Bài tập Ngữ văn 6: Sơn Tinh, Thủy Tinh. Nghĩa của từ. Sự việc và nhân vật trong văn tự sự

Đang tải...

I – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Dòng nào nhận xét đúng về truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh ?

A – Truyền thuyết giải thích hiện tượng lũ lụt, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng

B – Truyền thuyết kể về tình yêu giữa Mị Nương và Sơn Tinh, Thuỷ Tinh

C – Thần thoại kể về các vị Thần Núi, Thần Sông và cuộc chiến tranh giữa họ

D – Cổ tích giải thích nguồn gốc hiện tượng bão lụt hằng năm ở đồng bằng Bắc Bộ

2. Nhân vật chính là nhân vật như thế nào ? Trong các nhân vật Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, Hùng Vương thứ mười tám, Mị Nương, ai là nhân vật chính (của truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh) ? Vì sao ?

3, Hãy tìm các chi tiết nghệ thuật có tính chất tưởng tượng kì ảo và bay bổng về hai nhân vật Sơn Tinh, Thuỷ Tinh.

4. Chi tiết nào không được kể trong cơn giận của Thuỷ Tinh ?

A – Nhớ thương Mị Nương da diết

B – Đùng đùng nổi giận đuổi theo Sơn Tinh

C – Hô mưa gọi gió làm thành dông bão

D – Dâng nước ngập ruộng đồng, nhà cửa, núi non

5. Trong truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh có các sự việc sau : vua Hùng muốn kén chồng cho con gái) hai chàng trai Sơn Tinh, Thuỷ Tinh tài giỏi ngang nhau cùng đến cầu hôn ; vua Hùng tìm cách chọn con rể, Sơn Tinh đến trước lấy được Mị Nương; Thuỷ Tinh đến sau thua cuộc và tức tối trả thù; cuộc chiến đấu gay go giữa Sơn Tinh vả Thủy Tinh ; Thủy Tinh đuối sức phải rút nước về. Hãy nhớ kĩ và trả lời các câu hỏi:

a) Sự việc nào là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc giao tranh hằng năm giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh ? Vì sao ?

b) Sự việc nào là sự việc khởi đầu trong truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh ? Vì sao?

c) Sự việc nào là sự việc cao trào trong truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh ? Vì sao ?

d) Trong các sự việc đã nêu, có thể loại bỏ sự việc nào khi kể lại truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh không ? Vì sao ?

6. Nấu phải kể lại toàn bộ truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh thì các sự việc nêu ra ở trên đã đủ chưa ? Theo em, cần phải bổ sung thêm sự việc nào ? Tại sao ?

7. Chi tiết cuối cùng trong truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh (oán nặng, thù sâu; hằng năm Thuỷ Tinh làm mưa gió, bão lụt dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhưng năm nào cũng vậỵ, Thần Nước đánh mỏi mệt, chán chê vẫn không thắng nổi Thần Núi để cướp Mị Nương đành rút quân) có ý nghĩa gì ?

A – Nhấn mạnh lòng hận thù của Thuỷ Tinh

B – Đề cao, ngợi ca sức mạnh của Sơn Tinh

C – Dùng tưởng tượng giải thích hiện tượng lũ lụt hằng năm

8. Ý nghĩa nổi bật của truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh là gì ?

A – Cuộc chiến phân chia đất đai, nguồn nước giữa các bộ tộc

B – Ước mơ chế ngự lũ lụt, ca ngợi công lao dựng nước của tổ tiên

C – Sự ngưỡng mộ thần núi Tản Viên

D – Sự căm ghét thiên tai, lũ lụt

9. Hãy liệt kê các chi tiết thể hiện rõ nhất thiện cảm của nhân dân với Sơn Tinh ? Vì sao nhân dân lại để Sơn Tinh thắng Thuỷ Tinh ?

10. Trong các chi tiết sau, chi tiết nào gắn với hiện thực ?

A – Vua Hùng thứ mười tám có một người con gái là Mị Nương

B – Sơn Tinh là chúa vùng non cao

C – Thuỷ Tinh là chúa vùng nước thẳm

D – Lũ lụt vẫn tiếp tục xảy ra hằng năm

11. Các chi tiết sau thuộc truyện nào ? (Hãy ghi tên truyện ứng với mỗi chi tiết.)

A – Vua Hùng thuộc dòng dõi thần linh

B – Vua Hùng có con rể là thần linh

C – Vua Hùng có người con nối được chí cha

12. Thế nào là nghĩa của từ ? Đọc chú thích 4 (Ngữ văn 6, tập một, trang 33), cho biết nội dung sau dấu hai chấm (:) đã nêu được đầy đủ nghĩa của từ Lạc hầu (trong câu Vua Hùng băn khoăn không biết nhận lời ai, từ chối ai, bèn cho mời các Lạc hầu vào bàn bạc) chưa ?

13. Cách chú thích từ như chú thích 4 vừa nêu đã giải nghĩa từ theo cách nào ?

A – Trình bày khái niệm mà từ biểu thị

B – Đưa ra từ đồng nghĩa với từ cần giải thích

C- Đưa ra từ trái nghĩa với từ cần giải thích

D – Miêu tả nội dung mà từ biểu thị

14. Yếu tố nào sau đây không có trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh khi kể về nhân vật Sơn Tinh ?

A – Tên gọi của nhân vật                                     D – Tài năng của nhân vật

B – Lai lịch của nhân vật                                      E – Việc làm của nhân vật

C – Chân dung cua nhân vật

15. Yếu tố nào có thể lược bỏ khi kể về nhân vật tự sự ?

A – Miêu tả hình dáng, chân dung                C – Kể lại việc làm, hành động

B – Giới thiệu lai lịch, tài năng                       D – Gọi tên, đặt tên

16. Thế nào là nhân vật chính trong văn tự sự ? Em hãy kể lại những hành động đáng nhớ của một nhân vật chính trong một truyện kể em vừa học.

17. Hãy liệt kê lại những việc mà hai nhân vật chính trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đã làm.

18. Chỉ ra các nhân vật chính và nhân vật phụ trong truyện Bánh chưng, bánh giầy.

19. Truyện hay phải có sự việc cụ thể và nêu rõ 6 yếu tố: nhân vật, thời gian, địa điểm, nguyên nhân, diễn biến, kết quả.

Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đã có đủ các yếu tố trên chưa ? Vì sao ?

20. Dòng nào không nói đúng tác dụng của việc sắp xếp các sự việc trong văn tự sự theo một trật tự diễn biến nhất định ?

A – Làm rõ câu chuyện

B – Tạo sự hấp dẫn

C – Thể hiện được chủ đề

D – Thể hiện thói quen dân gian khi kể chuyện

21. Đọc những câu giới thiệu nhân vật Mị Nương trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh : Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Vua cha yêu thương nàng hết mực muốn kén cho nàng một người chồng thật xứng đáng, có người thắc mắc : Không biết Mị Nương xinh đẹp thế nào mà cả hai thần đều yêu đến thế ?

Hãy tưởng tượng và tả lại vẻ đẹp của nhân vật Mị Nương.

22. Bạn Anh Thơ thuật lại lời vua Hùng như sau : Hai chàng đều vừa ý ta, nhưng ta chỉ có một người con gái, biết gả cho người nào ? Thôi thì ngày mai, ai đem đồ lễ đến trước, ta se cho cưới con gái ta. Bạn Bảo Nguyên lại cho rằng phải dùng từ sính lễ như trong nguyên bản mới đúng.

Theo em, dùng từ nào đúng hơn ? Giải thích vì sao.

23. Mị Nương đã được chứng kiến cảnh Sơn Tinh, Thủy Tinh thi tài để cầu hôn. Mỗi thần đã để lại cho nàng một ấn tượng sâu sắc. Em hãy thay lời Mị Nương kể lại cuộc thi tài đó.

24. Chỉ ra những sự việc chính trong các truyền thuyết : Con Rồng cháu Tiên ; Bánh chưng, bánh giầy.

25. Tóm tắt lại một truyện dân gian vừa học theo sự việc gắn với nhân vật chính.

26. Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, nhân vật là thần nhưng tại sao có thể xếp vào thể loại truyền thuyết ?

27. Một trong những ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh là giải thích hiện tượng lũ lụt hằng năm ở sông Hồng và việc đắp đê chống lụt của nhân dân ta. Theo em, những chi tiết nào mang đến cho truyện ý nghĩa đó ?

28. Trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh chúng ta dễ dàng nhận ra rằng : Tuy nói “hai chàng đều vừa ý ta” nhưng thực ra, vua Hùng có ý “thiên vị” Sơn Tinh hơn. Em có đồng ý với nhận xét đó không, vì sao ? Thái độ của vua Hùng cho ta hiểu,gì về cuộc sống và ước mong của người dân thời ấy ?

29. Qua những truyền thuyết thời Hùng Vương đã học, em hiểu thêm gì về lịch sử và đời sống của dân tộc ta thời ấy ?

II – GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÓ

Phần Tự luận

2. – Nhân vật chính là nhân vật có vai trò chính (chủ yếu) trong việc thể hiện tư tưởng của câu chuyện.

– Trong các nhân vật của truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, nhân vật chính là Sơn Tinh, Thuỷ Tinh.

– Lí giải : Đây là hai nhân vật có vai trò chính trong việc thể hiện tư tưởng của truyện.

5. a) – Trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có các sự việc sau  : vua Hùng muốn kén chồng cho con gái; hai chàng trai Sơn Tinh, Thủy Tinh tải giỏi ngang nhau cùng đến cầu hôn ; vua Hùng tìm cách chọn con rể, Sơn Tinh đến trước lấy được Mị Nương; Thủy Tinh đến sau, thua cuộc và tức tối trả thù ; cuộc chiến đấu gay go giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh; Thủy Tinh đuối sức phải rút về. Khi kể lại truyện không thể bỏ chi tiết nào.

– Nếu thiếu một chi tiết trong các chi tiết trên, truyện kể sẽ thiếu sự mạch lạc.

A – Truyện Con Rồng cháu Tiên

B – Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh

C – Truyện Bánh chưng, bánh giầy

12. – Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ,…) mà từ biểu thị.

Nội dung sau dấu hai chấm (:) trong chú thích 4 (Ngữ văn 6, tập một, trang 33) đã nêu được đầy đủ nghĩa của từ Lạc hầu trong câu văn Vua Hùng băn khoăn không biết nhận lời ai, từ chối ai, bèn cho mời các Lạc hầu vào bàn bạc.

16. – Nhân vật chính trong văn tư sư (xem khái niệm trong Ngữ văn 6, tập một, trang 38).

– Tuỳ theo ý thích và trí nhớ, chọn kể lại những hành động đáng nhớ của một nhân vật chính trong một truyện em vừa học.

19. – Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đã có đủ các yếu tố : sự việc cụ thể, nhân vật, thời gian, địa điểm, nguyên nhân, diễn biến, kết quả.

– Có thể căn cứ vào truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh để chỉ rõ các yếu tố trên.

21. (Gợi ý : Trong truyện chỉ có một chi tiết duy nhất gợi nên vẻ đẹp của Mị Nương “người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu”, do vậy khi tưởng tượng vẻ đẹp của Mị Nương phải dưa trên chi tiết này để sáng tạo thêm cho hợp lí và sinh động.)

22. – Tra từ điển để thấy rõ sự khác nhau về nghĩa giữa hai từ sính lễ và đồ lễ.

– Khi thuật lời vua Hùng mà thay từ sính lễ bằng đồ lễ sẽ không thể hiện được sắc thái trang trọng cần thiết của ngôn ngữ và không phù hợp với không khí cổ xưa của câu chuyện.

23. – Đóng vai nhân vật Mị Nương, tưởng tượng rằng mình là người được chứng kiến cảnh Sơn Tinh, Thủy Tinh thi tài để cầu hôn mà kể lại cảnh đó.

– Nên căn cứ vào các chi tiết đã có trong bản kể gốc để tưởng tượng thêm cho hợp lí và sinh động.

Ví dụ : cảnh Sơn Tinh và Thuỷ Tinh thi nhau hô mưa gọi gió, bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng luỹ đất, dâng nước sông, nước biển,… thậm chí cả cảnh thi săn bắn.

26. – Mặc dù nhân vật chính của truyện là thần nhưng vẫn có thể xếp Sơn Tinh, Thủy Tinh vào truyền thuyết.

– Lí do : Đây là một chuyện kể dân gian gắn với nhân vật Sơn Tinh, một nhân vật thời Hùng Vương mà dân gian vẫn gọi là Đức thánh Tản, hiện được thờ ở nhiều nơi (nơi thờ chính là trên đỉnh non Tản). Sự việc xảy ra trong truyện là huyền thoại hoá công việc đắp đê của nhân dân ta từ xưa.

27. Một số chi tiết làm rõ ý nghĩa : giải thích hiện tượng lũ lụt và đắp đê của nhân dân :

– Nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi sườn núi.

– Thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước.

– Bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành đất chặn dòng nước.

28. – Sự “thiên vị” của vua Hùng đối với Sơn Tinh thể hiện ở việc : sính lễ vua yêu cầu là những đặc sản của rừng núi và đồng bằng, dễ tìm đối với Sơn Tinh vì thần là thần núi Tản ; khó tìm đối với Thuỷ Tinh (Thần Nước).

– Sự thiên vị này thể hiện được phần nào tâm lí tình cảm và cuộc sống gắn với đất đai của người xưa.

– Qua các truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên ; Bánh chưng, bánh giầy ; Thánh Gióng ; Sơn Tinh, Thủy Tinh, ta hiểu thêm về lịch sử và đời sống dân tộc ta thời Hùng Vương.

– Ví dụ : địa bàn sinh sống của người Việt (khắp nơi trên đất nước ta), sự ra đời của triều đại Hùng Vương, công cuộc đánh giặc giữ nước từ khi lập nước và công cuộc chống thiên tai, bão lũ hằng năm của người Việt ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, những phong tục đẹp của dân tộc (cầu hôn, kén rể),…

Phần Trắc nghiệm

Câu

1

4

7

10

13

14

15

20

Lựa chọn

A

A

c

D

D

C

A

D

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận