Bài tập chuyên đề Dấu câu – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

CÁC PHÉP TU TỪ

II – BÀI TẬP CƠ BẢN VÀ NÂNG CAO

          1. Hãy cho biết tác dụng của dấu chấm lửng trong các phần trích sau :

          a) Thằng Dần lè lưỡi ra :

          – Eo ! Mẹ ơi!…

          – Thật… không có thế cứ cổ con mà chặt.

          (Nam Cao)

          b) Rú… rú… rú… máy bắt đầu mở, bắt đầu xúc than.

(Võ Huy Tâm)

          c) Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào thở không ra lời:

          – Bẩm… quan lớn… đê vỡ mất rồi !

(Phạm Duy Tốn)

          d) Đứng trước tổ dế, ong xanh khẽ vỗ cánh, uốn mình, giương cặp răng rộng và nhọn như đôi gọng kìm, rồi thoắt cái lao nhanh xuống hang sâu. Ba giây… Bốn giây… năm giây… Lâu quá

(Vũ Tú Nam)

          đ) Thể điệu ca Huế có sôi nổi, tươi vui, có buồn cảm, bâng khuâng, có tiếc thương ai oán…

          (Hà Ánh Minh)

          e) – Anh này lại say khướt rồi.

          – Bẩm không ạ, bẩm thật là không say. Con đến xin cụ đi ở tù, mà nếu không được thì… thì… Thưa cụ.

(Nam Cao)

          g) Chim bay vút lên khoe trăm màu áo đan chéo nhau trong không trung : nâu, trắng, mun, vàng, xám, tím biếc…

(Võ Văn Trực)

          h) Núp định ra chặn lại hỏi. Nhưng… có được không ?… Nó có bắt mình nộp cho Pháp… chắc không đâu, Pháp làm nó khổ thế này, bụng nó chắc không thương Pháp đâu.

(Nguyên Ngọc)

          i) Do đó, tiếng Việt có thể kể vào những thứ tiếng giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng […]. Giá trị của một tiếng nói cố nhiên không phải chỉ là câu chuyện chất nhạc.

(Đặng Thai Mai)

          2. Nêu tác dụng của dấu chấm phẩy trong các câu sau :

          a) Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn, để trong khay khảm, khói bay nghi ngút; tráp đồi mồi hình chữ nhật để mở, trong ngăn bạc đầy những trầu vàng, cau đậu, rễ tía, hai bên nào ống thuốc bạc, nào đồng hồ vàng, nào dao chuôi ngà, nào ông vôi chạm, ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông trông mà thích mắt.

(Phạm Duy Tốn)

          b) Cơn dông tan. Gió lặng. Cây gạo xơ xác hẳn đi, nom thương lắm. Nhưng chẳng có điều gì đáng lo cả ; cây gạo bền bỉ làm việc đêm ngày, chuyên cần lấy từ đất, nước và ánh sáng nguồn nghị lực và sức trẻ vô tận.

(Vũ Tú Nam)

          c) Tôi rất yêu những bông hoa giấy. Chúng có một đặc điểm khác nhiều loài hoa khác : Hoa giấy rời cành khi vẫn còn đẹp nguyên vẹn, hoa rụng mà vẫn còn tươi nguyên ; đặt trên lòng bàn tay, những cánh hoa mỏng tang rung rinh, phập phồng run rẩy như đang thở, không có một mảy may biểu hiện của sự tàn úa.

(Trần Hoài Dương)

          3. Trong những phần trích sau đây có một số dấu chấm phẩy bị thay thế bằng dấu phẩy. Tìm dấu phẩy đã thay thế cho dấu chấm phẩy đó.

          a) Cần phải nói với bạn rằng, ở xứ Prô-văng-xơ theo lệ thường, cứ đến mùa nóng bức là người ta lùa gia súc lên núi An-pơ. Vật và người sống năm sáu tháng liền trên vùng cao, ở ngoài trời, cỏ ngập đến tận bụng, rồi vừa chớm gió heo may đầu thu mà người ta xuống núi, trở về trang trại và bầy gia súc lại quay về gặm cỏ thảnh thơi trên những sườn đồi màu xám thơm nức mùi cây hương thảo.

          (Đoạn này có 1 dấu chấm phẩy bị thay thế.)

          b) Cả con đường dường như cũng rình rịch theo bước chân đi của chúng. Đi đẩu là những con cừu đực già, sừng “giương ra ” phía trước, vẻ dữ tợn, đằng sau chúng là đông đảo họ nhà cừu, nhặng cừu mẹ dáng hơi mệt mỏi, lũ cừu con chạy quẩn dưới chân, những con la đeo ngù trang trí màu đỏ, mang những chiếc giỏ lắc lư như ru chúng ngủ theo nhịp bước đi, rồi đến những con chó đẫm mồ hôi, lưỡi lè sát đất và sau cùng là hai chú chăn cừu lực lưỡng khoác áo choàng bằng len thô màu đỏ hoe, dài chấm gót như chiếc áo thụng.

          (Đoạn này có 3 dấu chấm phẩy bị thay thế.)

          4. Chỉ ra dấu gạch nối và dấu gạch ngang trong các câu sau. Cho biết tại sao lại xác định như vậy.

          a) Lúc còn học phổ thông, Lu-i Pa-xtơ chỉ ỉà một học sinh trung bình.

          b) Đây là cuốn Từ điển Việt – Trung – Pháp.

          c) Người ta bảo ở bên Pa-le-xtin có hai biển hồ…

          d) Luyện tập dùng cụm C-V để mở rộng câu.

          đ) Tổ quốc mình – đó là miền đất Ka-dắc-xtan đầy ánh mặt trời.

          e) Ca đình Huế là một hình thức sinh hoạt văn hoá – âm nhạc thanh lịch và tao nhã.

          5. Nêu tác dụng của dấu gạch ngang trong các câu sau :

          a) Loại văn bản này (văn bản hành chính) thường được trình bày theo một số mục nhất định (gọi là mầu), trong đó nhất thiết phải ghi rõ :

          – Quốc hiệu và tiêu ngữ;

          – Địa điểm làm văn bản và ngày tháng ;

          – Họ tên, chức vụ của người nhận hay tên cơ quan nhận văn bản ; […]

          b) Thầy Thành nở một nụ cười tươi, nhìn các em âu yếm nói :

          – Thầy chúc các trò ngoan, học giỏi.

          Cả lớp đáp lại:

          – Chúng con vâng lời thầy…

(Sơn Tùng)

          c) Con bồ nông hiện ra qua cái nhìn và cảm nhận của nhân vật Huy – một bé trai của đồng đất quê hương.

          d) – Em để nó ở lại – Giọng em ráo hoảnh – Anh phải hứa với em không bao giờ để chúng nó ngồi cách xa nhau. Anh nhớ chưa ? Anh hứa đi.

(Khánh Hoài)

          đ) Cuộc đua xe đường dài Hà Nội – Huế – Thành phố Hồ Chí Minh thu hút sự chú ý của khá nhiều người.

          6. Phân tích giá trị tu từ của dấu gạch ngang in đậm trong câu dưới đây :

          Đoan nhăn nhó :

          – Mẹ Thuý đừng giận quá hoá mất khôn.

          – Tôi không thích dính với ai cả !

          – Sao !

          – Tôi – không – thích – dính – với – ai – cả. Nghe rõ chưa ?

(Ma Văn Kháng)

          7. Phân tích giá trị tu từ của dấu gạch nối in đậm trong câu dưới đây :

          Một lát, bố lại bảo :

          – Lát nữa dắt nghé ra chỗ ngỡ ba rồi gọi thằng cu Các nó cùng đi với nhá.

          – Vâ-âng !

(Bùi Hiển)

 

 
 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận