu tả tinh tế làm cho cảnh thiên nhiên ở đây đẹp nên thơ , trù phú , thể hiện tình yêu vùng đất cực Nam Tổ Quốc của tác giả.

Bài 10 :

    Mở đầu bài thơ Nhớ con sông quê hương, nhà thơ Tế Hanh viết :

                          Quê hương tôi có con sông xanh biếc

                          Nước gương trong soi tóc những hàng tre

                          Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

                          Tỏa nắng xuống dòng sồn lấp loáng .

Em hãy phân tích cái hay, cái đẹp mà em cảm nhận được từ 4 câu thơ .

Hướng dẫn :

Bước 1 :

  • Đọc kĩ và tìm nội dung , NT chính của đoạn thơ
  • ND : Giới thiệu con sông quê hương và t/c của t/g với con sông quê hương .
  • NT : nhân hóa – so sánh – từ gợi tả .

Bước 2 :

  • hai câu đầu –nhà thơ giới thiệu con sông quê hương :
  • Từ gợi tả màu sắc : xanh biếc
  • Động từ : có
  • Ẩn dụ : nước gương trong
  • Nhân hóa : soi tóc những hàng tre
  • hai câu cuối – tình cảm của nhà thơ với con sông quê hương :

– So sánh khẳng đinh : Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

– H/a buổi trưa hè nóng bỏng

– Động từ : tỏa – gợi hình .

– Từ láy : lấp loáng – gợi hình .

Bước 3 : dàn ý đoạn :

  • Nhà thơ giới thiệu con sông quê :

+ Động từ có vừa giới thiệu con sông của quê hương vừa kín đáo bộc lộ niềm tự hào .

+ Tính từ gợi tả màu sắc xanh biếc có khả năng khái quát cảnh sông ttrong ấn tượng ban đầu. Xanh biếc là xanh đậm, đẹp, hơi ánh lên dưới mặt trời .

+ Mặt nước sông trong như tấm gương khổng lồ (ẩn dụ ); những hàng tre hai bên bờ như những cô gái đang nghiêng mình soi tóc ttreen mặt nước sông trong như gương ( nhân hóa ) .

+ Ngay phút ban đầu giới thiệu con sông quê hương xinh đẹp, dịu dàng, thơ mộng, nhà thơ kín đáo bộc lộ tình cảm tự hào, yêu mến con sông .

  • Tình cảm của nhà thơ với con sông quê hương :

+ tâm hồn tôi – khái niệm trừu tượng được so sánh với buổi trưa hè – khái niệm cụ thể – làm rõ nét tình cảm của nhà thơ với con sông quê hương.

+ Buổi trưa hè nhiệt độ cao, nóng bỏng đã cụ thể hóa tình cảm của nhà thơ. Từ klaf đã khẳng định tâm hồn tôi và buổi trưa hè có sự hòa nhập thành một .

+ Động từ tỏa gợi tình cảm yêu mến của nhà thơ lan tỏa khắp sông, bao trọn dòng sông .

+ nhờ tình cảm yêu mến nồng nhiệt ấy mà con sông quê hương như đẹp lên dưới ánh mặt trời : dòng sông lấp loáng. Từ láy lấp loáng khiến dòng sông lúc sáng, lúc tối ẩn liên tiếp thay đổi như dát bạc, như ttrong cổ tích .

Bước 4 ; Viết thành đoạn văn hoàn chỉnh :

         Trong 4 câu mở đầu bài thơ Nhớ con sông quê hương, nhà thơ Tế Hanh đã giới thiệu với chúng ta con sông quê hương của mình và tình cảm của ông đối với sông quê. Ngay từ hai câu đầu đoạn, hình ảnh sông đã hiện ra với một màu xanh biếc. Tính từ gơi tả xanh biếc giúp ta hình dung mặt nước sông xanh đậm, đẹp, hơi ánh lên dưới mặt trời do vần iếc trong biếc gợi ánh sáng. Động từ vừa giới thiệu sông quê lại vừa kín đáo bộc lộ cảm xúc tự hào của người viết. Từ bao quát chung, nhà thơ tả cụ thể con sông và hai bên bờ “ Nước gương trong, soi tóc những hàng tre”. Với sự kết hợp khéo léo NT nhân hóa với những hàng tre hai bên bờ sông như những cô gái đang soi tóc trên mặt sông với mặt soi là một tấm gương khổng lồ – NT ẩn dụ. Con sông quê hiện lên mới xinh đẹp, hiền hòa, gần gũi biết bao ! Trước một dòng sông quê hương như thế, làm sao mà không yêu, không nhớ được. Để bộc lộ lòng mình, Tế Hanh đã sử dụng NT so sánh khẳng đinh “ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè”. Tâm hồn tôi là một khái niệm trừu tượng mà buổi trưa hè là một khái niệm cụ thể -nhiệt độ cao,nóng như nhiệt tình nồng cháy của nhà thơ vậy. Chính lúc tác giả dùng động từ tỏa ( lan rộng khắp ) kết hợp với từ láy lấp loáng (dòng sông chỗ sáng lên, chỗ tối đi, thay đổi liên tục) đã đưa sông vào trang cổ tích với một con sông dát bạc, diệu kì. Tình yêu của Tế Hanh đã làm cho sông quê đẹp rực rỡ lên biết bao nhiêu .

Bài 4 :

   Em có cảm nhận gì khi đọc 4 câu thơ sau trích ttrong bài thơ “ Trăng ơi … từ đâu đến” của nhà thơ nhí mười tuổi Trần Đăng Khoa ( viết 1968 ) như sau :

                                                        …Trăng ơi …Từ đâu đến ?

                                                        Hay từ một sân chơi

                                                        Trăng bay như quả bóng

                                                         Đứa nào đá lên trời .

Đoạn văn tham khảo :

      Ai chẳng yêu trăng. Nhưng mỗi người yêu một kiểu khác nhau. Nhà thơ mười tuổi TĐKhoa cũng quá yêu trăng. Cả một bài thơ 5 chữ gồm sáu khổ thơ với sáu lần điệp khúc thiết tha “ Trăng ơi…từ đâu đến ?” vang lên, mà đây chỉ là khúc ba của giai điệu :

                                                        …Trăng ơi …Từ đâu đến ?

                                                        Hay từ một sân chơi

                                                        Trăng bay như quả bóng

                                                         Đứa nào đá lên trời .

   Vì trăng rất đẹp nên nhà thơ đã gọi trăng “ Trăng ơi” và hỏi trăng “ từ đâu đến”? trăng đã được nhà thơ biến thành một người bạn gần gũi và trăng như lắng nghe nhà thơ gọi, hỏi. Song chưa kịp để trăng trả lời, sự liên tưởng thần kì của nghệ sĩ tí hon đã nảy sinh một giả thiết thú vị :

                                                        Hay từ một sân chơi

                                                        Trăng bay như quả bóng

                                                         Đứa nào đá lên trời .

   NT so sánh độc đáo “ trăng như quả bóng” đã hợp lí, đã hay rồi nhưng điều thú vị còn ở chỗ “ trăng bay” từ một “sân chơi” và thú vị hơn nữa lại do “ đứa nào đá lên trời”. Nếu câu thơ là “bạn nào đá lên trời” ý thơ có phần cứng nhắc kém ngộ nghĩnh. Tuy là “đứa nào” đấy nhưng vẫn không thô mà lại rất ngộ nghĩnh và tự nhiên. Một hình ảnh so sánh như thế, từ ngữ tự nhiên, thú vị như thế phải sinh ra từ một “thần đồng” thơ kết hợp với một”cầu thủ nhí”mười tuổi của một sân chơi thực thụ .

Bài 5 :

 Nghĩ về người bà yêu quí của mình, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã viết :

                              Tóc bà trắng tựa mây bông

                          Chuyện bà như giếng cạn xong lại đầy .

Hãy cho biết : phép so sánh được sử dụng trong hai dòng thơ trên giúp em thấy rõ hình ảnh người bà như thế nào ?

Đoạn văn tham khảo :

         Hai câu thơ đã giúp người đọc hình dung được hình ảnh người bà thật gần gũi và kính yêu. Mái tóc trắng của bà được so sánh với hình ảnh đám mây bông trên trời có tác dụng gợi vẻ đẹp hiền từ, cao quí và đáng kính trọng. Chỉ với mái tóc của bà đã làm chúng ta liên tưởng tới hình ảnh bà tiên  trong những câu chuyện cổ tích. Còn chuyện  của bà kể thì được so sánh với hình ảnh cái giếng thân thuộc ở làng quê VN cứ cạn xong lại đầy. Vậy là kho chuyện của bà rất nhiều, không bao giờ hết và đó là những câu chuyện dành kể cho cháu nghe với tình yêu thương bao la , đẹp đẽ . Với hai câu thơ sử dụng nghệ thuật so sánh rất phù hợp mà cũng rất riêng, N. T. Kha đã vừa khắc họa được hình ảnh người bà đáng kính của mình vừa thể hiện tình cảm kính yêu dành cho bà.                                      

 Bài 6 :

          Trong bài Tiếng hát mùa gặt , nhà thơ Nguyễn Duy có viết :

                                 Gió nâng tiếng hát chói chang

                          Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời .

Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì nổi bật ở hai câu thơ trên? Nhờ biện pháp nổi bật đó , em cảm nhận được nội dung, ý nghĩa gì đẹp đẽ ?

Đoạn văn tham khảo :

          Trong hai câu thơ :           Gió nâng tiếng hát chói chang

                                          Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời

nhà thơ Nguyễn Duy đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa thật tinh tế và tài tình . Gió và lưỡi hái trở nên có hoạt động như người : gió nâng tiếng hát, lưỡi hái liếm ngang chân trời. Chỉ  hai câu thơ với nghệ thuật nhân hóa nổi bật, cảnh mùa gặt ở nông thôn Việt Nam được mở ra thật vui tươi náo nức (gió nâng tiếng hát chói chang ) cùng cánh đồng lúa tốt mênh mông hứa hẹn một mùa bội thu và một cuộc sống ấm no ( Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời ) . Tất cả đã tạo nên một không khí đầm ấm, thanh bình nơi thôn quê khi mùa gặt đến .

Bài 7 :

        Cảm nhận của em về nghệ thuật so sánh trong câu ca dao sau :

                                           Công cha như núi Thái Sơn

                                        Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra .

Đoạn văn tham khảo :

        Bằng nghệ thuật so sánh , câu ca dao như một lời nhắc nhở tha thiết mỗi chúng ta cần phải biết kính yêu và trân trọng cha mẹ của mình hơn . Công cha được ví như núi Thái Sơn. Núi Thái Sơn là một ngọn núi cao, sừng sững, vững chãi và hùng vĩ. Công cha cũng như ngọn núi ấy thật to lớn, vĩ đại. Còn nghĩa mẹ được so sánh như “ nước trong nguồn chảy ra”. Nước trong nguồn là nơi dòng nước bắt đầu, dòng nước ấy cứ chảy mãi, chảy mãi không bao giờ vơi cạn. Và tình mẹ dành cho con cũng vậy, giống như dòng nước ấy lúc nào cũng bao la , mênh mông và dạt dào không thể nào đong đếm được. Hình ảnh so sánh thật phù hợp và chính xác. Công cha được ví như núi, nghĩa mẹ được ví như nước cũng giống như sự uy nghiêm và lớn lao của người cha, sự mềm mại, ngọt ngào của người mẹ trong mỗi gia đình. Từ câu ca dao, chắc rằng mỗi chúng ta đều cảm nhận được công lao như trời biển của cha mẹ. Tình cảm cha con, mẹ con là thứ tình cảm vô cùng cao cả và thiêng liêng mà chúng ta cần gìn giữ .

Câu 1: ( 5,0 điểm )

          Đọc đoạn văn sau, trả lời các câu hỏi:

“Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ môt nền văn hoá lâu đời. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp.”

     ( Trích “Cây tre Việt Nam” – Thép Mới )

  1. Gạch một gạch dưới chủ ngữ, gạch hai gạch dưới vị ngữ trong câu văn : “ Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính.”
  2. Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn trên?
  3. Phân tích giá trị của biện pháp nghệ thuật nhân hoá trong việc biểu đạt nội dung của đoạn văn?

Câu 1.   ( 5,0 điểm )

  1. Dưới bóng tre xanh của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. ( 1,0 đ )
  1. Các biện pháp nghệ thuật: phép liệt kê, phép lặp, nhân hoá, điệp ngữ (2,0 đ)

Mỗi biện pháp nghệ thuật đúng:    0,5đ

  1. Phân tích giá trị của biện pháp nghệ thuật nhân hoá. (2,0 đ)
  • Tre là người bạn thân thiết gắn bó lâu đời của người nông dân và dân tộc Việt Nam (1,0 đ).
  • Từ bao đời nay tre sống thuỷ chung, gắn bó với con người Việt Nam trong cuộc sống, sinh hoạt. (0,5đ).

–  Tre với bao phẩm chất cao quí, là biểu tượng của đất nước, dân tộc Việt Nam (0,5đ).

 

Câu 2( 3 điểm): Tìm và phân tích tác dụng của phép tu từ trong đoạn thơ sau:

  “Bay cao, bay vút

 Chim biến mất rồi

Chỉ còn tiếng hót

Làm xanh da trời

                                                  (Con chim chiền chiện –  Huy Cận )

Xác định đúng phép tu từ:

+Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Tiếng hót làm xanh da trời

Phân tích được tác dụng:

+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Tiếng hót làm xanh da trời-> Chuyển đổi từ thính giác sang thị giác-> Thể hiện sự cảm nhận liên tưởng tinh tế, độc đáo->Gợi một không gian cao rộng, ngập tràn tiếng chim ca. Âm thanh tiếng chim đọng mãi trong không gian, như một phép màu kì diệu làm biến đổi cả thiên nhiên, gợi người đọc hình dung vẻ đẹp thanh bình, no ấm của làng quê, tình yêu thiên nhiên, niềm tin yêu cuộc sống nhà thơ . Khơi gợi ở người đọc tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước

Câu 1.  4 điểm   Trong bài thơ “Mẹ ốm”, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:

“Nắng mưa từ những ngày xưa

Lặn trong đời mẹ bây giờ chưa tan”

a) Em hiểu nghĩa của từ “nắng mưa” trong câu thơ trên như thế nào ?

b) Nêu nét đặc sắc về nghệ thuật của việc sử dụng từ “lặn” trong câu thơ thứ 2 ?

Tải về >> tại đây

Xem thêm 

Biện pháp tu từ – Ngữ Văn lớp 6 (Phần 1) >> tại đây

Biện pháp tu từ – Ngữ Văn lớp 6 (Phần 2) >> tại đây

Biện pháp tu từ – Ngữ Văn lớp 6 (Phần 4) >> tại đây

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận