Biện pháp tu từ – Ngữ Văn lớp 6 (Phần 1)

Đang tải...

Định hướng

Cách dạy học sinh làm một số dạng bài cơ bản thường gặp trong thi cử.

 Cách làm bài:

Bước 1: 

+ Đọc kĩ đề, gạch chân các từ ngữ quan trọng để xác định rõ yêu cầu của đề bài.

+  Tìm nội dung chính của câu, đoạn văn thơ chứa phép tu từ.

Bước 2:

+ Tìm những phép tu từ  được sử dụng trong câu, đoạn thơ văn.

+ Xác định từ ngữ có phép tu từ đó.

 ( Ví dụ: ẩn dụ được thể hiện ở từ, cụm từ nào? Nhân hoá thể hiện ở từ ngữ nào?)

 Bước 3:

 + Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của đoạn văn, thơ.

 + Trong đó, phân tích kĩ biện pháp nào là hay, đặc sắc nhất, gợi nhiều ấn tượng, cảm xúc cho người đọc.

        Vận dụng vốn sống, vốn cảm thụ của bản thân về Ngữ văn liên quan đến nội dung văn bản và kiến thức về biện pháp tu từ để phân tích, trình bày những suy nghĩ, liên tưởng cảm nhận của riêng mình về giá trị biểu đạt, biểu cảm….của biện pháp tu từ,  hiệu quả việc sử dụng các phép tu từ của tác giả  để diễn đạt thành công  một nội dung cụ thể nào đó trong văn bản. 

Chú ý: Có thể đặt các câu hỏi để tìm ý  như sau:

Nếu câu, đoạn văn thơ sử dụng phép so sánh:

 –  Tác giả so sánh sự vật, hiện tượng nào với sự vật hiện tượng nào? Giữa hai đối tượng có nét gì giống nhau? (nét tương đồng).

  – Phép so sánh có tác dụng gì trong việc miêu tả sự vật, sự việc: làm cho sự vật, sự việc hiện lên cụ thể sinh động như thế nào?

   So sánh có tác dụng gì trong việc thể hiện tư tưởng tình cảm của người viết, trong việc khơi gợi liên tưởng, tưởng tượng hay tình cảm, cảm xúc nơi người đọc.

– So sánh  trong câu, đoạn văn thơ ấy  hay,  độc đáo, đặc sắc, mới lạ ở chỗ nào?

 Nếu câu, đoạn thơ văn sử dụng phép nhân hóa:

 – Biện pháp nhân hóa làm cho sự việc, hiện tượng vốn không phải là người trở nên giống người như thế nào?

 – Nhân hóa còn khiến cho sự vật, hiện tượng  không phải là người trở nên sống động, gần gũi với con người ra sao?

 – Nhân hóa  giúp câu, đoạn thơ (văn) biểu thị những suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm  gì của con người?

– Biện pháp nhân hóa được tác giả sử dụng hay, đặc sắc ở chỗ nào?

   Nếu câu, đoạn thơ văn sử dụng phép ẩn dụ:

 Trước hết cần hiểu  ẩn dụ là so sánh ngầm, trong đó ẩn đi sự vật, hiện tượng được so sánh (vế A), phương diện so sánh, từ so sánh; chỉ còn lại sự vật, hiện tượng để so sánh (vế B).

 – Từ ngữ dùng theo phép  ẩn dụ (B) để chỉ sự vật hiện tượng hay khái niệm nào(A)?

 – Tìm mối quan hệ (nét tương đồng) giữa sự vật, hiện tượng được biểu thị(A) và sự vật hiện tượng được nêu ra(B)?

 – Phép ẩn dụ giúp câu, đoạn thơ (văn) có tính hàm súc, gợi hình ảnh, tăng sức biểu cảm như thế nào?

 – Nét độc đáo, đặc sắc, mới lạ …. của phép ẩn dụ được sử dụng trong bài?

Nếu câu, đoạn thơ văn sử dụng phép hoán dụ:

– Từ ngữ dùng theo phép hoán dụ dùng để thay thế cho sự vật, hiện tượng nào? Dựa  trên mối quan hệ gần gũi nào?

 – Hoán dụ tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt như thế nào?

 – Cách sử dụng phép hoán dụ có gì mới lạ, đặc sắc?

Nếu câu đọan sử  dụng phép điệp ngữ:

  – Từ, cụm từ…nào được lặp lại, lặp lại mấy lần.

  –  Điệp ngữ có tác dụng nhấn mạnh ý như thế nào: ĐN nối tiếp tạo ấn tượng mới mẻ có tính chất tăng tiến; ĐN cách quãng gây ấn tượng nổi bật; ĐN vòng làm cho câu văn, câu thơ liền như đợt sóng.

  – Điệp ngữ giúp câu văn, thơ thêm cân đối, nhịp nhàng, hài hòa, có nhịp điệu,  làm nổi bật từ ngữ quan trọng, khiến sự diễn đạt sâu sắc thấm thía, có sức thuyết phục mạnh.

Nếu câu, đoạn sử dụng phép chơi chữ:

 – Chơi chữ ở từ, cụm từ nào, theo lối nào?

 – Chơi chữ có tác dụng tạo sắc thái dí dỏm, hài hước, hoặc tạo cách hiểu bất ngờ, thú vị như thế nào?

Nếu câu, đoạn sử dụng phép liệt kê:

 – Liệt kê có tác dụng nêu lên sự phong phú đa dạng, phức tạp của sự vật hiện tượng như thế nào? .

Nếu câu, đoạn sử dụng  phép tương phản:

– Tương phản thể hiện ở từ ngữ nào? Đó là những hành động, những cảnh tượng, hay những tính cách trái ngược nhau?

– Tương phản làm nổi bật bản chất của đối tượng, hay làm nổi bật một ý tưởng, hoặc tư tưởng của tác phẩm?

Nếu câu, đoạn sử dụng phép nói quá:

– Phép nói quá đã phóng đại mức độ, qui mô, tính chất của sự vật, sự việc, hay hiện tượng ?

– Phép nói quá  nhằm nhấn mạnh điều gì? tăng sức biểu cảm như thế nào?

Nếu câu, đoạn sử dụng phép nói giảm, nói tránh:

– Từ ngữ nào được dùng theo phép nói giảm, nói tránh?

– Nói giảm, nói tránh dùng để giảm nhẹ mức độ khi phải đề cập đến những chuyện đau buồn, ghê sợ hay để biểu lộ thái độ lịch thiệp, tránh thô tục?

Nếu câu, đoạn sử dụng câu hỏi tu từ:

– Câu hỏi tu từ nhằm để khẳng định hay phủ định?

– Câu hỏi tu từ dùng để biểu lộ tâm tư hay tình cảm, cảm xúc?

Bước 4:

Viết đoạn văn, hoặc bài văn ngắn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ.

Hình thức: Trình bày thành một đoạn văn hay bài văn  tùy theo yêu cầu của đề.

   * Viết đoạn văn:

 Đoạn văn có thể được triển khai theo một trong các cách mà các em đã học: diễn dịch, qui nạp, tổng- phân – hợp…

   * Viết bài văn ngắn:

  Bài văn ngắn có bố cục ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài.

Cách viết

a, Mở đoạn (hoặc mở bài):  Giới thiệu đoạn văn thơ có chứa phép tu từ, nội dung chính của đoạn.

( Có thể viết 1 đến 2 câu)

b, Phát triển đoạn( hoặc thân bài):

Gồm các câu tiếp theo, số câu tùy người viết hoặc theo yêu cầu của đề bài.

– Chỉ ra, phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ trong  việc thể hiện nội dung tư tưởng của đoạn thơ(văn). Làm theo gợi ý ở bước 2, 3 .

– Có thể so sánh, liên tưởng với những trường hợp tương tự khác để thấy rõ hơn nét riêng, độc đáo, sáng tạo của tác giả trong văn bản đó.

c, Kết đoạn(hoặc kết bài):

 Khẳng định lại giá trị của các biện pháp tu từ trong  đoạn thơ (văn), ấn tượng, cảm xúc của người viết.

(Có thể viết 1 đến 2, 3  câu tùy đó là đoạn hay bài)

III. Ví dụ minh họa:

  1. Lớp 6

Viết đoạn văn phân tích tác dụng của phép  nhân hóa trong đoạn thơ sau:

            “Ông trời               

              Mặc áo giáp đen

              Ra trận

              Muôn nghìn cây mía

              Múa gươm

              Kiến

              Hành quân

              Đầy đường”

                                ( Mưa – Trần Đăng Khoa – Ngữ văn 6 tập 2 trang 78)

Bước 1. Đọc, xác định nội dung chính của đoạn thơ: Cảnh vật khi trời sắp mưa.

Bước 2. Xác định phép tu từ:

Các sự vật được nhân hóa:

-Bầu trời được gọi là “ông”, có hành động “ mặc áo giáp”, “ra trận”.                                  

– Mía “múa gươm”. 

– Kiến “hành quân”.     

 Bước 3. Phân tích tác dụng:

– Biện pháp nhân hóa kết hợp với sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú đó tỏi hiện cảnh trời sắp mưa ở làng quê giống như cảnh tượng một cuộc ra trận của con người với khí thế mạnh mẽ, khẩn trương:

+ Bầu trời đầy mây đen trở thành vị tướng mặc áo giáp đen đang dẫn quân xuất trận.

+ Vườn mía với muôn nghìn cây lá dài, sắc  nhọn quay cuồng, ngả nghiêng trong gió được hình dung thành những lưỡi gươm khua lên trong tay các chiến sĩ của một đội quân đang múa gươm, chuẩn bị ra trận.

+ Kiến đi tránh mưa từng hàng dài, có hàng lối thành đoàn quân đang hành quân vội vã.

       Phép nhân hóa cùng sức tưởng tượng và khả năng liên tưởng độc đáo của nhà thơ trẻ  khiến cho cảnh vật thiên nhiên bình dị ở làng quê trở nên sống  động, có hồn, gần gũi với con người. Đoạn thơ cho thấy cách cảm nhận thiên nhiên hồn nhiên tinh tế, trong sáng, rất trẻ thơ của tác giả, qua đó khơi gợi tình yêu thiên nhiên làng quê, yêu cuộc sống nơi bạn đọc.

Bước 4. Viết đoạn văn .  

Với học sinh lớp 6 cần hướng dẫn để các em hiểu cách viết một đoạn văn đơn giản đó là cần có câu mở đoạn hoặc có cả câu kết đoạn; đoạn văn được bắt đầu bằng chữ cái viết hoa lùi đầu dòng và kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng.

Đoạn văn minh họa:   Đoạn văn viết trong bài kiểm tra Tiếng Việt 45 phút của học sinh trường THCS 2 Thị trấn Thanh Ba.

      “ Bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa là một tác phẩm hay và độc đáo.Trong bài thơ có một đoạn mà em rất thích:

            “Ông trời               

              Mặc áo giáp đen

              Ra trận

              Muôn ngàn cây mía

              Múa gươm

              Kiến

              Hành quân

              Đầy đường”

Biện pháp tu từ nhân hóa đã được tác giả sử dụng nhiều, khá độc đáo trong đoạn thơ. Trần Đăng Khoa đã nhân hóa bầu trời đầy mây đen thành một vị tướng oai phong “mặc áo giáp đen” dẫn quân xuất trận. Vườn mía muôn ngàn cây với những lá mía nhọn, dài ngả nghiêng theo gió  biến  thành đội quân đông đảo đang “múa gươm” tập luyện. Những con kiến nhỏ đi tránh mưa thành hàng dài nhờ phép nhân hóa bỗng trở thành  những người lính đang “hành quân” vội vã ra chiến trận. Đọc đoạn thơ, em hình dung cảnh vật ở làng quê khi trời sắp mưa chẳng khác nào một  cuộc chiến đấu với khí thế mạnh mẽ và khẩn trương. Nhờ phép nhân hóa và sự liên tưởng độc đáo của tác giả mà sự vật bình dị, quen thuộc ở làng quê  quanh ta trở nên sống động, có hồn, gần gũi và mang dáng dấp con người. Đoạn thơ hay đã thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó với thiên nhiên cùng tài quan sát, trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ.   ”

               (Phạm Thị Thanh Quyên – học sinh lớp 6A1 năm học 2010-2011)

Bài 3: Phân tích các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:

Tiếng chim vách núi nhỏ dần,

Rì rầm tiếng suối khi gần, khi xa.

Ngoài thềm rơi chiếc lá đa,

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.

                                                (Đêm Côn Sơn – Trần Đăng Khoa)

* Gợi ý : HS chỉ ra được các biện pháp tu từ được sử dụng trong mỗi câu thơ và phân tích:

Tiếng chim vách núi nhỏ dần

   Nghệ thuật đảo ngữ: từ “vách núi” được đặt lên trước “nhỏ dần” tạo nên sự hài hoà, đăng đối cho câu thơ đồng thời gợi không gian bao la, tĩnh lặng trong đêm ở Côn Sơn. Ta cảm nhận được sự nhỏ bé, cô đơn, lẻ loi của tiếng chim trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, núi rừng.

Rì rầm tiếng suối khi gần, khi xa

   Nghệ thuật đảo ngữ: từ láy “rì rầm” được đặt lên trước từ “tiếng suối” tạo nên âm điệu dìu dặt, nhịp nhàng, nhấn mạnh âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu của tiếng suối lúc gần, lúc xa trong đêm vắng. Câu thơ khắc hoạ bức tranh đêm Côn Sơn vừa thơ mộng vừa huyền ảo và huyền bí .

Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

   Cũng là nghệ thuật đảo ngữ: động từ “rơi” được đưa lên trước “chiếc lá đa” vừa tạo sự nhịp nhàng cho câu thơ, vừa gợi tả sự vận động thật dịu nhẹ, khẽ khàng của chiếc lá .

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

   Nghệ thuật ẩn dụ (thuộc kiểu ẩn dụ chuyển đổi cảm giác): “mỏng” chỉ đặc điểm, kích thước của sự vật (được cảm nhận bằng thị giác, xúc giác) à “mỏng” (tiếng rơi được cảm nhận qua thính giác). Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng nghệ thuật so sánh, miêu tả trạng thái rơi của chiếc lá thật độc đáo “rơi nghiêng”, tạo ra hình ảnh thơ vừa giàu chất tạo hình vừa mang giá trị biểu cảm cao. Chiếc lá đa lìa cành không chỉ được cảm nhận bằng xúc giác, thị giác, thính giác mà bằng cả tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của nhà thơ

Đang tải...

Tải về >> tại đây

Xem thêm 

Biện pháp tu từ – Ngữ Văn lớp 6 (Phần 2) >> tại đây

Biện pháp tu từ – Ngữ Văn lớp 6 (Phần 3) >> tại đây

Biện pháp tu từ – Ngữ Văn lớp 6 (Phần 4) >> tại đây

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận