Giúp em học tốt Ngữ Văn 7 – Tìm hiểu chung về phép lập luận giải thích

Đang tải...

Tìm hiểu chung về phép lập luận giải thích

A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

1. Trong đời sống, giải thích là làm cho hiểu rõ những điều chưa biết trong mọi lĩnh vực.

2. Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ, … cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.

3. Người ta thường giải thích bằng các cách : nêu định nghĩa, kể ra các biểu hiện, so sánh, đối chiếu với các hiện tượng khác, chỉ ra các mặt lợi hại, nguyên nhân, hậu quả, cách đề phòng hoặc noi theo, … của hiện tượng hoặc vấn đề được giải thích.

Ví dụ : bài văn “Lòng khiêm tốn” đã giải thích vấn đề như sau :

– Nêu định nghĩa về lòng khiêm tốn.

– Các biểu hiện của lòng khiêm tốn ; đối lập người khiêm tốn và kẻ không khiêm tốn.

– Tại sao con người lại phải khiêm tốn ?

– Chỉ ra cái lợi của khiêm tốn và cái hại của không khiêm tốn.

4. Bài văn giải thích phải có mạch lạc, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. Không nên dùng những điều không ai hiểu để giải thích những điều người ta chưa hiểu.

5. Muốn làm được bài giải thích tốt, phải học nhiều, đọc nhiều, vận dụng tổng hợp các thao tác giải thích phù hợp.

B. HƯỚNG DẪN TÌM HlỂU BÀI

Mục đích và phương pháp giải thích

1. Trong đời sống, khi chưa rõ một điều gì đó, người ta cần được giải thích.

Ví dụ:

– Vì sao lại có nguyệt thực?

– Vì sao nước biển mặn?

– Vì sao khi mưa lại có sấm, chớp?

– Vì sao có hiện tượng thuỷ triều?…

Để trả lời được các câu hỏi trên phải có các tri thức khoa học chuẩn xác.

Như vậy, giải thích là một nhu cầu to lớn trong đời sống xã hội, làm cho người khác hiểu rõ những điều chưa biết. Khi giải thích một sự vật, hiện tượng nào đó cần chỉ ra nguyên nhân, lí do và quy luật của nó.

2. Trong văn nghị luận, người ta thường yêu cầu giải thích các vấn đề tư tưởng, đạo lí lớn nhỏ, các chuẩn mực hành vi của con người như:

– Thế nào là hạnh phúc?

– Trung thực là gì?

– Thế nào là “Có chí thì nên”?

Như vậy, giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ… cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.

Nếu dẫn chứng là linh hồn của văn chứng minh thì lí lẽ và cách lập luận là bản chất của văn giải thích.

Lí lẽ nêu ra để giải thích phải sắc bén, thể hiện một quan điểm, lập trường đúng đắn, tiến bộ, phù hợp với chân lí khách quan. Cách lập luận phải chặt chẽ. Lí và tình phải hoà hợp mới có sức mạnh thuyết phục.

Người ta thường giải thích các cách:

+ Nêu định nghĩa.

+ Kể ra các biểu hiện, so sánh, đối chiếu với các hiện tượng khác.

+ Chỉ ra các mặt lợi, hại, nguyên nhân, hậu quả, cách đề phòng hoặc noi theo…, của hiện tượng hoặc vấn đề được giải thích.

Bài văn giải thích phải có mạch lạc, lớp lang, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu. Không nên dùng những điều không ai hiểu để giải thích những điều người ta chưa hiểu.

Muốn làm được bài giải thích tốt, phải học nhiều, đọc nhiều, vận dụng tổng hợp các thao tác giải thích phù hợp.

3. Trong bài văn Lòng khiêm tốn:

– Bài văn giải thích vấn đề là lòng khiêm tốn.

Để giải thích vấn đề này, tác giả đã dùng lập luận và lí lẽ làm sáng tỏ khái niệm khiêm tốn và những biểu hiện của lòng khiêm tốn, phân tích lí do vì sao phải khiêm tốn và cần khiêm tốn như thế nào.

– Những câu định nghĩa có trong bài văn:

+ Lòng khiêm tốn có thể được coi là một bản tính căn  bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật.

+ Khiêm tốn là biểu hiện của con người đúng đắn, biết sống theo thời và biết nhìn xa.

+ Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng về phía tiến bộ, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng không ngừng học hỏi.

– Cách liệt kê các biểu hiện của khiêm tốn, cách đối lập người khiêm tốn và kẻ không khiêm tốn chính là những cách giải thích rất có hiệu quả.

– Việc chỉ ra cái lợi của khiêm tốn, cái hại của không khiêm tốn và nguyên nhân của thói không khiêm tốn cũng là nội dung của khiêm tốn.

Qua những điểm trên, có thể hiểu: giải thích là làm cho người đọc hiểu rõ một vấn đề nào đó nhằm nâng cao nhận thức, tình cảm của người đọc.

C. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Bài tập này có hai yêu cầu:

– Cho biết vấn đề được giải thích trong bài Lòng nhân đạo:

– Cho biết phương pháp giải thích trong bài Lòng nhân đạo.

Đọc bài Lòng nhân đạo thấy:

– Vấn đề được giải thích là: Lòng nhân đạo.

– Phương pháp giải thích là: Tác giả đi từ khái niệm lòng nhân đạo là lòng biết thương người đến việc đưa ra những cảnh khổ khiến mọi người xót thương để làm ví dụ về lòng nhân đạo như:

+ Một ông lão già nua răng long tóc bạc, sống kiếp đời hành khất.

+ Một đứa trẻ thơ, sống cuộc đời lang thang bằng cách đi nhặt từng mẩu bánh của người khác ăn dở.

Rồi từ đó, tác giả khái quát về sự cần thiết phải có lòng nhân đạo. “Điều kiện duy nhất để tạo sự kính yêu và mến phục đối vớị quần chúng, tốt nhất là phải làm sao phát huy lòng nhân đạo đến cùng và tột độ vậy”

Xem thêm Dùng cụm chủ vị để mở rộng câu tại đây 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận