Giúp em học tốt Ngữ Văn 7 – Luyện tập phương pháp lập luận Nghị luận

Đang tải...

Luyện tập phương pháp lập luận Nghị luận

HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

A. LẬP LUẬN TRONG ĐỜI SỐNG

1. Xác định luận cứ và kết luận.

a) “Hôm nay trời mưa” là luận cứ, “chúng ta không đi chơi công viên nữa” là kết luận.

– Luận cứ và kết luận có mối quan hệ nhân quả.

– Có thể thay đổi : “Chúng ta không đi chơi công viên nữa, vì hôm nay trời mưa”.

b) “Em rất thích đọc sách” là kết luận, “vì qua sách em học được nhiều điều” là luận cứ.

– Luận cứ và kết luận có mối quan hệ nhân quả.

– Có thể thay đổi : “Vì qua sách em học được nhiều điều nên em rất thích đọc sách”.

c) “Trời nóng quá” là luận cứ, “đi ăn kem đi” là kết luận.

– Luận cứ và kết luận có mối quan hệ nhân quả.

– Có thể thay đổi : “Đi ăn kem đi, trời nóng quá”.

2. Bổ sung luận cứ cho các kết luận :

a) Em rất yêu trường em vì đó là nơi em được dạy dỗ thành người.

b) Nói dối rất có hại vì nó làm mất lòng tin của mọi người.

c) Mệt quá, nghỉ một lát nghe nhạc thôi.

d) Cha mẹ luôn mong muốn điều tốt đẹp cho con cái, trẻ em cần biết nghe lời cha mẹ.

e) Được mở mang tầm mắt là điều thú vị nên em rất thích đi tham quan.

3. Viết tiếp kết luận cho các luận cứ :

a) Ngồi mãi ở nhà chán lắm, ra hiệu sách đi.

b) Ngày mai đã thi rồi mà bài vở còn nhiều quá, hôm nay phải tập trung để học cho xong.

c) Nhiều bạn nói năng thật khó nghe, chúng ta phải góp ý để bạn sửa chữa.

d) Các bạn đã lớn rồi, làm anh làm chị chúng nó, cư xử như thế coi sao được ?

e) Cậu này ham đá bóng thật, sau này có thể sẽ thành cầu thủ nổi tiếng đấy

II. LẬP LUẬN TRONG VĂN NGHỊ LUẬN

1. Lập luận trong đời sống thường đi đến những kết luận thu hẹp trong phạm vi giao tiếp của một vài cá nhân hoặc một tập thể nhỏ.

Lập luận trong văn nghị luận nhằm đi đến những luận điểm, những kết luận có tính khái quát, có ý nghĩa phổ biến đối với xã hội.

Ví dụ :

“Đi ăn kem đi” là một kết luận có tính nhất thời về một việc rất thông thường của cá nhân.

“Sách là người bạn lớn của con người” là một kết luận có tính khái quát, có ý nghĩa phổ biến đối với xã hội, mang tính nhân loại.

2. Lập luận cho luận điểm “Sách là người bạn lớn của con người”.

– Vì sao nêu ra luận điểm này ?

Xuất phát từ con người : Con người không chỉ có nhu cầu về đời sống vật chất mà còn có nhu cầu vô hạn về đời sống tinh thần. Sách chính là món ăn quý giá cần cho đời sông tinh thần của con người.

– Luận điểm đó có những nội dung gì ?

+ Sách là kết tinh trí tuệ của nhân loại, là kho tàng kiến thức phong phú, vô tận.

+ Sách giúp ích rất nhiều cho con người, mở mang tâm hồn và trí tuệ cho con người.

– Sách giúp con người khám phá mọi lĩnh vực của đời sống, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

– Sách giúp con người nhận thức được những vấn đề lớn của xã hội, nắm bắt quy luật của tự nhiên.

– Sách giúp con người hiểu được chính mình.

– Sách dạy con người biết sống đúng, sống đẹp.

– Sách đem lại sự thư giãn cho con người…

– Luận điểm đó có cờ sở thực tế không ?

Việc đọc sách là một thực tế lớn của xã hội. Bao thế hệ của nhân loại đã, đang, và sẽ bằng việc đọc sách mà mở mang trí tuệ, làm giàu tâm hồn, phát triển nhân cách và năng lực đóng góp cho xã hội.

– Luận điểm đó có tác dụng gì ?

Luận điểm “Sách là người bạn lớn của con người” có tác dụng nhắc nhở, động viên mọi người biết quý sách và ham thích đọc sách.

3. a) Từ truyện “Thầy bói xem voi”,

– Rút ra kết luận : Muốn hiểu biết đầy đủ về một sự vật, sự việc, ta phải xem xét toàn diện sự vật, sự việc ấy.

– Cách lập luận :

+ Bản chất của sự vật, sự việc thường được biểu hiện rất đa dạng và phong phú.

+ Chỉ biết sơ qua một vài biểu hiện mà đã nhận xét thì chắc chắn những nhận xét ấy hoặc thiếu sót, hoặc sai lệch bản chất của sự vật.

+ Việc tìm hiểu toàn diện một sự vật là cả một quá trình lao động nghiêm túc.

b) Từ truyện “Ếch ngồi đáy giếng”,

– Rút ra kết luận : Tự phụ, kiêu căng, chủ quan sẽ dẫn đến thất bại thảm hại.

– Cách lập luận :

+ Tính tự phụ, chủ quan dẫn đến sự lầm tưởng là mình hiểu biết tất cả và tự coi mình là trên hết.

+ Vào thực tế, sự yếu kém kia nhanh chóng dẫn đến thất bại thảm hại.

Xem thêm Bố cục và phương pháp lập luận trong văn Nghị luận tại đây 

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận