Bài tập Ngữ văn 6: Sọ Dừa. Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ. Lời văn, đoạn văn tự sự

Đang tải...

I – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Kiểu nhân vật nào không có trong truyện cổ tích ?

           A – Kiểu nhân vật bất hạnh

           B – Kiểu nhân vật loài vật, sự vật

           C – Kiểu nhân vật là dũng sĩ, là người có tài năng kì lạ

           D – Kiểu nhân vật thông minh, ngốc nghếch

           E – Kiểu nhân vật hề

2. Nhận định nào đúng về truyện cổ tích ?

           A – Truyện cổ tích là truyện dân gian kể về một số loại nhân vật : bất hạnh, dũng sĩ, thông minh,… gắn với các sự kiện lịch sử, thể hiện khát vọng về sự công bằng.

           B – Truyện cổ tích là truyện dân gian kể về một số loại nhân vật : bất hạnh, dũng sĩ, thông minh,… thường có các yếu tố tưởng tượng kì ảo thể hiện ước mơ về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác và khát vọng về sự công bằng.

3. Truyện cổ tích có yếu tố tưởng tượng kì ảo không ? Vì sao ? (đánh dấu x vào chỗ trống theo sự lựa chọn của em)

Có …………                                Không ………….

4. Nhân vật nào không phải là nhân vật chính trong truyện cổ tích ?

           A – Người bất hạnh

           B – Các vị thiện thần, Bụt, tiên

           C – Dũng sĩ, người kì tài, thông minh

           D – Người ngốc nghếch, người xấu xí, người mang lốt vật

5. Chi tiết nào không nói lên nguồn gốc kì lạ của Sọ Dừa ?

           A – Cha mẹ Sọ Dừa đi ở cho phú ông

           B – Người mẹ uống nước từ một cái sọ dừa và có mang

           C – Khi sinh ra, Sọ Dừa là một đứa bé không tay chân, tròn như một quả dừa

           D – Người mẹ toan vứt đi thì Sọ Dừa xin ở lại

6. Vì sao kết thúc truyện hai cô chị lại bỏ đi biệt xứ ?

           A – Ân hận vì đã làm nhiều điều xấu cho em

           B – Buồn vì không được làm bà trạng

           C – Muốn tìm một nơi ở mới

           D – Không muốn thấy em gái hạnh phúc

7. Dòng nào nói đúng nhất ý nghĩa của truyện Sọ Dừa ?

           A – Ai ở hiền sẽ gặp lành

           B – Thương xót và đề cao tài năng của những người mang lốt vật

           C – Ca ngợi giá trị đích thực của con người, đề cao tình thương với người bất hạnh

           D – Kẻ ác sẽ chuốc lấy kết cục bi thảm

8. Nghĩa gốc của từ là gì ? Căn cứ vào định nghĩa đó, hãy xem đâu là nghĩa gốc của từ ngọt ?

           A – Vị ngọt của thực phẩm (đường, sữa, mì chính,…)

           B – Sự nhẹ nhàng, dễ nghe, dễ làm xiêu lòng của lời nói (nói ngọt)

           C – Sự êm tai, dễ nghe của âm thanh (đàn ngọt rất hay)

           D – Sự tác động êm nhẹ nhưng vào sâu, mức độ cao (lưỡi dao ngọt)

9. Tìm từ hoàn chỉnh đoạn văn sau để có được một định nghĩa chính xác.

           Nghĩa /… / là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc, còn gọi là nghĩa /… /, nghĩa /…/. Các nghĩa /… / cùng với nghĩa gốc tạo nên hiện tượng từ nhiều nghĩa.

10. Chọn trong văn bản Sọ Dừa và viết lại ba từ chỉ có một nghĩa.

11. Chọn trong văn bản Sọ Dừa và viết lại ba từ có nhiều nghĩa.

12. Tìm và viết lại một số nghĩa chuyển của từ mặn.

13. Nghĩa của từ hiền lành là gì ?

           A – Sống lương thiện, không gây hại cho ai           C – Dịu dàng, ít nói

           B – Sống hoà thuận với mọi người                         D – Hiền hậu, dễ thương

14. Thế nào là lời văn giới thiệu nhân vật ? Câu Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu có phải là câu văn giới thiệu nhân vật Mị Nương không ? Vì sao ?

15. Thế nào là lời văn kể sự việc ? Cho một ví dụ về lời văn kể việc.

16. Đoạn văn mở đầu truyện Sọ Dừa sau đây có mục đích gì ?

           Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đi ở cho một nhà phú ông. Họ hiền lành chịu khó nhưng đã ngoài năm mươi mà vẫn chưa có con.

           Một hôm, trời nắng to, người vợ vào rừng hái củi cho chủ, khát nước quá mà không tìm thấy suối. Thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bưng lên uống. Thế rồi bà có mang.

           Chẳng bao lâu, người chồng mất. Bà sinh ra một đứa bé không chân không tay, tròn như một quả dừa.

           A – Giới thiệu chủ đề câu chuyện                  C – Giới thiệu nhân vật chính

           B – Kể tình huống truyện                             D – Kể hành động nhân vật chính

17. Đoạn văn trên đã được một bạn kể lại như sau : Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo đi ở cho một nhà phú ông. Họ hiền lành, chịu khó nhưng đã ngoài năm mươi mà vẫn chưa có con. Bỗng nhiên, bà vợ sinh ra một đứa con và đặt tên nó là Sọ Dừa. Tên nó như vậy vì một hôm, trời nắng to, người vợ vào rừng hái củi cho chủ. Khát nước quá, bà đã uống nước mưa ở cái sọ dừa bên gốc cây. Bà mang thai và sinh ra đứa bé không chân không tay tròn như quả dừa. Kể như vậy có điểm nào chưa hợp lí ? Vì sao ?

18. Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi.

           Thế là Sọ Dừa đến ở nhà phú ông. Cậu chăn bò rất giỏi. Hằng ngày, Sọ Dừa lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đần bò về chuồng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bò con nào con nấy bụng no căng. Phú ông hài lòng lắm.

a) Đoạn văn trên là lời văn giới thiệu nhân vật hay kể sự việc ?

b) Sự lựa chọn của em ở câu (a) là bởi lí do nào sau đây ?

           A – Đoạn văn cung cấp thông tin về lai lịch và sự việc liên quan đến nhân vật

           B – Đoạn văn bày tỏ thái độ và tình cảm đối với nhân vật

           C – Đoạn văn trình bày những thông tin liên quan đến tiến trình sự việc

           D – Đoạn văn thuyết minh quan điểm của tác giả về nhân vật

c) Hãy chỉ ra ý chính, tìm mối liên hệ giữa ý chính với các ý phụ trong đoạn văn.

19. Sọ Dừa đã trở thành chàng trai khôi ngô tuấn tú và chuẩn bị được chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm theo yêu cầu của phú ông để cưới cô út. Vậy mà Sọ Dừa lại ngày đêm miệt mài đèn sách, chờ khoa thi để rồi đỗ Trạng nguyên chứ không nhờ đến tài phép.

           Theo em, điều đó có ý nghĩa gì ?

20. Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi.

           Một hôm, cô út vừa mang cơm đến dưới chân đồi thì nghe tiếng sáo véo von. Cô lấy làm lạ, rón rén bước lên, nấp sau bụi cây rình xem, thì thấy một chàng trai khôi ngô đang ngồi trên chiếc võng đào mắc vào hai cành cây, thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Có tiếng động, chàng trai biến mất, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đây. Nhiều lần như thế cô gái biết Sọ Dừa không phải người phàm trần. Cô đem lòng yêu, có của ngon vật lạ đều giấu đem cho chàng.

a) Đoạn văn trên kể việc gì ?

b) Câu nào là câu chủ đề trong đoạn ? Đoạn văn có những ý phụ nào ? Hãy xác định mối quan hệ giữa các câu trong đoạn văn.

c)Từ chân trong câu văn Cô út vừa mang cơm đến dưới chân đồi thì nghe tiếng sáo véo von được dùng với nghĩa nào ?

A – Nghĩ gốc                               B – Nghĩa chuyển

d) Từ véo von trong câu Cô út vừa mang cơm đến dưới chân đồi thì nghe tiếng sáo véo von thuộc loại từ nào ?

           A – Từ láy                                                   B – Từ ghép chính phụ

           C – Từ ghép đẳng lập                                 D – Từ đơn

21. Tìm các ý chính trong truyện Sọ Dừa để có thể lập dàn ý kể lại truyện. Chọn một ý để triển khai thành đoạn văn khoảng 6-7 dòng.

22. Phân tích các đoạn văn trong bài học (Ngữ văn 6, tập một, trang 58 – 59) chỉ ra ý chính, tìm mối liên hệ giữa ý chính với các ý phụ.

23. Viết lời văn giới thiệu về một trong những nhân vật trong truyền thuyết hoặc cổ tích vừa học.

24. Viết đoạn Mở bài cho bài văn : Kể lại truyện “Bánh chưng, bánh giầy” bằng cách giới thiệu nhân vật chính.

25. Lập dàn ý kể lại một số công việc hằng ngày em thường làm, sau đó chọn một ý triển khai thành đoạn văn.

II – GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÓ

Phần Tự luận

3. Truyện cổ tích có yếu tố tưởng tượng kì ảo.

9. Hoàn chỉnh đoạn văn (xem lại định nghĩa trong Ngữ văn 6, tập một, trang 56) :

           Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc; còn gọi là nghĩa bóng, nghĩa phái sinh. Các nghĩa chuyển cùng với nghĩa gốc tạo nên hiện tượng từ nhiều nghĩa.

14. – Lời văn giới thiệu nhân vật là lời văn giới thiệu tên, họ, lai lịch, quan hệ, tính tình, tài năng, ý nghĩa của nhân vật (xem Ghi nhớ trong Ngữ văn 6, tập một, trang 59).

– Đây là câu văn giới thiệu nhân vật Mị Nương.

15. – Xem định nghĩa lời văn kể việc (Ghi nhớ trong Ngữ văn 6, tập một, trang 59)

– Lấy ví du trong các truyện đã học.

17. – Nếu kể “Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đi ở cho một nhà phú ông (1). Họ hiền lành, chịu khó nhưng đã ngoài năm mươi mà vẫn chưa có con (2). Bỗng nhiên, bà vợ sinh ra một đứa con và đặt tên nó là Sọ Dừa (3). Tên nó như vậy vì một hôm, trời nắng to, người vợ vào rừng hái củi cho chủ (4). Khát nước quá, bà đã uống nước mưa ở cái sọ dừa bên gốc cây (5). Bà mang thai và sinh ra đứa bé không chân không tay, tròn như quả dừa (6).” có điểm chưa hợp lí.

Lí do : Lặp chi tiết bà mẹ sinh con ở câu 3 và câu 6 ; trình tự lộn xộn.

19. Sọ Dừa đã chuẩn bị được chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm theo yêu cầu của phú ông để có thể cưới được cô út. Và Sọ Dừa đã trở thành chàng trai khôi ngô tuấn tú. Vậy mà Sọ Dừa lại “ngày đêm miệt mài đèn sách, chờ khoa thi để rồi đỗ Trạng nguyên chứ không nhờ đến tài phép. Tác giả dân gian đã thật thâm thuý, thật sâu sắc khi kể như vậy. Bởi vì, của cải có thể có mà không phải do tay mình làm ra (do may mắn, do thừa hưởng của ông bà cha mẹ,…) nhưng vốn kiến thức, năng lực, trí tuệ mà bằng chứng là danh vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa hay Tiến sĩ thì không thể tự nhiên mà có. Phải “ngày đêm miệt mài“, phải “sôi kinh nấu sử” – nghĩa là phải vô cùng dày công khổ luyện mới có được vốn kiến thức, có được trí tuệ. Có lẽ vì thế mà trong xã hội, người giàu thì nhiều nhưng Trạng nguyên thì mỗi khoa thi chỉ có một vị mà thôi.

21. – Các ý chính trong truyện Sọ Dừa :

          + Sự ra đời kì lạ của Sọ Dừa

           + Sự tài giỏi của Sọ Dừa khi còn đội lốt xấu xí : chăn bò giỏi, biết khả năng của mình, tìm được đủ sính lễ theo yêu cầu của phú ông

           + Sự biến đổi từ chàng Sọ Dừa thành một con người thông minh, tuấn tú, đỗ Trạng nguyên 

           + Sự dự đoán được những bất trắc và biết lo xa của Sọ Dừa nên vợ chồng vẫn được hạnh phúc

           – Có thể chọn một ý để triển khai thành đoạn văn khoảng 6-7 dòng nhằm làm nổi bật ý đã chọn.

25. Suy nghĩ và làm bài theo gợi ý sau :

           – Việc vẫn thường làm hằng ngày là việc gì ?

           – Làm ở đâu ?

           – Việc làm diễn ra trong bao lâu ? Làm như thế nào ?

           – Những khó khăn, thuận lợi nào gặp phải khi làm việc ?

           – Hiệu quả công việc và tình cảm của mình trước công việc đó.

Phần Trắc nghiệm

Câu

1

2

4

5

6

7

8

13

16

18b

20c

20d

Lưa chọn

E

B

B

A

A

C

A

A

C

C

B

A

 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận