Bài 35 – Vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Học tốt Địa Lí 9

Đang tải...

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

I. CÂU HỎI TỰ LUẬN

Câu 1

Dựa vào hình 35.1 (trang 126, SGK), hãy xác định phạm vi lãnh thổ và nêu ý nghĩa vị trí địa lí của Đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời

+ Phạm vi lãnh thổ của Đồng bằng sông Cửu Long:

– Phía tây giáp Đông Nam Bộ, phía bắc giáp Campuchia, phía đông nam giáp Biển Đông, phía tây nam giáp vịnh Thái Lan (một bộ phận của Biển Đông)

+ Ý nghĩa vị trí địa lí của Đồng bằng sông Cửu Long:

– Kề liền với Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển mạnh, là thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm của Đồng bằng sông Cửu Long (nông sản, thủy sản) và sử dụng nhiều lao động của đồng bằng

– Giáp Campuchia với đường biên giới dài và giao lưu rất thuận lợi (cả đường bộ và đường sông), Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế đã phát triển các mối quan hệ hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mê công

– Giáp Biển Đông với bờ biển dài và các vùng biển rộng lớn. Các vùng biển có nhiều bãi tôm, bãi cá, bờ biển có nhiều bãi triều, rừng ngập mặn, cửa sông thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giao lưu với nhiều vùng trong nước và nước ngoài bằng đường biển

– Ở cực nam của đất nước, gần xích đạo, khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất cận xích đạo rõ rệt, nguồn nhiệt ẩm dồi dào, thời tiết ít biến động, ít thiên tai. Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới quanh năm, đặc biệt là trồng lúa nước và các cây ăn quả nhiệt đới

Câu 2

Dựa vào hình 35.1 (SGK), hãy cho biết các loại đất chính ở Đồng bằng sông Cửu Long và sự phân bố của chúng

Trả lời

Đất ở Đồng bằng sông Cửu Long là đất phù sa nhưng tính chất tương đối phức tạp. Ba loại đất chính ở Đồng bằng sông Cửu Long là:

+ Đất phù sa ngọt:

– Chiếm khoảng 30% diện tích của đồng bằng, là loại đất tốt nhất, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

– Phân bố thành một dải dọc sông Tiền và sông Hậu, ngoài phạm vi tác động của thủy triều

+ Đất phèn:

– Có diện tích lớn nhất, chiếm khoảng 41% diện tích của đồng bằng, phần lớn đã được cải tạo để trồng lúa, cây ăn quả…

– Phân bố tập trung ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và vùng trung tâm bán đảo Cà Mau

+ Đất mặn:

– Chiếm khoảng 19% diện tích của đồng bằng, đang được cải tạo dần để trồng lúa, cói kết hợp nuôi thủy sản và trồng rừng.

– Phân bố thành một dải ven Biển Đông và ven vịnh Thái Lan

Câu 3

Dựa vào hình 35.2 (trang 127 SGK), hãy nêu thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất lương thực, thực phẩm

Trả lời

Thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất lương thực, thực phẩm:

– Đất: là tài nguyên quan trọng hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tương đối rộng (gần 4 triệu ha), địa hình thấp và bằng phẳng, thuận lợi cho việc sản xuất lương thực, thực phẩm với quy mô lớn

– Khí hậu: cận xích đạo, nóng ẩm quanh nắm, lượng mưa nhiều, thời tiết ít biến động, thuận lợi cho việc đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ

– Nước: tương đối dồi dào của hệ thống sông rạch dày đặc, thuận lợi làm thủy lợi. Diện tích mặt nước rộng lớn (nội địa và ven biển), thích hợp để nuôi trồng thủy sản (nước ngọt, nước lợ và mặn)

– Nguồn lợi thủy sản: phong phú của các vùng biển (tây nam, đông nam) và của sông Mê Công

Câu 4

Đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống, điều kiện tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có những khó khăn gì?

Trả lời

Đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống, điều kiện tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều khó khăn:

+ Đất phèn, đất mặn chiếm diện tích lớn (khoảng 60 % diện tích của đồng bằng), phải đầu tư lớn và mất nhiều thời gian để cải tạo

+ Mùa khô sâu sắc và kéo dài (từ tháng XI đến tháng IV), thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, nạn xâm nhập mặn gây nhiều trở ngại đối với đời sống và sản xuất ở các vùng ven biển

+ Lũ lụt hàng năm diễn ra trên diện rộng do sông Mê Công gây ra trong mùa mưa lũ

+ Chất lượng môi trường ở nhiều vùng suy thoái, đặc biệt là nguồn nước sông rạch

Câu 5

Hãy nêu một số hình thức sông chung với lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời

Để sống chung với lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà nước và nhân dân có nhiều hình thức, tùy theo sáng kiến và kinh nghiệm của từng địa phương:

+ Xây dựng các khu dân cư tránh lũ ở những nơi có độ cao trên mực nước lũ trung bình hàng năm

+ Làm nhà sàn (trên cọc), nhà nổi (trên bè, trên phao)

+ Xây dựng các bờ bao để bảo vệ nơi cư trú, vườn cây ăn quả, ao nuôi cá …

+ Khai thác các nguồn lợi do lũ đem lại như đánh bắt thủy sản, khai thác lớp phù sa mới để tăng năng suất

+ Bố trí cơ cấu mùa vụ (chủ yếu là cây lúa) để kịp thu hoạch trước lũ, thay đổi lịch học tập của các trường trong vùng lũ ngập sâu

+ Chủ động về lương thực, thực phẩm, thuốc men ….

Câu 6

Hãy nêu ý nghĩa và các biện pháp của việc cải tạo đất phèn, đất mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời

+ Ý nghĩa của việc cải tạo đất phèn, đất mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long:

  • Hai loại đất phèn, đất mặn chiếm diện tích lớn (khoảng 60 % diện tích tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long), với mức độ phèn, mặn khác nhau. Hai loại đất nầy có giá trị trong sản xuất nông nghiệp với điều kiện phải được cải tạo
  • Đẩy mạnh cải tạo hai loại đất trên sẽ làm tăng hiệu quả sử

dụng đất, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội, chẳng những ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn cho cả nước (tăng sản lượng lương thực, thực phẩm, góp phần phân bố dân cư và xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu)

+ Các biện pháp cải tạo:

  • Phát triển thủy lợi để thau chua, rửa mặn
  • Sử dụng các loại phân bón thích hợp để cải tạo đất
  • Lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp
  • Bảo vệ tốt các diện tích rừng ngập mặn (ven biển) và rừng tràm (vùng trũng phèn)

Câu 7

Hãy nêu những đặc điểm chủ yếu về dân cư, xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại sao phải đặt vấn đề phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao mặt bằng dân trí và phát triển đô thị ở đồng bằng này?

Trả lời

+ Những đặc điểm chủ yếu về dân cư, xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long:

* Những đặc điểm chủ yếu về dân cư:

  • Số dân đông, năm 2006 là hơn 17,4 triệu người (20,7 % dân số cả nước, xếp thứ hai sau vùng Đồng bằng sông Hồng)
  • Mật độ dân số cao, năm 2006 là 429 người/km2 (gấp gần 1,7 lần mật độ dân số của cả nước), phân bố dân cư chênh lệch lớn giữa thành thị – nông thôn và giữa các địa phương (khoảng 80% dân số sống ở nông thôn, mật độ dân số của vùng đất phù sa ngọt cao hơn nhiều các vùng đất phèn và đất mặn)
  • Tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số tương đương với mức trung bình của cả nước, tuổi thọ trung bình cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước
  • Về thành phần dân tộc, ngoài người Kinh còn có người Khơ me, người Chăm, người Hoa……….

* Những đặc điểm chủ yếu về xã hội:

So với mức chung của cả nước

  • GDP / người thấp hơn nhưng tỉ lệ hộ nghèo ít hơn
  • Trình độ đô thị hóa thấp hơn
  • Mặt bằng dân trí còn thấp, tỉ lệ người lớn biết chữ thấp hơn

+ Ở Đồng bằng sông Cửu Long, phải đặt vấn đề phát triển kỉnh tế đi đôi với nâng cao mặt bằng dân trí và phát triển đô thị vì:

– Đồng bằng sông Cửu Long là vùng giàu tiềm năng nhưng mặt bằng dân trí còn thấp, thiếu lao động có chuyên môn kĩ thuật, làm hạn chế việc khai thác các tiềm năng để đẩy mạnh phát triển kinh tế

– Tỉ lệ dân đô thị còn thấp cho thấy trình độ công nghiệp hóa ở đồng bằng còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm

=> Phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao mặt bằng dân trí và phát triển đô thị sẽ:

– Thụ hút mạnh hơn đầu tư của các vùng khác trong nước và của nước ngoài, từ đó phát huy tốt hơn các thế mạnh về tự nhiên và lao động của vùng để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

– Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư

II. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM (Khoanh tròn chỉ một chữ cái trước đáp án chọn)

Câu 1

So với Đồng bằng sông Hồng, điều gì dưới đây không đúng về Đồng bằng sông Cửu Long?

A. Tính chất đất phức tạp hơn

B. Thời tiết ít biến động hơn

C. Không có đê lớn ven sông

D. Nguồn lợi thủy sản ít hơn

Câu 2

Trở ngại lớn nhất về điều kiện tự nhiên đối với sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là

A. Đất phèn và đất mặn chiếm diện tích lớn

B. Mùa khô sâu sắc và kéo dài 5-6 tháng

C. Lũ ngập sâu trên diện rộng vào cuối mùa mưa

D. Xâm nhập măn vào sâu trong mùa khô

Câu 3

Ý nghĩa lớn nhất của rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là

A. cung cấp gỗ và chất đốt

B. bảo tồn nguồn gien sinh vật

C. chắn sóng, chắn gió, giữ đất

D. du lịch sinh thái

Câu 4

Điều gì dưới đây không đúng về Đồng bằng sông Cửu Long?

A. Khí hậu nóng ẩm quanh năm

B. Không có địa hình núi

C. Diện tích rừng ngập mặn lớn nhất nước

D. Mạng lưới sông rạch dày đặc hơn các vùng khác

Câu 5

So với mức trung bình của cả nước, chỉ tiêu nào của Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn?

A. Mật độ dân số

B. Thu nhập bình quân trên đầu người

C. Tỉ lệ người lớn biết chữ

D. Tỉ lệ dân số thành thị

Câu 6

Đảo nào ở gần mũi Cà Mau hơn cả?

A. Côn Đảo

B. Phú Quốc

C. Hòn Khoai

D. Hòn Tre

Câu 7

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều than bùn, phân bố chủ yếu ở

A. Long An, Đồng Tháp

B. An Giang, Hậu Giang

B. Sóc Trăng, Bạc Liêu

D. Cà Mau, Kiên Giang

III. ĐIỀN VÀO LƯỢC ĐỒ DƯỚI ĐÂY

a/ Tên các đảo và quần đảo có kí hiệu 1, 2, 3, ……………

b/ Tên các vườn quốc gia có kí hiệu A, B, C

c/ Tên các tỉnh và thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long

=>> Xem đáp án phần trắc nghiệm tại đây

TẢI VỀ FILE

>> Xem thêm :

+ Bài 36 – Vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Tiếp theo – Học tốt Địa Lí 9

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận