Bầm ơi – tuần 31 – tiếng việt 5

Đang tải...

Bầm ơi

I. LUYỆN ĐỌC

1. Đọc diễn cảm bài đọc

2. Lưu ý phát âm

Nhận diện và phát âm rõ các từ:

tr / ch: trăm, chiều chiều, chân, chớ, chưa;

x / s: xa xôi, sớm sớm, sáu mươi;

l / n: lội, lần, lại, lo, nay, núi, non, nỗi tái tê, nước;

d / r / gi: dưới, rét, ra, run, ruột gan, gió, giặc…

II. TÌM HIẾU BÀI

1. Tìm hiểu chung

Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920 tại Quảng Nam, mất năm 2002. Ông là một trong những nhà thơ lớn nhất, tiêu biểu nhất của nền thơ ca Việt Nam hiện đại, được xem là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng. Giọng thơ Tố Hữu là giọng tâm tình, ngọt ngào, đậm đà tính dân tộc, giàu nhạc điệu từ nội dung đến nghệ thuật.

Bài thơ Bầm ơi ca ngợi tình cảm sâu nặng, thắm thiết của anh chiến sĩ ngoài tiền tuyến với người mẹ nghèo, tần tảo ở quê.

2. Nội dung chính

Buổi chiều, nhìn mưa phùn lâm thâm và gió núi heo heo, anh chiến sĩ bỗng nhớ đến người mẹ ở quê xa. Anh nhớ hình ảnh mẹ đi cấy giữa trời mưa phùn gió rét: Bầm ra ruộng cấy bầm run / Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non.

Tình cảm giữa anh chiến sĩ và mẹ thắm thiết, sâu nặng:

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

Anh chiến sĩ động viên cho mẹ yên lòng. Anh xin mẹ chớ lo cho anh nhiều, dù anh đi đánh giặc khó khăn, gian khổ thế nào cũng không thể khó nhọc bằng cuộc đời của mẹ.

Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều

Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

Qua lời tâm tình của anh chiến sĩ, hình ảnh bà mẹ hiện lên là điển hình cho người mẹ Việt Nam anh hùng: tảo tần lao động, thương chồng thương con nhưng sẵn sàng cho con đi chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, hy sinh cho đất nước. Đối với anh chiến sĩ, hình ảnh người mẹ sánh ngang với hình ảnh đất nước: “Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền”.

3. Liên hệ bài đọc / Mở rộng kiến thức

Những người con dù đi xa đến đâu thì trong lòng vẫn luôn hướng về quê hương, nơi có người mẹ già yêu thương đang ngày đêm trông ngóng. Ca dao cũng có rất nhiều câu diễn tả nỗi lòng của người con xa quê nhớ mẹ như anh chiến sĩ trong bài thơ trên:

– Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,

Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau.

– Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.

– Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều.

– Chiều chiều ngó ngược, ngó xuôi,

Ngó không thấy mẹ, ngùi ngùi nhớ thương.

Ca dao

Xem thêm Mở rộng vốn từ Nam nữ

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận