Bài tập Ngữ văn 6: Thánh Gióng. Từ mượn. Tìm hiểu chung về văn tự sự

Đang tải...

I – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Có ý kiến cho rằng truyện Thánh Gióng là truyền thuyết vì trong truyện có giải thích nguồn gốc một số sự vật, hiện tượng (làng Cháy, tre đằng ngà, ao hồ ở vùng chân núi Sóc) và có nhiều yếu tố tưởng tượng kì ảo. Theo em, cách lí giải như vậy đã đầy đủ chưa ? Nếu phải giải thích truyện Thánh Gióng là truyền thuyết em sẽ lí giải như thế nào ?

2. Dòng nào không giải thích cho khái niệm chi tiết tưởng tượng kì ảo ?

A – Là chi tiết không có thật

B – Là chi tiết được tưởng tượng ra

C – Là chi tiết gắn với sự thật lịch sử

D – Là chi tiết có tính chất hoang đường, kì vĩ

3. Trong các chi tiết sau, đâu là chi tiết không có yếu tố tưởng tượng kì ảo ?

A – Bà lão đặt chân lên vết chân lạ và mang thai

B – Đứa trẻ vươn vai một cái bỗng biến thành tráng sĩ

C – Bà con làng xóm góp gạo nuôi chú bé

D – Ngựa sắt hí vang phun ra lửa

4. Dòng nào nói đúng nhất chủ đề của truyện Thánh Gióng ?

A – Nguồn gốc và chiến công của người anh hùng

B – Sức mạnh của tinh thần đoàn kết

C – Đánh giặc cứu nước

D – Vai trò của nhân dân

5. Dòng nào thể hiện đúng nhất quan niệm của nhân dân về người anh hùng trong truyền thuyết Thánh Gióng ?

A – Phải có nguồn gốc thần kì và vũ khí kì diệu

B – Phải xuất thân từ nhân dân và được nhân dân nuôi dưỡng

C – Phải có được sức mạnh phi thường

D – cả ba ý trên

6. Dòng nào thể hiện đúng nhất khái niệm từ tiếng Việt ?

A – Là từ có một âm tiết

B – Là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất dùng để đặt câu

C – Là các từ đơn và từ ghép

D – Là các từ ghép và từ láy

7. Dòng nào thể hiện đúng nhất khái niệm từ mượn tiếng Việt ?

A – Là những từ do nhân dân ta sáng tạo ra

B – Là những từ được mượn từ tiếng Hán, hay hơn từ Việt vốn có

c – Là những từ làm phong phú thêm cho vốn từ tiếng Việt

D – Là những từ vay mượn từ tiếng nước ngoài để biểu thị những sự vật, hiện tượng mà tiếng Việt chưa có

8. Bộ phận từ mượn quan trọng nhất trong tiếng Việt có nguồn gốc từ đâu ?

A – Tiếng Anh                                          C – Tiếng Hán

B – Tiếng Pháp                                         D – Tiếng Khơ-me

9. Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nên dùng từ mượn như thế nào

A – Tuyệt đối không dùng từ mượn

B – Dùng nhiều từ mượn để làm giàu thêm tiếng Việt

C – Dùng từ mượn tuỳ theo ý thích của người nói, người viết

D – Không dùng từ mượn tuỳ tiện, chỉ dùng khi cần thiết

10. Đoạn văn : Vào đời Hùng Vương thứ sáu, Ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức nhưng mãi vẫn chưa có con. Một hôm bà lão nhìn thấy vết chân lạ trên cánh đồng liền ướm thử. Không ngờ bà thụ thai và sau đó sinh ra  một cậu bé rất khôi ngô tuấn tú thuộc phương thức biểu đạt nào ? Vì sao ?

11. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi.

               Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái, bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong, lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ.

a) Đoạn văn trên thuộc phương thức biểu đạt nào ?

A – Miêu tả                                                   C – Tư sự

B – Biểu cảm                                                D    – Nghị luận

b) Đoạn văn trên có mục đích gì ?

A – Tái hiện trạng thái sư vật, hiện tượng

B – Trình bày diễn biến sự việc

C – Bày tỏ tình cảm, cảm xúc,

D – Nêu ý kiến đánh giá, bàn luận

12. Hãy liệt kê các chi tiết tưởng tượng kì ảo trong truyện Thánh Gióng.

13. Vì sao sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng lại bay về trời ?

14. Truyện Thánh Gióng trong Ngữ văn 6 có mấy đoạn ? Nội dung chính được kể trong mỗi đoạn là gì ?

15. Tóm tắt truyện Thánh Gióng trong khoảng 10 câu.

16. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi.

               Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ, bèn sai sứ giả đi khắp nơi rao tìm người tài giỏi cứu nước. Đứa bé nghe tiếng rao, bỗng dưng cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Sứ giả vào, đứa bé bảo : “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn.

a) Đoạn văn kể sự việc gì ? Sự việc đó được làm rõ bởi những chi tiết nào ? Mối quan hệ giữa các chi tiết đó ra sao ?

b ) Theo em, chi tiết nào là quan trọng trong sự việc kể trên ? Chi tiết đó có ý nghĩa gì và giữ vai trò như thế nào đối với sự phát triển của câu chuyện ?

c) Đoạn văn có những từ nào là từ mượn ? Mượn ở ngôn ngữ nào ? Thử tìm trong tiếng Việt những từ có thể thay cho những từ mượn trên mà ý nghĩa không đổi.

d) Câu văn Sứ giả vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua đã được một bạn kể lại là Sứ giả lấy làm lạ, mừng rỡ quá, vội vàng về tâu vua.

Theo em, việc thay kinh ngạc bằng lấy làm lạ có làm thay đổi thái độ của nhân vật và ý nghĩa của chi tiết đó không ? Vì sao ?

17. Kết thúc truyện Thánh Gióng kể việc Gióng đánh giặc rồi bay về trời như sau : Đến đấy, một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời. Chi tiết đó đã được bạn Lan kể lại : Đến đấy, tráng sĩ lên đỉnh núi rồi bay về trời. Bạn Tuấn Anh kể : Đến đấy, tráng sĩ một mình lên đỉnh núi để lại ngựa, cởi bỏ giáp sắt rồi bay về trời.

Theo em, ba cách kể trên có làm cho nội dung và ý nghĩa của chi tiết khác nhau không ? Vì sao ?

18. Hãy tưởng tượng mình là người dân làng Gióng và kể lại truyện Thánh Gióng theo sự việc gắn với nhân vật chính cho khách thập phương đến dự hội làng nghe.

19. Vì sao nói truyền thuyết Thánh Gióng là một văn bản tự sự ?

A – Giải thích một số sự việc : sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng, Gióng bay về trời, Gióng để lại một số vết tích

B – Bày tỏ thái độ ngợi ca hành động giết giặc của Thánh Gióng

C – Kể lại, giải thích, bày tỏ thái độ ngợi ca sự ra đời và hành động giết giặc cứu nước của Thánh Gióng

D – Kể lại sự kiện lịch sử đánh giặc Ân của ông cha ta

20. Truyện Thánh Gióng có các sự việc sau :

a. Gióng ra đời

b. Gióng lớn nhanh như thổi, cả làng nuôi. Gióng

c. Gióng biết nói và nhận trách nhiệm đi đánh giặc

d. Giặc tan, Gióng cởi áo giáp sắt bay về trời

e. Gióng vươn vai thành tráng sĩ, đi đánh giặc

g. Nhân dân lập đền thờ Gióng, hằng năm mở hội nhớ ơn, vua ban cho Gióng danh hiệu Phù Đổng Thiên Vương

h. Những di tích còn lại của Gióng

Hãy cho biết các sự việc (chi tiết nhỏ hơn) sau đây thuộc sự việc nào ở trên ?

– Hai vợ chồng ông lão muốn có con

– Bà lão giẫm lên vết chân lạ, về thụ thai, 12 tháng mới sinh

– Gióng lên ba vẫn chưa biết nói cười, đặt đâu nằm đấy

21. Lựa chọn và điền các từ sau đây vào chỗ trống phù hợp với nguồn gốc của nó : tê-lê-phôn, ti-vi, ga-ra, ra-đi-ô, ác-măng-giê, in-tơ-nét, ten-nít, anh hùng, ra đời tráng sĩ, khôi ngô, xâm phạm, vội vàng, gom góp.

Từ thuần Việt : 

…………………………………………………………………………….

Từ mượn tiếng Hán :

…………………………………………………………………………….

Từ mượn tiếng Pháp :

…………………………………………………………………………….

Từ mượn tiếng Anh :

…………………………………………………………………………….

22. Trong hai cách dùng từ sau, cách nào hợp lí hơn ? Vì sao ?

A – Làng văn hoá ăn uống               B – Làng văn hoá ẩm thực

II – GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÓ

Phần Tự luận

1. – Giải thích truyện Thánh Gióng là truyền thuyết vì trong truyện có giải thích nguồn gốc một số sự vật (làng Cháy, tre đằng ngà, ao hồ ở vùng chân núi Sóc) và có nhiều yếu tó tưởng tượng kì ảo – là chưa đầy đủ.

– Truyện Thánh Gióng là truyền thuyết vì : Ngoài việc giải thích một số sự vật, hiện tượng (sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng, Gióng bay về trời, Gióng để lại một số vết tích làng Cháy, tre đằng ngà, ao hồ ở vùng chân núi Sóc,…) và có nhiều yếu tố tưởng tượng kì ảo, truyện còn trình bày và tỏ thái độ ngợi ca sự ra đời và hành động giết giặc cứu nước của người anh hùng làng Gióng gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm.

10. – Đoạn văn thuộc phương thức biểu đạt tự sư.

Vì đoạn văn trình bảy và tỏ thái độ ngợi ca sư ra đời kì lạ của người anh hùng Thánh Gióng.

13. Có thể lí giải sự kiện sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng lại bay về trời như sau :

– Thánh Gióng là người anh hùng của nhân dân nên không màng vinh hoa phú quý.

– Thánh Gióng là người anh hùng có sứ mệnh sinh ra để đánh giặc, giặc tan, Thánh Gióng đã hoàn thành sứ mệnh nên bay về trời.

16. a) Đoạn văn Bấy giờ… đứa bé dặn kể sự việc chú bé làng Gióng xin đi đánh giặc cứu nước.

b) – Chi tiết giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta là chi tiết quan trọng.

– Lí do : Đất nước có giặc ngoại xâm, vân đề sống còn của đất nước trở thành vân đề cấp bách. Đây là một biến cố lớn, đòi hỏi cả dân tộc, trong đó mỗi người dân phải tự chuyển mình, vươn dậy một cách phi thường với tất cả lòng yêu nước và chí căm thù giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước.

– Chi tiết giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta là đầu mối cho sự phát triển câu chuyện.

d) – Trong câu : […] Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua nếu thay từ kinh ngạc bằng lấy làm lạ thậm chí bằng từ ngạc nhiên sẽ làm thay đổi thái độ của nhân vật và ý nghĩa của câu. 

– Lí do : Những từ ngữ đó không diễn tả hết được mức độ vô cùng lạ lùng, hết sức ngạc nhiên, sửng sốt của sứ giả khi thấy đáp lại lời kêu gọi của nhà vua lại là một đứa trẻ lên ba chưa biết nói cười. Lời nói đầu tiên thốt ra lại là lời xin đi đánh giặc, cứu nước.

17. – Trong ba cách kể sự việc Thánh Gióng đánh giặc rồi bay về trời thì cách kể của sách giáo khoa là hay và đầy đủ hơn cả.

– Cách kể của bạn Lan và bạn Tuấn Anh : chưa chú ý tới hình ảnh một mình một ngựa, tới động tác cởi giáp sắt bỏ lại và tới sự lưu luyến từ từ bay lên trời của Gióng. Do đó, hai cách kể này đều không gợi được những cảm xúc đẹp trong lòng người nghe.

20. Các sự việc (chi tiết) : hai vợ chồng ông lão muốn có con ; bà lão giẫm lên vết chân lạ, về thu thai, 12 tháng mới sinh ; Gióng lên ba vẫn chưa biết nói cười, đặt đâu nằm đấy thuộc sự việc a – Gióng ra đời.

21. Lựa chọn và điền các từ vào ô trống phù hợp với nguồn gốc của nó :

Từ thuần Việt

Từ mươn tiếng Hán

Từ mượn tiếng Pháp

Từ mượn tiếng Anh

 

 

 

 

Từ thuần Việt : gom góp…

Từ mượn tiếng Hán : anh hùng…

Từ mượn tiếng Pháp : gác-măng-giê…

Từ mượn tiếng Anh : in-tơ-nét…

Phần Trắc nghiệm

Câu

2

3

4

5

6

7

8

9

11a

11b

19

Lựa chọn

C

C

A

D

B

D

C

D

C

B

C

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận