Bài tập Ngữ văn 6: Thạch Sanh. Chữa lỗi dùng từ

Đang tải...

I – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Cho các từ cuộc đời, ước mơ, niềm tin, li kì, hoang đường, mong muốn, công bằng, bất công, hãy chọn và điền vào các chỗ trống thích hợp trong đoạn văn sau :

           Truyện cổ tích là truyện dân gian kể về /… / của một số kiểu nhân vật. Truyện thường có yếu tố /… /, thể hiện /… / của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự /… / đối với sự /…/.

2. Các truyện cổ tích thường được trình bày theo phương thức biểu đạt nào ?

A – Miêu tả                                   C – Miêu tả và tự sự

B – Tự sự                                         D – Tự sự và biểu cảm

3. Các nhân vật tiên, Bụt, thiên thần có vai trò nào là chính trong các truyện cổ tích ?

A – Giải thích nguồn gốc thần thánh của các nhân vật

B – Thể hiện ước mơ công bằng, tạo sự hấp dẫn

C – Tạo kết thúc có hậu

D – Tạo sự hấp dẫn

4. ất cả các truyện cổ tích đều có chung một cách kết thúc : ở hiền gặp lành, thiện thắng ác, gieo gió gặt bão,… Cách kết thúc đó thường gọi là kết thúc gì ?

A – Kết thúc có hậu                                      C – Kết thúc thuận lợi

B – Kết thúc tốt đẹp                                      D – Kết thúc thoả mãn ước mơ

5. Chi tiết nào làm nên kết thúc có hậu của truyện Sọ Dừa ?

A – Hai vợ chồng Sọ Dừa được đoàn tụ              C – Hai cô chị bỏ đi biệt xứ

B – Sọ Dừa thi đỗ quan trạng                      D – cả ba chi tiết trên

6. Nhân vật Thạch Sanh có nguồn gốc thần thánh không ? Hãy chứng minh cho ý kiến của em.

7. Đoạn văn sau kể về cuộc gặp gỡ giữa Lí Thông và Thạch Sanh :

           Một hôm, có người hàng rượu tên là Lí Thông đi qua đó. Thấy Thạch Sanh gánh về một gánh củi lớn, hắn nghĩ bụng: “Người này khoẻ như voi. Nó về ở cùng thì lợi biết bao nhiêu”. Lí Thông lân la gợi chuyện, rồi gạ cùng Thạch Sanh kết nghĩa anh em. Sớm mồ côi cha mẹ, tứ cố vô thân, nay có người săn sóc đến mình, Thạch Sanh cảm động, vui vẻ nhận lời. Chàng từ giã gốc đa, đến sống chung với mẹ con Lí Thông.

Hãy xác định trong đoạn văn đó : lời văn giới thiệu nhân vật, lời văn kể hành động, lời văn kể việc, lời văn kể tâm trạng nhân vật.

8. Đoạn văn (đã nêu ở câu 7) giúp em hiểu gì về bản chất hai nhân vật Lí Thông, Thạch Sanh ?

9. Thạch Sanh vượt qua được nhiều thử thách và lập được chiến công vì chàng thuộc kiểu nhân vật nào ?

A – Người dũng sĩ                                       C – Người bất hạnh

B – Người thông minh                                D – Người ngốc nghếch

10. Đoạn văn “ Biết Lí Thông hại mình, Thạch Sanh cố tìm lối lên. Đến cuối hang, chàng thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú bị nhốt trong chiếc cũi sắt; độ chính là thái tử con vua Thuỷ Tề. Thạch Sanh dùng cung vàng bắn tan cũi sắt; cứu thái tử ra. Thái tử thoát nạn, hết lời cảm tạ chàng, mời chàng xuống chơi thuỷ phủ. Vua Thuỷ Tề sung sướng được gặp lại con, đãi Thạch Sanh rất hậu. Khi chàng về, vua biếu nhiều vàng bạc nhưng Thạch Sanh không nhận, chỉ xin một cây đàn. Chàng lại trở về gốc đa.” kể lại sự việc gì ? Sự việc đó gồm những chi tiết nào ? Mối quan hệ giữa các chi tiết đó ra sao ?

11. Hãy chỉ ra thứ tư kể việc trong đoạn văn trên. Có thể kể lại sự việc trong đoạn văn trên theo lối kể đảo ngược trật tự được không ? Vì sao ?

12. Kết thúc truyện, mẹ con Lí Thông mặc dù đã được Thạch Sanh tha nhưng vẫn bị sét đánh chết và hoá thành bọ hung. Chi tiết này nói lên điều gì ?

A – Thể hiện sư hoá kiếp đích đáng của kẻ ác

B – Thể hiện sự công bằng và đạo lí dân gian

C – Thể hiện sư trả thù

D – Thể hiện sức mạnh thần kì của thiên nhiên

13. Dòng nào sau đây không làm nên sự hấp dẫn của truyện Thạch Sanh ?

A – Các nhân vật với những diễn biên, số phận phức tạp

B – Các yếu tố kì ảo hấp dẫn

C – Kết thúc có hậu

D – Truyện dài

14. Cuộc đời dũng sĩ Thạch Sanh là một chuỗi thử thách. Những thử thách luôn gắn liền với chiến công. Hãy ghi lại ngắn gọn điều đó vào chỗ trống sau :

Thử thách : ………………………………………

Chiến công : ……………………………………..

15. Hãy liệt kê những thử thách mà Thạch Sanh phải trải qua theo diễn biến của câu chuyện.

16. Dòng nào không nói lên sự đối lập giữa hai nhân vật Thạch Sanh và Lí Thông ?

A – Thật thà và xảo trá                                 C – Thiện và ác

B – Vị tha và ích kỉ                                         D – Ngoan ngoãn và hư hỏng

17. Hãy liệt kê các chi tiết kì ảo trong truyện Thạch Sanh.

18. Sự xuất hiện của các vật lạ như cung tên vàng, cây đàn giữ vai trò và ý nghĩa như thế nào trong câu chuyện ?

19. Hãy so sánh để làm rõ sự thú vị của các chi tiết thần kì : tiếng sáo của Sọ Dừa trong truyện Sọ Dừa – tiếng đàn của Thạch Sanh trong truyện Thạch Sanh.

20. Hãy kể lại cảnh Thạch Sanh dùng cây đàn và niêu cơm thần lui quân mười tám nước chư hầu theo cách tưởng tượng của em.

21. Tiếng đàn của Thạch Sanh mỗi lần vang lên có ý nghĩa gì ?

A – Là tiếng nói của công bằng, bác ái, của đạo lí nhân dân

B – Là tiếng lòng của chàng Thạch Sanh hiền lành, đôn hậu

C – Là tiếng lòng của Thạch Sanh và sức mạnh cảm hoá diệu kì của nó

D – Là tiếng đàn huyền bí thể hiện sức mạnh của Ngọc Hoàng

22. Hình ảnh niêu cơm Thạch Sanh có ý nghĩa gì ?

A – Ước mơ về sự no ấm                          C – Ngợi ca báu vật của Thạch Sanh

B – Khát vọng chung sống hoà bình                    D – cả ba ý trên

23. Vì sao Thạch Sanh được coi là nhân vật người dũng sĩ ?

A – Vì chàng dám sống một mình giữa rừng xanh

B – Vì chàng có cây đàn kì diệu

C – Vì chàng có niêu cơm ăn hết lại đầy

D – Vì chàng là người dũng cảm theo quan niệm của nhân dân

24. Có thể sắp xếp các sự việc trong truyện Thạch Sanh theo cách kể đảo ngược trật tự được không ? Vì sao ?

25. Trường hợp nào mắc lỗi dùng từ lặp ?

A – Lặp từ để nhấn mạnh điều định nói

B – Lặp từ để tạo hiệu quả nghệ thuật về âm thanh

C – Lặp từ do thiếu chủ động khi chọn từ

D – Lặp từ để bộc lộ cảm xúc

26. Trong các câu sau, câu nào mắc lỗi dùng từ lặp ?

A – Người ta sinh ra tự do bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do bình đẳng về quyền lợi.

B – Truyện ” Thạch Sanh” là một truyện hay nên em rất thích truyện “Thạch Sanh”.

C – Cây tre Việt Nam, cây tre xanh nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm.

D – Tre xanh

      Xanh tự bao giờ

      Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.

27. Hãy chỉ ra nguyên nhân sai và cách chữa cho câu văn mắc lỗi ở bài tập trên.

28. Nguyên nhân nào dẫn đến lỗi dùng lẫn lộn các từ gần âm ? Cho ví dụ.

29. Cho các từ tưng bừng, bừng bừng, sôi nổi, sôi động, em hãy chọn một từ thích hợp để điền vào cả hai chỗ trống trong câu văn sau :

          Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh. Lễ cưới của họ /… / nhất kinh kì, chưa bao giờ và chưa ở đâu có một lễ cưới /… / như thế.

30. Khi chữa bài tập làm văn số 1, cô giáo đã nêu ra bốn yêu cầu sửa bài như sau :

A – Em đã kể lại truyện nào ? Nhân vật chính trong truyện là ai ? Nhân vật đã được giới thiệu đầy đủ chưa ?

B – Sự việc được em kể lại là gì ? Sự việc đó có nguyên nhân, diễn biến, kết quả như thế nào ?

C – Sự việc được em kể nhằm mục đích gì ? Mục đích đó đã đạt chưa ?

D – Em mắc bao nhiêu lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt,… ?

Theo em, các yêu cầu trên đã đủ chưa ?

II – GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÓ

Phần Tự luận

1. Chọn điền từ vào những chỗ thích hợp :

          Truyện cổ tích là truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật. Truyện thường có yếu tố hoang đường, thể hiện niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công.

6. Nhân vật Thạch Sanh có nguồn gốc thần thánh.

(Tìm dẫn chứng minh hoạ trong truyện Thạch Sanh)

7. – Lời văn giới thiệu nhân vật:

          + Một hôm, có người hàng rượu tên là Lí Thông đi qua đó

          + Sớm mồ côi cha mẹ, tứ cố vô thân

– Lời văn kể hành động :

          + Thạch Sanh gánh về một gánh củi lớn

          + Lí Thông lân la gợi chuyện rồi gạ

          + Thạch Sanh cảm động, vui vẻ nhận lời

          + Chàng từ giã gốc đa, đến sống chung với mẹ con Lí Thông

– Lời văn kể tâm trạng nhân vật:

Hắn nghĩ bụng : “Người này khoẻ như voi. Nó về ở cùng thì lợi biết bao nhiêu”.

8. Đoạn văn giúp ta hiểu rõ về bản chất hai nhân vật Lí Thông, Thạch Sanh :

– Thạch Sanh sống lương thiện, bản chất hiền lành, thật thà.

– Lí Thông sống bằng nghề buôn bán, bản chất gian giảo, xảo trá, luôn lợi dụng người khác.

10. – Đoạn văn : Biết Lí Thông hại mình… lại trở về gốc đa (Ngữ văn 6, tập một, trang 64) kể sự việc Thạch Sanh cứu thái tử con vua Thuỷ Tề.

Sự việc gồm các chi tiết như sau :

          + Thạch Sanh tìm cách ra khỏi hang thì gặp thái tử bị nhốt trong cũi sắt.

          + Thạch Sanh dùng cung tên vàng giải cứu cho thái tử.

          + Thái tử cảm tạ và mời Thạch Sanh xuống thăm thuỷ cung.

          + Vua Thuỷ Tề sung sướng, hậu đãi Thạch Sanh.

          + Ra về, Thạch Sanh từ chối vàng bạc, chỉ xin một cây đàn.

          + Thạch Sanh trở lại gốc đa xưa với cây đàn.

Quan hệ giữa các chi tiết đó là quan hệ nhân quả : có sự việc trước mới có sư việc sau.

11. Thứ tự kể của đoạn văn là thứ tự tự nhiên : việc xảy ra trước kể trước, cứ như vậy cho tới hết. Không thể thay đổi thứ tự kể đó bằng lối kể đảo ngược trật tự vì như trên đã nói : quan hệ giữa các chi tiết tạo nên sự việc là quan hệ nhân quả.

18. – Trong truyện Thạch Sanh, cung tên vàng, cây đàn là những vật thần kì, có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển câu chuyện.

– Thạch Sanh thuộc kiểu nhân vật dũng sĩ. Bộ cung tên vàng mà chàng thu được như một chiến lợi phẩm trong chiến công đầu tiên (chém chằn tinh) sau đó đã trở thành vũ khí lợi hại giúp chàng “cứu khốn phò nguy, diệt ác trừ gian”. Chính nhờ những hành động hào hiệp, quả cảm đó mà chàng đã có được hạnh phúc xứng đáng : cưới công chúa và trỏ thành phò mã của nhà vua.

– Cây đàn thần kì, gắn với nó là tiếng nhạc thần kì giúp Thạch Sanh nơi ngục tối cất lên tiếng đàn bày tỏ nỗi lòng. Tiếng đàn giúp chàng giải được nỗi oan, vạch mặt được kẻ ác. Vì thế tiếng đàn Thạch Sanh là tiếng nói của công lí và chân lí.

– Kì diệu hơn nữa, khi giặc ngoại xâm kéo tới, tiếng đàn của Thạch Sanh cất lên khiến giặc bủn rủn tay chân… cởi giáp xin hàng. Tiếng đàn của Thạch Sanh đã thành một vũ khí lợi hại dẹp yên nguy nan. Đó là tiếng đàn địch vận, tượng trưng cho thiện chí và khát vọng hoà bình.

19. Tiếng sáo của Sọ Dừa và tiếng đàn của Thạch Sanh là hai chi tiết thần kì có sự giống nhau khá thú vị : là tiếng tơ lòng, là sợi dây tơ hồng vấn vít, kết nối những tấm tình yêu chân thành.

– Nhờ tiếng sáo, cô út được chứng kiến một cảnh tượng diệu kì, được gặp con người thật của Sọ Dừa, được thấy cánh cửa hạnh phúc hé mở trước mắt mình : “Một hôm cô út vừa mang cơm đến dưới chân đồi thì nghe tiếng sáo véo von. Cô lấy làm lạ, rón rén bước lên, nấp sau bụi cây rình xem thì thấy…”.

– Nhờ tiếng đàn của Thạch Sanh vọng ra từ trong ngục tối, nàng công chúa con vua “từ khi được cứu thoát về cung thì bị cấm. Suốt ngày nàng chẳng nói, chẳng cười mặt buồn rười rượi […] bỗng nói cười vui vẻ”, biết xin vua cha cho gọi người đánh đàn vào cung. Nhờ thế nỗi oan của Thạch Sanh được giải, bí mật được phơi bày, tội ác bị trừng phạt, hạnh phúc lứa đôi được xe kết: “Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh. Lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kì, chưa bao giờ và chưa ở đâu có lễ cưới tưng bừng như thế.”

28. – Nguyên nhân dẫn đến lỗi dùng lẫn lộn các từ gần âm : dùng từ thiếu suy nghĩ.

(Tìm ví dụ trong các bài làm văn của mình và bạn.)

29. Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh. Lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kì, chưa bao giờ và chưa ở đâu có lễ cưới tưng bừng như thế.

30. – Đủ.

– Vì đó là những yêu cầu cơ bản nhất về nội dung, hình thức bài văn kể chuyện. Phần Trắc nghiệm

 

Câu

2

3

4

5

9

12

13

16

21

22

23

25

26

Lựa chọn

B

B

A

A

A

B

D

D

C

D

D

C

B

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận