Giúp em học tốt Ngữ Văn 7 – Tìm hiểu chung về văn nghị luận

Đang tải...

Tìm hiểu chung về văn nghị luận

A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

1. Trong đời sống, con người luôn luôn có nhu cầu nghị luận, tức là muốn bày tỏ ý kiến của mình nhằm thuyết phục người khác về một vấn đề nào đó. Ta thường gặp văn nghị luận dưới dạng các ý kiến thảo luận, các bài xã luận, bình luận, các bài phát biểu ý kiến trên báo chí…

2. Văn nghị luận là lối văn nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, một quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận phải có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục.

– Ví dụ : bài “Chống nạn thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn bản nghị luận tiêu biểu.

Mục đích của bài văn được nói rõ ở nhan đề : xác lập cho mọi người tư tưởng chống nạn thất học, từ đó kêu gọi mọi người tích cực góp sức vào phong trào “diệt giặc dốt”.

– Để thực hiện mục đích ấy, bài viết nêu ra các luận điểm sau :

+ Luận điểm 1 : “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”.

+ Luận điểm 2 : “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.

Đó là hai câu văn mang luận điểm, có ý nghía khẳng định ý kiến, khẳng định tư tưởng của người viết.

– Để ý kiến có sức thuyết phục, bài viết nêu lên những lí lẽ sau :

+ Tình trạng thất học của người Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

+ Những điều kiện cần phải có để người dân tham gia xây dựng nước nhà.

+ Những khả năng thực tế để thực hiện việc chông nạn thất học.

3. Những tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận phải  hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống thì mới có ý nghĩa.

B. HƯỚNG DẪN TÌM HlỂU BÀI

I. Nhu cầu nghị luận

1. Trong đời sống, các em thường gặp những vấn đề và câu hỏi như:

– Vì sao em đi học?

– Vì sao con người cần phải có bạn bè?

– Theo em, như thế nào là sống đẹp?

– Trẻ em hút thuốc là xấu hay tốt, là hại hay lợi?

Những câu hỏi về các vấn đề tương tự có thể kể ở đây là:

– Tại sao phải học suốt đời?

– Thế nào là người con ngoan, trò giỏi?

– Người bạn tốt là người như thế nào?

– Tại sao phải trồng cây gây rừng?…

2. Gặp các vấn đề và câu hỏi loại đó, khó có thể trả lời bằng các kiểu văn bản đã học như kể chuyện, miêu tả hay biểu cảm. Muốn trả lời các câu hỏi trên, chúng ta buộc phải dùng lí lẽ để giải thích, thuyết phục; phải sử dụng các khái niệm, dẫn chứng.

3. Để trả lời những câu hỏi như thế, hằng ngày trên báo chí, qua đài phát thanh, truyền hình ta thường gặp văn nghị luận. Văn bản nghị luận tồn tại dưới dạng các ý kiến nêu ra trong cuộc họp, các bài xã luận, bình luận, bài phát biểu ý kiến trên báo chí…

Một kiểu văn bản đó là: chống buôn lậu, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ rừng, phòng chống bão lụt…

II. Thế nào là văn bản nghị luận?

Văn nghị luận là văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận phải có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục.

Những tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống thì mới có ý nghĩa.

– Bác Hồ viết bài Chống nạn thất học nhằm mục đích: kêu gọi mọi người đi học để nâng cao dân trí.

Để thực hiện mục đích ấy, bài viết nêu ra những ý kiến sau:

– Khi thực dân Pháp cai trị, nhân dân ta phần lớn bị thất học do chính sách ngu dân của chúng.

– Nay, ta giành được quyền độc lập, phải nâng cao dân trí cho nhân dân.

– Muốn thế, mọi người phải đi học.

– Muốn giúp mọi người đi học, phải vận động những người đã biết chữ dạy cho những ngưòi chưa biết chữ.

– Những ý kiến trên được diễn đạt thành những luận điểm sau:

– Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí.

– Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

2. Để ý kiến có sức thuyết phục, bài viết đã nêu lên những lí lẽ sau:

– Tình trạng thất học, lạc hậu của 95% dân số.

– Điều kiện để người dân tham gia xây dựng nước nhà.

– Khả năng dạy chữ, học chữ Quốc ngữ cho mọi người là to lớn, việc chống thất học có thể thực hiện được.

3. Tác giả cũng có thể thực hiện mục đích của mình bằng văn kể chuyện (tự sự), miêu tả và biểu cảm nhưng những cách làm này sẽ khó hơn gấp nhiều lần và hiệu quả mang lại sẽ không cao như dùng văn nghị luận.

C. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Đọc bài văn Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội

a) Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội là bài nghị luận, vì nó đặt ra vấn đề phải tạo thói quen tốt trong xã hội và phê phán thói quen xấu.

b) Tác giả đã đề xuất ý kiến tạo ra thói quen tốt, phê phán thói quen xấu và kêu gọi mọi người tạo ra những thói quen tốt, chống thói quen xấu để tạo ra nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội.

Nhan đề của bài viết Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội và ba câu trong đoạn kết của bài viết: Tạo được thói quen tốt là rât khó. Nhưng nhiễm thói quen xấu thì dễ. Cho nên, mỗi người, mỗi gia đình hãy tự xem lại minh để tạo ra nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội? (thể hiện ý kiến trên).

Để thuyết phục người đọc, tác giả nêu ra những lí lẽ và dẫn chứng về thói quen xấu là:

– Hút thuốc, gạt tàn bừa bãi.

– Vứt rác gây mất vệ sinh.

– Vứt rác gây tai nạn chảy máu nguy hiếm.

c) Bài nghị luận này nhằm giải quyết vấn đề có trong thực tế. Đây là vấn đề xã hội cần tất cả mọi người trong xã hội thực hiện.

Ý kiến của bài viết rất hay: Tạo thói quen tốt, chống thói quen xấu là nhằm tạo ra nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội.

2. Về bố cục, bài văn trên chia làm 3 phần:

– Mở bài: Có thói quen tốt… là thói quen tốt, nói về thói quen tốt.

– Thân bài: Hút thuốc lá… rất nguy hiểm, nói về các thói quen xấu.

– Kết bài: Tạo được thói quen… cho xã hội, kêu gọi xây dựng thói quen tốt từ mỗi người, mỗi gia đình.

3. Em tự sưu tầm hai đoạn văn nghị luận trong báo hay trong sách  giáo khoa.

Bài văn Hai biển hồ là văn bản nghị luận. Bài văn kể chuyện về hai biển hồ: Biển Chết và biển Ga-li-lêchỉ là phương tiện để đi đến vấn đề tư tưởng: cần phải sống để sẻ chia, hòa hợp thì mới có ích cho mọi người và chính bản thân mình (như biển hồ Ga-li-lê); nếu chỉ biêt giữ cho riêng mình thì sẽ chết dần chết mòn (như biển Chết).

Xem thêm Tục Ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất – Văn 7 tại đây

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận